Wednesday, August 26, 2015

Một vài kiến thức cơ bản về đầu cơ ngắn hạn (Chứng Khoán)

Một vài kiến thức cơ bản về đầu cơ ngắn hạn (kiến thức cũ đáng xem)
I) Một vài khái niệm ban đầu.
1) Đầu cơ chứng khoán ngắn hạn là gì? Là hoạt động mua vào, giữ và bán ra cổ phiếu nhằm kiếm lời trong khoảng thời gian ngắn nhờ sự biến động giá cp trên thị trường.
Cụm từ "ngắn hạn" ở đây chỉ khoảng thời gian từ vài giờ đến khoảng 18 tháng.
Trong những phần sau tôi sẽ bỏ hai từ "ngắn hạn", dùng cụm từ "đầu cơ CK" cho ngắn gọn.
2) Ý nghĩa của đầu cơ ngắn hạn đối với thị trường: Tạo ra tính thanh khoản của cổ phiếu. Cổ phiếu được giao dịch thường xuyên hơn, những nhà đầu tư dài hạn dễ mua, bán hơn khi cần thiết. Qua đó tăng giá trị của cổ phiếu.
Có người cho rằng đầu cơ CK là xấu. Đó là quan niệm sai lầm. Nếu không có đầu cơ ngắn hạn thì cũng không có TTCK. Hơn thế kỳ thị đầu cơ ngắn hạn là bạn đã bỏ qua một cơ hội kiếm lợi nhuận trên TTCK.
3) Một số dạng đầu cơ CK
- Đầu cơ siêu ngắn hạn: Mua, giữ từ vài giờ đến vài ngày rồi bán đi. Người ta còn gọi bằng thuật ngữ T+0, T+1, T+2, T+3 v.v..., hoặc Day`s Trader. Cách đầu cơ này rất khó, cần có chuyên môn cao. Tôi không am hiểu nhiều nên sẽ không nói ở đây.
- Đầu cơ chờ giá lên: Mua vào cổ phiếu khi còn giá thấp, giữ và bán ra ở giá cao. Đây là cách đầu cơ rất phổ biến. Tôi sẽ nói chủ yếu về cách đầu cơ này.
- Đầu cơ chờ giá xuống: Vay cổ phiếu từ những công ty môi giới chứng khoán bán đi ở mức giá cao, chờ giá xuống mua lại trả. Hiện nay ở VN chưa có hình thức cho vay cổ phiếu nên chưa thế thực hiện được. Tôi cũng không đề cập đến hình thức đầu cơ này.
- Lũng đoạn thị trường: Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau tạo ra sự biến động giá cp trên thị trường theo ý muốn nhằm trục lợi. Tôi không biết gì về lĩnh vực này nên không nói tới.
4) Ưu nhược điểm của đầu cơ CK:
- Ưu điểm: Cho phép kiếm lợi nhuận nhanh trên TTCK nếu biết cách và may mắn.
- Nhược điểm: Dễ mất tiền nhanh nếu không biết cách và gặp rủi ro.
5) Nhà đầu tư cá nhân có nên đầu cơ CK hay không:
- Có, nếu hội tụ đủ điều kiện để thực hành. Loeb nói:"Nhà đầu tư cá nhân muốn thành công phải biết đầu cơ ngắn hạn."
- Không, nếu như không đủ các điều kiện.
- Những bạn không đủ điều kiện hoặc không muốn đầu cơ CK cũng nên biết về lĩnh vực này để tránh sai lầm, mất tiền oan.
II) Những điều kiện cần có để đầu cơ CK:
1) Có thời gian: Đây là điều kiện rất quan trọng. Vì bạn phải thường xuyên quan sát thị trường, theo dõi các phiên giao dịch và phản ứng kịp thời khi thị trường có biến động bất ngờ. Nếu bạn không có điều kiện này thì không nên đầu cơ CK.
2) Có kiến thức: Bạn cần có những kiến thức tối thiểu về phân tích hoạt động doanh nghiệp (phân tích cơ bản) và phân tích kỹ thuật (PTKT, TA). Ngoài ra bạn cần có kiến thức về thị trường. Giá cổ phiếu và thị trường CK nói chung thay đổi ngẫu nhiên, nhưng cũng có những quy luật nhất định. Cần hiểu những quy luật đó mới mong tìm được cơ hội kiếm lợi nhuận.
3) Có kinh nghiêm: Kinh nghiệm là rất quan trọng, nó cho phép bạn tìm ra những cơ hội kiến tiền nhanh, độc đáo và tránh những sai lầm dẫn đến mất tiền. Đầu cơ CK không phải là khoa học nên không thể học được. Quan trọng hơn cả là những kiến thức bạn tự rút ra từ kinh nghiệm của riêng mình.
4) Có khả năng chế ngự tình cảm: Chúng ta thường mắc sai lầm khi quá tham lam, quá vui mừng cũng như quá hổt hoảng, lo sợ. Khả năng chế ngự tình cảm là điều kiện rất quan trọng để chúng ta đỡ mắc sai lầm.
5) Kiên trì: Là đức tính rất cần thiết để thành công trong đầu cơ CK. Bạn cần kiên trì học hỏi, rèn luyện mới mong thành công được. Ngoài ra cần kiên nhẫn chờ đợi thời cơ tốt để mua bán đúng lúc.
6) Có khả năng tư duy độc lập, kiên định: Đầu cơ CK là móc túi số đông lấy tiền bỏ vào túi mình. Vì vậy nhiều khi bạn phải hành động trái với triết lý thông thường, ý kiến của số đông. Nếu không có khả năng tư duy độc lập, bạn sẽ hành động như cách của mọi người. Ngoài ra cũng không kiên trì quan điểm của mình được.
7) Có tính sáng tạo: Những gì nhiều người biết thì không mấy giá trị. Bạn cần biết sáng tạo ra những chiêu thức độc đáo cho riêng mình, biết tìm cơ hội kiếm tiền ngay khi tưởng chừng như không thể hoặc rất mạo hiểm.
Đây là bảy vía của một nhà đầu cơ thành công. Chúng ta thấy, yêu cầu về bản lĩnh của bạn là quan trọng hơn cả. Kinh nghiệm là rất cần thiết. Còn kiến thức là yếu tố cuối cùng, xét theo mức độ quan trọng.
Tuy nhiên những yêu cầu này cũng không quá cao. Giỏi quá chưa chắc đã tốt. Bạn chỉ cần đáp ứng được ở mức trên trung bình là có thể thành công.
Ngoài ra may mắn cũng là một yếu tố quan trọng. Bạn cần được Thần tài phù hộ.
III) Lựa chọn cổ phiếu cho đầu cơ ngắn hạn
1) Có cần lựa chịn cổ phiếu cho đầu cơ ngắn hạn hay không? Trả lời: Không cần.
Biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn phụ thuộc vào chủ yếu xu thế thị trường, những thông tin tốt hỗ trợ tăng giá cũng như những thông tin xấu tác động giảm giá , không phụ thuộc vào thực chất của cổ phiếu đó. Vì vậy để đầu cơ ngắn hạn có thể chọn bất kỳ cổ phiếu nào. Davas nói:"Không có cổ phiếu hay, cổ phiếu dở; chỉ có những cổ phiếu tăng giá và cổ phiếu giảm giá". Quá cầu toàn trong việc lựa chọn cổ phiếu khiến chúng ta bỏ qua cơ hộii quý báu.
Tuy nhiên cũng có những điều nên làm, những điều không nên làm khi lựa chọ cổ phiếu cho đầu cơ ngắn hạn.
2) Những điều nên làm:
- Chọn những cổ phiếu có tính thanh khoản cao: cho phép chúng ta dễ dàng mua bán với khối lượng lớn. Ngoài ra những cp có thanh khoản cao cũng là những cổ phiếu được nhiều người quan tâm hơn. Khi tăng giá thường tăng nhiều hơn.
- Chọn những cổ phiếu hàng đầu (blue chip), những cổ phiếu ngành kinh doanh thời thượng: Nhưng cổ phiếu hàng đầu, những ngành kinh doanh thời thượng thường được nhiều nhà đầu tư quần chúng quan tâm hơn. Khi những cổ phiếu này tăng giá, thường tăng mạnh hơn. Những cổ phiếu loại nàu cũng thường có tính thanh khoản cao.
- Chọn những cổ phiếu bạn có hiểu biết nhiều hơn cả: Điều này cho phép bạn dự đoán chính xác hơn. Ưu tiên những cổ phiếu bạn đã có kinh nghiệm giao dịch thành công với nó (nhưng cũng dễ chủ quan => mắc sai lầm!).
3) Những điều không nên:
- Chọn cổ phiếu dẫn dắt thị trường: Thị trường thường tăng, giảm giá theo từng đợt. Trong mỗi đợt tăng giá, thường có một cp tăng giá sớm nhất giữ nhịp cho thị trường (indicate leader). Khi bạn nhận ra xu thế thị trường thì những cổ phiếu này đã có giá cao rồi. Hơn nữa bạn cũng không biết giá còn tăng đến đâu. Mua vào với giá càng cao, cang mạo hiểm và lợi nhuận thấp. Mua những cp khác hay hơn, vì giá còn chưa tăng nhiều. Hơn nũa bạn có thể dự đoán được xu thế tăng giảm giá dựa vào cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
- Chọn cổ phiếu có thể có bất ngờ xấu trong ngắn hạn, như kết quả kinh doanh có thể lỗ trong quý.
- Chọn cổ phiếu có tính thanh khoản quá thấp.
- Chọn cổ phiếu thuộc ngành nghề quá rủi ro.
- Chọn cổ phiếu quá an toàn: Những cp này thường có mức độ biến động giá thấp => không hiệu quả. Ví dụ BF1, VF1.
- Không nên cùng lúc đầu cơ vào nhiều cp khác nhau, khiến chúng ta khó theo dõi. Nên tập trung vốn vào một vài cơ hội tốt nhất. Điều này khác hẳn với đầu tư dài hạn là phải đầu tư phân tán vào nhiều cổ phiếu khác nhau để giảm thiểu rủi ro.
Nói chung khi mới bắt đầu tập chơi, nên chọn blues chip tốt. Sau khi đã thành thạo, có thể chọn bất kỳ cổ phiếu nào.
IV. Tìm kiếm cơ hội cho đầu cơ ngắn hạn.
1) Mục đích ý nghĩa của tìm kiếm cơ hội:
Tìm kiến cơ hội là tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng tăng giá trong thời gian ngắn trước mắt.
Những yều cầu đối với cổ phiếu lựa chọn cho cơ hội đầu cơ là:
- Có khả năng tăng giá nhiều trong thời gian trước mắt.
- Chưa tăng giá nhiều so với mức giá ổn định trước khi tăng.
- Không có bất ngờ xấu.
Như vậy tiêu chuẩn đầu tiên cho đầu cơ là cổ phiếu sẽ tăng giá, vì đầu cơ là kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá. Câu hỏi bao nhiêu là nhiều tùy thuộc vào tiêu chuẩn của mỗi người, nhưng nên >10%. Những cp có khả năng tăng < 10% có thể chọn cho Day`s Trader, sẽ không nói ở đây. Với tôi, tiêu chuẩn đó là >30% so với mức giá mua vào.
Tiêu chuẩn chưa tăng giá nhiều cũng tùy ở mỗi người. Với tôi, tiêu chuẩn đó là chưa tăng quá 30% mức giá ổn định trứơc đó. Mua vào những cổ phiếu đã tăng giá so với mức giá ổn định ban đầu càng nhiều, rủi ro càng cao. Vì nếu cổ phiếu cổ phiếu đó giảm giá thì thường quay lại mức giá ổn định ban đầu.
Còn tiêu chuẩn không có bất ngờ xấu là để hạn chế rủi ro.
Một cổ phiếu được đánh giá là tốt chưa chắc đã là cơ hội tốt cho đầu cơ ngắn hạn.
Ví dụ BBT là cổ phiếu dở nhất sàn HOST, nhưng trong đợt tăng giá nóng cuối năm 2006 đã tăng gần 300%. Trong khi đó DHG là một cổ phiếu tốt lại chỉ giảm giá mà không hề tăng giá. Vì sao vậy? Vì DHG chào sàn với giá quá cao, ~300k. Vì vậy toàn thị trường tăng nóng, nhưng DHG vẫn giảm. TYA được đánh giá là cổ phiếu tốt, nhưng trong giai đoạn tăng nóng cuối năm 2006 tăng không quá 30%. Tại sao vậy? Vì TYA có nhiều bất ngờ xấu. Kết quả kinh doanh theo quý của TYA rất thất thường, lúc lỗ, lúc lãi. Nhưng nhà đầu tư quần chúng không thích TYA.
Một sai lầm thường mắc phải khi chọn cổ phiếu cho đầu cơ ngắn hạn là chọn cổ phiếu được cho là tốt mà không quan tâm đến giá của cổ phiếu đó. Mua cổ phiếu tốt với mức giá cao thì cũng không có lời. Ngược lại còn nhiều rủi ro.
Một sai lầm khác thường gặp là mua những cổ phiếu đã tăng giá nhiều trước đó. Những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thường cho rằng những cổ phiếu đã tăng giá nhiều là những cổ phiếu tốt nên mua vào. Nhưng không có cổ phiếu nào tăng giá mãi. Càng tăng giá nhiều thì càng có nhiều khả năng giảm giá.
Một sai lầm khác là chọn cổ phiếu có nhiều rủi ro cho đầu cơ ngắn hạn. TYA là một ví dụ. Chọn những cổ phiếu quá an toàn cho mục đích đầu cơ ngắn hạn cũng là sai lầm, vì những cổ phiếu đó thường không tăng giá nhiều. BF1 là một ví dụ. Trong suốt đợt tăng giá nóng cuối năm 2006, BF1 tăng không quá 30 %.
Để tìm kiến cơ hôi cho đầu cơ ngắn hạn, trước tiên phải xác định xu thế của thị trường, xem thị trường đang trong xu thế tăng hay giảm; ở giai đoạn nào của xu thế tăng hay xu thế giảm. Sai lầm nhiều người gặp phải là không biết thị trường đang ở giai đoạn nào của xu thế tăng. Họ thấy mua cổ phiếu nào cũng có lãi lớn nên vội vàng rút tiết kiệm hay vay tiền mua vào. Họ không biết rằng khi tất cả các cp đều tăng giá là thị trường đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng giá. Khi thị trường đảo chiều thì cổ phiếu nào cũng giảm giá, thế là lỗ. Phần lớn những trường hợp thua lỗ là do mắn sai lầm này.
Công việc tiếp theo là rà soát trong số những cổ phiếu trên thị trường những cổ phiếu nào đáp ứng yêu cầu, chọn ra những cơ hội tốt nhất. Ở mỗi thời điểm của thị trường có những cổ phiếu tốt nhất cho đầu cơ ngắn hạn. Ví dụ ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá, những cổ phiếu hàng đầu (blue chips) thường là những cơ hội tốt. Nhưng ở cuối giai đoạn tăng giá thì penny stocks mới là lựa chọn tốt cho đầu cơ ngắn hạn.
Lựa chọn cổ phiếu cho cơ hội đầu cơ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất trong đầu cơ ngắn hạn. Nó quyết định thành công hay thất bại của một thương vụ. Vì vậy có người gọi tìm kiếm cơ hội là công việc "đầu tiên" ( tiền đâu).
Khi không tìm được cơ hội tốt để đầu cơ thì tốt nhất là không nên đầu cơ kẻo mất tiền oan.
2) Xác định xu thế thị trường
a) Xu thế thị trường là gì?
Thị trường CK biến động không ngừng, chịu sự tác động của nhiều lực khác nhau từ bên trong cũng như bên ngoài. Bác Sinh hắt sì hơi một cái làm cho thị trường CK VN đảo chiều và nhiều người bị mất tiền. Dường như chúng ta không thể biết được ngày mai thị trường sẽ ra sao.
Nhưng trong sự hỗn loạn đó cũng có những quy luật nhất định. Nếu chúng ta biết những quy luật đó, chúng ta có thể đoán được phần nào. Một trong những quy luật cơ bản cơ bản của thị trường là: Không có thị trường nào , giá cổ phiếu nào cứ tăng mãi, hoặc giảm mãi; mà lúc tăng, lúc giảm như sóng thủy chiều. Mỗi một đợt sóng lên hay xuống gọi là một xu thế (Trend).
Có 3 loại xu thế:
- Xu thế tăng: Khi đa số cổ phiếu trên thị trường tăng giá.
- Xu thế giảm: Khi đa số cổ phiếu giảm giá.
- Xu thế đi ngang: Khi thị trường có cp tăng, cp giảm. Mức độ tăng giảm của phần lớn cp không nhiều.
Xét về khoảng thời gian của xu thế, có thể chia thành:
+ Xu thế cấp I: Kéo dài năm đến nhiều năm. Ỏ những thị trường lâu đời, xu thế cấp một thường kéo dài từ 5 năm đến 10 năm; có thể lâu hơn. Ở những thị trường mới nổi như VN, xu thế cấp I có thể kéo dài từ 2 năm đến 5 năm.
Ví dụ thị trường CK Mỹ đi vào chu kỳ tăng giá từ năm 1991 đến năm 1997, sau đó đi vào xu thế giảm cho đến nay.
Thị trường CK VN bắt đầu tư tháng Sáu năm 2001. Sau khi VNI tăng từ 100 lên 610 vào cuối năm 2001 thì đi vào xu thế giảm cấp I cho đến cuối năm 2004 thị trường đi vào xu hts tăng cấp I cho đến cuối năm 2006. Hiện nay thị trường đang trong xu thế tăng cấp I hay giảm cấp I còn chưa rõ.
Đặc điểm của xu thế cấp I là:
- Thời gian kéo dài như đã nói.
- Biên độ biến động giá cổ phiếu rất lớn.
- Trong xu thế tăng cũng có những giai đoạn thị trường giảm; trong xu thế giảm cũng có nhừng thời kỳ thị trường tăng. Những đợt tăng giảm đó gọi là xu thế cấp II.
- Nhưng giai đoạn tăng giảm trong xu thế cấp I có đặc điểm là: Trong xu thế tăng, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước; đáy sau cao hơn đáy trước. Trong xu thế giảm thì ngược lại: đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.
+ Xu thế cấp II: Là những khoảng thới gian tăng giảm của thị trường trong xu thế cấp I, thời gian kéo dài từ vài tháng đến một năm.
Ví dụ TTCK VN tăng từ tháng 2/2005 đến tháng 5/2005; sau đó giảm đến cuối tháng 8/2005.Từ tháng 9/ 2005 tăng đến tháng 2/2006; từ tháng 2/2006 tăng đến tháng 5/2006, sau đó giảm đến cuối tháng 8/2006, rồi lại tăng đên tháng 1/ 2007. Từ tháng 1/2007 giảm đến nay. Đó là những xu thế cấp II.
Đặc điểm của xu thế cấp II:
- Thời gian kéo dài từ vài tháng đến một năm;
- Biên độ biến động khá lớn;
- Trong các đợt tăng giá cấp II có những đợt giảm giá ngắn hạn kéo dài vài ngày và ngược lại. Trong những đợt tăng giá, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước; trong các giảm giá thì đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trược.
+ Xu thế cấp III: là những khoảng thời gian tăng giảm giá ngắn hạn, kéo dài từ vài ngày dến một vài tuần. Mức độ biến động giá nhỏ, không quá 10%.
b) Ý nghĩa của việc xác định xu thế thị trường:
- Như trên chúng ta đã nói, trong xu thế tăng, đa số cp tăng giá; trong xu thế giảm đa số cp giảm giá. Từ đó chúng ta phán đoán xem một cp nào đó sẽ tăng giá hay giảm giá.
- Xu thế cấp I ảnh hưởng đến biến động giá trong dài hạn, không ảnh hưởng trực tiếp đến giá cp trong ngắn hạn. Nhưng xu thế cấp I ảnh hưởng đến xu thế cấp II nên ảnh hưởng gián tiếp đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
- Xu thế cấp II ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Nếu xác định được xu thế cấp II, chúng ta chọn được thời điểm mua vào bán ra có lợi nhất.
- Xu thế cấp III: ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong khoảng thời gian siêu ngắn hạn. Nếu giỏi đoán các xu thế cấp III có thể lướt sóng, đầu cơ siêu ngắn hạn ( Day`s Trader).
- Chúng ta không những cần xác định các xu thế mà còn cần xác định xem hiện tại đang trong giai đoạn nào của một xu thế: giai đoạn đầu hay cuối của một xu thế. Công việc này khó khăn hơn, nhưng cũng quan trọng hơn. Chúng ta mua cp ở đầu xu thế tăng thì khả năng lãi nhiều hơn. Nếu mua cp vào cuối xu thế tăng thì khả năng lỗ nhiều hơn.
c) Một số phương pháp xác định xu thế:
Có nhiều phương pháp xác định xu thế thị trường, đặc biệt cho phép chúng ta xác định được thời điểm tới hạn, khi thị trường chuyển từ xu thế này sang xu thế khác. Đặc điểm chung của các phương pháp là không chính xác. Vì vậy không nên quá tin tưởng vào một phương pháp nào đó kẻo mất tiền oan. Kết hợp nhiều phương pháp khác nhau cho phép chúng ta có được dự đoán chính xác hơn. Dưới đây là một vài phương pháp xác định xu thế thị trường:
- Phân tích kỹ thuật bằng đồ (PTKT, TA): là một công cụ mạnh, đã được nghiên cứu và hoàn thiện từ nhiều năm, cho phép chúng ta xác định xu thế thị trường khá chính xác. Về PTKT đã có nhiều sách nói rồi, tôi sẽ không nói ở đây.
- Phân tích kỹ thuật bằng fibonaci: Cũng là một công cụ mạnh, nhưng độ chính xác đến đâu còn chưa rõ. Tôi cũng không nói về phương pháp này ở đây.
- Xác định thị trường bằng quan sát lượng giao dịch: Đây là phương pháp rất đơn giản, nhưng cho kết quả khá chính xác. Có một vài mối quan hệ giữa lượng giao dịch và xu thế giá như sau:
+ Khi thị trường đi ngang, lượng giao dịch tăng liên tục trong nhiều phiên liên tiếp => thị trường sắp đi vào xu thế tăng cấp II.
+ Khi thị trường tăng mà lượng giao dịch tăng mạnh đột ngột trong một vài phiên là dấu hiếu những nhà đầu tư lớn bán ra => cung vượt cầu => thị trường sắp đi vào xu thế giảm.
+ Khi thị trường giảm mà lượng giao dịch tăng mạnh là dấu hiệu thị trường còn giảm sâu.
+ Khi thị trường giảm mà lượng giao dịch giảm dần là dấu hiệu nguồn cung giá thấp đã cạn => sắp chấm dứt chu kỳ giảm.
+ Ngoài ra quan sát lượng dư mua, dư bán trong ngày, cách đặt lệnh trong các phiên giao dịch cũng cho chúng ta thêm thông tin để dự đoán xu thế thị trường.
- Xác định thị trường băng quan sát cổ phiếu giữ nhịp (indicate leader): Khi TT tăng thường có một, hoặc một vài cổ phiếu tăng giảm trước. Quan sát biến động giá của cp này cho phép chúng ta xác định được xu thế thị trường. Ví dụ trong đợt tăng giá tháng 2 -5/2006, cp giữ nhịp là REE; trong đợt tăng nóng từ tháng 8/2006 đến tháng 3/ 2007 cổ phiếu giữ nhịp là SJS. Đầu tháng 9/2006 SJS tăng nóng trong nhiều phiên liên tục, nhiều đợt khác nhau mà không có thông tin tốt nào hỗ trợ. Đó là dấu hiệu toàn thị trường sắp đi vào chu kỳ tăng nóng. Đặc biệt, đầu tháng 11/2006, GMD cũng tăng nóng => dấu hiệu thị trường sắp đi vào chu kỳ tăng nóng đã rõ ràng.
- Xác định xu thế thị trường bằng phân tích đồ thị biến động giá của nhóm cổ phiếu hàng đầu (blue chip). Khi thị trường tăng, nhóm cp này thường tăng trước. Phân tích kỹ thuật biểu đồ giá của nhóm cổ phiếu này nếu thấy nhiều cp có dấu hiệu tăng giá => thị trường sắp đi vào xu thế tăng. Nếu nhiều cp trong nhóm có xu thế giảm => thi trường đã ở giai đoạn cuối của xu thế tăng.
- Xác định xu thế bằng thăm dò tâm lý thị trường: Khi nào trên các diễn đàn có nhiều người nhận định thị trường giảm là thị trường sắp tăng. Khi nào trên diễn đàn có nhiều người nhận định thị trường tăng, có nhiều newbies hỏi về cách đặt lệnh là lúc thị trường đã đi vào giai đoạn cuối của xu thế tăng => thị trường sắp đảo chiều.
- Phương pháp mua thăm dò: Có thể đặt mua thăm dò một lượng nhỏ cp ở một mức giá nào đó để thăm dò thị trường. Tôi không biết gì nhiều về phương pháp này.
d) Một số sai lầm thường gặp trong xác định xu thế thị trường:
- Không biết gì: Không biết mối quan hệ giữa xu thế thị trường và xu thế giá của một cổ phiếu; không biết cách xác định xu thế thị trường; mua bán hú họa, cầu may hay theo lời khuyên của người khác. Đây là sai lầm thường mắc phải của các newbies do thiếu kiến thức cơ bản về thị trường.
- Quá tin tưởng vào một phương pháp nào đó, ví dụ PTKT, kỳ thị những phương pháp khác dẫn đến chủ quan, xác định xu thế thị trường không chính xác, quyết định mua bán sai lầm. Đây là sai lầm thường gặp của những người đã có kiến thức, kinh nghiệm ở một mức độ nào đó. Những người thua lỗ nặng thường không phải là các newbies mà là những người đã có thành công nhất định trên thị trường. Chúng ta cần luôn nhớ rằng: trên thị trường CK mọi thứ đều có thể xảy ra. Không có gì là không thể và cũng không có phương pháp nào là chính xác tuyệt đối.
- Quyết định mua bán dựa trên dự đoán thị trường thay cho xác định thị trường: Đây là sai lầm thường gặp, kể cả những người đã có kinh nghiệm. Lưu ý là trong mục này tôi đều dùng từ "xác định", không dùng từ dự đoán. Dự đoán thị trường chỉ để chuẩn bị giao dịch (trong đầu cơ ngắn hạn) thôi. Còn quyết định giao dịch phải dựa trên xác định xu thế thị trường. Tại sao vậy? Vì xác định xu thế thị trường trong hiện tại đã khó, dự đoán xu thế thị trường trong tương lai còn khó hơn nên kém chính xác hơn.
Sở dĩ nhiều người mắc sai lầm này là vì sợ khi xu thế thị trường đã rõ ràng thì không còn cơ hội đầu cơ. Vì vậy họ vội vàng mua vào kẻo người khác mua trước mất. Đây là một sai lầm. Khi xu thế thị trường đã rõ ràng chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội tốt. Bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta còn cơ hội khác, miễn là biết tìm và không cố mua vào một loại cổ phiếu nào đó. Vì khi thị trường bắt đầu đi vào xu thế tăng thì các cp tốt không tăng đồng loạt, mà có cp tăng trước, cp tăng sau.
Đầu cơ ngắn hạn chứa đựng nhiều rủi ro. Quyết định mua bán vội vàng, dựa trên những dự đoán thiếu chính xác dễ dẫn đến thua lỗ.
- Mua bán ngược với xu thế thị trường: Đây cũng là một sai lâmg rất hay gặp. Bạn mua phải cp ở mức giá cao khi thị trường đã đi vào giai đoạn cuối của xu thế tăng. Khi thị trường đảo chiều, bạn không bán đi để cắt lỗ mà giữ lại làm khoản đầu tư dài hạn. Khi thị trường tiếp tục giảm bạn mua vào tiếp để bình quân giá xuống. Bạn đã sai lại còn mắc thêm sai lầm. Nên nhớ trong đầu cơ ngắn hạn cắt lỗ là bắt buộc, trừ trường hợp không bán được do cp giảm sàn. Cũng không bao giờ mua khi thị trường đang trong xu thế giảm. Nói chung nhà đầu tư cá nhân không nên mua vào khi TT đang trong xu thế giảm. Tại sao vậy? Vì mua trung bình giảm chỉ phù hợp với nhà đầu tư lớn, ví dụ các quỹ đầu tư. Họ có vốn lớn nên phải mua làm nhiều lần. Còn nhà đầu với vốn nhỏ có thể mua hết số vốn của mình trong vài phiên, cần gì phải mua khi thị trường đang trong xu thế giảm. Bạn đã lỗ thì chấp nhận lỗ, tìm cơ hội khác. Sao không chờ thị trường chuyển sang xu thế tăng hãy mua vào? Giữ làm gì cp trong lúc thị trường đang giảm để mang lo vào người? Bạn lại không có tiền để mua vào khi xuất hiện những cơ hội khác tốt hơn!
Cũng không nên vội vàng bán cp đi khi thị trường đang trong xu thế tăng, dù giá cp đó đã cao rồi. Thực tế là một cp đã tăng giá thì có nhiều khả năng giá cp đó còn tăng tiếp, khi thị trường đang trong xu thế tăng. Chỉ nên bán cp đang tăng giá trong xu thế thị trường tăng khi có những cơ hội khác tốt hơn, hoặc có tin rất xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
3) Phân nhóm cổ phiếu.
Những mã cổ phiếu giao dịch trên thị trường có đặc tính rất khác nhau. Tuy nhiên cũng có những điểm giống nhau. Có thể phân loại các cp đang có trên thị trường để có thêm thông tin dự đoán xu thế giá của cổ phiếu.
Có nhiều cách phân nhóm cp.
- Phân nhón theo đặc điểm của cổ phiếu:
+ Nhóm cổ phiếu hàng đầu (blue chip): Là cp của những công ty có mức vốn hóa trung bình, kết quả kinh doanh tốt, EPS > 4.000. Đây là cp được nhiều người ưa chuộng nhất. Những cp này thường tăng giá sớm khi thị trường đi vào xu thế tăng.
+ Nhóm cp nhỏ có kết quả kinh doanh tốt, EPS > 5.000: Nhóm này cũng rất được ưa chuộng, thường tăng giá ngay sau nhóm blue chip.
+ Nhóm cổ phiếu lớn có kết quả kinh doanh trung bình. Đây là những cp lớn, có EPS ~ 2.000 - 4.000. Nhóm này thường tăng giá sau nhóm penny stocks tốt.
+ Nhóm cổ phiếu nhỏ có kết quả kinh doanh kém: Nhóm này thường có giá thấp. Trong những đợt tăng nóng sủa thị trường nhóm này thường tăng khi giá blue chip đã đạt tới đỉnh.
+ Nhóm cp nhỏ có EPS ~ 2.000 - 4.000. Nhóm này thường tăng giá sau cùng trong các kỳ tăng giá nóng.
Các cp trong mỗi nhóm cũng bắt đầu tăng giá trước sau, tùy thuộc vào đặc tính của mỗi cp.
- Phân nhóm theo P/E: P/E là chỉ số giá cơ bản của một cp. Khi mua đa số quan tâm đến P/E trước tiên. Vì vậy những cp có P/E gần giống nhau thường có hành vi tăng giảm giá gần giống nhau. Vì vậy có thể phân nhóm theo P/E để có thêm thông tin dự báo giá cp.
+ P/E < 10: Những cp này không được nhà đầu tư quan tâm, thường tăng giá sau cùng trong các đợt tăng giá.
+ P/E > 30: Nhóm này có giá quá cao, cũnng thường tăng giá sau.
+P/E ~ 10 -20: Nhóm này thường tăng giá sau blue chip.
+ P/E 20 - 30: Các blue chip thường nằm trong nhóm này. Khi thị trường chuyển sang xu thế tăng, nhóm này thường tăng giá sớm nhất.
- Phân loại theo nhóm ngành nghề: Khi thị trường đi ngang, các cp thường tăng giảm theo nhóm ngành nghề do có những thông tin tốt của ngành hỗ trợ. Có thể phân loại theo nhóm ngành nghề để dự đoán xu thế giá của cp như: Nhóm cp ngành điện, nhóm cp ngành xây dựng, nhóm cp ngành vận tải, nhóm cp ngành xăng dầu v.v...
Để phân nhóm, trước tiên cần loại bỏ một số cp mà bạn không muốn quan tâm. Sau đó đánh giá sơ bộ các cp. Tạm phân nhóm để quan sát, điều chỉnh dần cho phù hợp. Bạn sẽ tiện theo dõi diễn biến giá cp trên thị trường hơn và có thêm thông tin để dự đoán giá cp.
4) Tìm kiếm thông tin:
Giá cp thường tăng, giảm theo từng đợt. Giữa các dợt tăng giảm là một thời gian khá dài giá cp lình xình ở một mức giá nào đó. Xu thế thị trường và những thông tin là những nhân tố kích thích giá cp tăng hay giảm trong ngắn hạn. Những thông tin tts có thể là: chia cổ phiếu thưởng, cổ tưc, phát hành thêm cổ phiếu với giá bán ưu đãi, kết quả kinh doanh có đột biến trong quý. Những thông tin này có thể đoán trước được phần nào, ví dụ qua nghị quyết của đại hội cổ đông, hội đồng quản trị. Có thể đoán được kết quả kinh doanh theo những thông tin kinh tế, xã hội, đặc điểm ngành. Ví dụ KHC, KDC thường có doanh thu và lợi nhuận lớn vào quý II do bán bánh trung thu. Sau cơn bão hồi tháng 9/2006 ở vùng đồng bằng Nam bộ, có thể dự đoán DCT có doanh thu và lợi nhuận đột biến vào quý 4 v.v...
Dự đoán được những thông tin tốt cho chúng ta thông tin để tìm cơ hội đầu cơ chờ giá lên.
5) Một số dấu hiệu tăng giá của cổ phiếu:
- Thị trường đi vào xu thế tăng: Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để một cp có thể tăng giá.
- Phân tích kỹ thuật cho tín hiệu mua vào: PTKT là công cụ mạnh để dự báo giá cp.
- Có dấu hiệu làm giá xuống để thu gom cp: Trên TTCK VN thường có hiện tượng làm giá xuống để mua vào và làm giá lên để bán ra. Các đại gia thường đặt lệnh bán ra khối lượng lớn với mức giá thấp ở tài khoản này, rồi đặt mua vào ở tài khoản khác. Họ thường dùng kỹ thuật "rải đinh" để che khuất lệnh mua của mình. Những người muốn bán buộc phải đặt giá thấp hơn. Khi nhận thấy có dấu hiệu cp có khả năng tăng trong ngắn hạn.
- Lượng giao dịch tăng, giá cp tăng lên một mức mới so với mức ổn định trước đó: Một cp lình xình ở một mức giá nào đó, nếu tăng lên một mức mới với lượng giao dịch tăng mạnh. Nếu giá cp không trỏ về mức cũ sau vài ba phiên. Đây là dấu hiệu gần như chắc chắn giá cp sẽ tăng trong ngắn hạn.
Sau khi quan sát và dự đoán giá cổ phiếu có thể tăng trong ngắn hạn, bạn có thể quyết định mua vào để đầu cơ chờ giá lên.

No comments:

Post a Comment