Tuesday, May 5, 2015

VỀ VIỆC THÓA MẠ TÍNH ƯU VIỆT CỦA CNXH

Họ dùng đủ mọi lời lẽ hằn học, bôi nhọ, thóa mạ tính ưu việt và sức sống mãnh liệt của CNXH là việc làm không có gì mới mẻ đối với các thế lực phản động từ trước tới nay.



Một dạo, người ta nói xấu, xuyên tạc Liên Xô (trước đây) bằng cách hạ thấp vai trò chiến thắng phát-xít của Liên Xô, đề cao cá nhân một ...vị nguyên soái khác để tập trung hạ thấp uy tín của Đại nguyên soái Xta-lin. Họ tuyên truyền đến mức, vị thống soái vĩ đại nhất của Hồng quân và nhân dân Xô-viết trong cuộc chiến chống phát-xít và xây dựng CNXH ở Liên Xô bị coi như công ít tội nhiều, trở thành hình ảnh như một nhà độc tài tàn bạo.

Ngay như một nghĩa cử cao cả của Việt Nam, tiến công vào sào huyệt của Pôn Pốt, để hy sinh xương máu, để giúp đất nước bạn chặn đứng họa diệt chủng, khiến cả thế giới tiến bộ ghi nhận, thì họ lại tìm đủ mọi cách để lật lọng, phỉ báng sự thật và cô lập chúng ta. Khi thì họ rêu rao rằng, Việt Nam xâm lược Campuchia. Đến khi ai cũng rõ thực chất về cuộc diệt chủng ghê tởm của chế độ Pôn Pốt, thì họ lại lu loa rằng, chế độ diệt chủng của Pôn Pốt cũng là bộ mặt của "chế độ cộng sản?!".

Trên thực tế, các nước XHCN ra đời, trở thành hệ thống XHCN theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa sau chiến thắng phát-xít 1945, hầu hết là các nước có nền kinh tế lạc hậu và hết thảy bị tàn phá kiệt quệ bởi chiến tranh. Bởi vậy, giành chính quyền về tay nhân dân, đi lên từ bùn đất trộn lẫn máu xương, không có nước XHCN nào không phải trải qua những năm tháng đầy khó khăn gian khổ. Cơ sở vật chất của CNXH là từ bàn tay trắng, kinh nghiệm quản lý xã hội quá non trẻ, trình độ dân trí còn quá thấp kém. Vậy mà điều kỳ diệu đã xảy ra. 

Chỉ hơn 20 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước XHCN ở Đông Âu đã đứng vào hàng ngũ các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới lúc bấy giờ như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungaria, Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô, với thành tựu dẫn đầu thế giới, đưa con người vào vũ trụ, đã cùng Mỹ trở thành một trong hai cường quốc hàng đầu của thế giới. Đó là bước tiến kỳ vĩ chứng minh sức sống mãnh liệt của tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu phương Tây, mà điển hình là Mỹ, tự hào về tính ưu việt của chế độ tự do, coi nhân quyền cơ bản là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tuyển cử thì Liên Xô (trước đây) và các nước XHCN lại coi các vấn đề nhân quyền cơ bản nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe, cung cấp nhà ở, đất đai, chăm sóc giáo dục không mất tiền và ai cũng có công ăn việc làm. 

Tính ưu việt ấy của chế độ cộng sản hiển nhiên là vấn đề cốt lõi nhất, thiêng liêng nhất, đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu triệu người lao động. Đó là chiếc chìa khóa kỳ diệu, mở cửa vào ngõ ngách mọi tâm hồn, thúc đẩy mọi người lao động tự giác hy sinh, cống hiến cho chính lợi ích của cộng đồng, của chính mình.

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, sự phát triển của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã làm cho tính ưu việt của chế độ cộng sản vượt qua biên giới từng quốc gia, có sức hiệu triệu mãnh liệt đối với các dân tộc, ở khắp các châu lục, từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ La-tinh và châu Phi. Hàng loạt các quốc gia lúc đó như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angola, Mozembique, Etiopia, Venezuelaa, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar… đều có xu hướng tiến lên hoặc ngả theo con đường XHCN. Đó là thời điểm lịch sử có ảnh hưởng sáng chói nhất của hệ thống XHCN trên phạm vi toàn thế giới.

Tiếc thay, dấu ấn rạn nứt của hệ thống bắt đầu từ đầu những năm đầu 60 của thế kỷ trước với sự bất đồng sâu sắc giữa hai quốc gia trụ cột của hệ thống XHCN là Liên Xô và Trung Quốc. Sự bất đồng có lúc dẫn tới căng thẳng mấp mé bờ vực thù địch dân tộc của hai Đảng mạnh nhất trong phe, đã tạo kẽ hở để kẻ thù lợi dụng, chia rẽ, kích động, phá vỡ mối tình cảm quốc tế trong sáng và trên thực tế đã làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh của hệ thống. Như chính Bác Hồ, trong lời Di chúc đã phải nói: "Là một người suốt đời hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, tôi càng tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em". Sự bất đồng giữa hai đảng lớn nhất, không thể không kéo theo sự phân tán, chia rẽ khối các đảng anh em. Và cuối những năm 70, đầu những năm 80, trong khi các quốc gia tư sản "tỉnh đòn" sau cơn lốc chính trị của xu hướng ngả theo XHCN, thì chính là thời điểm hàng loạt các nước XHCN lâm vào trì trệ, khủng hoảng kinh tế.

Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước XHCN Xô-viết nhận ra những yếu kém của mình, cần phải cải cách, đổi mới thì bị Goóc-ba-chốp phản bội. Chỉ mấy năm lên cầm quyền, Goóc-ba-chốp đã giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, mở đầu sự sụp đổ tan tành của một cường quốc. Đọc những dòng này trong Hồi ký của một cựu Tổng thống Mỹ mới thấy tội lỗi mà Goóc-ba-chốp gây ra cho Liên Xô và phe XHCN: "Cánh cửa tiến tới hòa bình (đương nhiên là hòa bình kiểu Mỹ-TG) đã lắp một ổ khóa đúp. Cả Liên Xô và Mỹ đều có chìa khóa riêng. Chúng ta không thể đạt tới một nền hòa bình thật sự nếu không được ít nhất là một sự hợp tác ngầm của ông Goóc-ba-chốp".

Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, dẫn tới bước thoái trào của phong trào Cộng sản quốc tế, và với sự cải cách, đổi mới, ổn định và phát triển đầy năng động của Trung Quốc và Việt Nam, dư luận tự hỏi: Nếu Liên Xô không bị Goóc-ba-chốp phản bội, nếu cải tổ và cải cách đúng hướng để Đảng Cộng sản Liên Xô khắc phục những thiếu sót, để chế độ XHCN ở Liên Xô đổi mới toàn diện cách thức quản lý kinh tế-xã hội như Trung Quốc và Việt Nam đang làm, thì tình hình đã hoàn toàn đổi khác.

Với tốc độ phát triển kinh tế và xã hội đến kinh ngạc của Trung Quốc, đưa một nước XHCN đông dân nhất thế giới lên hàng ngũ siêu cường và trở thành một cường quốc vũ trụ thứ 3 trên thế giới, đã chứng minh lý tưởng của Chủ nghĩa xã hội thực sự đang được hồi sinh. Đặc biệt, với Việt Nam, một nước mà theo cựu Tổng thống Mỹ Ních-xơn "Không có nước nào trong số bạn bè của Liên Xô ở thế giới thứ ba có thể sống nổi nếu không có viện trợ kinh tế ồ ạt hoặc viện trợ quân sự của Mát-xcơ-va" lại đang đổi mới một cách đầy hữu hiệu. Từ một đất nước kiệt quệ sau chiến tranh, được phương Tây nhìn nhận như những kẻ sống dựa dẫm, như cây tầm gửi sống trên lưng người khác, nay trở thành một trong những quốc gia đổi mới, phát triển năng động.

Và vào thời điểm này, từ những kẻ hằn học, căm ghét chúng ta đến xương tủy mới không nhận ra, còn lại tất cả thế giới đều công nhận sự nghiệp đổi mới đất nước ở Việt Nam do Đảng cộng sản lãnh đạo đã đạt được những kỳ tích vang dội. Những thành công và những tồn tại, yếu kém mà chúng ta đang tuyên chiến, khắc phục, đang trở thành bài học quý giá cho nhiều quốc gia có chung hoàn cảnh.

Chúng ta phấn chấn bởi một niềm tin mãnh liệt, rằng lý tưởng mà dân tộc ta noi theo đang không ngừng tỏa sáng, con đường đi tới ấm no hạnh phúc mà nhân dân ta khai phá, đang nở hoa kết trái.

Hải Trang

No comments:

Post a Comment