Wednesday, October 15, 2014

CHIẾN TRANH KHÔNG PHẢI TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ

Thật không ngờ thế giới này vẫn còn những cậu nhóc choai choai tưởng mình là đệ nhất thiên hạ "Call of duty" thì có thể bước ra chiến trường được. Chẳng lẽ họ nghĩ ra ngoài chiến trường thì sẽ chiến đấu bằng tay cầm Xbox ư? Còn theo tôi được biết thì chiến tranh không phải trò chơi điện tử.


Tại sao chiến tranh không phải là trò chơi điện tử? Đơn giản thôi, cậu sẽ phải cầm súng chứ không phải cầm tay cầm Xbox hay bàn phím để bắn kẻ địch, nếu trong trò chơi điện tử bạn có thể bắn trăm phát trăm trúng thì ngoài chiến trường thật bạn có thể xả cả trăm viên đạn cũng chưa chắc đã trúng mục tiêu nếu không ngắm kỹ, tính toán khoảng cách, điểm rơi của đạn, hướng gió... Trên chiến trường người lính phải luôn cảnh giác khi bước từng bước chân vì mỗi thước đất có thể găm một viên đạn, mỗi mét đất có thể xuất hiện một vụ nổ do lựu đạn, đạn cối, đạn pháo, bom hoặc mìn, một phát súng vô hình nhưng chết chóc của lính bắn tỉa, một phát đạn nhầm lẫn của đồng đội từ đằng sau. Nếu như trong Call of duty có xuất hiện hình quả lựu đạn để báo hiệu có kẻ ném lựu đạn vào người chơi để còn biết đường tránh thì chiến trường thật không có chuyện đó đâu, chỉ có mắt tinh tai thính mà nghe hoặc nhìn thấy quả lựu đạn đang lăn tới mình. Bên cạnh đó, quân địch có thể xuất hiện ở trước, sau, hai bên và thậm chí từ trên cao nhảy xuống, do đó những người lính luôn phải canh phòng mọi hướng cho nhau trên chiến trường hoặc chết. Nhưng quan trọng hơn cả, nếu trong Call of duty mà người chơi bị bắn, chỉ cần nghỉ một lúc là sẽ hồi sức lại và bắn tiếp, còn chiến trường thật thì trúng đạn bị thương có khi hết đi lại hoặc chết, mà đã chết thì không có hồi sinh lại để chơi tiếp đâu.

Giết người trong trò chơi điện tử cũng khác xa với giết người ngoài chiến trường. Hãy tưởng tượng bạn là một người lính đặc công đang ngâm mình trong bùn, hông đeo một khẩu AK cưa báng, một tên lính địch lại gần nhìn vu vơ xung quanh, bỗng hắn nhìn, hoài nghi rồi chĩa nòng súng M-16 và từ từ tiến lại gần về phía bạn, và khi thời gian chỉ còn từ 3-5 giây trước khi nòng súng chạm vào người bạn, bạn sẽ phải kịp thời rút dao găm xử ngay tên lính đó mà không thể nổ súng vì sẽ bị lộ, còn nếu không thì hắn sẽ giết bạn. Chiến tranh là thế đó, giết hoặc bị giết. Còn nếu bạn bị thương thì sao? Đó là cảm giác cảm thấy ướt ướt ở cánh tay, rồi sau đó là cảm giác bị một que sắt nóng bỏng xuyên qua da thịt, cắt qua cả xương và một cơn đau không có bút giấy nào tả xiết. Và dù có bị chảy máu xối xả, đau đớn như vậy nhưng dù có gào thét kêu đau đến mấy thì cũng không phải ngay lập tức có quân y đến sơ cứu vết thương cho bạn đâu. Nếu ai không tin đó là cảm giác của người bị thương thì cứ thử trúng đạn một lần xem, vì đó chính là cảm giác mà các thương binh trải qua đó.

Tôi đã từng đọc những lời bình luận rất hừng hực khí thế chiến tranh của nhiều bạn trẻ: "Tôi đã sẵn sàng cầm súng ra chiến trường", "Tại sao nhà nước ta không đánh đại một trận với quân Tàu đi? Dù thắng hay thua thì cũng để cho chúng nó phải sợ." Vâng, thế đánh đại xong một trận rồi thì quân hai bên về đắp chăn ngủ coi như không có gì xảy ra à? Ai sẽ xử lý thương binh và tử sĩ? Có những tân binh trẻ măng vừa vào chiến trường, trải qua 1-2 trận đánh thì ngày hôm sau đã phải vào quân y dù không bị thương hay bệnh tật gì, lí do là hoảng loạn tinh thần khi nhìn thấy đồng đội và cả kẻ địch máu phun ra như suối, xương lòi ra khỏi chân, mồm kêu gào vì đau đớn vì cụt mất chân hoặc tay. Cả một đơn vị cùng lao lên tấn công vị trí của kẻ địch, một người bị vấp ngã lăn xuống đất, hơi ngóc đầu dậy thì thấy tia lửa từ súng máy bắn ra như mưa, xung quanh và cả đằng sau là những cái xác không hồn của những người mà ban nãy còn cười nói với mình, có người thì lòi ruột, có người thì mất đầu. Chiến tranh là vậy, nào có phải trò đùa, nhất là đối với những ai đã từng trải qua.

Từ cổ chí kim tới nay, chiến tranh chỉ đẹp trên thơ ca, truyện, kịch, phim ảnh và giờ là cả trò chơi điện tử, còn khi đã vào thực tế thì nó không hề đẹp tí nào. Người ta chỉ cầm súng ra chiến trường khi không còn lựa chọn nào khác. Dân tộc ta đã trải qua hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ và vô số những trận đánh để giữ vững đất nước với 4000 năm lịch sử oai hùng nhưng cũng đẫm máu, nước mắt và đau thương. Nếu có ai đó muốn ra chiến trường, hãy tự hỏi bản thân xem liệu mình có thể vượt qua những thử thách kể trên chưa?

Ngọc Tuấn

No comments:

Post a Comment