Sunday, August 23, 2015

TÍNH CHÍNH DANH CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, trong khi toàn dân tộc tưng bừng hân hoan tổ chức các hoạt động chào mừng, thì một nhúm những kẻ vong nô ở hải ngoại và cả trong nước lại tiếp tục chiêu bài cũ rích, tung ra luận điệu xét lại "tính chính danh của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà". Những việc làm lạc lõng đó lại vẫn được các phương tiện truyền thông thù địch với Việt Nam hà hơi tiếp sức, cho rằng Chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ ...bất hợp pháp, cướp chính quyền từ Chính phủ "hợp hiến" Trần Trọng Kim, và cho rằng thực chất Việt Nam đã có độc lập từ trước, do quân phiệt Nhật "trao trả", Việt Minh "cướp công" của Bảo Đại - Trần Trọng Kim.

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam


Vậy sự thật là như thế nào?

Thực ra, chữ “độc lập” mà phát xít Nhật ra lệnh cho Quốc Trưởng Bảo Đại tuyên bố vào ngày 11-3-1945, chỉ là thứ độc lập giả hiệu. Đơn giản vì một chính phủ không có quân đội để lo việc quốc phòng, không có cảnh sát để ổn định xã hội, cũng không có tiền trong tay, lãnh lương từ Nhật. Một chính phủ chìm nổi với Nhật, Nhật thua thì chính phủ cũng dẹp tiệm, dù cho các thành phần trong chính phủ có tâm với đất nước thực sự hay không, có là rồng hay phượng, trí thức hay ngu dốt, sang hay hèn, cũng không bao giờ có thể là "độc lập, tự do" thực sự.

Thứ "độc lập" bố thí, không phải do nhân dân đấu tranh mà giành lấy, thì không bao giờ có giá trị và cả thế giới không ai công nhận cái độc lập giả đó cả, chỉ có một số người theo chủ trương há miệng chờ sung và cho rằng "không cần tranh đấu thì rốt cuộc cũng được độc lập" mới có thể nói mà không hề biết ngượng ngùng.

Sau thời gian cùng đè đầu cưỡi cổ nhân dân Việt Nam, hai tên cướp diệt nhau, ngày 9/3/1945 Nhật nổ súng hất cẳng Pháp, tuyên bố "trả lại quyền tự quyết cho Việt Nam từ tay Pháp" nhưng vẫn nắm chặt binh quyền và tiền ngân khố, chỉ cho phép chính quyền tay sai làm một số việc hành chính phục vụ cho chính quân Nhật, làm gì cũng phải xin phép, sinh mệnh đất nước vẫn nằm trọn trong tay Nhật, thì chính quyền Trần Trọng Kim rõ ràng không có khả năng để tự tồn tại, làm sao có thể gọi là độc lập, tự do khi ngay cả việc chuyển gạo từ miền Nam ra để cứu đói cho dân cũng không thể làm vì Nhật không cho phép. Những gì chính quyền đó có thể làm chỉ là xây lâu đài xây trên cát, là anh thợ làm thuê được cho cái bánh vẽ, rồi cặm cụi vẽ thêm hoa lá lên đó rồi tự ngồi để ảo tưởng...

Độc lập, muốn có được bao giờ cũng phải là do đấu tranh của nhân dân, đổ mồ hôi nước mắt và máu xương qua nhiều năm tháng mới có được. Lập nên chính quyền phải có thực lực, có quân đội và có lòng dân - đó mới là thứ độc lập có thật, nền độc lập đó phải được nhân dân ủng hộ và sẵn sàng tiếp tục đoàn kết bảo vệ, có như vậy chính quyền mới có thể đứng vững.

Năm 1945, cả hai ông Bảo Đại và Trần Trọng Kim đều biết rõ, người Nhật sử dụng họ để làm những việc mà họ ra lệnh, chứ họ không thể làm những việc mà người Nhật không cho phép làm. Số phận về quyền lực cũng như quyền hạn mà họ được người Nhật trao cho để thành lâp chính phủ chỉ có thể tồn tại với sự tồn tại của người Nhật ở Đông Dương mà thôi.

Ngay sau khi phe Đồng Minh gửi tối hậu thư cho quân Nhật ngày 26/7/1945 thì Trần Trọng Kim đã vội vã đệ đơn xin từ chức ngày 5/8/1945, được Bảo Đại chấp nhận vào ngày 6/8/1945. Tính ra nội các Trần Trọng Kim tồn tại vỏn vẹn 3 tháng 18 ngày. (17/4/1945-6/8/1945), chìm xuồng cùng với quyền lực của người Nhật ở Việt Nam.

Về cá nhân Trần Trọng Kim và cái gọi là chính phủ của ông ta:

Trần Trọng Kim sinh ngày 1/1/1883 tại Hà Tĩnh, qua đời ngày 2/12/1953, thọ 70 tuổi. Khởi đầu, được huấn luyện làm nghề thông ngôn, tốt nghiệp năm 1903, và hành nghề này cho chính quyền Bảo Hộ Pháp ở Bắc Kỳ. Năm 1908, được học bổng của Trường Thuộc Địa theo học ngành sư phạm rồi hành nghề dạy học. Năm 1942, được bổ làm thanh tra tiểu học. Đến 15/4/1945 được Bảo Đại cho làm Thủ tướng chính phủ sau khi Nhật đảo chính Pháp và cho phép Bảo Đại tuyên bố độc lập (11/3/1945).

Nội Các Trần Trọng Kim đã tuyên cáo với quốc dân rằng, 'Muốn giữ vững nền độc lập, “quốc dân ta phải gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thinh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua."

Nội Các Trần Trọng Kim cũng nhận định: “Hiện nay thế giới còn ở trong vòng chiến tranh, công việc kiến thiết quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Lại vì bom đạn của quân địch (Quân Đồng Minh) đang tàn phá làm cản trở sự lưu thông, khiến cho mấy mươi vạn người sinh trưởng trên khoảng đất phì nhiêu mà đành phải chết đói"..

Rõ ràng, với tuyên bố "nước Đại Nhật Bản” và việc gọi phe Đồng Minh là “quân địch” như trên, Trần Trọng Kim và nội các của ông ta đã tự xác định rằng họ đứng trong hàng ngũ của phe phát xít trong việc phân chia trận tuyến của cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai.

Như vậy, Nội Các Trần Trọng Kim chỉ có thể coi là đã đóng trọn vai trò của một chính phủ bù nhìn thụ động, tuy không có tội ác nhưng cũngkhông có công tích gì đặc biệt đối với dân tộc cũng như với cả quan thày Nhật. Đây là điều khác biệt căn bản giữa Nội Các Trần Trọng Kim với một số chính phù bù nhìn, tay sai đắc lực của Nhật như Chính Phủ Ba Maw ở Myanmar, Chính Phủ Laurel ở Philippines hay Chính Phủ Uông Tinh Vệ ở Trung Quốc.

Một số ý kiến đánh giá về vai trò của chính phủ Trần Trọng Kim:

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: 
"Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi Nhật Bản lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương vào ngày 9 tháng 3, 1945 và tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam. Nhưng vì độc lập mà Nhật gọi là trao trả cho Việt Nam rất là giới hạn thành ra việc thành lập chính phủ cũng bị rất nhiều trở ngại. Phải mất trên một tháng từ khi ông Bảo Đại ra tuyên ngôn tuyên bố độc lập vào ngày 11 tháng 3 cho đến ngày 15 tháng tư mới thành lập được chính phủ. Đó là vì Nhật không chịu bất kỳ những nhà chính trị nào dù là thân Nhật mà họ cho rằng có thể có những ước vọng độc lập nhiều hơn là Nhật dành cho.
Với an ninh, quốc phòng và kinh tế tài chánh đều nằm trong tay quân đội Nhật, tất cả những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim có thể đạt được trong việc giành lại chủ quyền cho Việt Nam thực tế là chỉ có tính cách biểu tượng".

 Ông Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên:
"Lấy tư cách là thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập.... 
Chính phủ Trần Trọng Kim với tất cả bộ trưởng cùng theo đuổi một mục đích như tôi; đã tự vạch ra đường lối chung cho mình mà tôi vừa phác lại để ông thấy rõ. Chính phủ ấy khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định, như một công cụ phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là những người' lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ chính phủ Trần Trọng Kim đến nền cộng hòa trong Cách mạng tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên suôn sẻ nữa cơ. Tôi có thể nói với ông rằng với tư cách bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả, kể cả Thủ tướng Trần Trọng Kim. Đã có sự nhất trí toàn vẹn, sâu sắc về sự chuyển tiếp ấy."
Nhà sử học, giáo sư Đinh Xuân Lâm

Về phía Nhật Bản, chúng cũng nhanh chóng tìm cách nắm chắc bộ máy cầm quyền "bản xứ" do người Pháp lập ra trước đó, và nay đã hoang mang dao động trước vụ Nhật đảo chính Pháp. Chúng bày trò "trao trả độc lập" để làm áp lực buộc vua Bảo Đại ký đạo Dụ số 1 "cải tổ bộ máy triều đình cho phù hợp với tình hình mới". Ngày 19 - 3, viện Cơ mật mới được thành lập trước đó (6-3) do Phạm Quỳnh đứng đầu xin từ chức, Nhật đưa Trần Trọng Kim từ Băng Cốc (Thái Lan) về Sài Gòn, rồi ra Huế gặp Bảo Đại và nhận đứng ra lập nội các mới. Ngày 17/4, nội các Trần Trọng Kim ra mắt. Ngày 4/5, nội các họp phiên đầu tiên, ngày 8/5 bệ kiến Bảo Đại và ra tuyên cáo chính thức. Nội các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức có tên tuổi - trong số đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh,…họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại từng có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc nên được nhiều người ngưỡng mộ - cũng đã làm cho một bộ phận nhân dân có phần tin tưởng, đặt hy vọng vào. 
Thủ đoạn của bọn cầm quyền Nhật là triệt để lợi dụng bộ máy chính quyền do chúng mới dựng lên để lũng đoạn tình hình có lợi cho chúng, chúng chỉ muốn có một chính phủ bù nhìn hoàn toàn để thi hành mọi ý định của chúng".

Trong thư viết ngày 8/5/1947 tại Sài Gòn gửi học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Trần Trọng Kim nói về tình hình chính trị của Đế quốc Việt Nam năm 1945 và vai trò tiếp quản của Việt Minh như sau:

"Còn về phương diện người mình, thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng nhăng chẳng đâu vào đâu cả. Ai cũng nói vì lòng ái quốc, nhưng cái lòng ái quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa vị và quyền lợi, thành ra tranh giành nhau, nghi kỵ nhau rồi lăng mạ lẫn nhau... Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà mình thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái địa vị bàng quan mà thôi... Tôi vẫn biết việc chống Pháp chỉ có Việt Minh mới làm nổi... Nay Việt Minh đứng vào cái địa vị chống Pháp, tất là có cái thanh thế rất mạnh ..".
Còn với Bảo Đại, chiều ngày 25/8/1945, đã đọc chiếu thoái vị nêu rõ: 
"Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.
Việt Nam độc lập muôn năm!
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!"
Từ những điều trên, cho thấy rõ ràng trong Cách mạng tháng Tám, quần chúng lao động và các lực lượng đảng phái tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh đã giành chính quyền về tay nhân dân từ tay phát xít Nhật chứ hoàn toàn không phải từ tay chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, mà thực tế lúc này chính phủ đó cũng đã tê liệt, không còn tồn tại với sự từ chức của Trần Trọng Kim.

Về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Hồ Chí Minh

Đích đến của bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng là lật đổ chính quyền của giai cấp thống trị, thiết lập chính quyền mới tiến bộ hơn của giai cấp bị trị. Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản năm 1930 đưa ra mô hình “Dựng ra Chính phủ công nông binh”. Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ Tám BCHTW chủ trương: “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập Chính phủ Dân chủ cộng hòa”.

Ngày 17/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đi đến quyết định lịch sử: Phát động tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Ủy ban này làm chức năng của Chính phủ lâm thời ngay sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi tại Hà Nội (19/8/1945). Đây là quyết định rất sáng suốt và kịp thời trong tình hình đất nước và thế giới có nhiều sự kiện đang diễn ra hết sức mau lẹ.

Chiều ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình – Hà Nội (Quảng trường Ba Đình – Hà Nội), các thành viên của Chính phủ lâm thời có mặt trên lễ đài. Thành phần Chính phủ bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, gần một nửa số bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức không đảng phái, một số cán bộ Đảng và Việt minh đã tự nguyện rút khỏi danh sách Chính phủ. Chủ tịch Hồ chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa”. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 3/9/1945, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày sáu vấn đề cấp bách nhất cần tập trung giải quyết để đưa nước nhà ra khỏi hiểm nguy: "Một là, giải quyết nạn đói; hai là, thanh toán nạn dốt; ba là, tổ chức tổng tuyển cử; bốn là, giáo dục lại nhân dân theo tinh thần cần, kiệm, liêm chính; năm là bỏ ngay các thứ thuế bóc lột vô nhân đạo; sáu là, thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết.".

Dưới sự điều hành của Chính phủ lâm thời, cả nước hăng hái hưởng ứng phong trào diệt “giặc đói” và “giặc dốt”. Nhân dân cả nước, nhất là ở các thành phố, còn hăng hái đóng góp vào Quỹ độc lập, Quỹ đảm phụ quốc phòng để xây dựng nền tài chính quốc gia và ngân sách quốc phòng.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức trên cả nước ngày 6/1/1946, bất chấp bom đạn của thực dân Pháp ở miền Nam và những hành động phá hoại của bọn phản động ở miền Bắc, có 333 đại biểu được bầu. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội ngày 2/3/1946 chấp nhận thêm 70 đại biểu của Việt Quốc Việt Cách không qua bầu cử, nhất trí đề nghị Người thành lập Chính phủ mới và Người đã đệ trình Quốc hội chuẩn y danh sách thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay từ khi còn non trẻ đã thể hiện là một Nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc, có thành phần tham gia rộng rãi nhất của các giai tầng xã hội và khác hẳn với nền cộng hòa dân chủ sau cách mạng tư sản ở các nước phương Tây.

Sự chính danh là ở chỗ đó đấy!

Và nay, chúng ta đang nỗ lực hoàn thiện luật pháp, cơ chế để xây dựng Nhà nước pháp quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của dân, do dân, vì dân!

Hùng Mạnh

No comments:

Post a Comment