Monday, July 13, 2015

ĐỪNG TRÁCH BỌN TRẺ!

Chúng ta mổ xẻ tại sao hội đồng thi môn lịch sử chỉ có một thí sinh? Chúng ta thảng thốt khi con trẻ trả lời ngây ngô nhầm lẫn về các anh hùng dân tộc? Chúng ta chê trách lớp thanh niên hôm nay thờ ơ với cội nguồn, bỏ bê tìm hiểu chính sử nước nhà? …


Video gây tranh cãi trên mạng Internet mấy ngày qua

Có lẽ chính người lớn chúng ta mới đang sai chứ không phải những học sinh còn đang mài quần trên ghế nhà trường và bố mẹ cho đi học cái gì thì học cái đó, thầy cô dạy cái gì thì chép cái đó đâu... Tại sao từ bộ học cho đến các nhà trường không bao giờ cho môn lịch sử là quan trọng? Từ cách học cho đến cách thi? Tại sao sách giáo khoa, truyện lịch sử in sai sự thật, tô vẽ bậy bạ về các nhân vật truyền thuyết? Tại sao đến đại biểu quốc hội, quan tỉnh, quan huyện còn phát biểu linh tinh về lịch sử? Tại sao lễ hội, đình chùa, tượng miếu, văn bia… còn tái hiện, ghi chép sai lịch sử? Tại sao đài báo, phim ảnh chỉ toàn chiếu phim Tàu, phim Mỹ, nhạc Hàn, nhạc Thái…? 

Quang Trung - Nguyễn Huệ là 2 người, 2 anh em hay bạn cùng chiến đấu?

Tại sao các phụ huynh bằng mọi cách chỉ muốn cho con mình học tiếng Anh, tiếng Pháp, học Toán, học nhạc, học hát, học khiêu vũ… chứ không hứng thú cho bọn trẻ học các ngành khoa học xã hội nhân văn. Và họ càng không quan tâm đến học lịch sử. Tại sao người lớn thoải mái mua đồ chơi, trang bị điện thoại thông minh, máy tính bảng, sắm hàng hiệu, đưa con cái đi siêu thị, công viên, nhà hàng… nhưng lại không nghĩ đến việc dẫn bọn trẻ đến thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, vào thăm bảo tàng, tặng một cuốn sách lịch sử, kể cho chúng nghe về quê hương và dòng họ… Tại sao người lớn cũng chỉ thích quan tâm tìm đọc và đàm tiếu với nhau thường xuyên về những chuyện “cướp giết hiếp”, tiền tài danh vọng… Để rồi rất nhiều người trẻ lớn lên thờ ơ với lịch sử, vô cảm với cộng đồng, sính ngoại, thích hưởng thụ, thậm chí là ích kỷ và độc ác… Đừng trách bọn trẻ vì chính chúng ta đã làm sai.

Sử sách không chỉ là ghi nhớ những việc đã qua mà còn phải suy xét gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên để hiểu cho rõ những vận hội của nước nhà, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích của sử là làm cái gương để đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này. Không biết và hiểu sơ lược những sự tích nước mình thì làm sao có lòng yêu nước, biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng mà để lại cho mình. Dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập thì đều có sử cả. Nhưng bấy lâu, việc dạy, học, truyền bá sử ta có khi vẫn bị coi là nhạt tẻ. Sử truyền không hay, mà lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập làm cho người mình không thích tìm hiểu sử. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì cũng thường chỉ học cho xong, học lấy điểm rồi đi thi mà thôi.

Nhưng dẫu thế nào đi nữa, dân tộc ta, đất nước ta đã có sử và sử rất dài, rất hào hùng thì ta phải học. Không ai có thể học hết sử, kể cả những người làm sử. Nhưng ta cũng cần biết sơ lược, khái quát và những cứ liệu căn bản về nước nhà. Đừng nghĩ rằng lịch sử không quan trọng vì rồi ai trong chúng ta cũng sẽ trở thành lịch sử. Những người lớn của hiện tại hôm nay phải thay đổi cách giáo dục, truyền thụ, hướng dẫn về lịch sử cho con cháu mình. Để không chỉ một thời gian không dài nữa, chúng ta sẽ là lịch sử “không mấy bận tâm” trong suy nghĩ của tương lai.

Năm xưa Hùm thiêng Yên thế Hoàng Hoa Thám sa cơ lỡ vận, khởi nghĩa tiêu vong nhưng vẫn dặn lại đời sau:
“Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên tôi. Chúng tôi đây, những thần dân trung thành của nước Việt. Chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu dời bỏ phong tục đó, cho dù đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Trời Đất, thần linh phù hộ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh”.
Hải Trang

No comments:

Post a Comment