Ai cũng biết chuyện tiếu lâm “Một gã trọc phú ngu dốt, hám danh bảo một người nghèo láu lỉnh: - Nếu ta cho mi một góc tài sản, ngươi có bợ đỡ tâng bốc ta không? – Không! – Nếu ta cho nửa tài sản? – Cũng không! – Nếu cho cả tài sản?– Thì lúc đó, ông lại phải bợ đỡ tôi đấy”.
Trong truyện nôm khuyết danh Nhị Độ Mai có hai bố con Lư Kỷ, Hoàng Tung. Thực ra Tung chỉ là con nuôi, kém bố 6 tuổi nhưng xấu tính, xấu thói, đã “nỉ non chua cái chua con” (lời thơ trong truyện) để ton hót với cha nuôi, nói xấu trung thần Mai Bá Cao cốt lấy lòng dưỡng phụ.
Nhớ lời Nguyễn Trãi viết trong Quân trung từ mệnh tập khuyên các quan chớ có: “Người xu nịnh được tin dùng, người trung thực phải ngậm miệng, bè phái riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa”…
Trong đơn vị, tổ chức hành chính, đoàn kết nếu có kẻ hay ton hót, nịnh hót, đấu hót để mưu lợi nhằm tâng công lấy lòng cấp trên, ắt làm hại người khác, gây chia rẽ nội bộ, lục đục bè phái, đấu đá giành lấn.
Thật là một thói xấu tai hại, đáng phỉ nhổ. Đó là sự kinh khủng nhất về sự cám dỗ vật chất vị kỷ cá nhân, bản vị cục bộ, mặt trái thú vật được che đậy của kẻ là người. Kẻ đó đem lòng đố kỵ ghen ghét người khác tài đức hơn mình, tử tế, trung thực hơn mình. Nó ví như con ruồi vo ve bên tai con bò kéo xe lên rồi kể với chủ rằng mình có công hơn bò!
Kẻ nịnh nọt, xu thời hoạt đầu hay ton hót cấp trên, dèm pha đồng nghiệp, đồng sự, đồng môn, đồng chí. Đó chính là thói tự hạ mình để tâng bốc một cách hèn hạ cốt cầu lợi. Nó xu mị, phỉnh nịnh người có chức, nịnh nọt để lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự thiếu bản lĩnh của người cầm cân nẩy mực. Nó là kẻ với cấp trên thì bợ đỡ, với cấp dưới thì nạt nộ, gây sự, sẵn âm mưu thủ đoạn “xỏ lá đá đít”.
Dân gian đã đúc kết “Trên đội, dưới đạp”. Đấy là bia miệng dành cho kẻ hay nịnh hót.
Trần Đồng Quang
Theo Tiền Phong
No comments:
Post a Comment