Tuesday, February 23, 2016

Những độc hại của Tam quốc diễn nghĩa

Ai cũng biết thời Tam quốc, thiên hạ chia ba, nước nào cũng muốn độc chiếm ngôi chúa tể và nước nào cũng có đúng sai, đó là “bản tính của lịch sử”, nhưng đến Tam quốc diễn nghĩa (TQDN) thì biến thành “tôn Lưu, biếm Tào”. Mấu chốt là vì sao bộ truyện lại có khuynh hướng ấy?

Ý kiến chung cho rằng do “chịu ảnh hưởng của tư tưởng chính thống”, song nếu chỉ tranh giành “chính thống” thì vị tất cứ phải “tôn Lưu, biếm Tào”. Trần Thọ viết Tam quốc chí, cho Tào Ngụy là chính thống song không hạ thấp Lưu Bị. Cũng như vậy, Tôn Quyền không phải chính thống, La Quán Trung cũng không gọi ông ta là “giặc Tôn”. Quan trọng hơn nữa, chính thống hay không, chẳng liên quan gì đến bạn đọc thông thường; dân càng không quan tâm ai làm vua, chỉ quan tâm vua có tốt hay không. Vua tốt thì nhân từ và sáng suốt. Vua nhân từ thì dân dễ sống, vua sáng suốt thì quan dễ làm, tóm lại là quan thanh liêm chính trực, dân an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình. Nếu vua, quan không nhờ vả được, dân phải trông cậy vào hiệp khách “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Thế là hình thành ba giấc mộng trong xã hội truyền thống: Mộ̣ng vua thánh, mộng quan thanh liêm và mộng hiệp khách.

Ba giấc mộng này đã được La Quán Trung thực hiện giùm: trong truyện, Lưu bị là vua thánh, Gia Cát Lượng là quan thanh liêm, hiệp khách là Quan Vũ, Trương Phi, bởi thế, sử (Tam quốc chí. Tiên chúa truyện) chép người đả Đốc Bưu là Lưu Bị được đổi thành Trương Phi, nhân đó Lưu Bị cuống lên quát Trương Phi ngừng tay. Sửa đổi này nhất cử lưỡng đắc: chứng tỏ Lưu Bị nhân từ, Trương Phi nghĩa hiệp. Khéo hơn nữa là truyện còn có điển hình phản diện Tào Tháo. Tào Tháo giết người nên là bạo chúa, Tào Tháo soán ngôi nhà Hán nên là gian thần, Tào Tháo nói: “Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta”, đương nhiên là tiểu nhân! Tốt rồi, một bên là vua thánh, quan thanh liêm, hiệp khách, một bên là bạo chúa, gian thần, tiểu nhân, vậy còn gì phải nói nữa, tất nhiên là tôn Lưu, biếm Tào thôi. Có được “định tính đạo đức” như vậy, thủ thuật “biến tính” mà TQDN thực hiện mới thuận lý thuận tình, mọi người hể hả.

Mấu chốt vấn đề là ở đấy: cuộc tranh giành quyền lực giữa Tào và Lưu biến thành cuộc đua tranh giữa hai đường lối, đua tranh về đạo đức, đua tranh về giá trị hạt nhân. Đằng sau chiêu bài “chính thống” là “lá cờ đạo đức” giương cao. Bởi thế, hồi 1 không phải Đổng Trác vào Kinh mà là “kết nghĩa vườn đào”. Tác giả đã cân nhắc rất kỹ vì có “kết nghĩa vườn đào” mới thể hiện được chủ đề trung nghĩa. Tuy nhiên đó cũng chính là chỗ thất bại của truyện.

Trung nghĩa: Quan Vũ

Quan Vũ là nhân vật Tam quốc được đời sau tôn sùng nhất, đời Nguyên đã thành thần, sau đó thành thánh (Quan thánh đế), được người hâm mộ nhiều hơn cả Gia Cát Lượng. Hiển nhiên không phải vì võ nghệ cao cường, so ra Quan Vũ không giỏi võ bằng Lã Bố. Trong truyện, Quan Vũ được xây dựng thành nhân vật “trung nghĩa song toàn”. Một mình một ngựa vượt ngàn dặm là trung, tha Tào Tháo ở Hoa Dung đạo là nghĩa. Quan Vũ là điển hình trung nghĩa, là lá cờ trung nghĩa, là mẫu mực trung nghĩa.

Thật ra, Quan Vũ cũng có lấn cấn, đó là bị bắt rồi đầu hàng. Ở thời Tam quốc, chuyện đó cũng bình thường, nhưng sang đời Tống, quan niệm có thay đổi: “Chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết là việc lớn”. Thế là TQDN mượn Trương Liêu cứu nguy bằng biện pháp lấy trung nghĩa đối kháng với trung nghĩa. Hồi 24, khi Quan Vũ toan tử chiến ở Hạ Phì, Trương Liêu phân tích, nếu chết, Quan Vũ sẽ mắc ba tội: phụ lời sống thác có nhau với Lưu Bị, phụ lời phó thác bảo vệ hai phu nhân của Lưu Bị, phụ nghĩa lớn là không phò nhà Hán. Bị chụp ba cái mũ ấy, Quan Vũ toan chết vì trung nghĩa lại hóa ra “bất trung bất nghĩa”. Thế là Quan Vũ quyết định “cứu nước theo đường cong”, đầu hàng có điều kiện dưới tiền đề “hàng Hán không hàng Tào”, sau đó trở về với Lưu Bị khi đã lập công giết giặc. Tào Tháo thì sao? Ông ta chẳng những không ngăn cản mà còn đích thân tiễn đưa, tặng lộ phí, tặng chiến bào, thông báo các quan ải không được ngăn cản Quan Vũ. Lý do? Đó là “kính nể lòng trung nghĩa của Quan tướng quân”.

Tào Tháo đối xử như thế có thể thật lòng mến Quan Vũ, cũng có thể vì muốn để lại một món nợ tình cảm, nhưng kết quả đối với Quan Vũ đều như nhau: “Tận trung với Bị, thất nghĩa với Tào”. Bản thân Quan Vũ cũng chịu sức ép về tư tưởng, lo ngại qua năm cửa ải chém sáu tướng sẽ bị Tào Tháo cho là “bất trung, bất nghĩa”. Trung nghĩa phải được báo đáp bằng trung nghĩa, vì thế mới có vụ “Hoa Dung đạo”. La Quán Trung cũng tự biết có lấn cấn nên sắp xếp cho Gia Cát Lượng xí xóa bằng “Lượng đêm xem tượng Càn, thấy giặc Tháo chưa đến lúc chết”.

Chủ đề trung nghĩa của TQDN đã sớm đổi màu, “hàng Hán không hàng Tào” là chuyện nực cười, nhưng hầu như chẳng có ai muốn mổ xẻ, trái lại chỉ tìm cách giải thích cho xuôi. Trước hết khẳng định, nếu đầu hàng có điều kiện vẫn là “trung”; sau khi đầu hàng lại trở về thì càng quí, là “đại trung”; thứ đến khẳng định, nếu đối phương tiếp nhận điều kiện thì là “nghĩa”; nếu giữ lời hứa thì càng quí, là “đại nghĩa” và như vậy cần báo đáp.

Thế là Tào Tháo luôn bị mắng nhiếc là “tiểu nhân bất nghĩa” thì ở hồi này xử sự đạt mức “nghĩa trùm trời xanh” nên xứng đáng được Quan Vũ tha cho ở đường Hoa Dung.

“Cứu nước theo đường cong”, đầu hàng có điều kiện mà vẫn là trung nghĩa, thế là người ta có cửa sau để ra, có đường lùi để thoát. Nhưng không có trung nghĩa thì TQDN không có linh hồn, còn lại chỉ là mưu mẹo quyền biến.

Mưu mẹo quyền biến: Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng trong sử là một nhân vật chính phái. Ông hết lòng vì thiên hạ, lo nước lo dân, cúc cung tận tụy, lòng trung ngời ngời, chính trực liêm khiết, giữ mình vì việc công, khiêm tốn thận trọng, lấy thân làm mẫu, thực sự cầu thị, tuân thủ luật pháp. Một người như thế quả thật đáng để chúng ta kính trọng. Nhưng trong TQDN, những phẩm chất như thế lại đi đôi với quyền mưu (mưu mẹo ứng biến). Trong sử (Tam quốc chí. Gia Cát Lượng truyện), Gia Cát Lượng cả đời giữ mình cẩn thận, “mưu mẹo ứng biến không phải là sở trường của ông”, cho nên Lưu Bị đánh trận không mang theo ông. Khi đánh Hán Trung, mang theo Pháp Chính, đánh Ích Châu mang theo Bàng Thống. Bàng Thống là người khá vô sỉ, Lưu Chương nghĩ tình anh em, mời Lưu Bị vào Ích Châu giúp mình chống Tào, Bàng Thống đã khuyên Lưu Bị chiếm luôn lấy Ích Châu. Lưu Bị lưỡng lự thì Bàng Thống nói: “Khi nào thành công sẽ phong cho Lưu Chương một nước to khác thì có việc gì mà chẳng tín nghĩa?” (Hồi 60).

La Quán Trung còn gán nhiều sự việc khác cho Bàng Thống (như hiến kế liên hoàn) và còn theo mẫu Bàng Thống “chỉnh dung” cho Gia Cát Lượng. Thí dụ điển hình nhất là “tam khí Chu Du”. Đương nhiên đây là việc không có và không thể có trong sử. Nhưng không hề gì, có thể hư cấu. Vấn đề là bịa thì cũng phải bịa cho hay. Có hay không? Nếu nói hấp dẫn thì quả thật rất hay, nhưng nếu nói về phẩm cách thì quả thật chẳng hay. Đúng như học giả Hồ Thích từng nhận xét, trong TQDN, “Chu Du phong lưu nho nhã bị viết thành kẻ tiểu nhân đố kỵ, nham hiểm”, còn Gia Cát Lượng bị viết thành “kẻ tiểu nhân xảo quyệt, gian trá” (Tựa Tam quốc chí diễn nghĩa). Về Chu Du, thôi thì cho qua, nhưng về Gia Cát Lượng thì thành vấn đề lớn, bởi TQDN giương cao lá cờ đạo đức. Là nhân vật nam số một, Gia Cát Lượng làm sao có thể là tiểu nhân được? Nếu Du, Lượng đều là tiểu nhân thì cuộc đấu giữa họ chẳng hóa ra “chó cắn chó, mõm đầy lông” hay sao?

Nhưng Gia Cát Lượng “tam khí Chu Du” có phải là tiểu nhân không? Đúng là tiểu nhân, hơn nữa là tiểu nhân đắc chí. Hãy nghe ông ta sai quân lính hô câu gì? Hô “Chu lang mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân”. Đấy không phải cuộc đọ trí mà là cố ý sỉ nhục người. Anh hùng chân chính đều thương tiếc người tài, tiêu diệt đối phương bằng âm mưu quỷ kế thì bản thân chẳng đáng gọi là anh hùng. Chỉ cần so sánh với việc Tào Tháo đối xử với Quan Vũ là đủ thấy cao thấp chênh nhau đến mức nào.

Đó không phải là Gia Cát Lượng được người đời sùng bái, chỉ có thể là “hàng nhái” do “hủ nho” tạo ra theo mẫu Bàng Thống. Cho nên khi “hàng nhái” rỏ nước mắt cá sấu thì Bàng Thống xuất hiện, cả hai cười ha hả, “dắt tay nhau lên thuyền nói chuyện”(Hồi 57).

Bại bút của TQDN là biến “thánh nhân” thành “tiểu nhân” do tác giả muốn “quyền mưu hóa” Gia Cát Lượng. Quyền mưu kết hợp với ngụy thiện thì hại người càng lắm, vậy mà Gia Cát Lượng trong TQDN đúng là nhân vật như thế.

Hãy xem Gia Cát Lượng trong “tam cố thảo lư”. Ba lần đến lều cỏ là chuyện có thật, song quá trình cụ thể ra sao, sử không chép. TQDN hư cấu việc này rất hấp dẫn, nhưng nếu ai tinh ý ắt thấy những cuộc “kỳ ngộ” của Lưu Bị ở Long Trung, từ nông dân biết hát, chú tiểu đồng đến ẩn sĩ và cha vợ đều do Gia Cát Lượng dưới bút tác giả sắp đặt, chẳng qua để biến thị trường bên mua thành thị trường bên bán, khiến Lưu Bị phải mua với giá cực cao.

Hơn nữa, Gia Cát Lượng “thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị”(*), từng chê bốn người bạn nếu có “làm quan, chỉ làm đến thứ sử, quận thủ là cùng” (Hồi 37), vậy mà khi nghe Từ Thứ nói đã tiến cử mình lại “ra vẻ giận, nói: Thế ra ngươi coi ta như là vật dùng để cúng tế, có phải không?”(Hồi 36). Gia Cát Lượng chân chính lẽ nào lại giả dối như thế? Thật ra, giả dối không phải của một mình La Quán Trung mà là giả dối tập thể của cả lứa nhà nho thời trước. Họ muốn làm quan nhưng vẫn muốn lấy mẽ, mơ tưởng cao ngạo ngồi nhà để vua đến mời, mời đến ba lần; sau khi “xuống núi”, nói gì vua cũng nghe, ân sủng không ngớt, vinh gia hiển tổ. Đó là “giấc mộng kê vàng” của rất nhiều người.

Những chỗ quyền mưu đi đôi với ngụy thiện như thế có không ít trong TQDN, ví như Lưu Bị quăng A Đẩu, Lưu Bị đưa dân cả thành đi theo (Hồi 41) v.v...

Tóm lại, dù là một trong bốn kỳ thư nổi tiếng thế giới, TQDN để lại cho chúng ta một lá cờ đáng ngờ: trung nghĩa và hai viên thuốc có chất độc: ngụy thiện, quyền mưu. Những viên thuốc như thế, dù được bọc đường, chúng ta không thể uống mãi; lá cờ như thế, dù được thêu hoa văn rồng phượng, chúng ta cũng không thể tiếp tục giương cao.

*****
Hồi 41 Tam quốc diễn nghĩa với đề Lưu Huyền Đức đưa dân qua sông cho thấy rõ bộ mặt ngụy thiện của Lưu Bị. Đã có nhiều người phân tích, ở đây tạm trích một ý kiến.

Trong con mắt mọi người, Lưu Bị chẳng phải là ông vua nhân từ số một trong thiên hạ, yêu dân như con, thà hy sinh mình chứ không chịu để cho dân phải khổ hay sao? Sự việc thể hiện rõ nhất đức độ này của Lưu Bị không gì hơn cuộc chiến ở gò Trường Bản. Khi ấy, Tào Tháo tiến về miền Nam, Lưu Bị dẫn mười vạn dân đi theo đang bị Tào Tháo đuổi kíp. Theo Tam quốc diễn nghĩa (TQDN), Lưu Bị không muốn bỏ dân, cho dù quân đội của mình bị tiêu diệt, thế lực của mình bị tiêu hao cũng không chịu để dân bị thương vong. Nhưng chính ở cuộc chiến này đã làm nổi bật sự nham hiểm và quyền mưu của ông ta, đó là dùng dân để đặt cược. Dụng ý không bỏ dân gồm mấy nguyên nhân sau đây:

Một là, để mình được thoát. Lúc ấy kỵ binh của Tào Tháo một ngày đi hơn ba trăm dặm, Lưu Bị dù không đưa dân đi theo cũng bị quân Tào đuổi kịp, nhưng nếu mang theo dân (dân lúc ấy đi sau ông ta), dân sẽ ngăn quân Tào, quân Tào muốn giết họ ắt mất nhiều thời gian, Lưu Bị ắt thừa cơ chạy thoát; nếu không giết cũng phải cử người phủ dụ họ, đưa họ trở về Tân Dã.

Hai là, để Tào Tháo bị chửi. Trong đám loạn quân, dân khó tránh có người thương vong, Lưu Bị có thể mượn cớ đó để thảo phạt Tào Tháo.

Ba là, để bảo tồn lực lượng. Lưu bị nếu chạy thoát, lại dẫn theo được mấy vạn dân thì sau đó được tăng thêm quân và lực lượng sản xuất. Phải thừa nhận, trong việc này, kỹ xảo diễn xuất của Lưu Bị quá giỏi, lừa được bao nhiêu người. Sau khi bình định được Ba Thục, một mưu sĩ đã nói với ông ta: “Bên ta thi hành chính sách chỉ cần ngược với Tào Tháo là có thể được lòng cả thiên hạ”. Như thế đủ thấy, dân chúng chỉ là công cụ của Lưu Bị, ông ta không hề yêu dân thật lòng.

Trước đó, TQDN cũng cho thấy Lưu Bị là quân tử giả hiệu. Khi thủ hạ của Đào Khiêm là Trương Khải giết chết cả nhà Tào Tháo, Tào Tháo căm giận đánh Đào Khiêm, đi đến đâu chém giết đến đấy, tuy có quá đáng song cũng vì trả thù cho bố. Lưu Bị muốn cứu Đào Khiêm, viết thư khuyên Tào Tháo rút quân, lo việc triều đình trước, sau hãy trả thù riêng (Hồi 11). Mấy chục năm sau, Quan Vũ để mất Kinh Châu và bị giết chết, Lưu Bị đã quên những lời chính mình khuyên Tào Tháo trước đây, cất quân cả nước đánh Tôn Quyền trả thù cho em kết nghĩa. Nói đến cái chết của Quan Vũ, không thể không nói đến Tôn Quyền có lòng tốt cho Lưu Bị “mượn Kinh Châu”. Lưu Bị hứa khi nào lấy được Ba Thục thì trả Kinh Châu, nhưng khi lấy được Ba Thục, Lưu Bị lại nói lấy được Hán Trung rồi sẽ trả. Lấy được Hán Trung rồi thì sao? Vẫn cứ ỳ ra, không chịu trả. Đó là chiến thuật của kẻ vô lại. Quân tử lại ưng dùng chiến thuật vô lại, như thế chẳng phải là ngụy quân tử hay sao? Tôn Quyền dùng văn không xong, buộc phải dùng võ là điều tất nhiên!

Lưu Bị căm thù kẻ giết em kết nghĩa chẳng kém gì Tào Tháo căm thù kẻ giết cha ruột của mình. Cuộc kết nghĩa vì mục đích cao cả giữa Lưu, Quan, Trương từng làm cảm động biết bao thế hệ độc giả. Thời xã hội truyền thống, ai mà chẳng muốn trong cuộc đời mình có được mấy anh em thân thiết, nương tựa nhau như môi với răng, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn? Huống hồ cuộc sinh tồn của “thảo dân” rất gian nan, sinh mệnh của họ khó được bảo đảm, hoàn cảnh lại chênh vênh, lực lượng lại mỏng yếu. Nếu không “kết nghĩa kim lan” thì ai quan tâm đến sống chết của mình?

Nhưng vấn đê ̀chính là ở chỗ ấy. Bây giờ, nếu các thành viên một xã hội chỉ dựa vào biện pháp ấy để sinh tồn, để phát triển thì có còn là xã hội tốt đẹp hay không? Hiển nhiên, để quốc gia tiến bộ, dân được hạnh phúc, chúng ta phải vứt bỏ “kết nghĩa vườn Đào”, xây dựng quốc gia pháp trị thông qua “công ước toàn dân”. Gắn bó bằng “khế ước xã hội” như thế cũng là một loại “kết nghĩa”, chỉ có điều không kết nghĩa ở “vườn Đào”. Cho dù ở xã hội truyền thống, ảnh hưởng và tác dụng của “kết nghĩa vườn Đào” cũng có hai mặt chính, phản. Anh em kết nghĩa làm việc tốt thì ảnh hưởng là chính diện, anh em kết nghĩa làm việc xấu thì tác dụng là phản diện.

Có thể có người sẽ bảo tôi: “Trung Thiên, anh không thể chỉ vì một cuộc kết nghĩa vườn Đào mà phủ định toàn bộ TQDN. Phẫu thuật chỉnh dung (như phim truyền hình Tam quốc gói gọn trong có mười giây) chẳng được hay sao?”. Nghe ra rất có lý, tiếc rằng “kết nghĩa vườn Đào” không phải là cái mụn mọc trên mặt. Là một tác phẩm văn học nổi tiếng, TQDN có chủ đề rõ ràng, có kết cấu chặt chẽ. Dùng “kết nghĩa vườn Đào” để mở đầu cả bộ truyện là tác giả đã nghĩ lung lắm. Nếu bỏ đi, chẳng những rất nhiều câu chuyện đằng sau không thể viết mà quan trọng hơn là không có cách gì thể hiện chủ đề trung nghĩa của bộ truyện.

Trung nghĩa là điều chúng ta thích, chúng ta ham. Trong thời gian rất dài, xã hội Trung Quốc đều là xã hội nông nghiệp, trọng nông ức thương, như thế ắt không thể sản sinh tinh thần khế ước. Không có tinh thần khế ước sẽ không có truyền thống pháp trị. Nếu không có khế ước và pháp trị để nương tựa thì chỉ có thể dựa vào đạo đức, hoặc nói chỉ có thể lấy lòng tin thay cho khế ước, lấy đạo đức thay cho pháp trị. Như thế, trước hết phải coi trọng “trung”, thứ đến phải coi trọng “nghĩa”. Trung để quy phạm bản thân, nghĩa để quy phạm người khác. Tôi trung thành, anh trượng nghĩa, dưới trên, tả hữu đều cân nhắc, thế là trật tự được duy trì, quan hệ được giữ vững, thiên hạ được thái bình. Còn như mâu thuẫn nội tại của chúng, chúng ta có thể làm như không thấy, hoặc cố ý hay vô tình né tránh. Chúng ta có tinh thần A.Q mà!

Đáng tiếc là sự việc không đơn giản như chúng ta tưởng tượng. Ví như Trương Liêu biết sớm muộn gì Quan Vũ cũng bỏ đi, báo hay không báo cho Tào Tháo biết đây? Không báo là bất trung với Tào Tháo, báo là bất nghĩa với Quan Vũ, cuối cùng Trương Liêu chọn trung trước, nghĩa sau. Thật ra đó cũng là yêu cầu của đạo đức luân lý truyền thống: Trung ở trên nghĩa, bởi vậy khi vừa lên làm Trại chủ Lương Sơn, Tống Giang đã đổi Tụ nghĩa sảnh thành Trung nghĩa đường.

Khốn nỗi ở thời Tam quốc, tướng lĩnh đầu hàng nhan nhản, “trung” là cả một vấn đề. Mâu thuẫn của vấn đề đã được TQDN ra sức dàn xếp nhưng chúng cứ như A Đẩu, vực đến mấy cũng cứ đổ.

Ngoài ra, trước tình hình nhiều đạo diễn vẫn muốn cải biên TQDN thành phim, khi được Nam Đô tuần san phỏng vấn, Dịch Trung Thiên nói:

“Bất kể dùng phương thức gì, điện ảnh, phim truyền hình hay kịch, cũng bất kể người ta nhìn nhận thế nào, tôi đều phản đối cải biên TQDN. Không thể cải biên TQDN! Cải biên Tây du ký, Hồng lâu mộng, Thủy hử truyện đều được, tôi không phản đối, tôi chỉ phản đối cải biên TQDN. Bài Chứng bệnh về tư tưởng chủ đề của TQDN đăng trên Nam phương cuối tuần của tôi đã định nghĩa TQDN là một lá cờ đáng ngờ và hai viên thuốc có độc, vì thế có thể viết lại lịch sử về giai đoạn Tam quốc, nhưng không thể cải biên TQDN.

Cho nên các đạo diễn tuy đê ̀xuất “chỉnh dung chứ không biến tính” (tính là tư tưởng chủ đề), song họ cũng biết là không thể được, bởi vì tư tưởng của TQDN quả thật quá tệ, nếu tái hiện đúng như thế là không được. Bởi vậy họ cũng muốn điều chỉnh, nhưng điều chỉnh không xong vì đó là thứ đã ăn sâu tận xương rồi. Cho nên khi được đạo diễn Dương Hiểu Dân mời góp ý về kịch bản Tam quốc, tôi đã giao hẹn với anh ấy bốn điều: một là không ủng hộ, hai là không phản đối, ba là không tham gia, bốn là không bình luận. Tôi không phản đối chỉ là không công khai phản đối. Anh cứ việc tiến hành, trong quá trình anh làm phim, tôi không công khai phản đối. Bạn bè với nhau, đối xử như thế là thỏa đáng rồi.

Thủy hử truyện cũng có vấn đề, khá nghiêm trọng là kỳ thị phụ nữ, nhưng có thể điều chỉnh, chỉ khó nhất là mấy hồi về Phan Kim Liên. Dương Hùng và Phan Xảo Vân dễ hơn một chút, có thể tránh né, còn Phan Kim Liên thì không tránh né được. TQDN cũng như vậy, cho nên tôi cảm thấy nếu muốn làm phim thì nên trở về với Tam quốc chí, trở về với Trần Thọ chứ không phải La Quán Trung. Đây không phải là vấn đề lịch sử hay văn học.

Văn học cũng phải xem là văn học thế nào. Văn học rõ ràng có độc mà vẫn muốn cải biên hay sao? Thích đọc TQDN là vướng vào ma túy rồi. Tư tưởng mà bộ truyện truyền bá cản trở Trung Quốc tiến bộ. Có được ý thức hiện đại ắt sẽ phản cảm với quan niệm đạo đức và quan niệm giá trị ở TQDN. Và bạn đọc nào có ý thức hiện đại mà đọc TQDN cũng phản cảm như thế.

(Trích thuật từ bài Chứng bệnh về tư tưởng chủ đề của Tam quốc diễn nghĩa của Dịch Trung Thiên, GS khoa Văn trường Đại học Hạ Môn, nhà văn)

No comments:

Post a Comment