Wednesday, December 16, 2015

QUY HOẠCH BÁO CHÍ KHÔNG PHẢI BÓP NGHẸT BÁO CHÍ

Giống như bất kỳ một chủ trương nào, đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đều nhận được nhiều luồng ý kiến. Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, coi quy hoạch báo chí là cần thiết trong tình hình báo chí “nhộn nhạo” như hiện nay thì cũng có một số tờ báo nước ngoài và trang mạng xuất hiện những ý kiến cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam lợi dụng quy hoạch báo chí để bóp nghẹt tự do báo chí. Trong bài viết này, tác giả xin đưa ra một vài kiến giải theo suy nghĩ của cá nhân mong được trao đổi cùng bạn đọc. 

Ở cụm từ “quy hoạch báo chí” trên công cụ tìm kiếm Google, trong 0,50 giây cho ra gần 1,1 triệu kết quả. Trong số này, tạm có thể chia thành 3 chiều thông tin. Một là, hoàn toàn ủng hộ quy hoạch báo chí. Hai là các cơ quan quản lý, những người có trách nhiệm trao đổi, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các cơ quan báo chí, của cá nhân người làm báo. Hai chiều thông tin này chiếm đại đa số trong 1,1 triệu kết quả tìm kiếm nói trên. Ba là luồng ý kiến phản đối, đả kích gay gắt Đề án quy hoạch báo chí này. Luồng ý kiến thứ ba chủ yếu được đăng tải trên các trang báo chí nước ngoài lâu nay ít có thiện chí với Việt Nam như: RFI, RFA, BBC... Không chỉ rút những cái tiêu đề xỏ xiên như: “Quy hoạch báo chí đến 2025 gây tranh cãi”, “Đề án quy hoạch lại báo chi của Việt Nam gây hoang mang”, “Vạn người sẽ mất việc trong cuộc “quy hoạch” truyền thông Việt Nam", “Cuộc thanh trừng trước thềm Đại hội XII”... một số tờ báo nước ngoài còn cố tình trích dẫn một số ý kiến cực đoan của một số “nhà đấu tranh dân chủ” trong nước về đề án quy hoạch báo chí.

RFI nói "số lượng báo chí tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 15 năm qua, đạt đến con số khoảng 1.100 cơ quan báo đài, và quyền lực của chính quyền cộng sản đang bị thách thức bởi sự phát triển của internet và các mạng xã hội." RFI đăng bài viết “Đề án quy hoạch lại báo chí của Việt Nam gây hoang mang” trích dẫn ý kiến của Phạm Chí Dũng, một người tự nhận làm báo tự do, Chủ tịch của cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” “bình luận” rằng: “Đề án quy hoạch này nhằm hạn chế tiếng nói của báo chí đồng nghĩa với hạn chế tiếng nói của dân - có nghĩa là chính quyền yếu. Và như vậy đặt ra vấn đề: Chính quyền đó không phải là của dân, do dân, vì dân nữa, mà ngược lại”; quy hoạch “Ép buộc báo chí làm giống nhau nghĩa là ép họ dắt tay nhau xuống mồ”; quy hoạch báo chí không cho “tư nhân hóa báo chí" là tư duy cũ kỹ, lạc hậu. 

Đại loại là những bài viết với những bình luận loanh quanh như vậy mà không hề đưa ra được bất kỳ một lý lẽ, luận cứ, luận chứng nào thuyết phục để chứng minh cho quan điểm của họ rằng “quy hoạch báo chí là để bóp nghẹt tự do báo chí”. 
Bài viết quy chụp về quy hoạch báo chí ở Việt Nam

Quy hoạch báo chí là cần thiết có thể thấy, ngay từ tên gọi “Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, từ “phát triển” đặt trước từ “quản lý”, nghĩa là quy hoạch trước hết nhằm hướng đến, tập trung ưu tiên tạo điều kiện cho báo chí phát triển thuận lợi, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không riêng gì báo chí, bất cứ lĩnh vực nào, muốn phát triển đúng hướng, lành mạnh phải gắn liền với công tác quản lý. Báo chí là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm nên không thể không gắn liền với sự quản lý của nhà nước.

Do đó, nếu hiểu quy hoạch báo chí chỉ đơn thuần là “siết chặt quản lý báo chí” là hạn hẹp, thô thiển. 

Mặt khác, nội dung của đề án quy hoạch báo chí không dừng lại ở phạm vi, quan điểm, mục tiêu, định hướng quy hoạch đối với từng thể loại báo chí, mà quan trọng hơn đề án còn xác định 9 giải pháp thực hiện, gồm: Thông tin, tuyên truyền; xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách; tổ chức bộ máy; chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực thực thi pháp luật; đầu tư tài chính; nguồn nhân lực báo chí; ứng dụng khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế về báo chí và thông tin đối ngoại. Vì vậy, những ý kiến cho rằng quy hoạch báo chí chỉ là việc sắp xếp, điều chỉnh, tiết giảm các cơ quan báo chí, thì chẳng khác nào “nhìn cây mà không thấy rừng”. Dân gian Việt Nam có truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” nhắc nhở mỗi người trước khi nhận xét về sự vật, hiện tượng nào cần phải tìm hiểu cho cặn kẽ, thấu đáo, tránh phiến diện dẫn đến nhận thức lệch lạc, sai lầm. Cách nhìn quy hoạch báo chí chỉ là việc sắp xếp, điều chỉnh, tiết giảm các cơ quan báo chí chẳng khác nào “thầy bói xem voi". 

Mục đích của “Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” là nhằm sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống báo chí bảo đảm đủ số lượng gắn với đổi mới mô hình hoạt động, phát triển các loại hình báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin lành mạnh, đa dạng, phong phú của các tầng lớp nhân dân. Theo đó:

Thứ nhất là nhằm phủ rộng diện tích thông tin, bảo đảm thông tin cho tất cả các vùng, miền, khu vực trong cả nước. 100% tỉnh, thành phố đều có ít nhất 1 cơ quan báo chí, 1 đài phát thanh - truyền hình, 1 cơ quan tạp chí về văn học nghệ thuật.

Thứ hai, phủ rộng lĩnh vực thông tin, bảo đảm thông tin cho tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Theo đó, 100% bộ, ngành, đoàn thể trung ương ít nhất có 1 cơ quan báo chí in, 1 cơ quan tạp chí in. Những tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp có số lượng hội viên đông, phạm vi hoạt động rộng khắp, có sức lan tỏa lớn trong xã hội đều có 1 cơ quan báo chí in, 1 cơ quan tạp chí in.

Thứ ba, phủ diện thông tin cho các đối tượng trong xã hội. Theo đó, tất cả các giai cấp, tầng lớp, thành phần, giới tính trong xã hội đều có ít nhất 1 cơ quan báo chí.

Thứ tư, cùng với khai thác, phát huy lợi thế của các cơ quan báo chí của tỉnh, thành phố, bộ, ngành, sẽ đầu tư tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển một số cơ quan báo chí chủ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân thành những tổ hợp truyền thông đa phương tiện, góp phần xây dựng nền tảng, môi trường thông tin lành mạnh cho đất nước và xã hội.

Thứ năm, tiếp tục coi trọng các loại hình báo chí, trong đó sắp xếp, tỉnh giản một số cơ quan báo chí in gặp nhiều khó khăn trong hoạt động; chú ý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho báo chí điện tử hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy của công chúng trong thế giới thông tin bùng nổ. 

Thẳng thắn nhìn nhận sẽ thấy, thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng còn những khuyết điểm, hạn chế, bất cập cả trong hoạt động của báo chí và công tác quản lý báo chí. Hoạt động báo chí ở nước ta thời gian qua gần như tự phát, thiếu lành mạnh, sự phát triển gần như là “phong trào” mạnh ai nấy làm. Ngành ngành ra báo, hội hội ra báo, các trường đua nhau mở các khoa báo chÍ - truyền thông, để đào tạo hàng loạt nhà báo tương lai. Chính vì thế mà báo chí Việt Nam thời gian qua bên cạnh những thành tựu, những ngăn nắp, nghiêm túc, tạo nên sức mạnh định hướng thông tin, hướng công chúng đến cái hay, cái đẹp, thì cũng đồng thời xuất hiện bức tranh lộn xộn, nhiều chắp vá. Có không ít ấn phẩm báo chí chưa đạt chuẩn và nhiều nhà báo không quan tâm đến vai trò định hướng thông tin, tư tưởng cho công chúng mà ở mức độ nào đó đã trở thành những điểm tối trong diễn đàn báo chí. Bởi vậy việc hướng tới một trật tự báo chí lành mạnh và thống nhất trong sự đa dạng tránh những hệ lụy đối với cộng đồng xã hội là vô cùng cần thiết và quan trọng. Việc thực hiện quy hoạch bảo chí sè không những hạn chế những mặt tiêu cực do thương mại hóa báo chí gây ra, mà còn đưa báo chí trở lại những nguyên lý cơ bản của báo chí cách mạng phù hợp với xu hướng phát triển báo chí thế giới hiện đại. 

Đề án Quy hoạch báo chí thực sự có thể ví như một cuộc đại phẫu đau đớn cắt đi một phần thân thể bị bệnh tật đã không thể chữa lành nhưng là cuộc đại phẫu cắt bỏ cần thiết, phù hợp với giai đoạn lịch sử mới. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa"! Quy hoạch chính là giúp cho báo chí chân chính phát triển. Trong một rừng báo Việt Nam, trên cơ sở bản quy hoạch báo chí vừa qua chắt lọc những cơ quan báo chí có ích cho dân cho nước. Khi Đề án quy hoạch báo chí được triển khai, về cơ bản phần lớn những người làm báo chấn chỉnh vẫn sẽ yên tâm hoạt động nghề nghiệp. Do sắp sếp, điều chỉnh một số cơ quan báo chí nên khó tránh khỏi một bộ phận nhà báo sẽ “dôi dư”. Nghề báo vốn là nghề chọn người rất khắt khe, nên qua đợt sắp xếp này, một số người làm báo không có “duyên" với nghề có thể tìm kiếm công việc khác thích hợp hơn. Tuy vậy, các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản báo chí cũng sẽ tìm ra những giải pháp thấu lý, đạt tinh để giúp số người làm báo này vẫn có thể làm việc, cống hiến và phát triển ở những vị trí, lĩnh vực phù hợp. 

Đề án quy hoạch báo chí sẽ được thực hiện dần từng bước một từ nay đến năm 2020. Trong quá trình thực hiện, những gì bất hợp lý, cần và sẽ phải điều chỉnh. Như lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định: “Việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan báo chí sẽ được làm thận trọng, có lộ trình hợp lý, bước đi thích hợp; đồng thời luôn lắng nghe dư luận, lắng nghe các cơ quan báo chí để xử lý những vấn đề nảy sinh một cách khoa học, không gây xáo trộn đời sống báo chí, cố gắng tạo điều kiện tối đa để bảo đảm quyền lợi cho những người làm báo”. Nhìn vào nội dung bản quy hoạch, thấy báo chí của các cơ quan và hội Trung ương có vẻ dễ dàng lọt lưới quy hoạch hơn, trong khi không hiếm một số cơ quan báo chí địa phương lại đang là những thương hiệu uy tín mang tầm cả nước. Vì vậy không nên cứng nhắc trong việc thực hiện. Mạnh dạn dẹp bỏ sự chồng chéo và những tờ báo vô thưởng vô phạt, tập trung xây dựng, củng cố, ủng hộ những cơ quan báo chí đã và đang làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, tôn vinh bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, không quá phân biệt báo chí trung ương hay địa phương mà căn cứ trên thực tế tờ báo ấy có ích lợi cho dân cho nước hay không là hướng quy hoạch hoàn hảo nhất. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã phát biểu: “Đề án quy hoạch báo chí lần này nhằm hướng tới mục tiêu cao cả là báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí thế giới, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Hải Trang


No comments:

Post a Comment