Friday, December 11, 2015

LUẬT NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM: TÔN TRỌNG ĐỂ BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA (P2)

Tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các Công ước quốc tế

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; và quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 69, 70). Nghiên cứu về các điều luật quy định tội xâm phạm an ninh quốc gia cho thấy, nội dung và hình thức của các điều luật không ngăn cản các hoạt về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do trình bày chính kiến một cách thuần túy; không hạn chế các hoạt động dân chủ, nhân quyền mang tính xây dựng, với mong muốn xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, thịnh vượng và phát triển hơn. Các điều luật quy định tội xâm phạm an ninh quốc gia chỉ điều chỉnh, ngăn chặn và xử lý các hoạt động lợi dụng núp dưới danh nghĩa tự do ngôn luận để phá hoại đất nước Việt Nam, phá hoại sự gắn kết giữa các giai tầng trong xã hội, phá hoại các quyền lợi hợp pháp khác, làm suy giảm sức mạnh quốc gia.

Việc quy định tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự cho thấy Việt Nam là một đất nước dân chủ, bình đẳng trong việc điều tra truy tố, xét xử, không phân biệt giữa tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm hình sự khác. Quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự nói chung và các điều luật quy định tội xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng theo một trình tự khoa học, chặt chẽ, minh bạch và dân chủ, từ việc đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đến việc soạn thảo từng điều luật đều có sự tham gia đóng góp của tất cả các giai tầng trong xã hội, các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chúc xã hội dân sự và toàn thể nhân dân; đồng thời tham khảo Bộ luật Hình sự của một số quốc gia khác, trên nguyên tắc tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Do đó, Bộ luật Hình sự không phải là sản phẩm riêng của một tổ chức, một giai cấp nào, mà là sản phẩm mang ý nguyện của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trong toàn xã hội.

Không hiểu được bản chất, các diễn đàn cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền theo luật quốc tế
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn quốc tế, một số quốc gia và tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên quan tâm đến Điều 87, Điều 88 và Điều 258 Bộ luật Hình sự của Việt Nam, cho rằng các điều luật đó không đảm bảo tính dân chủ, dẫn đến việc các cơ quan chức năng có thể lạm quyền khi áp dụng. Điều 87 và Điều 88 nằm trong Chương 11 của Bộ luật Hình sự quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Điều 87 quy định: Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Điều 88 quy định: Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Điều 258 nằm trong Chương 20 Bộ luật Hình sự quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”:

Nội hàm của các điều luật trên luôn thỏa mãn, đảm bảo cho các hoạt động dân chủ, nhân quyền thuần túy, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, đến quyền lợi ích hợp pháp khác, vấn đề được đặt ra, hành vi như thế nào thì bị coi là nguy hại, xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia? Đồng thời, việc trấn áp các hành vi vi phạm như thế nào trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia thì bị đánh giá là vi phạm dân chủ, nhân quyền. Giải quyết bài toán về sự kết hợp hài hòa giữa chủ quyền và nhân qụyền, điều đó có nghĩa là khi đã có chủ quyền quốc gia thì phải bảo đảm các giá trị nhân quyền. Ngược lại, các hoạt động dân chủ, nhân quyền phải theo khuôn khổ của pháp luật để đảm bảo được lợi ích quốc gia, sức mạnh chế độ chính trị, trật tự an toàn xã hội và các quyền hợp pháp khác. Để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn của xã hội trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, lẽ tất nhiên có thể phải áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền tự do cá nhân, điều đó không có nghĩa là vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân.

Chúng ta có thể có dẫn chứng điển hình nhất, như sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, nước Mỹ thấy rõ lỗ hổng về luật pháp, cơ chế quản lý, kiểm soát bảo đảm an ninh quốc gia. Đạo luật “Yêu nước” ra đời cho phép các cơ quan chức năng có thể xâm nhập thư tín, tài khoản cá nhân, nghe lén điện thoại... cố ý vi phạm quyền con người một cách có hệ thống. Chính quyền của Tổng thống G.Bush còn “luật hóa” hình thức tra tấn dã man tại nhà tù Guantanamo và Abu Graip đối với các nghi can khủng bố để phục vụ yêu cầu về an ninh quốc gia của mình. Bên cạnh đó, nhiều nước phương Tây cũng ban hành nhiều đạo luật có nội dung vi phạm quyền con người. Chính phủ Australia cho phép giam giữ nghi can khủng bố với thời hạn lâu hơn, vi phạm Hiến pháp Liên bang. Gần đây, các Tổ chức Nhân quyền thế giới như: Ân xá quốc tế (AI), Giám sát Nhân quyền quốc tế (HRW) lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ về tính chất vi phạm nhân quyền của các điều luật di trú, phân biệt đối xử... của các nước EU. Qua đây cho thấy, các nước trên thế giới đều lấy giá trị an ninh quốc gia, quyền lợi dân tộc làm hệ quy chiếu cho việc ban hành pháp luật về an ninh quốc gia để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo yêu cầu, quan điểm của mình.

Quyền con người ở Việt Nam được quy định rất rõ tại Hiến pháp 1992: “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng” (Điều 50), nhưng cũng quy định rõ về nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp như: Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 77), nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia, chấp hành những quy tắc công cộng (Điều 79). Do đó, những hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phỉ báng Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo sự thật, với mục đích chống đối, phá hoại làm mất uy tín, suy yếu chính thể, tạo dựng lòng hận thù, gây rối ren xã hội thì cần phải xử lý nghiêm minh. Chúng ta không thể chấp nhận lý lẽ nhân danh quyền tự do ngôn luận để vu cáo, xuyên tạc, chống lại Nhà nước, chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, đi ngược lại lợi ích của cả dân tộc, cũng không khác gì một điều đơn giản là lấy cớ có quyền tự do đi lại để đi vào đường đã quy định là đường cấm, đường ngược chiều, gây ảnh hưởng giao thông, hành vi vi phạm đó phải bị ngăn chặn và xử lý, cũng như không thể nhân danh tự do cư trú mà có thể xâm phạm chỗ ở hợp pháp của người khác...

Tiếp cận luật nhân quyền quốc tế ta thấy rõ vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia rất được coi trọng. Khoản 3 Điều 18; Điểm b, Khoản 3 Điều 19 của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị đề cập: Quyền tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến, hay tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là sự cần thiết cho việc bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác. Hay Khoản 2, Điều 20 Công ước nêu: Mọi chủ trương, hành động nhằm gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động phân biệt chủng tộc, thù địch hoặc bạo lực đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Như vậy, có thề khẳng định các điều luật 87, 88, 258 của Bộ luật Hình sự Việt Nam hoàn toàn tương thích với luật nhân quyền quốc tế.

Trên thực tế có nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận, tự do tôn giáo để hoạt động chống phá Nhà nước; kích động các tâm lý hận thù, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, đòi ly khai tự trị nhằm phá hoại sự thống nhất toàn vẹn lành thổ Việt Nam; thổi phồng những sai lầm, thiếu sót đơn lẻ, không mang tính đại diện của nhà chức trách địa phương, làm rùm beng vụ việc gây sự quan tâm chú ý của dư luận quốc tế; vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông quốc tế... làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín quốc gia. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, Điều 87, 88, 258 Bộ luật Hình sự là cần thiết cho xã hội, đảm bảo được an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự trị an xã hội, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp khác ở Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Ngoài ra, cùng với mục tiêu chung là bảo vệ quyền con người, hệ thống pháp luật Việt Nam còn có nhiều bộ luật khác điều chỉnh như: Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Hành chính... và gần đây là Nghị quyết 388 của ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, quy định về việc bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, tròng đó có cả hoạt động tố tụng về các điều luật quy định về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, nên hệ thống pháp luật cũng đang đòi hỏi phải không ngừng điều chỉnh, bổ sung cho đồng bộ, thống nhất; nhiều cán bộ thực thi pháp luật còn có những sai phạm cá nhân do yếu kém về trình độ, nhận thức... Do vậy, không tránh khỏi những vụ việc riêng lẻ, ít nhiều còn vi phạm quyền con người. Với tinh thần cầu thị, Việt Nam hoan nghênh và tiếp thu những đóng góp thiện chí, mang tính xây dựng để đảm bảo sự nghiệp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam ngày càng tốt hơn, đồng thời cũng cũng cảnh giác, phản đối với những ý kiến mang tính áp đặt, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền nhằm mục đích xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Hoàng Minh

No comments:

Post a Comment