Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin…là những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được Nhà nước thừa nhận và tạo điều kiện để đảm bảo thực hiện.
Tự do ngôn luận- hiểu một cách đơn giản, đó là “sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế, đôi khi còn được dùng để nói đến cả hành động tìm kiếm, tiếp nhận, và chia sẻ thông tin hoặc quan niệm, quan điểm, bất kể bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông nào. Trong thực tiễn, không có quốc gia nào có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, quyền này thường bị hạn chế, chẳng hạn như sự hạn chế đối với các phát ngôn có tính chất thù ghét.” Các hạn chế đối với tự do ngôn luận theo "nguyên tắc gây hại" hoặc "nguyên tắc xúc phạm" có thể là những hành động nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của một cá nhân, nhóm người về các vấn đề liên quan tới chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền khác: "phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ".
Ấy vậy mà, có nhiều kẻ cố tình phớt lờ đi “những hạn chế do luật định” mà bản tuyên ngôn về nhân quyền quốc tế đã ghi nhận, bất chấp cả những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đã đạt được và dựa vào Điều 25 của Hiến Pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2013 của nước ta: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, để rồi bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận! Nguyễn Dư- tác giả của bài viết “Quan niệm của ý đảng và lòng dân về cái quyền tự do ngôn luận” đăng tải trên Dân Làm Báo đã viết “Dạ thưa tác giả bài viết, em xin hỏi: "Tự do ngôn luận được Hiến pháp nước ta bảo hộ, nhưng không có nghĩa là thích nói gì thì nói", là nghĩa làm sao? "Tự do ngôn luận nhưng cần phải tuân thủ hiến pháp"(!) Câu này thì lý loạn sai hoàn toàn, thưa đồng chí ạ! Chính vì tuân thủ hiến pháp nên người dân mới có quyền, được quyền tự do ngôn luận.”!! Thật đáng buồn cho suy nghĩ và cách tư duy của ông Nguyễn Dư. Một người đã không hiểu luật, đã không nắm rõ luật mà lại còn thích tỏ vẻ ta đây thông thạo và hiểu biết luật! Dù cho là có tự do, nhưng thử hỏi kiểu tự do ngôn luận gây nên những hành động trái pháp luật thì liệu rằng có nhà nước nào dám bảo đảm cho công dân hay không? Tự do ngôn luận chẳng nhẽ là cái kiểu tự do mà “người viết muốn viết gì thì viết kể cả chửi tục, viết bậy, nói ngược, đổi trắng thay đen” ư?
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch càng tăng cường hơn nữa việc lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá nước ta, mà chống phá mạnh mẽ nhất có lẽ là những tàn dư của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Chúng tung hô rằng chỉ có quay trở lại thời Việt Nam Cộng Hòa thì nhân dân ta mới được tự do, mới được đảm bảo nhân quyền! Thế nhưng, xin thưa rằng, đấy là điều nhầm lẫn cơ bản! Ðiều 16 Hiến pháp 1956 của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã viết: "Mọi người dân có quyền tự do ngôn luận. Quyền này không được dùng để vu cáo, phỉ báng, xâm phạm đến nền đạo lý công cộng, hô hào nổi loạn, hoặc lật đổ chính thể cộng hòa", Ðiều 12 Hiến pháp 1967 của chế độ này cũng viết: "Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục". Và lấy gì để biện minh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí của một chế độ khi chỉ trong vòng một tháng đầu năm 1975 đã bỏ tù 19 nhà báo và đóng cửa năm báo đối lập??
Vậy nên, là công dân Việt Nam, chúng ta phải tự hào với những quyền mà chúng ta được hưởng. Trên thế giới, chẳng được mấy quốc gia có thể đáp ứng được đầy đủ các quyền tự do cho con người như ở Việt Nam. Chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, làm tròn quyền và bổn phận của bản thân đối với quốc gia chính là cách để mỗi công dân thể hiện lòng yêu nước, yêu Tổ Quốc của mình!
Sương Đêm
No comments:
Post a Comment