Giá trị của một con người là ở đâu ? Đó là ở nhân cách? Trí tuệ?…Tất cả đều không phải, giá trị của một con người nằm ở chính hành động của người đó. Nhân cách tuyệt vời ư, nó chỉ tuyệt vời khi đem đến những hành động tương xứng. Trí tuệ ư, một con người được coi là có trí tuệ chỉ khi có những hành động đúng đắn, chuẩn mực. Những hành động đó là kết quả tổng hợp từ nhân cách, trí tuệ, nó cũng giống như khi đánh giá một bức tranh vậy. Chúng ta chỉ có thể kết luận bức tranh có giá trị hay không khi nhìn nhận đánh giá tổng thể trên tất cả các mặt như giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử… đánh giá cả ưu điểm và khuyết điểm của bức tranh đó để rồi đi đến kết luận giá trị bức tranh đó là như thế nào.
Tác phẩm "The Scream" (Tiếng thét) - 1895 -của Edvard Munch, trị giá 120 triệu USD
Thế nhưng hiện nay có những kẻ luôn huênh hoang bản thân mình là những người thưởng lãm mỹ thuật sành sỏi, thậm chí là chuyên gia trong đánh giá mỹ thuật mà lại cố tình quên đi điều đó. Khi thưởng tranh chúng chỉ chăm chăm đánh giá cái khung gỗ xem đó có phải là gỗ quý hay không, được chế tác như thế nào, chúng cố tình bỏ qua thứ quan trọng nhất cần đánh giá đó chính là bức tranh. Đành rằng khung gỗ sẽ góp phần không trong việc nâng cao giá trị của một bức tranh nhưng nó không thể quyết định toàn bộ giá trị của bức tranh đó.
Những kẻ đó chắc chắn biết điều đó, vậy thì tại sao chúng lại làm như vậy. Chỉ có một câu trả lời, chúng là những kẻ đầu cơ, những con buôn , chúng cố tình dìm giá trị bức tranh bằng cách chỉ ra những khuyết điểm, thậm chí lập lờ đánh lận tạo ra những màn hỏa mù để người khác tin những khuyết điểm mà chúng tạo ra là có thật, là rất ghê gớm để đạt được mục đích cuối cùng của chúng đó là sở hữu bức tranh đó. Chưa hết, thậm chí chúng chỉ là công cụ của một trùm đầu nậu nào đó, các trùm đầu nậu dày công xây dựng một mạng lưới “chim lợn” , “chim mồi” để tạo ra những thông tin hư thực khiến cho những người yêu tranh mất phương hướng cuối cùng tạo nên một sự hỗn loạn thông tin về giá trị của bức tranh. Đó là bản chất của “con buôn” mà chắc rằng ai cũng biết.
Đánh giá một xã hội cũng giống như đánh giá một bức tranh vậy. Không bao giờ có một bức tranh nào hoàn mỹ, cũng như không bao giờ tìm được một con người hoàn mỹ. Thế nhưng có những kẻ chỉ nhìn vào những mặt trái của xã hội để hòng lên án xã hội đó. Trong mắt những kẻ đó chắc chắn không bao giờ xã hội mà chúng đang sống có ưu điểm, hoặc dù có thấy thì chúng vẫn cố tình che đậy, bôi đen bằng cách đánh giá lập lờ. Chúng ta có thể thấy bóng dáng của bọn chúng đầy rẫy trên mạng xã hội. Nói cách khác là khi đôi mắt đen tối thì nhìn thấy cái gì cũng đen tối. Như một người bạn đã nói: “Bọ hung thì thấy đâu cũng là phân”. Có những kẻ so sánh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc Việt Nam thống nhất đất nước với việc phá vỡ bức tường Berlin, thực sự không thể hiểu kẻ đó có một chút suy nghĩ nào nữa hay không khi đánh đồng hoàn cảnh lịch sử, điều kiện địa lý cũng như tác động của quốc tế đối với hai quốc gia nằm cách xa nhau hàng chục ngàn cây số.
Chúng nói rằng Việt Nam thống nhất đất nước bằng súng đạn, trong khi nước đức thống nhất không có bom đạn, và còn rất nhiều điều khác nữa. Tin chắc rằng người đó đủ hiểu vấn đề nhưng đó là cách để chúng tạo nên những hiểu lầm về lịch sử dân tộc đối với dân chúng. Bức tranh xã hội được đánh giá trên nhiều lĩnh vực, có những lĩnh vực đạt được kết quả cao nhưng bọn cơ hội không bao giờ nhìn nhận, chúng chỉ tập trung vào những thiếu sót. Đặc biệt là những thiếu sót do con người tạo nên, không loại trừ những con người đó một phần do bọn chúng tạo dựng. Để từ đó chúng tạo ra những luồng thông tin dư luận trái chiều, gây hoang mang mất tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo, tạo ra sự bất ổn định trong đời sống xã hội.
Giá trị của bức tranh Việt Nam đó là nó được vẽ bằng máu và nước mắt của cả một chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đó là bức tranh của cánh chim hòa bình được vẽ trên tấm vải toan nhuốm màu khói súng. Thế nhưng có những kẻ nói rằng “40 năm là quá đủ” , bọn chúng muốn nói “quá đủ cái gì?” , chẳng lẽ đối với chúng hòa bình như thế là quá đủ? 40 năm qua vẫn có bao người ngã xuống, máu nhuộn biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, máu nhuộm Gạc Ma… hay chúng muốn trở lại cái thời bom Mỹ khoan thẳng trên phố Khâm Thiên, lửa cháy Mỹ Lai, máu nhuộm Thành cổ… chúng muốn lê máy chém đi khắp đất nước….? Thiết nghĩ chúng chưa đủ tư cách để làm nên điều đó, mà chúng chỉ hòng mong một thế lực nào đó bảo lãnh đưa chúng ra nước ngoài, nơi mà đối với chúng là một thiên đường. Vì lợi ích bản thân chúng sẵn sàng đạp lên lịch sử của cả dân tộc mà trong đó có cả cha anh của chúng đã viết bằng máu. Vì điều đó chúng sẵn sàng dựng lên những điều lố bịch nhất mà con người có thể nghĩ ra như trở thành “kẻ tuyệt thực lâu nhất trên thế giới”, hay là “người thằn lằn mọc chi nhanh nhất thế giới”.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thẳng vào sự thật, tại sao chúng dễ dàng tạo nên được dư luận như vậy ? Trước hết đó là vì trên bức tranh vẫn còn những nhát cọ lạc lõng, phối màu không đúng. Thứ hai nữa là trong chính mỗi cá nhân mỗi người luôn tồn tại sự ích kỷ cá nhân. Ai cũng muốn hạ giá bức tranh đó để chiếm hữu, thậm chí không có ý sở hữu bức tranh nhưng muốn thể hiện mình là người biết thưởng tranh, bình tranh, biết chỉ ra các khuyết điểm của bức tranh, muốn thể hiện mình là người công minh, chính trực. Vô tình như vậy đã phá vỡ giá trị bức tranh mà chính mình là một trong 90 triệu họa sĩ góp phần vẽ nên bức tranh đó. Chúng ta là chủ nhân của bức tranh thì cần phải bổ sung những khuyết thiếu mà chúng ta phát hiện ra, chưa kể bức tranh đó còn do cha ông chúng ta để lại. Giá trị con người chúng ta thể hiện bằng chính hành động góp phần tôn cao giá trị của bức tranh chứ không phải dừng lại việc chỉ ra những khuyết thiếu để rồi cho những kẻ cơ hội lợi dụng phục vụ cho ý đồ cá nhân, những “con buôn” cơ hội luôn rình rập bàn tay nhớp nhúa từ trong bóng tối sẵn sàng vấy bẩn bức tranh của chúng ta.
Hiền Ngọc
No comments:
Post a Comment