Vừa rồi, đưa tin về việc Philipines tuyên bố rút lui, không tham gia đàm phán TPP, rồi các hoạt động phản đối TPP ở các quốc gia - nhiều bạn đã hỏi "TPP là gì, có vai trò gì mà nhiều người quan tâm?"
Trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới để phát triển hiện nay, nắm bắt thông tin là rất quan trọng. Riêng về TPP, thì mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, trí thức, luật sư, doanh nghiệp, khởi nghiệp... cần phải biết, hiểu rõ và nhiều hơn về nó - sự kiện lớn sẽ tác động đến rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam cùng nhiều nước đang đàm phán, đặc biệt là đàm phán với Mỹ, có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong các chính sách vĩ mô.
Sau đây là những vấn đề cơ bản về TPP để các bạn cùng tham khảo
TPP LÀ GÌ?
TPP - viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 quốc gia của TPP hiện nay bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản. Trong đó, 4 thành viên sáng lập là: Singapore, New Zealand, Brunei và Chile.
(Hàn Quốc, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, và nhiều nước khác đang có ý định tham gia vào TPP)
Mục tiêu chính mà TPP đưa ra là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, vấn đề công đoàn, an toàn lao động và cả những ràng buộc mang tính chính trị,...
12 quốc gia hiện tại tham gia TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.
NHỮNG RÀNG BUỘC TRONG TPP
TPP sẽ đặt ra các luật lệ quốc tế vượt qua cả phạm vi WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động….
Khác với các điều khoản quốc tế trong WTO mà hầu hết chỉ quy định về các vấn đề thương mại sau khi đã thống nhất thoả thuận - bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điểu chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên.
Nói một cách khác, các điều luật của các quốc gia thành viên sẽ phải tuân theo định hướng của TPP. Nhiều điều luật trong TPP thậm chí có ảnh hưởng thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia.
Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề khác chủ yếu liên quan đến các chính sách, quy định mang tính vĩ mô của các quốc gia thành viên.
Cần chú ý rằng, TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (đang đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam), để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân.
Bằng hiệp định TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng mang chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án đặc biệt này có toàn quyền bắt chính phủ đền bù không chỉ cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn phải đền bù cho cả những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, công ty quốc tế đó.
Các thành viên tham gia TPP đều đã phải ký một thỏa thuận giữ bí mật về tiến trình thương lượng chi tiết các điều luật của TPP. Các nước này chỉ được tiết lộ những thông tin trên đến các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân có liên quan trực tiếp đến tư vấn chính sách giao dịch.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TPP VÀ SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM
Bắt đầu từ 2005, trong khuôn khổ của các diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Singapore đề xuất ý tưởng xây dựng một hiệp định FTA (thương mại tự do) cho cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, song chỉ thu hút được sự quan tâm của 4 nước là Singapore, New Zealand, Brunei và Chile. Các nước này đã họp với nhau, đi đến quyết định thành lập một hiệp định thương mại tự do mang tên P4 với nội dung TPP nêu trên. Tuy nhiên, 4 nước này quá nhỏ, vai trò về kinh tế và chính trị không lớn, nên đã không thu hút được sự quan tâm của các nước khác, kể cả các thành viên APEC. Dù P4 đã được kí nhưng hầu như không gây được tiếng vang đối với khu vực và thế giới.
Mọi chuyện thay đổi hoàn toàn kể từ năm 2008, chính quyền Bush đã có cách thức tiếp cận và hội nhập khác, đánh dấu sự chuyển hướng chính trị của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ đã quyết định tham gia TPP vào quý 3 năm 2008, coi TPP sẽ là điểm chốt mới của họ tại Châu Á để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc.
Ngay khi Mỹ quyết định tham gia hiệp định P4, mọi chuyện xảy ra khác hẳn, tại hội nghị APEC được tổ chức tại Peru năm 2008, Úc và Peru đã quyết định tham gia, nâng số nước tham gia lên 7 nước.
Đầu năm 2009, Việt Nam đã nhận được thư mời tham gia TPP. Đến năm 2010, Malaysia bày tỏ mong muốn tham gia TPP. Quá trình để đồng ý cho Malaysia gia nhập TPP diễn ra rất nhanh, vì khi đó chưa có quy trình áp dụng riêng cho thành viên mới muốn tham gia TPP, nó chỉ là quy trình tham vấn rất nhanh giữa các nước TPP. Đến tháng 9 năm 2010, Malaysia đã được đồng ý tham gia TPP.
Tháng 10/2010 tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo Việt Nam sẽ chính thức tham gia hiệp định TPP và tiếp tục đàm phán những vấn đề liên quan với các quốc gia khác, đặc biệt là đàm phán với Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo TPP, được tổ chức bên lề hội nghị cấp cao APEC tại Yokohama, Tổng thống Obama đã chính thức chào mừng Việt Nam và Malaysia tham gia TPP. Như vậy đến cuối năm 2010, Việt Nam cùng với Malaysia đã trở thành hai thành viên chính thức mới của TPP, nâng số thành viên của TPP lên 9 thành viên.
Kể từ khi TPP mở rộng thành viên, một số nước khác cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với hiệp định này. Đến nay, đã thêm 3 nước quan trọng là Mexico, Canada và Nhật Bản, nâng tổng số TPP lên 12 thành viên.
TÌNH HÌNH ĐÀM PHÁN TPP HIỆN NAY
Hiệp định TPP với vai trò chủ đạo của Mỹ khởi động từ tháng 3/2010 và đã trải qua 5 năm đàm phán với sự tham gia của 12 nền kinh tế năng động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tham vọng đến năm 2025, các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các nước APEC có thể tham gia TPP, trở thành một hiệp định thương mại tự do chính thức cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đúng như ý tưởng ban đầu mà P4 đề ra.
Phạm vi đàm phán trong TPP rất sâu rộng, thậm chí có rất nhiều lĩnh vực không liên quan đến thương mại, những vấn đề về công đoàn, những vấn đề về lao động, mà không phải là tiêu chuẩn thương mại liên quan đến lao động, rồi vấn đề môi trường, chẳng hạn như bảo tồn, thay đổi khí hậu, biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng, sinh vật biển… Thậm chí những vấn đề mang tính chính trị như chống tham nhũng, tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền cũng được Mỹ đưa vào, được ủng hộ bởi nhiều nước thành viên. Nghĩa là tạo ra đàm phán thực hiện hiệp định rất rộng, đòi hỏi hết sức sâu về chuyên môn.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán nhiều phiên chính thức với 22 nhóm đàm phán. Trước đây các nước trong đàm phán WTO đều đàm phán theo hình thức phòng thủ, nghĩa là đàm phán một chiều, Việt Nam đã phòng thủ tốt và thành công. nhưng nay là đàm phán mở, vừa tấn công vừa phòng thủ, Việt Nam lại chưa quen tấn công, hay chưa biết cách tấn công nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau khoảng 3, 4 phiên, cách tiếp cận của Việt Nam đã rõ ràng hơn, quen dần hơn với cách đàm phán của một hiệp định FTA tiêu chuẩn cao như TPP. Cho đến giờ, đoàn đàm phán Việt Nam khá tự tin trong quá trình thảo luận với tất cả các đoàn đàm phán khác.
Có thể tóm tắt kết quả đàm phán mà Việt Nam trong cả 22 nhóm đàm phán đều đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong vấn đề thu hẹp khoảng cách. Một số nhóm về cơ bản, hoàn tất công việc, ví dụ như nhóm về doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tổng thống Mỹ Obama cùng với những nhà lãnh đạo khác đã đặt ra mục tiêu cơ bản là sẽ kết thúc đàm phán TPP trong năm 2015 này. Do tuyên bố của Obama ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới nên Mỹ tạo ra sức ép rất lớn cho các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, vừa qua Obama cũng như toàn bộ TPP đã liên tục gặp các trở ngại, bị "dội gáo nước lạnh" như việc người dân các nước phản đối TPP, Philipin tuyên bố rút khỏi đàm phán để trở thành thành viên TPP, thượng viện Mỹ tước quyền đàm phán nhanh TPP (TPA) của Obama, mâu thuẫn gay gắt trong đàm phán giữa 2 nền kinh tế mạnh nhất thuộc TPP là Mỹ với Nhật, vv, bởi vậy lộ trình hoàn thành đàm phán TPP trong năm 2015 rất có thể không thực hiện được.
Tại Việt Nam, nhận thức về TPP còn rất hạn chế, kể cả đối với các doanh nghiệp. Mặt khác, dù rằng TPP có yếu tố Mỹ nên rất được các nhóm mang danh "Xã hội dân sự" tung hô nhưng qua đợt đơn phương khảo sát của Mỹ vừa qua đối với các nhóm này, chỉ có 5/15 nhóm ủng hộ Mỹ thông qua TPP với Việt Nam (đơn giản cũng vì cuồng Mỹ, muốn qua TPP để Mỹ tác động thay đổi chế độ Việt Nam), còn lại 9/15 nhóm phản đối và bỏ phiếu trắng (với lý do Việt Nam chưa có..nhân quyền, cũng nhằm chống Việt Nam, sợ chế độ Việt Nam mạnh lên nhờ TPP)...
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI VIỆT NAM:
Về cơ hội: mở cửa thị trường Mỹ và các thị trường lớn khác trong TPP mà Việt Nam chưa có được Hiệp định thương mại tự do (FTA) do những quy định khắt khe của WTO; tạo ra yêu cầu và động lực cho việc tự đổi mới để cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh; mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các chủng loại hàng hoá từ các nước TPP với thuế suất có thể chuyển về 0%,..vv.
Tuy nhiên, thách thức và thậm chí cả nguy hiểm cho chúng ta không hề là nhỏ, đó là: Việt Nam chưa đủ nguồn lực để tạo ra thay đổi lớn trong cải cách kinh tế, thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng nên lại trở thành lép vế, chịu thiệt thòi trong TPP, mất hoàn toàn thị trường trong nước, kể cả thị trường nông sản vào tay các tập đoàn nước ngoài, lương thực thực phẩm biến đổi gien tràn vào trong nước; các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đứng trước nguy cơ phá sản; hệ thống Y tế - Giáo dục và nền Nông nghiệp có thể sụp đổ; phải nhượng bộ trong nhiều vấn đề chính trị mà Mỹ và các nước vẫn ép ta hiện nay (như vấn đề nhân quyền, dân chủ, hoạt động của tổ chức công đoàn, vv..)..
Hãy quan tâm đến phân tích, kết luận của nhiều học giả quốc tế: TPP chỉ đem lại lợi ích cho các tập đoàn tư bản nhưng sẽ giết chết các quốc gia yếu!
Chần chừ, chậm chân là có thể đánh mất cơ hội phát triển, song cũng không thể vội vàng mà mất cảnh giác, nhượng bộ thái quá sẽ dẫn đến nguy cơ thua trắng trên sân nhà, trở thành người đi làm thuê cho các tập đoàn tư bản nước ngoài!
Hùng Mạnh
No comments:
Post a Comment