Monday, October 6, 2014

Để trở thành thượng lưu: doanh nhân Việt còn bao xa?

Rất nhiều người trong chúng ta vẫn coi những doanh nhân giàu có, dùng toàn đồ xịn, luôn thể hiện mình là có bằng cấp, có học vị là những người thuộc giới thượng lưu của xã hội. Sự thật, đó chỉ là những vị "trọc phú học làm sang". Vậy thế nào là người thuộc giới thượng lưu và doanh nhân cần những điều kiện gì để nằm trong tầng lớp thượng lưu của xã hội?

Vậy thế nào là người thuộc giới thượng lưu và doanh nhân cần những điều kiện gì để nằm trong tầng lớp thượng lưu của xã hội?

Khái niệm Thượng lưu

Hãy còn nhiều tranh luận về khái niệm Thượng lưu. Theo chúng tôi, giới thượng lưu bao gồm những tinh hoa, đẳng cấp ở nhiều lĩnh vực. Họ gánh vác những trách nhiệm xã hội lớn lao, kết giao với nhau làm thành đầu tàu kéo cả xã hội tiến lên. Họ có mức sống sung túc về vật chất, mang trí thức cao, có hệ thống và có một cốt cách văn hóa với các giá trị tinh thần, phong thái hành vi xã hội chuẩn mực. Trong các phẩm chất nêu trên thì phẩm chất trí tuệ cao, có cốt cách văn hóa là quan trọng, chứ không đơn thuần chỉ là người có tiền, có quyền lực.

Bằng trí tuệ và tài sản của mình, giới thượng lưu được coi là lực lượng tiên phong thúc đẩy xã hội phát triển. Tư tưởng của họ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của xã hội, thậm chí định hướng sự phát triển của xã hội. Do vậy, giới thượng lưu đại diện cho diện mạo, sức sống và ảnh hưởng của một xã hội mà giới đó xuất hiện. Người ta vẫn thường gọi tên “Giới Thượng Lưu” Luân Đôn, Paris, Trung Hoa…khi nói về văn hóa, kinh tế, chính trị của Anh, Pháp hay Trung Quốc.

Cùng với sự phát triển của xã hội, các quan niệm về giới thượng lưu sẽ có nhiều biến đổi, song tri thức, sự giàu có, cốt cách văn hóa và trách nhiệm sẽ luôn là các yếu tố cốt lõi tạo nên hình ảnh giới thượng lưu.

Giới thượng lưu chính là đầu tàu kéo cả xã hội tiến lên. Họ luôn trăn trở tìm lời giải cho những vấn đề nóng bỏng và gai góc để giúp xã hội không ngừng tiến bộ. Điều này thể hiện qua các hành động chung tay chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng: cứu trợ thiên tai, tặng tiền cho các quỹ từ thiện, tài trợ cho các chương trình vì cộng đồng... Những người tham lam, ích kỷ, háo danh và vô trách nhiệm sẽ sớm bị đào thải khỏi giới này.

Sung túc về vật chất: Giàu có là điều kiện cần cho một người gia nhập giới thượng lưu. Một mặt, nó mang lại cho họ nhiều cơ hội tận hưởng cuộc sống tiện nghi như: xài quần áo và đồ dùng hàng hiệu, đi xe Mecedes, dùng điện thoại Vertu, chơi các môn thể thao quý tộc như Golf, Tennis... Mặt khác, nó là tiền đề để họ hoàn thiện vai trò của mình: bồi đắp và cống hiến về tri thức, thực hiện trách nhiệm xã hội... Khác với thời phong kiến trước kia, thời nay, sự sung túc vật chất là do chất xám của họ mang lại hơn là do của cải thừa hưởng từ gia đình. Họ có thể là một thương nhân thành đạt qua các thương vụ làm ăn lớn, một vị tiến sĩ hay giáo sư khả kính giàu có bằng chính tri thức của mình hay một quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền...

Tri thức cao, hệ thống: Nền sản xuất hiện đại đòi hỏi hàm lượng tri thức trong công việc ngày một cao hơn. Giới thượng lưu là tầng lớp dẫn dắt sự phát triển của xã hội, họ cần có tri thức để giải quyết những vấn nạn hay có những những giải pháp đưa xã hội tiến lên. Vì vậy, tri thức đối với họ không chỉ là bằng cấp mà còn là kinh nghiệm sống, quá trình sáng tạo, tái sản sinh và chuyển hóa các giá trị tinh thần và trí tuệ vào cuộc sống một cách hiệu quả và có hệ thống.

Cốt cách văn hóa: Yếu tố khẳng định đẳng cấp thượng lưu chính là cốt cách văn hóa. Cốt cách đó được thể hiện qua hành vi ứng xử và bản lĩnh văn hóa của họ. Người có cốt cách văn hóa, trước mọi thăng trầm của cuộc sống vẫn giữ mình chính trực. Họ biết quý trọng và thích kết giao với giới trí thức, văn nghệ sĩ đỉnh cao nhằm bồi đắp các văn hóa cho bản thân. Điều này khác với hiện tượng "học làm sang" của một lớp nhà giàu mới hiện nay: học nhảy, học ăn mặc ứng xử song lại tự ý vẽ nhà quái đản bắt kiến trúc sư theo ý mình, mua tranh "chợ" treo salon...

Hiểu theo đúng định nghĩa thì có thể nói giới thượng lưu Việt Nam được hình thành từ thời nhà Trần với các quý tộc tài giỏi và hào hoa như Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật…

Đến thế kỷ XX, giới thượng lưu là những trí thức lớn được đào tạo bài bản như Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp... Theo nhà thơ Hoàng Hưng, xuất thân từ một gia đình thượng lưu ở Hà Nội xưa, phẩm chất không thể phủ nhận của giới thượng lưu Hà Nội xưa là ý thức tự hào và giữ gìn truyền thống gia tộc, bản lĩnh tự tin, lòng tự trọng và năng lực trí tuệ cao. Họ không chỉ có tiền của và địa vị mà còn có tri thức, có cốt cách văn hóa và trách nhiệm với gia đình, xã hội. Dù có “thất thế” vẫn ung dung, sang trọng “bần tiện bất năng duy, uy vũ bất năng khuất”.

Khái niệm thượng lưu chưa sử dụng thống nhất

Theo từ điển Tiếng Việt, thượng lưu là "tầng lớp được coi là cao sang trong xã hội, theo quan niệm cũ". Trên thực tế, người ta vẫn thường đánh đồng tên gọi "thượng lưu" với một trong những đối tượng như: tầng lớp nhà giàu mới, tầng lớp quý tộc cũ, tầng lớp trí thức có học vị cao, các nhà văn hóa hay chính trị có quyền chức trong xã hội...

Nếu theo đúng nghĩa thượng lưu thì theo chúng tôi trong xã hội Việt Nam hiện nay chưa có giới thượng lưu. Tuy nhiên, hai tầng lớp nhà giầu mới, trí thức học vị cao vẫn thường bị nhiều người hiểu lầm là tầng lớp thượng lưu. Họ còn thiếu những yếu tố cần thiết để gia nhập tầng lớp thượng lưu.

Tầng lớp giàu có thường là những người có tiền, có quyền lực. Họ có một cuộc sống xa hoa, tận hưởng mọi điều kiện tốt nhất của cuộc sống và coi đó là thước đo giá trị bản thân. Họ thường tự coi mình là giới thượng lưu. Tuy nhiên những người giàu này chưa đủ điều kiện để gia nhập giới thượng lưu nều họ thiếu những yếu tố về văn hóa, trí tuệ, thẩm mĩ... Đặc biệt khi có nhiều tiền mà không có cốt cách văn hóa, ứng xử kém và nghèo nàn về tri thức, họ chỉ là những kẻ trọc phú, hãnh tiến.

Ngược lại, tầng lớp trí thức là thường được mọi người kính trọng vì sự hiểu biết, cốt cách văn hóa. Họ là những người tiếp thu, truyền bá và sáng tạo các giá trị mới của tri thức, văn hóa; đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; dự báo và định hướng dư luận xã hội. Tuy nhiên khi chưa đạt tới một ngưỡng nhất định về cơ sở vật chất thì họ vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện các hành động mang tính vĩ mô nhằm cải tạo xã hội tốt đẹp hơn.

Hàng ngũ thương nhân vốn vẫn bị coi là giới “con buôn” bởi đặc tính nổi bật là thiếu trung thực và vụ lợi. Nhưng theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đội ngũ thương nhân dần chuyển thành giới doanh nhân có tiềm lực về kinh tế, giàu về trí tuệ và văn hóa, có đạo đức và trách nhiệm cao với xã hội. Tuy nhiên, giới doanh nhân hiện nay chưa thực sự có trình độ học vấn uyên thâm và chưa có một văn hóa riêng nên chưa thể đại diện cho cốt cách văn hóa của cả xã hội như giới thượng lưu.

Xu hướng hình thành giới thượng lưu mới tại Việt Nam

Nền kinh tế thị trường của Việt Nam phát triển nhanh chóng, kéo theo sự hình thành một tầng lớp "người giàu". Bên cạnh đó, giới doanh nhân không ngừng cố gắng để vươn tới trở thành tập thể doanh nhân - trí thức. Đây chính là hai xu hướng hình thành giới thượng lưu mới tại Việt Nam trong tương lai.

Hiện tại, trong xã hội Việt Nam chưa có giới thượng lưu hiểu theo đúng nghĩa, mà mới chỉ có những người giàu đang cố làm như mình có tri thức bằng cách mua sắm nhiều sách, mua bán danh hiệu, bằng cấp, hay cố tỏ ra mình là những người có ứng xử xã hội tốt, có đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, giới doanh nhân của đất nước không ngừng cố gắng để vươn tới tập thể doanh nhân - trí thức mong trở thành giới thượng lưu mới trong tương lai.

Sự xuất hiện của rất nhiều trường học quốc tế, đáp ứng nhu cầu của những nhà giàu muốn con cái họ được giáo dục với chất lượng cao và một cách toàn diện hơn so với thế hệ trước. Họ hướng cho con cái họ học về văn hóa, về tri thức, về thẩm mỹ về cách ứng xử. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho sự hình thành một giới thượng lưu trong tương lai. Theo Họa sĩ Trịnh Cung, việc cho con em học ở những trường quốc tế là “bước đi quan trọng tiếp theo để những đứa trẻ con nhà giàu được giáo dục toàn diện hơn bố mẹ chúng và giới thượng lưu của chúng ta ngày mai sẽ bắt đầu từ đây”.

Từ trước đến nay, hàng ngũ thương nhân luôn bị đặt ở vị trí thấp nhất trong thứ tự: sỹ, nông, công, thương, bởi họ bị cho là tầng lớp thiếu trung thực và vụ lợi. Ngày nay, giới thương nhân đã thay đổi. Họ là những người đặt mục tiêu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ (vật chất và tinh thần) nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội để kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, đội ngũ này lại có mối quan hệ mật thiết giữa khoa học - kỹ thuật, sản xuất công nghiệp và thương mại. Có thể thấy, giới doanh nhân đang hướng tới xây dưng mối quan hệ doanh nhân – tri thức để đạt tới tập thể doanh nhân – trí thức mới.

Dựa trên những giá trị vật chất, tinh thần mà giới doanh nhân mang lại cho xã hội, từ những sản phẩm, dịch vụ , đến những hành động rất tiêu biểu như tặng tiền của vào những quỹ để nghiên cứu góp phần xây dựng xã hội và làm tự thiện, bảo trợ văn hóa,… doanh nhân đã tiến lại gần hơn tới giới trí thức. Bởi giới trí thức tiêu biểu hiện nay là những người ngoài năng lực sáng tạo ra phải luôn luôn trăn trở tìm lời giải cho những vấn đề nóng bỏng và gai góc của xã hội để giúp nó không ngừng tiến bộ. Và bằng cấp giờ chỉ là tấm thẻ vào cửa của một trường thi nghiệt ngã là thực tiễn cuộc sống.

Giới doanh nhân đang vượt qua được ngưỡng cửa bằng cấp để vươn tới tập thể doanh nhân – tri thức bởi họ chứng tỏ được trên thực tế năng lực sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần hoạt động có hiệu quả và làm lan tỏa những giá trị tinh thần và trí tuệ vào cuộc sống.

Điều kiện để doanh nhân Việt trở thành giới thượng lưu

Theo sự phát triển của kinh tế thị trường, trong xã hội ta đang hình thành một tầng lớp doanh nhân có tiềm lực về kinh tế, giàu về trí tuệ và văn hóa, có đạo đức và trách nhiệm cao với xã hội. Họ không chỉ đóng góp cho xã hội những giá trị kinh tế mà càng ngày tầm ảnh hưởng của họ càng lớn, chi phối tới cả những giá trị, văn hóa, tư tưởng. Nhìn nhận về vai trò của giới doanh nhân, một số chuyên gia cho rằng: trong tương lai không xa, giới doanh nhân cùng với giới tri thức và giới chính trị sẽ tạo nên giới thượng lưu - định hướng và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Để thực sự khẳng định và phát huy được vai trò của mình, doanh nhân cần trở thành một trong những bộ phận tạo nên giới thượng lưu trong xã hội. Tuy nhiên, để bước chân vào thế giới thượng lưu, giới doanh nhân cần phải xây dựng được cho mình nền tảng tri thức, quyền lực và những giá trị văn hóa, tư tưởng tiến bộ có ý nghĩa định hướng sự phát triển của xã hội.

Tri thức: Bản thân doanh nhân là những người rất có năng lực và có kiến thức về nhiều lĩnh vực. Nhưng để trở thành người có ảnh hưởng lớn trong xã hội, giới doanh nhân cần nâng tầm tri thức của mình lên hơn nữa. Tri thức ở đây không đồng nghĩa với bằng cấp. Có những người nghĩ rằng có nhiều danh hiệu, bằng cấp thì sẽ là thượng lưu nên bằng mọi cách sắm cho mình đủ loại danh hiệu thật có, giả có nhưng đó chỉ là loại “ít chữ học làm sang”. Ngược lại, có những người không có bằng cấp, không học qua một trường lớp đào tạo chính quy nào nhưng tri thức của họ rất uyên bác, vẫn được người đời nể trọng. Tri thức ở đây được hiểu rộng ra là vốn sống, vốn hiểu biết, là sự sáng tạo, sản sinh và truyền bá những giá trị tinh thần, tư tưởng, kiến thức và trí tuệ cho xã hội.

Quyền lực: Càng ở địa vị càng cao, người ta càng có quyền lực lớn. Song đó chỉ là quyền lực chức vị, và khi thôi chức rồi thì rất có thể cũng mất luôn quyền lực. Quyền lực cá nhân chỉ có thực sự khi quyền lực đó xuất phát từ năng lực và phẩm chất cá nhân. Bản thân mỗi doanh nhân cần trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, cần tạo được quyền lực cho mình từ uy tín, đạo đức, tài năng của mình, chứ không phải từ chức vị hay tiền bạc.

Giá trị văn hóa, đạo đức, tư tưởng, hành vi ứng xử… tạo nên cốt cách văn hóa của mỗi cá nhân. Văn hóa, đạo đức… là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Doanh nhân - lớp người tiên tiến nhất cũng phải là người có văn hóa, thuộc về văn hóa. Doanh nhân có văn hoá phải từ trong cách thức kinh doanh, triết lý kinh doanh, thực tế kinh doanh. Và văn hoá trong cuộc sống hàng ngày, lối sống, đối nhân xử thế, đối với gia đình, cha mẹ, bạn bè, trách nhiệm với cộng đồng xã hội…Với năng lực và phẩm chất của mình, doanh nhân phải là lực lượng đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội.

Khó khăn của doanh nhân Việt để trở thành người thượng lưu

Không dễ cho doanh nhân tiến lên giới thượng lưu bởi có nhiều vật cản trên con đường đó. Khó khăn doanh nhân gặp phải ngay từ trong bản thân doanh nhân và những rào cản từ xã hội.

Khó khăn do doanh nhân

- Doanh nhân Việt chưa có được một văn hóa riêng nên chưa thể đại diện cho cốt cách văn hóa của cả xã hội như người ta vẫn thấy ở giới thượng lưu. Văn hóa doanh nhân Việt Nam chỉ mới dừng lại ở từng cá nhân đơn lẻ. Ngày xưa, Việt Nam có những doanh nhân cốt cách, xứng tầm thượng lưu như cụ cử Lương Văn Can, ông Bạch Thái Bưởi, ông bà Trần Văn Bô….Và ngày nay, có thể kể đến là Đặng Lê Nguyên Vũ, Giản Tư Trung, Lý Quý Trung….Nét văn hóa kinh doanh xưa đã mai một theo thời gian vì không có người “tiếp lửa” cho nó. Còn những nét văn hóa ở những doanh nhân trẻ lại chưa đủ mạnh để lan tỏa đến với mọi người. Không thể tìm được nét văn hóa chung trong cộng đồng doanh nhân Việt là nhân xét chung của hầu hết doanh nhân nước ngoài.

- Cái yếu thứ hai của doanh nhân Việt nếu muốn trở thành giới thượng lưu là thiếu trình độ học vấn uyên thâm. Phần đông doanh nhân Việt Nam trưởng thành từ trong kinh nghiệm. Một số ít khởi nghiệp qua đào tạo nhưng không được đào tạo bài bản. Kiến thức của họ chỉ chuyên về lĩnh vực họ kinh doanh. Doanh nhân Việt không có một kiến thức phong phú, uyên thâm về các lĩnh vực hỗ trợ cho kinh doanh như chính trị, nghệ thuật, khoa học…Học vấn uyên thâm là yếu tố được đề cao hàng đầu trong kinh doanh của người Do Thái, dân tộc của các nhà kinh doanh lỗi lạc. Chính vì không có đầy đủ học vấn nên doanh nhân Việt còn thua kém nhiều mặt so với doanh nhân thế giới, và chưa thực sự khẳng định được vai trò của mình trong xã hội.

Rào cản xã hội

- Việt Nam chưa tạo được một môi trường thuận lợi để giúp doanh nhân phát huy hết sức mạnh của mình. Quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà nhưng lại thiếu sự minh bạch làm chậm sự khởi nghiệp kinh doanh của một doanh nhân, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, xã hội Việt Nam chưa thật sự đề cao doanh nhân. Những quan niệm cũ, lỗi thời xem doanh nhân là những kẻ trục lợi, kẻ cơ hội, kẻ giàu có nhưng không giúp ích gì cho xã hội vẫn đang còn tồn tại ở một số đông cộng đồng. Điều này làm giảm đi mong muốn cống hiến cho xã hội của doanh nhân. Doanh nhân không muốn làm hết trách nhiệm của mình cho cộng đồng.

- Hệ thống đào tạo yếu kém không phát triển được tài năng, nhân cách, văn hóa của con người. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực. Hay nói như Họa sỹ Trịnh Cung, hệ thống giáo dục chính là xương sống, là chuẩn mực để tạo ra con người. Hầu hết các cá nhân xuất sắc đều được hưởng một nền giáo dục, hoặc đều được sống trong một môi trường học thuật có chất lượng. Sự yếu kém trong hệ thống giáo dục Việt Nam đã cản trở rất lớn tới sự phát triển.

Theo Doanh Nhân 360

No comments:

Post a Comment