Wednesday, October 1, 2014

Bát nháo xưng hô ở công sở

Hiện nay ở cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường đại học … ở nước ta, việc xưng hô giữa các đồng nghiệp, giữa cấp trên- cấp dưới, thầy- sinh viên rất tùy tiện, thiếu khoa học, có thể gọi là bát nháo. Đây là hệ quả của một nền hành chính thiếu chỉnh chu, minh bạch.

Ngày xưa ở miền Bắc, trong các cơ quan người ta thường xưng hô với nhau bằng đồng chí. Già trẻ, gái trai gì cũng gọi nhau bằng đồng chí. Bố xưng với con: đồng chí; con xưng với bố: đồng chí! Vợ xưng với chồng: đồng chí. Nếu ông cháu cùng chi bộ thì ông xưng hô với cháu cũng bằng: đồng chí! Nghe buồn cười mà ghê ghê, như là xã hội bị cào bằng cấp bậc, chức vị. Nhưng xưng hô đồng chí một thời có vẻ đã tạo ra không khí bình đẳng trong công việc, không ai ở trên ai. Nhưng nghĩ kỹ xung hô đồng chí cũng chưa ổn, có lắm chuyện oái oăm. Vì có những người tuy cùng cơ quan, thậm chí cùng chi bộ, nhưng không phải là đồng chí hướng của nhau trong cuộc sống. Vợ- chồng, ông-cháu, cha con mà “đồng chí “ thì nghe ngượng ngượng thế nào ấy. Chỉ trong sinh hoạt của các tổ chức đảng này đảng nọ, xưng hô đồng chí mới đích xác. Thế rồi dần dà ai thích gì cứ xưng hộ theo cảm tính của mình.

Xu hướng chung là các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai thường bị biến tướng theo hướng quan hệ thuân thuộc “gia đình hóa”. Những cán bộ trẻ thường xưng cháu, con và gọi cán bộ lớn tuổi bằng bác, chú, bố ( cha); đối với phụ nữ là “xếp” hay lớn tuổi thì xưng là mẹ -con, thậm chí có không ít cơ quan toàn bộ nhân viên cấp dưới ai cũng gọi thủ trưởng bằng ông (theo nghĩa ông bà). Ông bảo làm cái này, ông bảo làm cái kia. Còn xưng với cán bộ lớn tuổi hơn một chút thì em- anh, sinh viên đại học xưng với giảng viên là em- thầy, em – cô…Dường như tôi chưa bao giờ thấy công chức các công sở hay thầy trò xưng hô bằng đại từ nhân xưng tôi- anh, tôi-thầy. Chỉ có một số phóng viên, biên tập viên các báo viết, các Đài Truyền hình khi đi phỏng vấn những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ lớn tuổi, họ không dám xưng tôi-anh, mà thường xưng theo học hàm, học vị hoặc chức vụ như: “Thưa giáo sư, tôi xin hỏi…”, ”Thưa tiến sĩ, tôi. . ”, “Thưa giám đốc, tôi muốn…”… Đó cũng là một cách xưng hô tôi- anh biến thể để tránh danh xưng theo lối gia đình như chú, bác, cháu, con, bà. . . rất nên khuyến khích. Còn nhiều nhà báo khác, nhất là các nhà báo thiếu bản lĩnh thì vẫn cháu cháu, chú chú…với các đối tượng phỏng vấn, nghe nó hề hế và lố bịch thế nào ấy.

Cách xưng hô kiểu gia đìnhcháu, con, bác, chú, cha, mẹ trong công sở như vậy thể hiện điều gì? Thể hiện sự tùy tiện trong ngôn ngữ giao tiếp, bất bình đẳng trong vị thế, thể hiện sự bị chế áp trong nghiên cứu, chỉ đạo, đề xuất công việc trong cơ quan. Thể hiện một cơ quan không có quy cũ. Đã là cha, chú, bác, ông là những người hàng trên có quyền lực nhất định trong quan hệ tác nghiệp buộc người trẻ phải nghe theo, không nghe theo là hỏng người, hỏng việc. Ta hay nghe lãnh đạo các cơ quan đánh giá lớp trẻ là “nhiệt tình, năng động, nhưng còn non nớt thiếu kinh nghiệm”. Đó là những người tự cho mình quyền phán xét, không bao giờ sai, người luôn luôn đúng. Còn đã là cháu, con thì nhất định phải tuyệt đối vâng lời cha, mẹ, chú, bác, “gọi dạ bảo vâng”, không được làm theo suy nghĩ hay hành động riêng của mình. Mà có suy nghĩ riêng dù rất tốt, rất đúng vẫn là của cháu con, không thể vượt qua cha chú được, vẫn phải theo lời cha chú đã, còn “ý kiến” của mình thì chờ “sống lâu nên lão làng”, đến lượt mình thì mình thực hiện. Thế là mất cả tính thời sự đổi mới đang nóng bỏng.

Ở xứ ta, người lớn thường mắng trẻ con: “Trứng không thể khôn hơn vịt!”. Những công chức trẻ là nữ giới, xưng hô bác, chú với người lớn tuổi ngoài việc thể hiện vị trí thụ động nghe theo, còn có việc ngăn ngừa sự “léng phéng” của người lớn. Gọi bằng chú, bác rồi thì ai không thể “xơ múi” gì được nữa!Vì thế mà ở miền Trung đã có câu:

 Ở cơ quan gọi CHÚ
 vô rú gọi ANH
 Đấu tranh thì gọi là ĐỒNG CHÍ

Nghĩa là xưng hô phải theo thời, theo không gian. Có cô nhân viên nữ công khai thì gọi xếp bằng “ông” như mọi người, nhưng khi chỉ hai người thôi thì anh anh em em ngọt lịm!

Cách xưng hô bác-cháu đó mang đầy tính “tiểu nông” trong suy nghĩ của công chức. Cách xưng hô đó không thể “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” được vì không thể bàn bạc công việc một cách ngang hàng sòng phẳng được. Các cháu các con cứ thế “xưa bày nay làm”, từ đó tiệt tiêu đấu tranh, triệt tiêu sáng tạo cái mới. Thấy cấp trên có hành vi xấu, có tư tưởng không đúng cũng không dám phê phán. Vì đấu tranh thì sợ không biết tránh đâu. Từ đó tạo thuận lợi cho những người có chức có quyền tìm mọi cách để kết bè kết cánh tham ô, tham những, tạo chỗ đứng lâu bền cho mình. Từ đó suy ra: Cơ chế xưng hô là do cơ chế tham nhũng đẻ ra.

Cách xưng hô trong công sở, trường đại học phải nói lên vị thế của người đối thoại, tạo ra sự bình đẳng trong tư duy và tác nghiệp. Muốn tạo lập được môi trường công tác phát huy hết năng lực sáng tạo của những người trẻ, các công sở nhất định phải đổi mới cách xưng hô. Không xưng hô bằng bác, chú- cháu, con, mà xưng hô: tôi –anh. Xưng tôi – anh, anh không nhỏ đi mà tôi cũng không nhỏ đi, tôi không còn ở vị thế bên dưới, cùng nhau bàn bạc việc chung. Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam cho biết: "Chúng tôi không đồng tình với việc sinh viên xưng với thầy cô là "em, con, cháu. . . ". Một khi sinh viên xưng "tôi" thì điều đó chứng tỏ chúng ta đã trao quyền tự chủ cho sinh viên, khuyến khích sinh viên phát huy cao nhất khả năng sáng tạo trong học tập. Từ đó, nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục sẽ thay đổi". Ông cho rằng, cải tiến phương pháp giáo dục bắt đầu bằng việc thay đổi cách xưng hô. Cháu ruột của tôi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Huế cho hay: “Ở trường cháu khi phát biểu trên lớp, các thầy bắt sinh viên không được xưng em, mà phải xưng tôi với các thầy cô. Điều đó hoàn toàn đúng. Ở trường Đại học, cách xưng hô như thế sẽ tạo cho sinh viên quen với môi trường công nghiệp, khi ra trường tự chủ hơn, không bỡ ngỡ, ái ngại khi xưng tôi - anh ở công sở hay công ty sau này.

Cách xưng hô tôi- anh khoa học như thế, có lợi như thế, nhưng không phải ai cũng muốn theo. Có người cho rằng, anh em cùng cơ quan thân thiện, chia ngọt sẻ bùi, ai lại xưng hô tôi-anh nghe nó cứng nhắc, phản cảm quá. Đó là quan niệm cũ, là một tập quán tiêu cực cần xóa bỏ.

Nhưng xóa bỏ cách xưng hô ông, bác, chú, cha, cháu, con ở công sở bằng cách nào ? Có thể mở một cuộc vận động xưng hô tôi – anh trong đoàn thanh niên các công sở. Cũng có thể Bộ Nội vụ mời các chuyên gia ngôn ngữ học cùng bàn luận để ra một văn bản quy định cách xưng hô “tôi-anh”, “tôi- thầy”…ở công sở, ở doanh nghiệp, trường đại học. Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng và cấp bách không kém gì tạo vốn, tạo chất xám để làm giàu, khi nước ta đang ở thời kỳ hội nhập toàn cầu. Xóa bỏ cơ chế xưng hô kiểu “gia đình” ở công sở là một trong những phương cách làm cho cơ quan minh bạch hơn, nền hành chính sạch sẽ hơn.

No comments:

Post a Comment