Saturday, October 11, 2014

Vì sao chúng ta không tử tế hơn?

George Saunders
Mùa tốt nghiệp đã qua, năm học mới đang bắt đầu, nhưng bài diễn văn của George Saunders trong lễ bế giảng tại Đại học Syracuse vẫn hết sức đáng đọc.

Dù nội dung không quá mới mẻ nhưng nó được lan truyền nhanh chóng, xuất hiện cả trên trang điện tử của New York Times, và đem lại niềm cảm hứng cho nhiều độc giả.

Theo thời gian, những bài diễn từ như thế này đều rập theo cùng một kiểu khuôn mẫu truyền thống, ấy là: Một gã già nua, với những năm tháng tươi đẹp nhất đã lùi vào dĩ vàng, kẻ đã vấp phải không ít những sai lầm kinh khiếp (chính là tôi đây), đem đến lời khuyên chân thành cho một nhóm các bạn trẻ tuổi sáng lạn nhiệt huyết mà những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời còn đang ở phía trước (chính là các bạn).

Với người già, ngoài chuyện bạn có thể vay tiền họ hay đề nghị họ khiêu vũ một điệu nhảy cổ lỗ sĩ cho các bạn xem và tha hồ cười, họ còn hữu dụng ở một điểm, ấy là bạn có thể hỏi họ: “Nghĩ lại những chuyện ngày xưa, bác có tiếc nuối day dứt điều gì chăng?” Và họ sẽ kể bạn nghe. Đôi khi như bạn biết đấy, họ tự kể ra dù bạn chẳng hỏi. Thậm chí có khi bạn yêu cầu rành rọt là thôi đừng có kể ra, thế mà họ vẫn cứ kể.

Vậy điều gì khiến cho tôi tiếc nuối day dứt?

Nghèo túng ngày này qua tháng khác? Không phải. Hay những công việc tồi tệ, như nghề “bẻ khuỷu chân giò trong lò mổ?” Không, tôi chẳng day dứt chuyện đó. Cởi truồng nhảy lộn đầu xuống sông ở Sumatra, đầu óc choáng váng, rồi nhìn lên thấy khoảng 300 con khỉ ngồi trên một đường ống, đang đại tiện xuống dòng sông mà tôi đang há mồm bơi trần như nhộng? Hay là chuyện bị ốm gần chết sau đó, và dính bệnh tật trong suốt bảy tháng tiếp theo? Không, những chuyện đó chẳng sao cả. Hay là liệu tôi có day dứt về những trường hợp đáng xấu hổ?

Như cái lần chơi khúc côn cầu trước một đám đông, trong đó có người con gái tôi thực sự si mê, thế mà chẳng hiểu bằng cách nào tôi bị té xuống, miệng ọe ra một tiếng, lóng ngóng tự làm cho bóng bay vào khung thành của mình, đồng thời đánh văng cây gậy vào đám đông và suýt nữa thì bay trúng người cô ấy? Không. Tôi thậm chí cũng chẳng day dứt gì chuyện đó.

Nhưng có chuyện này làm tôi day dứt:

Hồi tôi học lớp Bảy, có một đứa trẻ mới trong lớp. Để bảo toàn danh tính cho cô ấy, trong diễn từ này tên cô được mặc định là “ELLEN.” ELLEN rất bé, hay xấu hổ. Cô đeo đôi mục kỉnh, loại mà vào thời ấy chỉ những bà già mới đeo. Những khi bối rối hồi hộp, tức là hầu như lúc nào cũng vậy, cô bé có thói quen cho một dẻ tóc vào mồm nhai.

Cô bé nhập trường, đến sống trong khu dân phố của chúng tôi, và hầu như chẳng được ai coi trọng, nhiều khi còn bị trêu chọc (“Tóc mày ngon nhỉ” – kiểu như vậy). Tôi có thể thấy chuyện đó làm cô bé bị tổn thương, và vẫn nhớ hình ảnh của cô sau mỗi lần bị trêu như thế: mắt nhìn xuống, chạnh lòng một chút, như thể nhận ra vị trí nhạt nhòa của mình trong đời sống, và cô chỉ biết ráng hết sức để mình tự biến mất. Một lúc sau cô bé dạt đi chỗ khác, dẻ tóc vẫn còn ngậm trong miệng. Tôi hình dung khi tan trường cô bé về nhà, mẹ cô sẽ hỏi: “Ngày hôm nay thế nào con yêu?” và cô sẽ nói, “Tốt ạ”. Rồi mẹ cô sẽ nói, “Con chơi với nhiều bạn không?” và cô trả lời: “Có ạ, nhiều lắm”.

Có khi tôi thấy cô bé quanh quẩn trước sân nhà, như thể sợ phải rời khỏi đấy.

Và rồi – họ chuyển đi. Chỉ vậy thôi. Chẳng có bi kịch, cũng chẳng xảy ra một vụ bắt nạt gớm ghê cuối cùng.

Hôm trước cô bé còn ở đó, ngày hôm sau đã không còn nữa.

Hết chuyện.

Vì sao tôi day dứt việc này? Vì sao bốn mươi hai năm sau tôi vẫn nghĩ về nó? So với đa số những đứa trẻ khác, thực ra tôi khá tử tế với cô bé. Tôi chưa bao giờ nói điều gì không hay với cô ấy. Thậm chí, đôi khi tôi còn bảo vệ cô ta (một cách vừa phải).

Thế mà. Chuyện ấy vẫn làm tôi băn khoăn.

Vậy nên đây là sự thật mà tôi biết, dù nó có hơi cổ lỗ, và tôi cũng không thật rõ mình phải làm gì với nó.

Đó là, điều khiến tôi tiếc nhất trong đời mình là những lần để lạc mất lòng tốt.

Đó là những khoảnh khắc khi thấy một người nào đó, chịu đau khổ ngay trước mặt mình, và rồi tôi đã hành xử một cách … hợp lý. Dè dặt. Vừa phải.

Nếu ta nhìn qua lăng kính từ phía ngược lại và đặt câu hỏi: Ai, trong cuộc đời bạn, khiến bạn nhớ đến một cách dễ chịu nhất, với cảm giác quý mến thật rõ ràng?

Chắc chắn đó những người đối xử với bạn tốt nhất.

Nói ra thì có phần dễ dãi, và chắc là khó thực hiện, nhưng tôi cho rằng chúng ta nên đặt ra một mục tiêu trong cuộc đời: cố gắng tử tế hơn.

Câu hỏi mấu chốt đầu tiên là: Vấn đề của chúng ta là gì? Vì sao chúng ta không tử tế hơn?

Mỗi người trong chúng ta sinh ra với một chuỗi những mê lầm cố hữu, có lẽ chúng là một phần trong bản năng sinh tồn hình thành do chọn lọc tự nhiên: (1) cho rằng mình là trung tâm vũ trụ (nghĩa là cho rằng câu chuyện đời mình là chính yếu và đáng quan tâm nhất, hay thực chất là duy nhất); (2) cho rằng mình tách biệt khỏi thế giới (kiểu như chúng ta chỉ cần biết là đang sống trong đất nước của mình, còn bên ngoài kia chẳng đáng quan tâm), và (3) cho rằng ta bất diệt (cái chết là có thật, nhưng nó chỉ đến với người khác, còn với ta thì không).

Tuy chúng ta không thực sự tin vào những điều mê lầm này – hiểu biết của chúng ta hẳn là sâu sắc hơn thế – nhưng ta vẫn tin vào chúng một cách âm thầm, và để chúng chi phối lối sống của mình, khiến ta luôn ưu tiên nhu cầu của mình cao hơn nhu cầu người khác, mặc dù điều chúng ta vẫn mong muốn trong thâm tâm là cố gắng trở nên bớt ích kỷ, hiểu biết và tỉnh táo hơn, cởi mở hơn, nhân ái hơn.

Do đó, câu hỏi mấu chốt tiếp theo sẽ là: Ta phải LÀM như thế nào? Làm sao để ta trở nên nhân ái, cởi mở, bớt vị kỷ, tỉnh giác hơn, bớt mê lầm hơn, v.v?

Vâng, đó quả là câu hỏi quan trọng.

Nhưng thật không may, tôi chỉ còn lại ba phút [cho bài diễn từ này].

Vậy nên cho phép tôi nói điều này. Có một số cách. Điều ấy hẳn bạn cũng đã biết, vì trong cuộc sống của mình, bạn đã trải qua những lúc Giàu Nhân ái và cả những lúc Kém Nhân ái, và bạn cũng tự biết điều gì giúp mình đến gần với lòng nhân ái hơn. Giáo dục; đắm mình trong một tác phẩm nghệ thuật; nguyện cầu; thiền định; nói chuyện thẳng thắn với một người bạn thân; tham gia vào những truyền thống tâm linh – qua đó ta nhận ra đã có vô vàn những nhà thông thái để lại những câu trả lời cho các câu hỏi mà ngày nay chúng ta thắc mắc.

Tuy nhiên tử tế thực chất là điều khó – ban đầu thì nó dễ dàng, nhưng rồi nó phức tạp và đòi hỏi ở ta đủ thứ.

Nhưng có một điều giúp ích cho chúng ta: đó là việc “trở nên tử tế” có thể xảy ra tự nhiên theo tuổi tác con người. Có thể đơn giản chỉ vì sự mệt mỏi: khi ta già hơn, ta nhận ra sự ích kỷ thật vô ích – hay thật ra là vô lý. Chúng ta trở nên nhân ái và tự xét lại thói vị kỷ của mình. Chúng ta bị cuộc đời vùi dập, rồi được ai đó bảo vệ, giúp đỡ, và học được rằng chúng ta không tách rời nhau, và cũng không muốn tách rời. Chúng ta chứng kiến những người gần gũi thân thiết với mình rơi rụng đi, và dần dần nhận thấy bản thân ta cũng sẽ một ngày phải rơi rụng. Đa số mọi người khi có tuổi đều bớt ích kỷ và nhân ái hơn. Tôi tin chuyện đó là thật. Nhà thơ Hayden Carruth người Syracuse từng nói trong một bài thơ ông viết lúc gần cuối đời, rằng “bây giờ gần như chỉ còn lại Tình Yêu”.

Cho nên, một dự đoán, cũng là lời chúc chân thành của tôi tới các bạn: khi bạn già đi, cái tôi của bạn sẽ nhỏ lại và bạn sẽ trưởng thành lên trong tình yêu. BẠN sẽ dần dần bị thay thế bởi TÌNH YÊU. Nếu bạn có con, đó sẽ là khoảnh khắc to lớn trên tiến trình tự tiêu trừ cái tôi. Bạn sẽ không còn quá chăm lo cho bản thân BẠN, chỉ cần các con bạn được hưởng điều tốt đẹp là được rồi. Đó cũng là lý do phụ huynh của các bạn tự hào và hạnh phúc biết bao trong ngày hôm nay. Một trong những ước mơ trìu mến nhất của họ đã thành hiện thực: đó là bạn đã đạt được một điều khó khăn và bền vững, nó sẽ giúp bạn trở nên một người lớn hơn và sẽ giúp cuộc đời bạn tốt đẹp hơn, từ nay trở đi và mãi mãi - tiện đây, tôi xin chúc mừng các bạn.

Khi còn trẻ, chúng ta thường lo ngại – cũng là điều dễ hiểu – liệu mình có đủ phẩm chất hay không. Chúng ta có thể thành đạt hay không? Liệu ta có thể dựng xây một cuộc sống đầy đủ cho chính mình? Nhưng chúng ta – đặc biệt là các bạn trong thế hệ ngày nay – chợt nhận ra có một vòng lặp trong sự tham vọng. Bạn cố gắng học giỏi trung học, mong sao được vào một trường đại học tốt, để rồi bạn có thể học giỏi đại học, mong sao tìm được một công việc tốt, để rồi bạn có thể làm tốt công việc, đề rồi …

Điều này thực chất là tốt. Nếu chúng ta trở nên tử tế hơn, tiến trình ấy phải bao gồm cả sự nghiêm túc với chính bản thân mình – trong vai trò là một người làm việc, một người thành đạt, một người mơ mộng. Ta phải như vậy, để đạt đến bản thể tốt đẹp nhất của mình.

Thế nhưng sự thành đạt vốn không bền vững. “Thành công”, trong việc gì cũng vậy, luôn khó, và luôn đặt ra cho ta những đòi hỏi mới (thành công giống như một ngọn núi luôn tự vươn cao trong quá trình bạn trèo lên), và có một nguy cơ rất thật là “thành công” sẽ nuốt trọn toàn bộ cuộc đời bạn, trong khi bạn vẫn để ngỏ những câu hỏi lớn lao trong cuộc đời.

Vì vậy, lời khuyên cuối bài diễn từ của tôi cho bạn: vì với cách nhìn của tôi, cuộc đời bạn là một tiến trình dần dần trở nên tử tế và nhân ái hơn, cho nên bạn hãy: nhanh chân lên. Phải khẩn trương. Bắt đầu ngay từ bây giờ. Có một thứ mê lầm trong mỗi người chúng ta, một thứ bệnh tật: sự ích kỷ. Nhưng cũng tồn tại cả phương thuốc giải. Hãy là một bệnh nhân tích cực và chủ động, thậm chí lo lắng một chút vì chính bản thân mình – nỗ lực tìm ra những liều thuốc chống ích kỷ có hiệu quả nhất, cho toàn bộ phần còn lại cuộc đời mình. 

Hãy cứ làm tất cả những dự định khác, những điều to lớn – du lịch, giàu có, trở nên có tên tuổi, sáng tạo, lãnh đạo, yêu đương, kiếm được hay để mất một mớ tiền, hay là cởi truồng bơi trong rừng (sau khi đã kiểm tra và đảm bảo không có phân khỉ)– nhưng đồng thời trong phạm vi khả năng cho phép, hãy hướng mình theo sự tử tế. Làm những điều giúp hướng bạn theo những câu hỏi lớn, và tránh những điều làm bạn nhỏ bé và tầm thường. Phần tỏa sáng trong bạn, nằm sâu hơn cả cá tính – ta có thể gọi là linh hồn – cũng sáng lạn như của bất kỳ ai. Sáng như của Shakespeare, sáng như của Gandhi, sáng như của Mẹ Teresa. Hãy dọn quang mọi thứ ngăn cách bạn với ánh sáng bí mật ấy. Tin rằng nó tồn tại, hiểu về nó nhiều hơn, nuôi dưỡng nó, chia sẻ những quả ngọt của nó một cách không mệt mỏi.

Một ngày kia, 80 năm sau, khi bạn 100 tuổi, còn tôi 134, khi cả hai ta đã tử tế và nhân ái quá mức, hãy viết cho tôi đôi dòng, kể tôi nghe về cuộc đời bạn. Tôi hi vọng bạn sẽ nói: nó quá tuyệt vời.

George Saunders
Thanh Xuân lược dịch theo New York Times
George Saunders là một nhà văn nổi tiếng, đồng thời là giáo sư Đại học Syracuse ở Mỹ. Ông viết truyện ngắn, tiểu luận, truyện dài, và truyện cho trẻ em, dành được nhiều giải thưởng uy tín.

No comments:

Post a Comment