Saturday, May 4, 2013

Là nhà báo phải là nhà báo chân chính !






      Xã hội ngày nay luôn mệnh danh báo chí là quyền lực thứ tư, sau tam quyền . Nó có khả năng giám sát hoạt động của chính phủ cũng như định hướng dư luận.Và lẽ đương nhiên, người làm báo luôn được xem là người chiến sĩ chiến đấu bằng ngòi bút của mình để thực hiện cái quyền lực to lớn mà xã hội phong tặng ấy. Tuy nhiên, trên cái mặt trận mang tên “quyền lực thứ tư” ấy , nhà báo cũng phải tự mình vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách, thậm chí là những cạm bẫy luôn rình rập để có thể đạt tới cái danh hiệu cao quý của người chiến sĩ chiến đấu bằng ngòi bút của mình, trở thành một nhà báo chân chính. 


       Nghề làm báo đã có thời nó được cả xã hội nhìn như một nghề “ngồi mát ăn bát vàng” và ở đó hình ảnh người làm báo là những con người suốt ngày chỉ ngồi trên bàn giấy và viết những chuyện xa rời thực tế. Có lẽ vì thế nên nghề báo bị dè bỉu là cái nghề “ nói láo ăn tiền”. Thế nhưng, trong cái thời buổi nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh như ngày nay, nhà báo không thể cứ ngồi mãi trong phòng lạnh để nhìn ra thế giới bên ngoài bằng một cái nhìn thiển cận như trước nữa. Họ, những người làm báo thế hệ mới đã thay đổi cách làm báo bằng việc đi ra trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với nguồn tin bằng chính tai mình nghe , bằng chính mắt mình thấy. Những nhà báo ngày nay đang dần hoàn thiện hình ảnh người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận đấu tranh vì công lý mà Đảng, Nhà Nước và nhân dân giao phó. Một nhà báo chân chính phải luôn khắc ghi trong tâm công thức “3 chữ T” : trung thực, thặng thắn và thân thiện. Như Hiram Johnson đã nói: “Khi một cuộc chiến xảy ra, nạn nhân đầu tiên vẫn là sự thật" . Một nhà báo giỏi chưa hẳn là một nhà báo chân chính. Nhà báo giỏi có thể là một người rất giỏi về biện pháp nghiệp vụ, về kĩ năng tác nghiệp nhưng còn về đạo đức làm nghề thì không phải ai cũng có thể làm được. Trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, người làm báo không được phép bẻ cong ngòi bút của mình vì bất cứ lí do nào. Bởi nghề làm báo chính là nghề nói sự thật và ở đó tính trung thực của một nhà báo chân chính sẽ quyết định họ đứng về bên nào trong cái ranh giới chính và tà ấy. Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vụ nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị khởi tố vì tội đưa hối lộ. Thực chất, trong vụ việc này thì chính nhà báo đang tác nghiệp bằng việc đóng vai người vi phạm giao thông để có bằng chứng về những cán bộ cảnh sát giao thông nhận hối lộ. Đồng ý rằng Hoàng Khương là một nhà báo giỏi, là cây viết “cứng” của tờ Tuổi Trẻ thế nhưng, nhà báo Hoàng Khương đã không nhận ra chính bản thân mình đang vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo. Người làm báo chỉ là người chứng kiến và ghi nhận sự thật một cách trung thực và thẳng thắn nhất chứ không phải là người tạo ra những sai phạm để viết ra cho công chúng xem. Mazan Dana - một nhà quay phim của hãng Reuters (Anh) đã từng nói: "Những con chữ, hình ảnh là niềm tin của công chúng. Và vì lý do này tôi sẽ tiếp tục làm việc không kể khó khăn, ngay cả khi phải trả giá bằng tính mạng". Nghề báo là một nghề mang ánh hào quang bên ngoài nhưng thực chất nó lại có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm ở bên trong. Người làm báo chân chính không chỉ phải hy sinh lợi ích của bản thân mà còn phải cố gắng vượt qua những cám dỗ, những hiểm nguy để làm tròn sứ mệnh của mình. Mặc dù vậy cũng có những nhà báo vì ngại khó, ngại khổ mà “dễ dãi” với chính nguồn tin của mình. Họ không cần đi thực tế , không cần xác thực nguồn tin mà cứ nghe là viết đúng như kiểu “nói láo ăn tiền” mà người ta nhìn về nghề báo trước đây. Như vụ phóng viên Chu Trinh của đài VOV online thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị tước giấy phép làm báo vô thời hạn với bài viết “ bố chồng dính chặt nàng dâu” cũng chỉ vì nhà báo không xác định nguồn tin một cách thận trọng. Rồi nhà báo mà nói láo mang tên Nguyễn Đắc Kiên và Tạ Phong Tần cũng hành nghề viết báo nhưng viết sai sự thật, bôi nhọ hình ảnh của lãnh tụ của đất nước có những bài viết thể hiện quan điểm chính trị đối lập đi ngược lại lợi ích của đại bộ phận nhân dân Việt nam. 
 Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và Tạ phong Tần một thời huy hoàng nay còn đâu?


     Một người làm báo chân chính phải luôn ý thức được rằng “cách duy nhất để ghi lại sự thật vẫn là phải đến gần nó” chứ không phải là đứng từ xa nhìn nó một cách quan liêu, vô trách nhiệm như thế. Tuy nhiên, xã hội ngày nay cũng có không ít những nhà báo sống và làm việc luôn tuân thủ đúng đạo đức nghề báo. Những sai phạm nói trên chẳng qua đó chỉ là hiện tượng “ con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Đội ngũ những nhà báo trẻ ngày nay vẫn luôn làm nghề với không chỉ sự ý thức cá nhân mà còn là danh dự của nghề và lương tâm của một con người. Họ ý thức được một nhà báo chân chính không chỉ phải kiên định trước những cám dỗ đầy hấp dẫn mà còn phải làm đúng với lương tâm của người làm báo trước bất kỳ hoàn cảnh nào . Cách đây mấy năm, một sự kiện làm kinh động cả làng báo chí khi phóng viên Lan Anh của tờ Tuổi Trẻ đưa một thông tin về thông tư của chính phủ gửi tới nghành Y tế. Theo chính phủ nhận xét những thông tin mà phóng viên Lan Anh đưa là những thông tin mật mà quy định thì báo chí không được đăng tải những thông tin mang tính bí mật quốc gia. Thế nhưng, khi phải ra hầu toà trong tình trạng đang mang thai, dù chịu rất nhiều áp lực của toà án, của cơ quan và dư luận thì cô vẫn nhất định thực hiện đúng quy tắc đạo đức của người làm báo là phải bảo vệ nguồn tin, nhất định không khai ra người cung cấp thông tin cho cô là ai. Đó chính là tấm gương sáng của một nhà báo chân chính. Nhà báo cũng là một con người và đã là con người thì phải thực hiện đúng : nhân, nghĩa , lễ , trí , tín. Có thể có những trường hợp nhà báo sẽ phải đối mặt với trường hợp làm đúng quy tắc nghề nghiệp nhưng lại sai quy tắc đạo đức làm người hay ngược lại. Thế nhưng, nếu nhà báo là những người yêu nghề, có tâm với nghề thì chính họ phải hiểu được một chân lý “ Pháp luật là đạo đức tối thiểu và đạo đức chính là pháp luật tối đa”. Có như vậy thì người làm báo mới có thể chạm tới cái danh hiệu nhà báo chân chính đầy cao quý ấy 


      Nhà báo có thể được hết sức kính trọng, có ảnh hưởng lớn, là một trong những nhân vật trung tâm của dư luận xã hội. Nhưng ngược lại, cũng có thể bị coi thường- một cái nghề bị coi là "nói láo ăn tiền”. Vinh hay nhục trong nghề nghiệp không ai khác mà chính do nhà báo tự mình lựa chọn. Sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ công lý sẽ giúp nhà báo đạt được những vinh quang không chỉ trong nghề nghiệp mà cái vinh quang lớn nhất chính là sự tuyên dương của chính toà án lương tâm mình. Vấn đề là mỗi nhà báo phải biết trau dồi tốt phẩm chất đạo đức của nghề và của con người để trở thành một công dân tốt và một nhà báo chân chính của thời đại. 





No comments:

Post a Comment