Việt Nam được biết đến là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, các tôn giáo ở Việt Nam chung sống rất hòa hợp, không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài và cả những tôn giáo nội sinh đều có sự gắn bó với các truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán ở các mức độ khác nhau.
Nhà nước ta cũng luôn giành sự quan tâm sâu sát đến các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân với mong muốn các tôn giáo sẽ luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước. Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó, Nhà nước cũng coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật để các hoạt động tôn giáo diễn ra vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân vừa đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật. Mặt khác phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, cá nhân và xã hội.
Hình ảnh: Giáo dân giáo họ Đông Yên chặn đường khiến các phương tiện qua thị xã Kỳ Anh bị ùn tắc nhiều giờ
Trên thực tế, thời gian gần đây, lợi dụng quyền tự do tôn giáo, một số cá nhân trong đó có cả những người có chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đã có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, đả kích chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương đất nước… Khi Chính phủ lấy ý kiến Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì cho rằng Nhà nước Việt Nam dùng luật pháp để siết chặt, bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo. Họ muốn sinh hoạt tôn giáo nhưng lại không muốn điều chỉnh bởi luật pháp. Trong khi đó, Luật này nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tự do tôn giáo đã được tuyệt đối hóa, con người cũng ích kỷ vì không coi trọng lợi ích chung của xã hội, đất nước, nó khác hẳn với những điều trong giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Như một số vụ việc xảy ra gần đây đã cho thấy sự coi thường pháp luật, bất chấp đạo lý và lẽ phải.
Đó là việc một số đối tượng quá khích ở giáo xứ Đông Yên (Kỳ Lợi, Hà Tĩnh) vây bắt cán bộ để ra yêu sách đòi chính quyền phải thả người bị bắt vì vi phạm pháp luật trước đó. Hành động bạo lực và coi thường pháp luật này có đúng với lời Chúa răn dạy. Được biết, để bảo đảm việc thực hiện dự án xây dựng tổ hợp công nghiệp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc khu kinh tế Vũng Áng - Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động di dân trong khu vực dự án đến khu định cư mới từ rất lâu. Phần lớn người dân thuộc diện giải tỏa đã chấp hành theo chủ trương của chính quyền vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng còn khoảng 150 hộ giáo dân thuộc giáo xứ Đông Yên (Kỳ Lợi) lại cố tình cản trở, nhiều cá nhân có hoạt động quá khích, bất chấp pháp luật.
Cách đây mấy ngày (5/10/2015), khoảng 500 giáo dân thuộc giáo họ Yên Lạc (Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An) dưới sự chỉ đạo của linh mục Lê Công phượng đã có hành vi đập phá tường bao thuộc khuôn viên trường Mầm non xã Nghi Kiều, Nghi Lộc, lấn chiếm đất công để mở đường vào giáo họ trái phép. Hành vi trên là vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận nhân dân ở địa phương, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt bình thường của các cháu nhỏ ở ngôi trường này. Đó là sự ích kỷ cá nhân, coi thường pháp luật xuất phát từ quan niệm một cách lệch lạc về tự do tôn giáo, cho rằng tự do tôn giáo là tuyệt đối.
Nhà nước luôn quan tâm đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, bất kỳ hành vi lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích của cá nhân, Nhà nước, xã hội, cộng đồng thì cần phải lên án và nghiêm trị. Không có tôn giáo nào răn dạy con người sống ích kỷ, bất chấp đạo lý, lẽ phải, bất chấp pháp luật.
Tâm Ngôn
No comments:
Post a Comment