(Tiếp phần 1)
Chính quyền Sài Gòn là một chính quyền phụ thuộc, chính quyền tay sai của Mỹ, vì Mỹ mới là người điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược. Chẳng thế mà năm 1963 khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm không hợp với Chính phủ Mỹ nữa thì Mỹ đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính giết chết anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu để dựng nên một chính phủ tay sai khác. Về mặt pháp lý, khi ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27 – 01 – 1973, là bốn bên ký: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bốn bên nhưng hình thù hai bên rất rõ: bên cách mạng Việt Nam và bên Hoa Kỳ có sự giúp sức của Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải hai bên theo nghĩa nội chiến: bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bên Việt Nam Cộng hòa.
Cố tình đánh lận con đen Nguyễn Gia Kiểng đang xuyên tạc lịch sử
Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 – 01 – 1073, mặc dù quân Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng ở giai đoạn 1973 – 1975, tính chất của cuộc chiến tranh vẫn là cuộc chiến của Mỹ. Chiến tranh xâm lược thực dân mới do Mỹ phát động chưa chấm dứt. Ngay trước năm 1973, Mỹ đã viện trợ ồ ạt cho chính quyền Sài Gòn một khối lượng phương tiên chiến tranh khổng lồ; chủ trương hiện đại hóa, tinh nhuệ hóa quân đội Sài Gòn bằng kế hoạch quân sự 6 năm (1974 – 1979). Mỹ còn chủ trương làm cho kinh tế miền Nam….bằng kế hoạch kinh tế hậu chiến 8 năm (1973 – 1980). Năm 1973, quân chính quy của chính quyền Sài Gòn là 710 nghìn quân và 1,5 triệu bảo an dân sự. Toàn bộ lực lượng đó đều do Mỹ bảo đảm về trang bị, tác chiến. Như vậy, bất chấp Hiệp định Pari đã được ký kết, Mỹ vẫn là một tác nhân chính cho việc tiêu diện lực lượng cách mạng ở miền Nam, muốn xóa bỏ tình trạng hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng hiện có, biến miền Nam Việt Nam thành lãnh thổ chỉ có một chính quyền tay sai của Mỹ. Do vậy, giai đoạn 1973 – 1975, thoạt nhìn bề ngoài có vẻ như đó là cuộc chiến giữa lực lượng cách mạng Việt Nam với một bên là quân đội Sài Gòn, nhưng thực chất tính chất cuộc chiến vẫn không hề thay đổi, nghĩa là vẫn hai phía: phía cách mạng Việt Nam và phía Mỹ cộng với lực lượng tay sai là chính quyền Sài Gòn.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài, trong khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tiềm lực kinh tế, quân sự rất hạn chế. Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Thư để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân (sau này được gọi là Di chúc). Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ thắng lợi hoàn toàn. Trong bản năm 1968, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Đến bản bổ sung ngày 10 – 05 – 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.
Thực tế, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Mnh với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30 – 04 – 1975.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi chung của cả dân tộc Việt Nam đối với đế quốc Mỹ xâm lược chứ không phải là thắng lợi của miền Bắc đối với miền Nam, với cái nghĩa là sự kết thúc của cuộc nội chiến như một số người quan niệm.
Chiến tranh bao giờ cũng để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho tất cả các bên tham chiến. Tuy không phải là nội chiến, nhưng cuộc chiến tranh 1954 – 1975 ở Việt Nam đã để lại vết thương lòng sâu đậm cho người Việt Nam. Người Việt Nam tham gia chiến tranh với hai phía rõ rệt: phía cách mạng và phía theo Mỹ. Chiến thắng 30 – 04 – 1975 cho đến nay, thì một bên hằng năm kỷ niệm một cách long trọng, còn một số người khác thì lấy đó là “ngày quốc hận”, tâm lý này có cả ở một số cộng đồng người gốc Việt xa xứ. Ngày đó đã xác nhận một tâm lý dân tộc, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói, là có hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Không có ở đâu trên thế giới này như đất nước Việt Nam, tâm trạng giằng xé đó lại hiện diện trong nhiều gia đình, nghĩa là trong cùng một nhà vừa có người tham gia phía cách mạng và vừa có người tham gia phía chính quyền Sài Gòn.
Chỉ có điều là cuộc chiến tranh này đã lùi xa 4 thập niên, song những nỗi đau vẫn còn đó, cả nỗi đau về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mong muốn “đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu trong Di chúc, chắc chắn có chỗ đứng xứng đáng cho sự hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Tuy đất nước thống nhất đã 40 năm, nhưng phải chăng vẫn còn “nội chiến” dai dẳng ở lòng người? Hãy san phẳng mọi trở ngại và chấm dứt cái nội chiến ấy, nếu có. Riêng đối với Hoa Kỳ thì Việt Nam đã bình thường hóa từ năm 1995, hiện nay quan hệ hai nước là quan hệ hợp tác toàn diện và đang đi những bước vững chắc lên quan hệ chiến lược. Đối với một dân tộc như Việt Nam mang nặng khát vọng hòa bình, hòa hiếu thì việc hòa hợp, hòa giải dân tộc chắc chắn sẽ đạt được. Từ mọi góc bể, chân trời, người Việt Nam vẫn tìm thấy nhau ở tinh thần đó trong sự phát triển văn minh của nhân loại./.
Hải Trang
No comments:
Post a Comment