Thursday, May 7, 2015

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT NHƯNG ĐỪNG SỦA BẬY!

Trang bạn "Tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam" hôm qua đăng một thông tin khá ấn tượng đối với nhiều bạn đọc. Nó nhận được không ít đồng tình và chia sẽ: đặc nhiệm GRU [GRU là tên viết tắt của "Tổng cục Tình báo quân sự Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Xô"] từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Việt Nam.





Sẽ là hợp lý hơn khi nói về điều trên như một giả thiết để tiếp tục đào sâu tư liệu. Điều này là hợp lý đối với những vấn đề mà vì nhiều nguyên nhân, khách lẫn chủ quan mà thiếu thốn thông tin và khó xác minh, chứng thực. Huyền thoại như xưa nay vẫn luôn là chỗ để người ta tiếp tục mơ về những giấc mơ còn dang dở. Mơ cũng rất cần để sống tốt, sống khỏe vậy.

Nhưng việc khẳng định như đinh đóng cột là đặc nhiệm GRU đã tham chiến ở Việt Nam: "Tuy không rõ họ đã tham gia tất cả bao nhiêu chiến dịch nhưng vào tháng 5/1968 một nhóm đặc nhiệm GRU gồm 9 người đã tấn công căn cứ bí mật của Mỹ trên lãnh thổ Campuchia có biệt danh “Flying John”....chính là những người đã tấn công căn cứ không quân của họ" [trích một phần nguyên văn tại ĐÂY] chưa xét đến khả năng xử lý thông tin, nó thể hiện sự non nớt, cẩu thả của người tiếp nhận tư liệu.

NGUỒN TIN

Lần theo dấu vết có thể thấy tin này đăng lần đầu trên báo An ninh thế giới (lúc 15:45 ngày 03/07/2014) với tựa "Đặc nhiệm GRU và những chiến dịch thầm lặng". Báo Đất việt trong loạt bài dịch lại bài viết của tác giả Nga Alexander Khramchikhin tả lại các chi tiết như kể trên trong bài "Người Nga nói thật về Chiến tranh Việt Nam" (đăng lúc 19:35 ngày 01/05/2015). Tai hại là nhiều báo mạng lá cải, blog Việt Nam dẫn lại mà không chịu đi kiểm chứng. Mặc định coi như đúng rồi! [1], [2]

Thực ra, đây vốn là tin từ lâu được coi là một trong những tin vịt, nói hoa mỹ hơn thì là một trong những huyền thoại trong cuộc chiến tranh Việt Nam do chính người Nga tự huyễn hoặc ra. Chưa thấy người Mỹ tả lại vụ này trong những cuốn sách, bài viết thực sự nghiêm túc. Chi tiết nghe chừng rất rõ ràng trên xuất hiện lần đầu trong cuốn sách lá cải tựa "Commando" của tác giả Tarasov xuất bản năm 1997 ở Nga. Ngộ cái là để lừa được độc giả trong nước tin vào tính khách quan khoa học, bố Tarasov lại lấy tên Tây là "Don Miller" cho bài viết thêm oách, thêm sang. [3], [4]. Ra là một bộ phận người Nga cũng sính ngoại, thậm chí là cuồng ngoại ghê hồn các bạn nhỉ ?

Ông Alexander Khramchikhin - tiếng là một chuyên gia khoa học xã hội Nga (?) vốn là dân học chuyên Vật lý [5] ăn phải bả của lão Tarasov chăng.

Và rồi, đến lượt một số nhà báo mạng Việt lại ăn phải bả mấy bố ngoại quốc này.

SỰ TẦM PHÀO

Có thể thấy có quá nhiều điểm phi lý trong chi tiết mô tả về cuộc tấn công trong tưởng tượng này:

+ Thời điểm tháng 5/1968 là thời điểm Campuchia và Mỹ đang trong tình trạng không có quan hệ ngoại giao (Sau cuộc đảo chính nhà vua do Mỹ giật dây bất thành, Xihanuc cắt đứt quan hệ với Mỹ từ ngày 3/5/1965. Đến ngày 11/5/1969 mới bình thường hóa quan hệ hai bên trở lại). Thời gian này Xihanuc thỏa thuận cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam chỗ trú chân khi cần, triển khai các kho tàng dự trữ vùng giáp giới, cho hàng hóa phục vụ Mặt trận DTGPMNVN từ miền Bắc và khối XHCN thông qua cảng Sihanoukville để về phục vụ cho cuộc chiến chống Mỹ ở miền Nam.

Vậy, khó có khả năng Mỹ đạt được thỏa thuận (kể cả bí mật) với ông Xihanuc - người chủ nhà về việc mở căn cứ quân sự bí mật này (nếu có) để chống miền Bắc trên đất Campuchia. Chưa thấy Xihanuc có động cơ gì để phải làm như vậy, ít nhất là trong giai đoạn này. Nên nhớ là chính vì Xihanuc không chịu những điều kiện của Mỹ, tiếp tục dung dưỡng 'Việt cộng' (MTGP), Mỹ mới bí mật dùng B-52 ném bom rải thảm nhằm tiêu diệt chủ lực quân giải phóng, mới giật dây tướng Lon Nol đảo chính Xihanuc vào tháng 3/1970, để rồi 1 tháng sau đó cùng VNCH đưa 10 vạn quân tiến vào miền Đông Campuchia với ý định hủy diệt đất thánh cộng sản.

Vậy làm sao người Mỹ đảm bảo cho tính bí mật của một căn cứ quan trong như vậy (giải cứu phi công Mỹ bị bắn rơi, thả biệt kích xâm nhập miền Bắc), lớn như vậy (20 trực thăng), ồn ào như vậy (dùng trực thăng di chuyển)...trên một địa bàn thù địch?

+ Theo thông tin trong cuốn "Commando" căn cứ bí mật tên là "Flying Joe" đó chỉ cách biên giới Việt Nam 30 km [3]. Điểm này khá phi lý. Khoảng cách này quá gần, thậm chí có thể nằm trong khu vực thường xuyên hoạt động hay hậu phương của quân giải phóng. Vậy còn có thể có yếu tố bí mật được không, nhất lại là căn cứ thường xuyên sử dụng trực thăng để di chuyển và chiến đấu ?

Thêm nữa, ngay cả việc Mỹ có khả năng mở một căn cứ bí mật ở sâu trong hậu phương của MTGP thì điều này là một việc mạo hiểm và cũng không thật sự cần thiết. Muốn tung gián điệp ra miền Bắc, với hiệp ước an ninh với Thái Lan, Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng các địa điểm nằm sâu trong hậu phương Thái Lan, tương đối an toàn, thậm chí các căn cứ ngay tại miền Nam Việt Nam được bảo vệ mạnh, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên để làm việc đó. Chưa kể đặc công quân giải phóng hơn ai hết là lực lượng thông thạo địa hình địa vật, có kinh nghiệm tác chiến và dễ dàng giữ được bí mật hơn phía Liên Xô trong những nhiệm vụ tương tự, trên một địa bàn quen thuộc hơn.

TẠM KẾT

Chuyện những người lính đặc nhiệm Liên Xô với sức mạnh cơ bắp, sự tàn ác, luôn xuất hiện cùng đôi bàn tay dính máu là những huyền thoại của các bậc thầy tâm lý chiến người Mỹ, đôi khi cũng xuất phát từ chính nổ lực bôi nhọ các lực lượng cộng sản trong các phim hành động Holywood của Mỹ. Nhiều người Nga thời hậu Liên Xô cũng mắc vào bẫy của những huyền thoại dạng này, mà chuyện về các công tác bí mật của đặc nhiệm Liên Xô chiến đấu ở Nam Việt Nam chỉ là một ví dụ. Hầu hết các thông tin đơn thuần là sự suy diễn, hoàn toàn không có khả năng xác minh bằng các dữ liệu chính xác. (Xem thêm các lập luận ở [4] )

Sử gia Mikhail Ilyinsky, người thường xuyên liên lạc với các phái đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, tùy viên quân sự Liên Xô tại Hà Nội cũng xác nhận trong cuốn "Đông Dương: bốn cuộc chiến tranh (1939-1979)" rằng việc Liên Xô cử đặc nhiệm tham chiến tại miền Nam Việt Nam chỉ là những huyền thoại được thêu dệt. Theo ông, người Việt Nam không cho phép các cố vấn quân sự, binh lính Liên Xô hay Trung Quốc có mặt ở Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Tình báo quân sự Liên Xô gặp khó khăn ở Việt Nam do chính sách bảo mật thời chiến của phía Việt Nam, do khó hòa lẫn vào nhân dân, và nếu có các hoạt động tình báo thì đó thu thập thông tin khí tài của Mỹ và trinh sát đường không. [6]

N. Kolesnikov, chủ tịch cựu chiến binh Việt Nam (cựu cố vấn quân sự Liên Xô tại miền Bắc Việt Nam) cũng xác nhận ngoài các chuyên gia vũ khí, cố vấn quân sự hoạt động ở miền Bắc không có chuyện các đơn vị đặc nhiệm của Liên Xô chiến đấu ở Nam Việt Nam vì lý do chính trị lẫn các yếu tố kỹ - chiến thuật. [7]

Hi vọng các thành viên trang bạn đính chính lại thông tin này, góp phần giải bớt ảo trong việc tìm hiểu chiến tranh.!

Chú thích tham khảo
[1] Đặc nhiệm GRU và những chiến dịch thầm lặng
[2] Người Nga nói thật về Chiến tranh Việt Nam
[3] Toàn văn cuốn "Commando".
[4] Мистификации о Вьетнамской войне
[5] Храмчихин, Александр Анатольевич
[6] Индокитай. Огонь и розы.
[7] http://www.nhat-nam.ru/vietnamwar/vietnam7.html

Hải Trang

No comments:

Post a Comment