Xã hội loài người đều hình thành từ sự quy phục của đám đông xung quanh một số thủ lĩnh cai quản họ. Văn hóa thời nguyên thủy đều chứa đựng những cấm kỵ và những thành kiến mà các thành viên xã hội phải tuân theo. Nền văn minh ra đời cùng với sự xuất hiện một hệ thống giáo lý của một tôn giáo (như Kitô giáo của phương Tây) hay của một học thuyết (như Khổng giáo của Trung Hoa) chinh phục được số đông dân chúng. Các vua chúa cầm quyền dựa vào tôn giáo hay học thuyết chính thống để cai trị. Các giáo sĩ hay nho sĩ hiểu biết giáo lý được xem là những người nắm được chân lý, có thẩm quyền diễn giải chân lý cho dân chúng. Dân chúng được xem như đám đông không có khả năng nhận thức, tăm tối và dốt nát, cần được giáo hóa.
Nền văn minh phương Tây bắt nguồn từ văn minh cổ Hy Lạp – La Mã có khuynh hướng nghiêng về nhận thức lý tính, thể hiện ngay trong giáo lý của Kitô giáo. Thành công của khoa học với sự ra đời của học thuyết cơ học Newton (1687) đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ý thức về lý tính của con người. Xuất hiện trào lưu Khai minh với thông điệp: lý trí phải hướng dẫn hành vi của con người chứ không phải là niềm tin hay truyền thống.
I. Kant (1784) giải thích như sau: “Khai minh là sự giải phóng con người khỏi sự giám hộ mà anh ta tự cam chịu”. Sự giám hộ được hiểu là khi thiếu sự chỉ dẫn của người khác thì con người không thể nào sử dụng sự hiểu biết của mình. Ông cho rằng lười biếng và hèn nhát là những lý do khiến cho nhiều người tự cam chịu sự giám hộ lâu đến thế. Ông kêu gọi con người hãy dũng cảm sử dụng lý trí của mình. Như vậy tinh thần Khai minh hàm chứa niềm lạc quan nhận thức luận, tin tưởng rằng con người có thể nhận thức được chân lý mà không cần phải dựa dẫm vào quyền uy của người khác, vì vậy con người có thể được tự do.
Đối lập lại chủ nghĩa lạc quan nhận thức luận này là chủ nghĩa bi quan không tin vào khả năng nhận thức của con người, từ đó khẳng định sự cần thiết phải có những quyền uy hùng mạnh và truyền thống chặt chẽ để không xảy ra hỗn loạn. Chủ nghĩa bi quan nhận thức luận rõ ràng biện hộ cho các chính thể chuyên chế thời trung đại. Chính là dựa vào chủ nghĩa lạc quan nhận thức luận mà trào lưu Khai minh đã truyền cảm hứng cho các cuộc cách mạng giải phóng chống lại nền chuyên chế của vua chúa và giáo hội.
Tuy nhiên, K.P. Popper (1960) đã chỉ ra rằng chủ nghĩa lạc quan nhận thức luận cũng chứa đựng những nguy cơ dẫn đến chế độ toàn trị. Vấn đề là chủ nghĩa lạc quan nhận thức luận có thể hàm chứa những quan niệm khác nhau về khả năng và cách thức tiếp cận chân lý của con người.
K.P. Popper vạch ra một quan niệm, cho tới ngày nay vẫn khá phổ biến, xem chân lý là một thứ tự nó bộc lộ ra. Chân lý có thể bị che khuất và không phải dễ dàng để lột được tấm che phủ ấy, nhưng một khi chân lý đã được phơi bày thì mọi người đều nhìn thấy và phân biệt được với trá ngụy. Theo quan niệm này thì con người lầm lạc không nhìn ra chân lý là do những ảnh hưởng xấu xa và do tác động của những thế lực muốn ngăn chặn người ta nhìn thấy chân lý. Quan niệm này dẫn đến sự cuồng tín của một số người quá tin rằng họ đang nắm được chân lý và nhìn những người bất đồng ý kiến với họ như những kẻ thuộc thế lực đen tối.
Thế nhưng cuộc sống lại chứng tỏ chân lý thường không mấy khi thật hiển nhiên; vậy là hết lần này đến lần khác lại phải cần đến quyền uy để diễn giải và khẳng định lại chân lý. Đó là lý do để những người theo trào lưu Hậu hiện đại quay lưng lại với các đại tự sự và nhiều người trong họ đi đến chỗ công kích hoạt động khoa học, phủ nhận khả năng tiếp cận chân lý của con người. Dù ý thức được hay không thì những người này lại rơi vào chủ nghĩa bi quan nhận thức luận đã từng đóng vai trò biện hộ cho các chế độ chuyên chế xưa kia.
Vậy phải quan niệm thế nào về khả năng nhận thức chân lý của con người? Để trả lời câu hỏi này ta hãy xem xét lịch sử phát triển vật lý học như một tri thức khả tín nhất của khoa học.
Cơ học Newton thuyết phục mọi người là vì mọi quan sát thực nghiệm cũng như quan trắc thiên văn suốt mấy trăm năm đều phù hợp với tiên đoán lý thuyết trong độ chính xác cho phép của các dụng cụ đo lường có được. Thực tế ấy khiến cho nhiều người đã coi học thuyết Newton là chân lý tuyệt đối. Thế nhưng sau đó đã xuất hiện nhiều hiện tượng vật lý không sao giải thích được trong khuôn khổ học thuyết Newton. Thuyết tương đối của A. Einstein và cơ học lượng tử do nhiều nhà vật lý xây dựng đã ra đời tạo ra một sự dịch chuyển hệ hình trong vật lý học. Vật lý học hiện đại xem xét lại nhiều khái niệm cơ bản của học thuyết Newton bao gồm cả khái niệm không thời gian và tiên đề động lực học, đồng thời vật lý học hiện đại cũng giải thích được vì sao cơ học Newton lại khớp nối được với nhiều thí nghiệm và quan trắc thiên văn.
Cơ học Newton đã từng được mọi người xem là chân lý tuyệt đối, vì sao sau đó người ta lại có thể xem xét lại học thuyết này? Lời giải đáp nằm trong truyền thống hoạt động của những người nghiên cứu khoa học tự nguyện liên kết với nhau như những người đồng đạo cùng theo đuổi chân lý khoa học thông qua các tổ chức như đại học và viện nghiên cứu. Truyền thống ấy dựa trên những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nghiêm khắc về tính bất vụ lợi, tính trung thực và tính hoài nghi có tổ chức; nó đòi hỏi các kết quả nghiên cứu phải minh bạch và có thể kiểm nghiệm lại được. Ta cũng cần lưu ý rằng không phải mọi vấn đề đều có thể là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Khoa học nhiều nhất cũng chỉ có thể khẳng định rằng: nếu tạo ra tình huống A thì sẽ xảy ra hiện tượng B; nhưng khoa học không thể trả lời câu hỏi có nên tạo ra tình huống A hay không.
Thành tựu của vật lý học rõ ràng đã tạo nên những biến đổi sâu sắc trong cuộc sống của loài người trên địa cầu, dù cho bây giờ không có ai khẳng định vật lý học là chân lý tuyệt đối nữa. Bài học lịch sử của vật lý học khẳng định niềm lạc quan nhận thức luận là đúng đắn, nhưng nó bác bỏ quan niệm coi chân lý là tự nó bộc lộ ra. Con người có thể tiếp cận tới chân lý (được hiểu như tri thức phù hợp với các thực nghiệm và quan trắc tiến hành độc lập), nhưng phải trải qua con đường tìm tòi thử nghiệm và thảo luận phê phán mới dần dần khắc phục được các sai lầm để đến gần được với chân lý.
Các thực nghiệm và quan trắc phù hợp với lý thuyết không có quyền uy tuyệt đối khẳng định chân lý vì không ai biết được các thí nghiệm và quan trắc khác trong tương lai có phù hợp hay không. Ngược lại, các thí nghiệm và quan trắc cho kết quả không phù hợp với lý thuyết có khả năng phát hiện ra những sai lầm cần hiệu chỉnh. Đó chính là nội dung cơ bản của chủ thuyết duy lý phê phán luận do K.P. Popper đề xướng.
Khoa học bắt nguồn từ văn hóa cổ Hy Lạp với truyền thống thảo luận phê phán để thử thách và kiểm tra các lý thuyết và những điều khẳng định nhằm bác bỏ chúng. Phương pháp thảo luận phê phán không nhằm chứng minh hay thỏa hiệp điều gì. Ý nghĩa của nó hướng tới việc làm cho các thành viên tham gia thảo luận thay đổi và hiệu chỉnh các quan niệm của mình để trở nên minh triết hơn. Truyền thống thảo luận duy lý ấy đã ảnh hưởng tới nền chính trị cổ Hy Lạp và dẫn đến hình thức dân chủ sơ khai của nhân loại. Truyền thống ấy đã tạo ra thói quen lắng nghe những người có quan điểm khác biệt, gia tăng cảm nhận công bằng và thúc đẩy sự sẵn sàng thỏa hiệp.
GS.TSKH. Nguyễn Văn Trọng
No comments:
Post a Comment