Monday, August 17, 2015

TƯ TƯỞNG NHÂN NGHĨA CỦA NHÂN DÂN TA TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1954-1975) là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ và giá trị nhân văn đã được hun đúc, kế tục qua hàng ngàn năm văn hiến. Thắng lợi vĩ đại này làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về một Việt Nam giàu lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, kiên cường, bất khuất, nhất là lòng nhân ái, bao dung, nhân văn.


Ngay cả trong chiến tranh, người Việt Nam vẫn luôn một lòng
Chiến tranh đã lùi xa hàng thập kỷ nhưng trong ký ức của nhiều người lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam vẫn còn nguyên những kỷ niệm khó quên về sự đối xử hết sức nhân đạo của người dân Việt Nam khi họ bị bắt làm tù binh. Điều đó đã đánh thức lương tri, sự hối hận về những tội ác mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh phi nghĩa. Trong số đó có nhiều người đã quay trở lại Việt Nam và lần này, họ được chào đón như là người bạn. Quả thực, giá trị nhân văn, nhân đạo, tư tưởng nhân nghĩa là nét đặc trưng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta qua các thế hệ, thời đại, đã kết nối Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. “Đem đại nghĩa thắng hung tàn - Lấy chí nhân thay cường bạo” là giá trị cao đẹp, biểu hiện tính chất chính nghĩa và nhân văn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta. Cùng với tư tưởng “Dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, tư tưởng nhân nghĩa của tổ tiên ta trở thành truyền thống, bản sắc văn hoá, là quy luật tồn tại, phát triển dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là cội nguồn của sức mạnh đã làm nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. 

Giá trị nhân văn, nhân đạo vì con người từ ngàn đời nay đã được hội tụ, lan tỏa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Việt Nam luôn thể hiện thái độ hòa hiếu trong quan hệ ngoại giao với mong muốn chung sống hòa bình với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Thế nhưng, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới kết thúc, âm mưu bành trướng của giới cầm quyền hiếu chiến Mỹ đã kéo nhân dân ta vào cuộc chiến tranh phi nghĩa với vô vàn đau thương, mất mát. Nhân dân Việt Nam lại một lần nữa phải gồng mình lên để bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bom đạn của quân đội Mỹ dù tàn bạo, khốc liệt thế nào chăng nữa cũng không thể ngăn cản được ý chí hiện thực hóa khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song, chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, nhân dân ta vẫn có sự đối xử nhân đạo đối với chính những người bên kia chiến tuyến. Những câu chuyện về lính không quân Mỹ bị quân và dân ta bắt làm tù binh khi tiến hành chiến dịch không kích, phá hoại miền Bắc là minh chứng chân thực nhất cho giá trị nhân văn, tư tưởng nhân nghĩa của quân và dân ta. Như câu chuyện về nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cứu chữa cho đại úy phi công Mỹ Grap (Grubb Wilmer Newlin) khi bị các lực lượng phòng không ở Xuân Sơn, Bố Trạch bắn hạ máy bay rơi xuống Lèn Ha ngày 26/1/1966. Hay câu chuyện về Pê-tơ-sơn, Đại sứ đầu tiên của nước Mỹ tại Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã từng là người lái F4 vào đánh phá cầu Phú Lương và cầu Lai Vu đêm 10-9-1966 nhưng bị bắn rơi, nhảy dù xuống thôn An Đoài, xã An Bình, Nam Sách (Hải Dương). Hồi tưởng về lần bị bắn rơi, Pê-tơ-sơn đã thành thật nói: “Lúc bị người dân Việt Nam bắt, rất có thể tôi đã bị giết chết, rất may đã có người ngăn lại và tôi vô cùng biết ơn điều đó”. Cũng chính vì tính chất chính nghĩa, nhân văn nên trong phương châm chỉ đạo tiến hành các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy năm 1975, ta chủ trương “không đánh huỷ diệt, chỉ sử dụng hoả lực mạnh khi thật cần thiết” mà “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho Ngụy nhào”, “vừa đánh địch vừa lo bảo vệ dân, tạo thuận lợi để dân nổi dậy giành chính quyền cách mạng”. Đó chính là biểu hiện bản sắc độc đáo của nghệ thuật kết thúc chiến tranh một cách ít đau thương nhất cho dân tộc Việt Nam, là sự phát huy truyền thống quý báu trong kết hợp giữa đánh thắng địch về quân sự với khôn khéo trong ứng xử chính trị và nhân văn với kẻ thù trong chiến tranh. 

Thế hệ con cháu Việt Nam qua các thế hệ luôn biết tự hào, trân trọng, gìn giữ, làm giàu thêm giá trị nhân văn, nhân đạo, tư tưởng nhân nghĩa trong lịch sử dựng nước, giữ nước của tổ tiên, ông cha. Đặc biệt là trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, tình hình chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa đến chủ quyền của đất nước. Trong đó, có những kẻ đang tự biến mình thành những “con rối” của các thể lực thù địch, bọn phản động để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những giá trị văn hóa ngàn năm của dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Tâm Ngôn

No comments:

Post a Comment