Saturday, May 4, 2013

Tản mạn về Điều 7 Luật báo chí sửa đổi !!!


Sợ báo hơn sợ cọp - Lời của nhà báo Hữu Thọ

          Nhân việc Bộ Công an, trong nội dung trả lời cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi đã cho biết sẽ đề xuất sửa đổi điều 7 Luật Báo chí, theo hướng yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin rộng rãi hơn để "nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng", CuTeo@ với tư cách là một công dân, cũng muốn có ý kiến tham gia. Tất nhiên do không có chuyên môn nên có thể ý kiến của CuTeo@ chưa đúng, hoặc không đúng, bạn đọc chỉ nên coi là ý kiến tham khảo.
         Ai cũng biết, tham nhũng được coi là quốc nạn, tội phạm tham nhũng cần phải bị lôi ra ánh sáng và bị trừng trị nghiêm khắc. Muốn phòng chống tham nhũng cần có đầy đủ thông tin, tài liệu và chứng cứ chúng minh hành vi phạm tội của đối tượng. Thực tế, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của ta còn yếu. Có rất nhiều lý do biện minh cho sự yếu kém đó, nhưng theo Cuteo@, một trong những lý do làm hạn chế công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh là do thiếu thông tin. Nhiều vụ việc báo chí đã đăng tải nhưng cơ quan điều tra bị bó tay bởi không thể xác định được nguồn cung cấp thông tin, trong khi đó chỉ duy nhất phóng viên là người biết nguồn. Giả thiết là cơ quan điều tra có được nguồn tin đó, thì khả năng điều tra làm rõ vụ việc sẽ là rất cao. Thiệt đâu thì chưa thấy, nhưng cái lợi là nhãn tiền.

         Đối với cơ quan điều tra thì rắc rối lớn nhất là họ không có được cái quyền yêu cầu phóng viên cung cấp nguồn tin. Mặc dù Khoản 9 Điều 14 trong Luật Công an nhân dân (2005) quy định "Điều tra viên có nhiệm vụ và quyền hạn: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin có liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội". Nhưng rất tiếc điều này chỉ quy định chung chung chứ không cụ thể. Với công dân bình thường thì có thể yêu cầu họ cung cấp thông tin, nhưng với nhà báo thì lại là một câu chuyện khác. 

         Tại Điều 25 của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự quy định: "Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức". Dưới góc độ này, nhà báo cũng là công dân và họ có quyền tố cáo, và có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, và nếu từ chối tiết lộ nguồn tin trong trường hợp này, nhà báo đã không làm đúng nghĩa vụ của công dân, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.


        Tại Điều 35 của Luật Tố tụng Hình sự, quy định Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên. Theo đó, Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có nhiệm vụ và quyền "triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án". Nếu như, nguồn cung cấp thông tin cho nhà báo lại là người có liên quan trực tiếp đến một vụ tham nhũng nào đó, thì trong trường hợp này nhà báo là người biết việc, thậm chí là nhân chứng và họ có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.

          Ngay trong Luật phòng, chống tham nhũng, tại Điều 6 cũng quy định: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng. Theo quy định này, nhà báo chỉ có thể từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi họ không phải là công dân Việt Nam hoặc không còn quyền công dân.
       Những tưởng các quy định trong luật nêu ở trên đã đủ và đã tạo điều kiện cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra chống tham nhũng. Nhưng thực tế cơ quan điều tra vẫn gặp vô vàn khó khăn trong quá trình điều tra vụ án, đặc biệt là những vụ việc do nhà báo phát hiện và đăng tải trên các báo. 

        Trong phòng chống tham nhũng, sự tham gia của nhà báo là những hoạt động tích cực, bởi nhà báo đã đăng tải vụ việc như một lời tố cáo, thậm chí là chỉ đường cho cơ quan điều tra tiến hành làm rõ vụ việc. Nhưng trong nhiều tình huống, cũng chính hành vi đưa vụ việc lên mặt báo quá sớm sẽ lại gây khó khăn cho cơ quan điều tra, nhất là trong nhũng vụ quá trình điều tra còn đang trong giai đoạn bí mật, bởi đơn giản là những kẻ phạm tội đã bị đánh động để tiêu hủy chúng cứ và tìm cách xóa mọi dấu vết phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan điều tra thực thi nhiệm vụ. 

       Cũng có những trường hợp, nhà báo là người phát hiện vụ việc đầu tiên và đưa lên mặt báo, trong trường hợp này, cơ quan điều tra rất cần nhà báo cung cấp thông tin có liên quan, kể cả người cung cấp thông tin cho nhà báo. Nếu như cơ quan điều tra và nhà báo, cũng như người cung cấp thông tin cho nhà báo có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ thì vụ việc chắc chắn sẽ sớm được đưa ra ánh sáng. Rất tiếc, điều này trên thực tế còn khó khăn.
Chúng ta không thể trách phóng viên không cung cấp nguồn tin bởi trong Điều 7 Luật Báo chí quy định như sau: 

Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

        Như vậy, theo điều này, các phóng viên có quyền không tiết lộ tên người cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, trừ trường hợp có yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Thực tế là để điều tra vụ án tham nhũng, những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ lại là Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và cán bộ dưới quyền, nhưng họ lại không có quyền này. Mặt khác, do nhiều lý do, xin được một chữ kí của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên là điều vô cùng khó khăn mà mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình điều tra. Trong phòng chống tội phạm, đôi khi chỉ chậm chân 1 giờ, đối tượng cũng đã có thể tiêu hủy chứng cứ phạm tội và tạo ra các khó khăn, cản trở công tác điều tra.
Nhưng tại điều 9, quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí lại có quy định: 

Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.

        Như vậy, ngoài trách nhiệm của nhà báo, phóng viên còn có trách nhiệm tham gia phòng chống tham nhũng, hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền...và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của nhà báo về nội dung thông tin đã đưa được hiểu như thế nào? Tất nhiên trách nhiệm này không chỉ là độ chính xác của thông tin đã đưa, mà còn là trách nhiệm cung cấp chính xác nguồn tin cho cơ quan điều tra khi họ cần. Bởi lẽ hơn ai hết chính nhà báo cũng muốn vụ việc được mau chóng làm rõ.

        Điều 39. Trách nhiệm của người không báo cáo hoặc không xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng quy định: "Cán bộ, công chức, viên chức biết được hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật". Nếu theo quy định này, nhà báo biết được thông tin về tham nhũng mà không báo cáo, không cung cấp cho cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngay tại Điều 86 về Vai trò và trách nhiệm của báo chí cũng quy định: "Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng". Theo CuTeo@, có lẽ với một nhà báo, phòng chống tham nhũng hiệu quả nhất không chỉ là đưa thông tin lên mặt báo, mà còn cung cấp những thông tin cần thiết cho cơ quan điều tra nếu như họ biết, trong đó có cả việc tiết lộ nguồn tin. 

        Xét về lợi ích chung, việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra là cần thiết. Tất nhiên, việc sửa đổi điều 7 Luật Báo chí là việc làm hệ trọng, cần suy xét, cân nhắc kĩ. Theo CuTeo@, nên sửa lại là: "Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp, nếu cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm". CuTeo@ bỏ cái đuôi "nghiêm trọng" trong điều 7 là vì nếu để từ "Nghiêm trọng" đó thì quyền này chỉ thực hiện khi điều tra tội phạm nghiêm trọng, tức là loại tội danh có hình phạt từ 7 năm trở lên. Điều này đồng nghĩa rằng vụ án đã được khởi tố, và lúc ấy vai trò Viện kiểm sát đã được thể hiện ở việc phê chuẩn quyết định khởi tố, và nếu như vậy, việc mở rộng quyền hạn của cơ quan điều tra đối với thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra trở nên vô nghĩa.

       Về việc giữ bí mật người cung cấp thông tin, CuTeo@ xin nói luôn, đó không chỉ là trách nhiệm của báo chí mà còn là trách nhiệm của cơ quan điều tra và nó được coi là đạo đức nghề nghiệp. Một khi nhà báo đã cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra, thì cơ quan điều tra cũng như nhà báo, có trách nhiệm giữ bí mật và bảo vệ nguồn tin đó.
         Hãy hình dung, CuTeo@ với danh nghĩa nhà báo, viết bài về vụ việc tham nhũng ở cơ quan mình và đăng nó lên mặt báo, CuTeo@ sẽ lấy lí do đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ bí mật nguồn tin để không cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra thì vụ việc sẽ đi đến đâu nếu như CuTeo@ bịa đặt?
       Thử hỏi rằng, báo chí lấy cái quyền đó để đăng tải vụ việc tham nhũng lên mặt báo, nhưng cơ quan điều tra không thể làm rõ được vì không có nguồn tin thì có tác dụng gì trong phòng chống tham nhũng? Và khi đã không làm rõ được vụ việc liệu nhà báo có bị xử lý về tội vu khống hay không?
        Cần nói thêm rằng, lý do đạo đức nghề nghiệp là không thuyết phục ở đây, vì không chỉ có nhà báo mới có đạo đức nghề nghiệp, còn người khác là không có đạo đức nghề nghiệp (hãy xem tình trạng báo lá cải, đưa tin không đúng sự thật hiện nay để đánh giá - Tham khảo bài Sợ báo hơn sợ cọp của Hữu Thọ). CuTeo@ cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là đưa tin đúng sự thật, khách quan và phải góp phần (tạo điều kiện tốt nhất) giúp cho cơ quan điều tra làm sáng tỏ chân lý. Chưa làm được điều này, chưa thể nói đến đạo đức nghề nghiệp được.


Hãy làm đúng bổn phận của một công dân trước khi làm nhà báo !!


CuTeo@

No comments:

Post a Comment