Wednesday, May 8, 2013

Tiểu Psy và giấc mơ mọi loài xác thịt !


Có khi nào bạn nổi giận khi trên báo chí nước ngoài, những cô gái đồng bào của bạn được quảng cáo như những con thú cảnh, “lẳng lơ và cực rẻ”

Sau khi nổi như cồn với sự xuất hiện trong Video Gangnam Style, cậu bé 8 tuổi Hwang Min Hoo đang phải đối mặt với sự bôi nhọ ác ý chưa từng thấy. “Một đứa con lai thấp kém”, “Đừng nghĩ rằng một người như nó có thể sống ở đây”….
Các bạn sẽ hỏi tôi rằng vì sao một ngôi sao nhí của K pop, người được gọi là “Tiểu Psy” lại bị kỳ thị nặng nề đến như vậy? Câu trả lời: Tiểu Psy có mẹ là một người Việt Nam.
Câu chuyện của Tiểu Psy không chỉ là sự kỳ thị mang tính chất cá biệt của một nhóm người, như những người Hàn thanh minh. Cũng hoàn toàn không phải là chuyện của cá nhân cậu bé. Chắc chắn thế. Bởi không thiếu những từ ngữ dành cho người Việt. “Bẩn thỉu”, hay “Negrito”, những từ ngữ xúc phạm đến nỗi chúng ta không dám tra nghĩa. Bởi không thiếu những ánh mắt “hình dấu hỏi” khi bạn trình một tấm hộ chiếu Việt Nam.


Tôi nhớ lại sự kỳ thị mà cậu bé 8 tuổi đang phải chịu đựng khi hôm nay đọc trên VietNamNet lời tâm sự của một người lao động Nghệ An đã phải hàng tháng giời rong ruổi qua hết công ty nọ đến công ty kia để tìm việc làm. Ước mơ có được một việc làm giản dị đến nỗi rất nhẫn tâm nếu gọi đó là một ước mơ. Nhưng điều mà anh nhận lại, chỉ là những cái lắc đầu, những cái nhìn thiếu thiện cảm, những khuôn mặt ban đầu tươi cười sau đó “biến sắc lạnh lùng”. Tốt hơn một chút thì là những lời khuyên, chân thành nhưng đầy ngậm ngùi: “Công ty này không nhận người Nghệ An con ơi!”. Sự kỳ thị nặng nề đến mức những ông giám đốc người nước ngoài đang điều hành doanh nghiệp trên đất Việt cũng bị ảnh hưởng, cũng dị ứng ngay cả với những từ ngữ đơn thuần “Thanh Hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh”.
Có khi nào bạn bị tổn thương trước một tấm biển cấm chó, và cấm người Việt.
Có khi nào bạn nổi giận khi trên báo chí nước ngoài, những cô gái đồng bào của bạn được quảng cáo như những con thú cảnh, “lẳng lơ và cực rẻ”.
Có khi nào bạn phẫn nộ vì một ông chủ nhà hàng ở Vũng Tàu hay chính giữa Thủ đô, “đóng sập cửa trước mũi” chỉ vì bạn là người Việt?
Có khi nào bạn tự hỏi vì sao người Việt lại bị kỳ thị ở khắp nơi?
Nếu bạn thấy bị tổn thương, giận giữ, phẫn nộ trước những điều chướng tai gai mắt mà thực chất chính là sự kỳ thị đối xử bất công đó, bạn sẽ hiểu được tình cảm của những lao động Thanh- Nghệ- Tĩnh đang bị chính những đồng bào của họ đối xử ngày hôm nay, ngay trên đất nước mình.
Hôm qua, thưa các bạn, hai lao động người Việt, quê ở Hà Tĩnh đã chết sau một vụ tai nạn thảm khốc trên đất Thái. Do Việt- Thái chưa có hiệp định hợp tác lao động, những lao động Việt Nam đang phải kiếm cơm chui với một thị thực du lịch phải đổi sau mỗi 30 ngày.
Có khi nào vì bị kỳ thị trên quê hương mình, nặng nề đến nỗi họ phải phiêu bạt, chui nhủi xứ người cũng chỉ là để, một cách lương thiện, kiếm miếng ăn nuôi vợ dại con thơ?
Trong bài diễn văn “tôi có một ước mơ” phát biểu những năm 60 của thế kỷ trước, có một từ là “Mọi loài xác thịt”. Và vì ai cũng chỉ là một “loài xác thịt” bình đẳng như ai, cho nên, Mục sư Luther King đã nói đến một ngày “con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại với nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ”. Lẽ nào, ước mơ bình đẳng của Luther King giờ đây vẫn còn phải nhắc đến trước những câu chuyện đau lòng về kỳ thị giữa những người chung bọc xứ này?


Đào Tuấn

No comments:

Post a Comment