Tóm lược sách “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” (Stefan Klein) – Phần 1
I. Đọc lời nói đầu
Đối với sách có tính chất nghiên cứu như “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” thì lời nói đầu thực sự rất quan trọng bởi vì toàn bộ lập luận của tác giả được giới thiệu kỹ lưỡng ở đây. Qua việc đọc lời nói đầu mình biết được:
- WHY (Mục đích của tác giả): Tập hợp và trình bày tri thức về hạnh phúc một cách dễ hiểu.
- WHAT (Đối tượng nghiên cứu): “Hạnh phúc” với hai nhận thức quan trọng là hệ mạch thần kinh tạo nên “hạnh phúc” (1) và não người dù trưởng thành thì vẫn có thể biến đổi (2).
- HOW (Cách dẫn dắt của tác giả): Từ việc đưa ra thực trạng về các vấn đề tâm lý con người đang mắc phải như stress, trầm cảm, căng thẳng,.. Klein cho biết người sống hạnh phúc (được hiểu là có nhiều cảm xúc vui sướng, tích cực) sẽ khỏe mạnh và không gặp phải những vấn đề kể trên. Thế nhưng “hạnh phúc” đến từ đâu? Từ câu hỏi này ông mới giới thiệu bộ môn “khoa học thần kinh mới” – công cụ giúp Klein nghiên cứu về căn nguyên của hạnh phúc.
II. Đọc lời nói đầu và mục lục
Thường thì mục lục sẽ là nơi thể hiện cách tác giả khai triển ý tưởng của mình. Nhìn vào mục lục ta biết được sách có mấy phần, mỗi phần viết về điều gì và lại chia làm bao nhiêu phần nhỏ nữa. Tuy vậy, mình cảm thấy mục lục và cách triển khai của Stefan Klein rắc rối và không nhất quán với lời nói đầu. Vậy nên mình chỉ lướt qua mục lục ở các đề mục chính để biết sách có 4 phần; còn lại mình “cày” trong lời nói đầu. Kết hợp lời nói đầu và mục lục mình phác thảo được:
Sách có 4 phần
II. 1. HẠNH PHÚC LÀ GÌ (Cụ thể gồm 2 luận điểm trung tâm: cơ chế tạo ra cảm giác “hạnh phúc” của não bộ [1] và não kiểm soát cảm xúc tiêu cực như thế nào [2])
Thiệt ra thì câu hỏi “hạnh phúc là gì” ở đây chưa phù hợp lắm. Mình chọn cách hiểu “hạnh phúc đến như thế nào” thì thấy hợp lý hơn bởi vì sau khi đọc hết thì dường như ta không tìm thấy một định nghĩa cuối cùng cho “hạnh phúc”. Mình cũng bỏ qua các phần bàn về nụ cười, minh triết, gen hạnh phúc, vv bởi vì những phần này không liên quan nhiều đến mạch ý lắm. Tuy vậy mình vẫn đọc để bổ sung ví dụ hoặc mở rộng các ý tưởng.
II. 2. ĐAM MÊ
Phần này bàn nhiều về những cái “muốn” và “thích” của con người vốn hay gắn liền với cảm giác “hạnh phúc”. Trong phần 2 này, tác giả mở rộng phân tích các quá trình hóa học trong não bộ - nguồn tạo ra “hạnh phúc” thực sự. Tương tự như ở phần 1, mình lược bỏ đi một số phần không trực tiếp gắn liền với mạch ý như tình yêu, tình bạn, vv nhưng sau đó vẫn đọc lại để hiểu kỹ hơn vấn đề nhé.
II. 3. Ý THỨC CHIẾN LƯỢC
Nghe tên thì chắc bạn cũng đoán được phần này hướng dẫn phương pháp để sống hạnh phúc hơn. Phần quan trọng nhất của chương 3 là sáu nhãn quan giúp ta ý thức được “hạnh phúc”.
Sau đó vẫn có một số ý bổ sung nhưng mình sẽ viết kỹ hơn trong bài tới.
II. 4. XÃ HỘI HẠNH PHÚC
Tác giả tin rằng có ba trụ cột cần có cho một xã hội hạnh phúc. Chương 4 này ngắn nhất trong các chương của sách, tác giả lại không bàn sâu nên cơ bản bạn chỉ cần chỉ ra được ba trụ cột đó là được rồi.
Với tất cả dữ kiện trên mình đã vẽ được sơ đồ khái quát của sách. Từ đây mình áp dụng tiếp kỹ thuật dò tìm cụm từ/ từ, thông tin/ cụm thông tin. Mình cứ gắn thông tin vào các nhánh tương ứng từng chút một. Việc “mò” ra được mạch của tác giả cũng giống như bạn đang học lại cách mà họ tư duy. “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” có quá nhiều thông tin (mà cái nào cũng hay hết!) nên mình buộc phải chọn lọc những từ khóa quan trọng nhứt. Thế nên nếu chia thời gian đọc sách này ra 10 phần thi dò được mạch ý đã mất 2-3 phần thời gian rồi. Còn cụ thể mỗi chương bàn về “hạnh phúc” như thế nào thì bạn kiên nhẫn đợi bài sau nha. Chắc chắn những kết quả nghiên cứu của Klein về “hạnh phúc” sẽ làm bạn bất ngờ.
#nhatkyhocngu
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=873129189408206&set=a.868961836491608.1073741968.100001333980465&type=1&permPage=1
No comments:
Post a Comment