Hướng cửa chính theo phong thủy
Cửa chính của ngôi nhà, hay còn gọi là Huyền quan hoặc Đại môn được coi là nơi đón nhận khí tốt, điềm lành từ đó phân bổ đến các phòng ốc trong nhà. Hướng cửa chính ảnh hưởng tới tài lộc của căn nhà nên hầu hết người xây nhà rất quan tâm đến hướng cửa chính khi thiết kế và xây dựng nhà.
Việc chọn hướng cửa chính chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như: địa thế, vị trí khu đất, đặc điểm khí hậu vùng miền, kiến trúc, phong thủy ... Do đó khi lựa chọn hướng cửa phải biết dung hòa tất cả các yếu tố để tìm ra giải pháp tối ưu nhất chứ không nên áp dụng máy móc theo một yếu tố nào. Tất nhiên, với một bài toán nhiều nghiệm số, nhiều yếu tố ta sẽ đi tìm nghiệm số gần đúng nhất hay giải pháp tối ưu nhất. Nếu điều kiện cho phép, bài toán ngon lành dễ giải mà không hại não nghiệm số đáp ứng hết mọi yếu tố thì quá tốt. Còn bằng không thì hãy cố gắng đáp ứng càng nhiều càng tốt, cái nào không đáp ứng được thì tìm cách khắc phục bằng những mẹo hay phương pháp riêng.
1/. Xác định Hướng nhà
Hướng nhà được xác định dựa theo các điều kiện có trước là:
- Địa thế khu đất làm nhà.
- Hướng gió mát chủ đạo (ở Việt Nam chủ yếu là gió Đông Nam và Đông Bắc. Ở những địa thế cụ thể, hướng gió chủ đạo có thể khác).
- Cường độ bức xạ mặt trời.
Nước ta có địa hình kéo dài từ Bắc vào Nam, nên khí hậu cũng thay đổi theo từng vùng: Các tỉnh phía Bắc thuộc loại hình nhiệt đới gió mùa, có mùa hè nóng và mùa đông lạnh. Cường độ bức xạ mặt trời thay đổi theo mùa. Còn các tỉnh phía nam mang đặc tính khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, mà đặc trưng cơ bản là một nền nhiệt độ cao, ít thay đổi trong năm và một chế độ mưa ẩm phân hoá rõ rệt theo mùa, với cường độ bức xạ mặt trời lớn quanh năm. Gió chủ đạo trên toàn lãnh thổ nước ta là gió Đông Nam. Trừ mùa Đông lạnh ở Miền Bắc có thêm gió Đông Bắc. Xét về địa hình thì ở Miền Bắc thế đất dôc về phía Đông Nam và Nam; Miền Trung dốc về phía Đông và Đông Nam, Miền Nam dốc về phía Nam và Đông Nam. Riêng khu vực bờ biển phía Tây thì thế đất dốc về phía Nam và Tây Nam. Những yếu tố tự nhiên này đòi hỏi người thiết kế công trình phải đặt phương trống của nhà, tức Hường nhà, sao cho thích hợp với thế đất và hướng gió chủ đạo.
Nhà cần đặt toạ Sơn hướng Thuỷ, nghĩa là lưng nhà tựa về đất cao, trước nhà trông về đất thấp, đồng thời phải đón được gió chủ đạo (thường là gió Đông Nam). Người xưa có câu "Một trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió" (ý nói là gió Đông Nam). Điều đó cho thấy thực tế cuộc sống đã chứng tỏ ý nghĩa quan trọng của gió Đông Nam.
Hướng nhà chủ đạo hợp lý của cho các vùng địa lý ở nước ta như sau:
- Ở Miền Bắc: Trông về các hướng Nam và Đông Nam.
- Ở Miền Trung: các hướng Đông, Đông Nam và Nam.
- Ở Miền Nam: các Hướng Nam, Đông Nam và Đông.
- Ở vùng ven biển phía Tây: các Hướng Nam và Tây Nam.
Chú thích: Riêng vùng núi thì Hướng nhà được xác định tuỳ theo thế núi. Miền Nam và Nam Trung bộ có thể thêm hướng Bắc tùy theo thế đất cụ thể.
Yêu cầu của Hướng nhà ở nước ta là phải tạo cho nhà được mát và thoáng gió, không quá bị nóng, cũng không bị quá lạnh, xét 4 yếu tố: Địa hình, gió Đông Nam, gió Đông Bắc và bức xạ mặt trời thì Hướng nhà thích hợp cho mọi ngôi nhà và công trình ở nước ta chỉ có thể là Nam hoặc Đông Nam. Tuỳ từng vùng có địa hình cụ thể, có thể có thêm Hướng Đông.
Hướng Nam và Đông Nam được khuyến khích cho mọi nhà vì nó thích hợp với chiều dốc của địa hình nước ta và đón được gió mát Đông Nam vào mùa Hè, tránh được gió lạnh Đông Bắc vào mùa Đông và tránh được bức xạ mặt trời phía Tây chiếu thẳng vào nhà gây nóng nhà.
Tuy nhiên, các Hướng nhà nêu trên chỉ mang tính tổng quát, Hướng nhà cụ thể phải căn cứ vào thế thực của miếng đất xây nhà mà quyết định.
Trong Phong thủy học người ta quan tâm đến Hướng nhà thích hợp với Mệnh quái của chủ nhà, và Quy định Hướng nhà nào đi với Mệnh chủ nào. Tuy nhiên không nên quá lệ thuộc máy móc vào Mệnh quái chủ nhà mà không đáp ứng những yêu cầu tự nhiên nêu trên của Hướng nhà. Có thể nói, Hướng nhà Nam và Đông Nam ở nước ta là thích hợp với mọi Mệnh quái chủ ở nước ta. Không thể vì Mệnh quái chủ nhà là Mệnh Càn mà phải làm nhà trông về Tây Nam hoặc Tây. Như vậy nhà sẽ rất nóng về mùa Hè vì phải chịu nắng buổi chiều chiếu thẳng vào nhà, lại không đón được gió Đông Nam.
Người ở trong ngôi nhà này sẽ luôn luôn bị bức bách vì nóng, phụ nữ thì dễ sinh nóng nảy, gia đình không được vui vẻ, sức khoẻ giảm sút, tài lộc kém phát triển. Không ai có thể nói rằng ở một ngôi nhà như thế là thích hợp được! Trong trường hợp Hướng nhà Nam hoặc Đông Nam là không tương hợp với Mệnh quái chủ nhà thì phải giải quyết bằng cách khác, như mở thêm cửa phụ, cửa sổ và hoá giải bằng cách khác, chứ không bỏ Hướng Nam và Đông Nam. Khi gặp địa thế miếng đất làm nhà không cho phép chọn Hướng Nam hoặc Đông Nam thì mới phải đặt Hướng nhà khác, khi đó cần có các giải pháp kỹ thuật cần thiết để đón gió Đông Nam, tránh gió Đông Bắc và tránh nắng chiếu thẳng vào nhà...
Để xác định Hướng nhà thì trước hết từ thế đất của nhà phải xác định hướng nước chảy ở phía trước (kể cả nước mặt và nước ngầm). Nếu được hướng nước chảy từ Trái sang Phải thì rất tốt “ cuộc đất dương”. Phong thủy học người ta xác định điểm nước chảy đến (gọi là Thủy đầu) và điểm nước chảy đi (gọi là Thủy khẩu). Nhằm 2 đường tiếp tuyến với Thủyđầu và Thủy khẩu, ta được giao điểm là điểm tốt nhất để đặt tâm nhà. Ta gọi điểm này là Tâm đất, hay Huyệt đất. Việc kẻ các đường tiếp tuyến này nhiều khi phải ngắm bằng mắt, ít khi có bản đồ chuẩn xác để vẽ trên giấy.
Đường chỉ Hướng nhà được xác định theo bản đồ Trạch quẻ để được cung tốt, và có thể chuyển dịch song song với nhau, chạy theo phần đường Thủy khẩu. Nghĩa là điểm Tâm đất (sau này là Tâm nhà) có thể dịch chuyển theo phần đường Thủy khẩu để thích hợp với vị trí miếng đất định làm nhà.
Miếng đất có được thế trong Phong thủy học gọi là miếng đất có tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, hậu Huyền Vũ, tiền Chu Tước. Nhưng đó chỉ là văn vẻ thôi, còn trong dân gian gọi dễ hiểu là miếng đất có Phía sau trồng đỗ, phía trước cấy chiêm, hai bên hai tay liềm co lại, nghĩa là đất có phía sau cao, phía trước thấp, hai bên có dải cao bao vòng. Đấy là miếng đất lý tưởng để làm nhà vì nó có thế tụ khí.
Tuy nhiên cũng không dễ gì xác định được Thuỷ đầu và Thuỷ khẩu như trên, nên cách đơn giản là đặt Hướng nhà trông về nơi đất thấp và đón được gói chủ đạo.
Đối với miếng đất đã có hướng xác định
Đối với những miếng đất đã có vị thế, ta không thể xoay tìm được Hướng nhà nào khác (ví dụ nhà ở mặt phố, nhà trông ra hồ nước) thì Hướng nhà có thể xác định dựa theo các yếu tố sau đây:
- Lấy sông hồ làm Hướng nhà: nhà trông ra sông hồ.
- Lấy Minh đường (khoảng không gian trống trước nhà) làm Hướng nhà: nhà trông ra Minh đường.
- Lấy phố chính làm Hướng nhà: nhà trông ra phố chính.
- Lấy cửa chính của nhà làm Hướng nhà: khi nhà có nhiều cửa thì lấy phương trông của cửa chính làm Hướng nhà.
- Lấy núi để toạ lưng nhà.
- Lấy hướng gió mát đối Hướng nhà.
2/. Xác định Hướng cửa
Hướng cửa được xác định là đường nối tâm nhà ra điểm giữa của cửa chính. Trong Phong thuỷ học thì Hướng cửa phải nằm được vào cung tốt của Trạch quẻ. Cho nên phải dùng bản đồ Trạch quẻ để xác định vị trí của cửa chính trên bản vẽ bố cục mặt bằng nhà. Nếu người thiết kế không quan tâm đến cung Sơn hướng của cửa chính thì có thể xác định vị trí cửa chính trên cơ sở đón được hướng gió cần thiết.
Có một nguyên tắc là: khí phải đi vào cửa chính đến tâm nhà, rồi từ tâm nhà mới phân phát đi các phòng trong nhà. Nếu khí không vào được đến tâm nhà (do bị tường hoặc các cửa ngăn cản) thì sẽ dẫn đến trường hợp khi đi vào phòng nào đó rồi đi ra theo cửa sổ, còn các phòng khác thì không có khí vào. Nhà như thế không bao giờ được vượng khí. Nhà không vượng khí thì người sống trong nhà không khỏe mạnh. Cũng giống như người ta thường chọn vị trí thích hợp ở khu vực giữa làng để xây đình làng.
Khi đó, khí tụ về đình rồi mới phân tán đi các ngõ xóm cho đến từng nhà. Không ít nhà bị tình trạng thiết kế không để khí vào đến tâm nhà. Qua kiểm tra, các nhà này đều không vượng khí. Việc này nhiều khi rất đơn giản: chỉ phá đi một mảng tường hoặc dỡ bỏ một bộ cánh cửa nào đó để khí không bị cản trên đường đi vào đến tâm nhà.
Một số biện pháp hóa giải năng lượng xấu ở cửa ra vào
Vì là nơi đón khí và vận may đến, nên cửa chính phải được mở vào một không gian rộng rãi, sạch sẽ và thông thoáng. Từ đây, luồng khí tiếp tục được lưu thông điều hòa khắp nhà, không quá nhanh và cũng không quá chậm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cửa trong nhà bạn cũng đáp ứng những yêu cầu trên. Vậy phải hiệu chỉnh cửa chính như thế nào cho đúng với ngũ hành? Trong trường hợp cửa mở vào một không gian hẹp, hãy cố gắng giữ cho khu vực này luôn được thoáng đãng. Nhờ đó bạn sẽ không có cảm giác tù túng. Lối vào hẹp cũng làm hạn chế nguồn thu nhập của gia đình bạn. Để khắc phục, bạn nên gắn thêm đèn trần, treo một tấm gương để tạo ảo giác lối vào rộng hơn. Nếu cửa bị kẹt, nứt hoặc kêu cót két, đó chính là những dấu hiệu xấu, đòi hỏi bạn phải sửa chữa ngay. Để quá lâu, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng, không còn suôn sẻ như trước nữa. Khi phát hiện thấy những vết nứt trên cửa (do thời tiết hoặc chất liệu quá cũ), bạn cần thay ngay cửa mới. Vết nứt đó là dấu hiệu báo cho bạn biết luồng khí xung quanh lối vào nhà đang có vấn đề. Sau khi thay cửa, bạn cũng cần tiếp thêm sinh khí cho khu vực này. Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất là gắn đèn chiếu sáng để xua tan năng lượng xấu. Năng lượng xấu ở cửa trước còn được tạo ra khi có sự xung khắc của ngũ hành. Nếu cửa chính nằm ở góc mộc (hướng đông hoặc hướng đông nam), bạn cần tránh sử dụng cửa bằng sắt hoặc cửa sơn trắng (thuộc hành kim). Vì theo ngũ hành tương sinh tương khắc, kim khắc mộc nên sẽ làm cho nguồn năng lượng ở đây trở nên xấu đi. Tốt nhất bạn nên dùng cửa bằng gỗ, sơn xanh, tượng trưng cho hành mộc. Tương tự, khi cửa chính nằm ở góc kim (hướng tây và tây nắc), bạn không nên dùng cửa gỗ sơn đỏ. Chúng sẽ làm cạn kiệt năng lượng, khiến cho vận hội tốt của gia chủ cũng nhanh chóng tiêu tan. Thay vào đó, hãy sử dụng của màu nâu, vàng (thuộc hành thổ).
3/.Khắc phục những khuyết điểm, mang lại sự sung túc cho gia đình
Sống trong nội thành đất chật người đông, để tránh tình trạng cửa chính hai nhà không đối diện nhau quả thật rất khó. Theo phong thủy, hai cửa chính xung đối sẽ làm khí nhà này xộc thẳng sang nhà kia. Khi đó, chắc chắn sẽ có một nhà bị ảnh hưởng xấu. Để cải thiện, bạn nên dùng cửa lắp kính phản quang. Chúng có khả năng phản xạ lại tất cả những luồng năng lượng xấu, không để chúng xâm nhập vào nhà. Bạn cũng có thể dùng biện pháp này để giải quyết trường hợp cửa chính bị góc hay một vật nhọn từ nhà hàng xóm chĩa thẳng vào. Hóa giải những khuyết điểm, năng lượng xấu ở cửa ra vào để tài chính không bị tiêu hao. Nếu nhà được xây trên gò cao, cần tránh thiết kế bậc cấp dẫn lên cửa chính hẹp và dốc. Lối lên dốc đứng sẽ làm tiêu tán hết tiền bạc của bạn. Thay vào đó, hãy xây bậc cấp dạng hơi cong, đổ thoai thoải xuống. Những ngôi nhà có cửa chính hướng thẳng ra hẻm hoặc đường lớn rất dễ bị xung khí xộc thẳng vào nhà. Sống trong ngôi nhà như vậy, gia đình bạn sẽ bị hao tổn cả sức khỏe lẫn tài sản.
Để khắc phục, bạn hãy xây tường rào cao ngang tầm với cửa để tránh trực xung này. Tuy nhiên, tường rào quá cao lại tạo cảm giác tù túng, ức chế. Muốn hóa giải điều này, bạn nên thiết kế tường gạch bên dưới, kết hợp với hàng rào sắt và trồng cây dây leo lên trên. Tuyệt đối không thiết kế cửa chính nằm thẳng hàng với các cửa vào phòng hoặc cửa hậu. Vì cửa mở xuyên suốt từ trước ra sau nhà sẽ tạo nên hiện tượng "xuyên đường phong". Khi đó, không chỉ sức khỏe của cả gia đình bạn bị ảnh hưởng mà bao vận may, tài lộc vào nhà theo cửa chính cũng sẽ nhanh chóng trôi tuột đi Từ xưa, người Trung Quốc đã biết cách sử dụng các biểu thượng bảo vệ,đó là: tượng sư tử, rồng, lân, đại bàng... Ngày nay, biện pháp này vẫn được nhiều người áp dụng. Ở nhà riêng chỉ cần đặt 2 bức tượng kỳ lân bằng đồng hoặc đá ở hai bên cửa hoặc cột cổng, tài sản trong nhà bạn sẽ được bảo vệ. Những biểu tượng này có khả năng thu hút năng lượng từ vũ trụ, tăng cường cho vùng không gian sống của gia đình bạn. Nếu không chỉnh sửa được hiện tượng "xuyên đường phong", bạn cũng có thể kê bình phong, treo rèm, đặt một vài chậu cây,... để ngăn chặn bớt luồng khí xấu.