Tuesday, July 14, 2015

CHIẾN TRANH 1954 – 1975 - CÓ PHẢI LÀ CUỘC NỘI CHIẾN? (Phần 1)

Đã 40 năm sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ở đâu đó còn có người cho rằng, cuộc chiến tranh 1954 – 1975 là một cuộc nội chiến, nghĩa là cuộc chiến tranh giữa một bên là “Việt Cộng” được sự ủng hộ của các nước hệ thống các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, với một bên là lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa được sự ủng hộ của Mỹ và một số nước đồng minh. Gọi đó là cuộc nội chiến tức là chiến tranh huynh đệ tương tàn, người Việt Nam đánh lẫn nhau. Ý kiến trên có đúng hay không? Bài viết góp phần làm rõ vấn đề này đến các bạn đọc.


Bài viết trên RFA đặt câu hỏi Nội chiến hay không nội chiến. Ảnh: chụp từ bài viết

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại đã diễn ra tình trạng có hai chế độ chính trị khác nhau ở hai miền Nam, Bắc do hậu quả của Hiệp định đình chiến Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam. Trong các văn kiện của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương thì nhiều vấn đề lớn của chính trị không nằm trong Hiệp định đình chiến mà lại nằm trong bản Tuyên bố cuối cùng. Theo bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương thì sau hai năm, tức là đến tháng 07 - 1956, hai miền Nam, Bắc phải tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Đáng tiếc là bản Tuyên bố cuối cùng đó thiếu sự ràng buộc trách nhiệm của các thành viên tham dự Hội nghị Giơnevơ, bởi đơn giản là nó không để lại bất kỳ một chữ ký nào và gần như để ngỏ cho trách nhiệm thực thi. Các bên tham gia Hội nghị đều có thể đưa ra cách giải thích khác nhau về thực hiện những nội dung của bản Tuyên bố. Chính đây là cơ hội mà phía Mỹ, bao gồm cả chính quyền Sài Gòn do Mỹ lập nên, đã triệt để lợi dụng, nhất là về nội dung và thời hạn tổng tuyển cử đi đến thống nhất đất nước Việt Nam.

Việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam không thành. Thực tế diễn ra sau Hội nghị Giơnevơ là Mỹ đã ủng hộ Việt Nam Cộng hòa từ chối tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho rằng Mỹ và chính quyền Sài Gòn (trước đó là Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng) là đại diện cho hai trong chín bên đã ký vào bản Hiệp định đình chiến của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 nhưng lại không tán thành bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị (ra Tuyên bố riêng), cho nên việc này chứng tỏ rằng Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sớm rắp tâm chia cắt lâu dài hai miền Nam, Bắc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã nhận thức rõ rằng, Mỹ coi miền Nam Việt Nam là địa bàn quan trọng trong chiến lược chống sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam châu Á và trên thực tế Mỹ đã viện trợ tích cực cho Pháp chống lại cách mạng Việt Nam (giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), Mỹ đã đóng góp cho Pháp tới gần 80% chiến phí. Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đẩy mạnh việc chuẩn bị cho những bước can thiệp sâu hơn vào nội tình Việt Nam Cộng hòa. Năm 1954, Mỹ thực hiện các hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến, kêu gọi và vận động nhân dân miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là đồng bào theo đạo Thiên Chúa, di cư vào miền Nam; huấn luyện các lực lượng vũ trang của Việt Nam Cộng hòa; xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại Philippines, bí mật đưa một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự vào Việt Nam; giúp đỡ phát triển các kế hoạch “Bình định Việt Minh và các vùng chống đối”, v.v …

Trong khi đó, chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam là “Củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam”, tập trung xây dựng miền Bắc, đồng thời tranh thủ về mặt ngoại giao để kêu gọi một giải pháp hòa bình cho miền Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kêu gọi các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ, lưu ý phía Pháp về trách nhiệm đối với việc thống nhất hai miền đất nước Việt Nam thông qua Tổng tuyển cử theo đúng tinh thần của bản Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Giơnevơ. Tháng 6-1955, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với chính quyền Sài Gòn nhưng không được đáp ứng. Tháng 7-1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã yêu cầu các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ tổ chức một cuộc hội nghị mới. Các yêu cầu đàm phán với Chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì nêu tại các thời điểm tháng 6 và 7-1957, tháng 3 và 12-1958, tháng 7-1959 và tháng 7-1960, nhưng đều bị từ chối. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn muốn thiết lập quan hệ thương mại giữa hai miền nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng khước từ.

Thậm chí, trong khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chối bỏ hiệp thương tổng tuyển cử tự do, đồng thời ra sức đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ và khủng bố những đảng viên Đảng Lao động Việt Nam bằng những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì theo đuổi chính sách chuẩn bị cho tổng tuyển cử và cố gắng duy trì các giải pháp ôn hòa.

Hòa bình là hằng số mang bao khát vọng cho cách mạng Việt Nam sau nhiều năm chịu khói lửa chiến tranh. Sự kiên trì cho đường lối hòa bình của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một cố gắng lớn cũng như là một sự kiềm chế lớn, trong khi phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ra sức phá hoại nền hòa bình. Chính điều này đã làm cho một số người trong lực lượng cách mạng Việt Nam, nhất là ở miền Nam trong thời gian 1954-1959 “chưa tâm phục khẩu phục” chủ trương giữ gìn lực lượng cách mạng của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Thái độ hiếu chiến và sức mạnh của Mỹ cùng với máy chém của chế độ Sài Gòn đã tiến công trực diện vào những giá trị của Hiệp định Giơnevơ, làm cho những người cách mạng ở miền Nam bức xúc, đòi quyền đứng lên đấu tranh vũ trang sau thời hạn 2 năm quy định của Hiệp định Giơnevơ (7-1957). Và điều này chính là một kích hoạt quan trọng cho sự ra đời Nghị quyết Hội nghị 15 (mở rộng) của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1959 – Nghị quyết “cho phép đánh”. Nghị quyết nêu rõ: “Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạng của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị ủa đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân.”

Còn phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn thì cho rằng, “Việt Cộng” có ý đồ vi phạm Hiệp định Giơnevơ khi một mặt cho tập kết quân ra miền Bắc theo những điều khoản quy định của Hiệp định, một mặt thì lo tính ém lại lực lượng cách mạng “nằm vùng” để chờ thời cơ giành lấy chính quyền mà điển hình là sự kiện liên quan đến một yếu nhân của phía cách mạng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kéo dài tới 21 năm với biết bao máu xương đã đổ xuống, làm cho kinh tế sa sút, xã hội bị xáo trộn. Mỹ đã bị sa lầy vào cuộc chiến đó. Hội chứng về chiến tranh Việt Nam tại Mỹ vẫn còn, có lẽ cũng phải mấy lần 40 năm nữa vẫn chưa thể phai nhạt.

Đúng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được sự giúp sức của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống XHCN, nhưng thực sự đó là cuộc chiến đấu của chính bản thân nhân dân Việt Nam, không có sự tham gia trực tiếp của nước ngoài. Đường lối chính trị, quân sự, kế hoạch tác chiến, … đều do Đảng ta đề ra. Còn chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì lại khác, thực chất cuộc chiến là của Mỹ, quân Mỹ trực tiếp tham chiến, rõ nhất là từ năm 1965, với sự tham gia của quân đội Sài Gòn và cả quân của một số nước đồng minh của Mỹ, như Hàn Quốc, Austalia, New Zealand, … (riêng quân Mỹ có lúc đã lên tới gần 1 triệu quân). Mỹ còn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. Kế hoạch ném bom, bắn phá miền Bắc là của Mỹ, máy bay, tàu chiến, phi công, bom đạn là của Mỹ, và cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam chính là một bộ phân không thể tách rời của toàn bộ chiến lược chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam (và ở cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia).

(Còn tiếp phần 2)

Hải Trang

No comments:

Post a Comment