Friday, December 11, 2015

LUẬT NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM: TÔN TRỌNG ĐỂ BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA (P1)

An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mọi quốc gia, nhà nước, dân tộc. Mỗi nhà nước, quốc gia đều có những biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia khác nhau, nhưng đều có chung một mục đích là đảm bảo chủ quyền quốc gia, sự ổn định chính trị, xã hội và đảm bảo quyền cơ bản của công dân, được cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật. Việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và vấn đề lịch sử, truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia. Ở nước ta, theo quy định của Luật An ninh quốc gia do Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 03-12-2004: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và Nhà nước XHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. An ninh quốc gia bao gồm an ninh trên các lĩnh vực: chính trị. kinh tế, tư tưởng - văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại... trong đó an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt”.

Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và dân chủ, các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Việt Nam đều được điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật, trong đó được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Điều đó là hết sức bình thường đối vói một nhà nước, một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số chính giới, luật gia của một số nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế lại cho rằng, các điều luật quy định về tội xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam không đảm bảo tính dân chủ, nhân quyền, vi phạm cơ bản quyền công dân, không tương thích với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đặc biệt gần đây, Bộ phận luật quốc tế trường Đại học Stanford của Mỹ đã có đơn gửi nhóm làm việc về giam giữ độc đoán LHQ đề nghị can thiệp, yêu cầu Việt Nam trả tự do cho một số đối tượng bị bắt giữ vì có hành vi tuyên truyền chống Nhà nước; cho rằng, Việt Nam bắt giữ các trường hợp trên là trái với luật nhân quyền quốc tế, vi phạm quyền tự do ngôn luận và đòi hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Bài viết quy chụp về Luật An ninh Quốc gia. Ảnh: Internet
Để có cách nhìn khách quan, toàn diện, hệ thống, sâu sắc và cụ thể hơn về những quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về đảm bảo an ninh quốc gia, nhằm đạt đến giá trị chung, mang tính xây dựng, chúng ta có thể phân tích, so sánh một số vấn đề liên quan cụ thể.

Tính tất yếu khách quan của việc quy định đảm bảo an ninh quốc gia bằng hệ thống văn bản pháp luật

Theo quan niệm chung hiện nay, hệ thống pháp luật là cấu trúc bên trong của pháp luật được biểu hiện ra bên ngoài bằng các ngành luật, phân ngành luật và các chế định pháp luật và các quy phạm pháp luật. Còn hệ thống văn bản pháp luật là tổng thể các vãn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, hệ thống văn bản pháp luật về an ninh, trật tự là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; bao gồm các quy định về: phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; an ninh trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, an ninh kinh tế, chính trị nội bộ, an ninh xã hội....

Bất cứ một nhà nước nào cũng phải thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước phải làm ra pháp luật để điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội; nội dung pháp luật phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với các quan hệ xã hội của nhà nước, dân tộc đó, đồng thời đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc đạo đức tiến bộ trên thế giới. Quản lý xã hội bằng pháp luật nghĩa là Nhà nước tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội, đưa pháp luật vào đời sống của xã hội và từng người dân. Khách thể quan trọng nhất mà hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ là chủ quyền quốc gia, sự ổn định chính trị, xã hội và quyền lợi chính đáng của nhân dân. Do vậy, Việt Nam củng không nằm ngoài quy tắc chung đó; hay nói cách khác, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về an ninh, trật tự cũng nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân Việt Nam; quy phạm văn bản pháp luật về lĩnh vực này phải đặt ra các chế tài xử lý các hành vi vi phạm các khách thể cần bảo vệ nói trên.

Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Cho nên sự vững mạnh, ổn định của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mặc nhiên là yêu cầu bảo vệ của hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam; mọi hành vi nhằm làm suy yếu, xâm hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng ta đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các yêu cầu đặt ra là ổn định xã hội, đảm bảo kế thừa các giá trị truyền thống và tiếp thu giá trị mới phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Đất nước mở cửa, đồng nghĩa với nhiều nguồn tư tưởng, văn hóa mới xâm nhập, tạo ra những nhóm lợi ích khác nhau, mâu thuẫn xung đột với nhau, đôi khi mâu thuẫn với tiến trình đi lên của cả dân tộc. Nếu không có những điều chỉnh mang tính vĩ mô thì rất có thể vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích của các thế lực bên ngoài mà làm mất đi lợi ích to lớn của dân tộc. Đây là một trong những căn nguyên tạo ra những xung đột lớn, không chỉ là vấn đề chính trị mà cả vấn đề tồn vong của dân tộc.

Vấn đề an ninh quốc gia luôn gắn liền đến chủ quyền, sự vững mạnh của chế độ chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực tế cho thấy, không có chủ quyền quốc gia thì không thể có dân chủ, nhân quyền, hay nói một cách khác vắn đề nhân quyền chỉ được đảm bảo khi đã có chủ quyền quốc gia. Do vậy, chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là điều cốt yếu, tiên quyết trong vấn đề bảo đảm dân chủ, nhân quyền. Mặt khác, nếu có chủ quyền quốc gia mà không có nhân quyền thì chủ quyền quốc gia đó không còn ý nghĩa đối với dân tộc. Việc ổn định trật tự xã hội là đòi hỏi chính đáng của mọi công dân, đồng thời cũng là một quyền cơ bản của con người được sống trong môi trường bình yên.

Nhiệm vụ của hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ Tổ quốc, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự bình yên của nhân dân, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, đó là các giá trị nhân quyền. Vì vậy, bảo vệ chế độ chính trị cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền con người. Trên cơ sở đó, việc quy định các điều luật về tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự để đảm bảo các giá trị trên là một điều cần thiết, có tính tất yếu khách quan, đó chính là một thiết chế pháp luật quan trọng để chuẩn hóa các giá trị chủ quyền và nhân quyền theo đặc điểm của đất nước, dân tộc Việt Nam và đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
(Còn tiếp)
Hoàng Minh

No comments:

Post a Comment