Wednesday, December 9, 2015

KHI QUYỀN LỰC THỨ TƯ BỊ LẠM DỤNG QUÁ ĐÀ

Xã hội ta lâu nay chỉ thấy nhắc đến y đức mà chưa thấy nhắc đến báo đức. Có y đức thì cũng phải có báo đức chứ. Tại sao không? Gần đây tệ nạn trong lĩnh vực báo chí ngày càng trầm trọng, uy tín nghề báo sa sút đến mức báo động. Có nhiều tờ báo, nhiều nhà báo không hiểu dạo này bức xúc ra sao cứ nhè vào y đức các bác sĩ và nhân viên y tế mà đánh.

Họ tử tế hơn chăng, đạo đức hơn chăng? Để cho công bằng chúng ta cũng nên đưa ra phạm trù mới gọi là báo đức? Không thể để một số nhà báo thiếu lương tâm lạm dụng quyền lực thứ tư khuynh đảo xã hội mà không bị lên án là vi phạm đạo đức. 

Bài học nhãn tiền từ Ông Kim Quốc Hoa, báo người cao tuổi

Tình trạng báo chí nước nhà đáng rung chuông khi các nhà báo gần đây tập trung chủ yếu vào các bạn trẻ hành nghề chưa lâu, nhiều bạn còn đang làm tập sự, cộng tác viên, thậm chí có bạn mới là sinh viên trường báo chí.

Dẫn chứng không thiếu, thậm chí rất nhiều

Ví dụ bạn Trang nữ sinh viên trường báo chí, chỉ là cộng tác viên báo Ngườ đưa tin khi phải mổ dịch vụ u sơ chẳng hề nguy hiểm nhưng một mực đòi bác sĩ Quyết viện trưởng Viện Phụ sản Trung ương phải trực tiếp cầm dao mổ cho mình trong khi bác sĩ này 1 ngày phải mổ bao nhiêu ca cấp cứu. Không được đáp ứng bạn ấy dọa bác sĩ, viện trưởng sẽ tung tin lên báo chí để làm mất uy tín. Với sự tiếp tay của báo Người đưa tin bạn ấy làm thật chứ chẳng đùa.

Vụ bạn Tống Văn Đạt tố cáo công an Văn Quán đánh dã man bạn ấy trong lúc đang tác nghiệp cũng là một ví dụ sinh động. Thực tế là vào khoảng 20 giờ cùng ngày các chiến sĩ công an P Văn Quán đi tuần tra theo kế hoạch tại khu vực đường Nguyễn Khuyến, trong khi đang nhắc nhở các hàng quán bán hàng lộn xộn để đảm bảo trật tự hè phố, các anh phát hiện một nhóm người bước xuống từ ô tô, rút máy quay để quay tổ công tác. Lại gần các anh phát hiện nhóm người này đã sử dụng rượu bia, có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm các chiến sĩ công an. Người hùng hăng nhất là phóng viên Tống Văn Đạt. Người này đã có những hành vi và lời nói lăng mạ, chửi bới cán bộ công an khiến những người dân sống quanh đó hết sức bất bình. Anh ta tự xưng là nhà báo lao vào xỉ vả các cán bộ công an, đồng thời rút điện thoại gọi "đồng đội" đến giải cứu. Và chỉ vài phút sau, đã có hàng chục người xưng là phóng viên đến hiện trường với những lời lẽ cực kỳ khó nghe. Nhóm này đã trực tiếp thóa mạ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, bất chấp sự can ngăn của lực lượng công an phường và người dân.

Mấy ngày nay báo chí lại vào cuộc vụ tố cáo bác sĩ T.Q.H, trưởng khoa bệnh viện Đa khoa Lâm Thao (Phú Thọ) "lỡ" dẫm chân lên giường khi thăm khám bệnh nhân. Việc các nhà báo ra quân rầm rộ khiến các cấp lãnh đạo ngành y tế Phú Thọ sợ đến mức "Chiều 22/6, trao đổi với PV qua điện thoại, bà Lê Thị Vượng – Giám đốc bệnh viện Đa khoa Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết, đơn vị bà quản lý vừa kết thúc phiên họp hội đồng kỷ luật đối với bác sĩ chuyên khoa cấp I - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh T.Q.H.Theo bà Vượng, buổi họp gồm 5 thành viên, kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ đã diễn ra nghiêm túc.Mức kỉ luật căn cứ theo Nghị định 27 của Chính phủ về việc miễn nhiệm đối với các trường hợp vi phạm quy chế của cán bộ công nhân viên chức tại các cơ quan.Trong buổi họp, đa số các các đại biểu đều nhất chí tán thành việc kỉ luật đối với bác sĩ H vì làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao nói riêng và của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ nói chung... Dù quyết định kỉ luật chưa đến mức cách chức nhưng bác sĩ H đã tự nguyện từ chức Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh và Chi ủy viên bệnh viện". Đọc các bài báo liên quan đến vụ này, tôi nghĩ ngay đến người nhà bệnh nhân bất mãn với ngành y đã chụp ảnh, đưa tin cho bõ tức.

Có nhiều nhà báo gọi điện tống tiền doanh nghiệp, nhiều nhà báo dùng thẻ nhà báo dọa cảnh sát giao thông sau khi chính mình bị tuýt còi, bị phạt vì đi sai luật. Có nhà báo còn dùng thẻ nhà báo tự ý dừng xe chở quá tải trên đường...

Còn rất rất nhiều các vụ báo chí "phát huy quyền lực" của mình để nhũng nhiễu xã hội. "Báo đức" xuống thấp đến mức xã hội ngày càng chán ngán, dè chừng báo chí. Một lần tôi đang uống rượu cùng đám bạn, khi đứa bạn thân đến muộn, bước vào, tôi tự hào giới thiệu với mọi người rằng nó đang làm phóng viên tờ báo X rất danh giá và quyền lực. Một ông le lưỡi: "Thế à? Kinh nhỉ!". Tôi biết nhưng không bình luận chữ "kinh" của ông ấy nghĩa là gì nhưng bữa rượu hôm đó từ lúc ấy kém vui hẳn.

Tuy cần thiết phải cảnh báo "báo đức" nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng phải ghi công rất nhiều nhà báo có lương tâm, có trách nhiệm với nghề, với cộng đồng từng đưa thông tin trung thực, từng dũng cảm phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực, từng đưa đến cho bạn đọc nhiều tấm gương tốt, nhiều cảnh đời bất hạnh cần phải giúp đỡ...

Trần Quân

No comments:

Post a Comment