Câu trên là tựa đề bài viết của Đại tá ANDREY LIKHACHEV (Tùy viên Quốc phòng Liên bang Nga tại Việt Nam) trên Báo Quân đội nhân dân nhân sự kiện 70 năm chiến thắng phát xít.
Câu dưới là tựa đề của tác giả viết trong bài viết này nhân đọc những bài oanh tạc vào quá khứ của những kẻ hậu sinh đang mạnh mồm phán xét, dạy dỗ cả thế hệ cha ông. Trong đó, ồn ào nhất những ngày qua phải kể đến bài viết của một tay mang danh nhạc sĩ xứ Sài Thành (hình như nay đã qua Mẽo) với tựa đề “Sự thật”. Cái gọi là sự thật của y, thật ra chỉ là một góc nhìn ích kỷ và phiến diện từ những điều “nghe nói, nghe kể”, góc nhìn “một phía thôi” như Nam Cao từng nói ngày nào. Góc nhìn chỉ nghiêng về miếng ăn, nghiêng về những toan tính cá nhân vị kỷ hơn là lẽ sống của cả một cộng đồng, một dân tộc, một thời đại, một lịch sử đau thương đã làm nên bản lĩnh đất nước.
Đọc, lại nhớ đến những điều mà ngày xưa, những người thầy – cũng là những người lính đã vào sinh ra tử trong chiến tranh nhắc nhở đám học viên quân sự chúng tôi khi nói về đấu tranh giai cấp: Xét cho cùng, thường thấy là văn nghệ sĩ, trí thức chính là tầng lớp dễ lung lay, lập trường như “răng ông cụ”, gió chiều nào theo chiều ấy. Họ có thể có trái tim nhạy cảm tấu lên những ca khúc thật hay làm lay động lòng người nhưng họ cũng có thể bốc đồng phút chốc cõng cả đàn rắn cắn gà nhà hay ngồi sau chiến bào mà vô tư trút cả tấn lông ngỗng…
Thôi, dẫu bực mình nhưng tôi cũng không rảnh và thấy không cần tranh luận với những kẻ đó. Để thời gian nói với bạn của tôi về những dòng sông và biển cả lộng gió còn hơn là “những dòng sông lạc loài, suốt đời không ra được biển” ấy.
Những gì lịch sử đã trôi qua phải nhìn nhận bằng quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển chứ không phải ngồi phán xét, xúc phạm, dạy dỗ cha ông. Cũng đừng ếch ngồi đáy giếng mà suy luận, chê bai xứ người trong khi chính mình còn chẳng ra gì. Ai đó nếu vội chê ông Pu-tin xin hãy lắng nghe một đoạn trong bài phát biểu của ông hôm 9-5 vừa rồi, có đoạn:
“Cuộc phiêu lưu liều lĩnh của Hitler trở thành một bài học đắt giá cho toàn thể cộng đồng thế giới. Vào thời điểm đó, những năm 1930, châu Âu đã không thấy rõ mối đe doạ chết người của chủ nghĩa phát xít.
Hôm nay, 70 năm sau, lịch sử một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải sáng suốt và thận trọng. Chúng ta không được quên rằng những tư tưởng về chủ nghĩa "chủng tộc tối thượng" và sự độc chiếm đã kích động cuộc chiến đẫm máu nhất từ trước đến nay. Chiến tranh đã ảnh hưởng tới gần 80% dân số. Nhiều quốc gia châu Âu bị làm nô lệ hoặc chiếm đóng.
Cha ông chúng ta đã sống qua những tổn thất, mất mát và đau đớn khôn cùng. Họ vắt kiệt sức lao động trong giới hạn của con người. Họ thậm chí chiến đấu đến chết. Họ là tấm gương cho danh dự và lòng yêu nước thật sự.
Chúng ta thể hiện lòng kính trọng, niềm biết ơn với tất cả những người đã chiến đấu cho mỗi con phố, từng mái nhà, từng mặt trận để bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta. Chúng ta nghiêng mình trước những người anh hùng hy sinh trong những trận chiến khốc liệt gần Moscow, Stalingrad, ở vòng cung Kursk và trên dòng sông Dnieper.
Chúng ta cùng nghiêng mình trước những người chết trong nạn đói và cái rét ở vùng không bị chiếm đóng như Leningrad, trước những người bị tra tấn đến chết trong các trại tập trung, khi bị giam cầm hay ở những vùng bị chiếm đóng.
Chúng ta hãy cùng nghiêng mình trong hoài niệm đẹp đẽ về những người con, người cha, người mẹ, ông bà, những người chồng, người vợ, những người anh, người chị, những đồng chí, họ hàng và bạn bè - tất cả những ai đã không thể trở về sau cuộc chiến và những ai đã không còn ở bên chúng ta."
Cũng nên lắng nghe một đoạn trong bài viết của Đại tá ANDREY LIKHACHEV (Tùy viên Quốc phòng Liên bang Nga tại Việt Nam): “Ngày nay, 70 năm đã trôi qua sau kết thúc của Thế chiến thứ hai, một số chính khách phương Tây đang nghiêm túc phản bác lại về tính hiếu chiến của Nga, cố gắng tạo dựng một "hình ảnh của kẻ thù". "Những suy lý" như thế này rõ ràng mâu thuẫn với lịch sử. Tại Nga, kinh nghiệm về các chiến thắng quá nặng nề, chúng tôi biết cái giá thật phải trả cho chúng và điều này là đủ để nhớ đến và bằng tòan bộ sức lực đấu tranh vì hòa bình trên tòan thế giới”.
Còn ai đó, nếu muốn tỏ ra mình là nhà tiên tri, là người có quyền phán xét và viết lại lịch sử, muốn tìm cho đất nước này một con đường phú cường theo kiểu của phương Tây thì xin hãy đọc thêm một đoạn trong bài viết của một phóng viên trẻ Báo Quân đội nhân dân, anh Hồ Quang Phương mang tiêu đề “Sự vô giá của hòa bình, thống nhất”, có đoạn:
“Những ngày gần đây, một bức ảnh chụp tại vùng chiến sự ở Xy-ri đã khiến cả thế giới ứa nước mắt. Đó là bức ảnh em bé 4 tuổi có tên là Hudea giơ tay "đầu hàng". Em bé có đôi mắt sáng, to tròn, thơ ngây ấy đã vô cùng sợ hãi vì nhầm tưởng chiếc máy ảnh có ống kính dài của phóng viên là khẩu súng trường đang hướng về mình. Theo phản xạ sinh tồn của những em bé trong vùng chiến sự, Hudea đã lập tức giơ hai tay lên cao giống như động tác của một hàng binh. Đó có lẽ sẽ là một trong những bức ảnh xót xa nhất tố cáo tội ác của chiến tranh.
Mỗi ngày, chỉ cần mở ti vi hay lướt internet, chúng ta chứng kiến bao thảm cảnh của con người ở những quốc gia có nội chiến. Tại những vùng chiến sự ở Xy-ri, Li-bi, I-rắc, Y-ê-men hay U-crai-na…, cuộc sống của người dân và đặc biệt là trẻ em không khác nào địa ngục, tương lai vô cùng mờ mịt. Nhiều em bé đã chết vì bom đạn, vì đói khát. Những sinh linh bé bỏng ấy có thể được lớn lên xinh đẹp, giỏi giang nếu như được ra đời trong một môi trường hòa bình, một đất nước phát triển. Chiến tranh đã cướp đi những cơ hội sống, những niềm vui sống bình dị nhất của con người.
Mỗi lần chứng kiến những cảnh tượng đau thương trên, tôi lại nghĩ, dân tộc ta, đất nước ta cũng đã có giai đoạn lịch sử bị chia cắt, bị phân ly, phải chịu nhiều đau thương, tang tóc trong khói lửa chiến tranh. Và từ đó, tôi lại càng thấy ý nghĩa to lớn của ngày 30-4-1975-Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, tạo ra hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Đây là đỉnh cao chiến thắng của cả dân tộc sau 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đất nước từ chỗ bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đến ngày 30-4-1975 đã được thống nhất. Giang sơn, bờ cõi do tổ tiên khai phá, gây dựng đã được thế hệ người Việt Nam thế kỷ thứ 20 bằng tài năng, trí tuệ, bằng quyết tâm sắt đá, bằng mồ hôi và bằng máu xương của mình giành lại và giữ vững để trao cho thế hệ sau. Như còn mãi vang vọng trong không gian lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nói chuyện với các chiến sĩ của Đại đoàn Quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy ấy sẽ luôn luôn phải "khắc cốt ghi tâm" với mọi người con Việt Nam yêu nước.
Cảnh nước mất nhà tan, bao thế hệ người Việt Nam đã nếm trải và thấu hiểu. Thử hỏi, liệu Việt Nam có thể phát triển, nhân dân có thể bình yên, hạnh phúc khi đất nước bị chia cắt, khi mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đem hàng triệu tấn bom, đạn và hàng triệu lít chất độc hóa học đến để trút lên đất nước ta, giết hại nhân dân ta? Đất nước ta, nhân dân ta đã được gì từ thực dân, đế quốc ngoài nghèo khổ, bị áp bức, bị bóc lột, bị tù đày, chết chóc, đau thương? Hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống do dã tâm của thực dân, phát xít, đế quốc ngoại bang.
Vì thế, lối suy nghĩ của một số người cho rằng Việt Nam không cần độc lập, không cần thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, có thể dựa vào thực dân và đế quốc để phát triển là lối suy nghĩ thiển cận, ảo tưởng, vô trách nhiệm, là luận điệu cố tình bóp méo sự thật, xúc phạm đến xương máu của cha ông, có tội với nhân dân, có tội với tổ tiên và có tội với cả các thế hệ mai sau!
Hải Trang
No comments:
Post a Comment