Trả lời báo chí bên lề Quốc hội liên quan đến công văn chỉ đạo “thắt chặt” thông tin báo chí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định “Không có giới hạn thông tin chống tiêu cực thi cử”.
Ông Luận nói: “Chúng tôi chỉ đề nghị các cơ quan thông tin trao đổi với nhà trường, công an, Bộ để phối hợp điều tra về những thông tin này. Còn vai trò chủ động thông tin là của báo chí. Nếu cơ quan chức năng không phối hợp, báo chí có thể công bố luôn việc này”.
Dù phân trần cách gì thì nội dung công văn 2998 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 vẫn không thể thay đổi: “Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề thi, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi…(nếu có)”.
“Bút sa gà chết”, khó có thể bắt thiên hạ hiểu cách nào khác là hạn chế báo chí bằng chỉ đạo vượt thẩm quyền và vi phạm Luật Báo chí. Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành Thông tư 04, điểm b khoản 1 Điều 42a quy định: “Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận tại Khoản 2 Điều này trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào”.
Quy định này đã bị dư luận phản đối vì đã góp phần che giấu sai phạm trong thi cử, thậm chí còn vi phạm Luật Tố cáo. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành Thông tư 06, bãi bỏ nội dung “không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào”. Thái độ nhận sai và kịp thời sửa chữa của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, cũng ngạc nhiên đặt câu hỏi, tại sao ở tầm của cấp bộ mà non tay như vậy?
Chỉ với hai văn bản trên, có thể nhận thấy, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các công văn chỉ đạo của Bộ giáo dục – Đào tạo có vấn đề, nói thẳng ra là không chuẩn. Những người trực tiếp biên soạn văn bản bị hạn chế kiến thức pháp luật, dẫn đến sai sót, xung đột với các quy định của pháp luật.
Đối với nội dung vi phạm Luật Báo chí tại công văn 2998, Bộ Giáo dục – Đào tạo nên bày tỏ thiện chí bằng cách nhận sai, rút lại hoặc sửa chữa nội dung cho phù hợp. Sai thì sửa, không nên bao biện thêm chỉ mất thì giờ và mất uy tín.
Nhưng quan trọng hơn, Bộ Giáo dục – Đào tạo nên chấn chỉnh bộ phận biên soạn các văn bản, nếu không thì sẽ tiếp tục sai sót. Với những kiến thức sơ đẳng như hai văn bản vừa qua mà còn để sai thì quá nguy hiểm.
Lê Chân Nhân
No comments:
Post a Comment