Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay là một vấn đề vô cùng phức tạp giữa Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác. Trung Quốc với những âm mưu thâm độc và tiềm lực kinh tế quốc phòng hùng hậu của mình hiện nay đang cố gắng từng bước thực hiện âm mưu bá quyền của mình trên biển Đông. Một trong những phương cách mà Trung Quốc hiện nay áp dụng triệt để đó chính là “Vô trung sinh hữu”.
Chủ quyền quốc gia là sự thống nhất giữa vùng đất, vùng trời và vùng biển: Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đang mưu đồ tách 3 yếu tố này ra để từng bước khẳng định chủ quyền trên từng mặt tiến tới “hợp lí hóa” chủ quyền hoàn toàn trên biển Đông.
Để thực hiện mưu đồ của mình,Trung Quốc đã tiến dần từng bước và ngày càng lấn tới trong suốt những thời gian dài: đầu tiên thể hiện trong những chiếc bản đồ, tiến tới là vùng đất, vùng biển và vùng trời.
Cuộc chiến bản đồ
Bản đồ là sự mô phỏng hoàn toàn vùng đất, vùng trời, vùng biển của một quốc gia, một vùng đất hoặc thế giới trên thực tế theo một tỉ lệ nhất định. Với một quốc gia thì bản đồ có ý nghĩa là sự khẳng định trên lí thuyết chủ quyền quốc gia đó với thế giới trong một vùng đất, vùng trời và vùng biển nhất định.
Với Trung Quốc, khi âm mưu bá quyền, độc chiếm biển Đông trên thực tế trong thời gian đầu và cả ngày nay chưa thành hiện thực thì cuộc chiến bắt đầu từ những chiếc bản đồ. Để thực hiện âm mưu “Vô trung sinh hữu” của mình bước đi đầu tiên của Trung Quốc là cố gắng khẳng định chủ quyền trên những chiếc bản đồ.
Từ “Vô trung”: thực tế lịch sử cho thấy những tấm bản đồ còn lưu lại của Trung Quốc từ cổ xưa tới trước năm 1909 như: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904); Dư địa đồ (1561); Chi Đồ (1451)…vv không có tấm nào in quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay phần lớn biển Đông là của Trung Quốc; toàn bộ những tấm bản đồ đó đều khẳng định địa giới hành chính cuối cùng của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam.
Từ “vô trung” như vậy, tuy nhiên tham vọng còn đó, Trung Quốc với tham vọng độc chiếm biển Đông và những tiềm năng của nó đã cố gắng “sinh hữu” để hợp lí hóa đòi hỏi vô lí của mình trên biển Đông. Quá trình đó bắt đầu như sau:
Từ năm 1909: những tấm bản đồ của Trung Quốc được in thêm phần Hoàng Sa Trường Sa và một phần lớn biển Đông một cách trắng trợn chú thích đó là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Về “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”: Đường chín đoạn được hình thành dựa trên cơ sở "đường mười một đoạn" của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Đường mười một đoạn là đường quốc giới trên biển Đông do mười một đoạn liên tục tạo thành, xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ đồ "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên biển Đông theo "đường mười một đoạn" của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành "đường chín đoạn".
Từ 1953 cho đến nay, nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa vẫn kiên quyết duy trì “đường chín đoạn” và cho đó như là đường biên giới quốc gia trên biển của mình.
Cho tới ngày nay, tất cả các bản đồ Trung Quốc in ra đều có đường chín đoạn và Hoàng Sa - Trường Sa, và được phía Trung Quốc công bố trắng trợn và thuộc chủ quyền Trung Quốc. Tuy thực tế Trung Quốc không hề có chủ quyền hoàn toàn trong đường chín đoạn trên biển Đông. Trung Quốc đang cố tình lừa dối cộng đồng quốc tế, về lâu về dài âm mưu này có thể gây nguy hại to lớn, kế “Vô trung sinh hữu” sẽ được thực hiện bước đầu.
Xâm chiếm từng bước các đảo (phần đất) trên thực tế.
Sau khi, bước đầu tuyên bố chủ quyền lý thuyết “đường chín đoạn” cùng những chiếc bản đồ, Trung Quốc vẫn không có chủ quyền trên thực tế “đường chín đoạn” biển Đông. Bước đi tiếp theo của Trung Quốc là xâm chiếm các đảo trên biển Đông để từng bước “cưỡng bức” bằng vũ lực các nước có tranh chấp để khẳng định chủ quyền phi lí của mình trên thực tế ở biển Đông. Do đó, Trung Quốc từng bước trắng trợn xâm chiếm các đảo trên biển Đông nhằm biến các lí luận của mình thành thực tế với chiêu bài “thu hồi lãnh thổ”.
Năm 1956, lợi dụng khi quân đội Pháp rút quân khỏi Việt Nam trong đó có Hoàng Sa và phía Việt Nam chưa kịp ra tiếp quản Trung Quốc lén lút đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm và Linh Côn của quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1974, Lợi dụng sự suy yếu của chính quyền Việt Nam cộng hòa trước những sự tấn công vũ bão của quân giải phóng miền Nam Việt Nam: phía Trung Quốc đã vùng vũ lực chiếm tiếp phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Đến đây, Trung Quốc đã thôn tính hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời có những toan tính từng bước xâm phạm Trường Sa.
Năm 1988: Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng nhiều đảo của quần đảo Trường Sa và xây dựng các cơ sở đồn trú quân tại đó.
Năm 1995: năm 1995 phía Trung Quốc chiếm giữ đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 2012 đến nay: Trung Quốc châm ngòi và chiếm giữ trái phép tiến tới chuẩn bị xây dựng cơ sở đồn trú tại bãi cạn Scarborough.
Như vậy, bằng chiến lược “tằm ăn dâu” Trung Quốc dần “gặm nhấm” các đảo, đá trên biển Đông nằm trong “Đường lưỡi bò” phi lí của mình; mưu lược “vô trung sinh hữu” của Trung Quốc từ lí thuyết đã có cơ sở trên thực tế.
Biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp
Như chúng ta đã thấy ở trên, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã liếm gần 70 % diện tích trên biển Đông và chồng lần chủ quyền trên biển với nhiều quốc gia ven biển Đông khác như: Việt Nam, Philippin…Hơn thế nữa, những vùng này từ lâu đã thuộc chủ quyền không thể bàn cãi của các quốc gia ven biển đó và không hề có một tranh chấp nào xảy ra. Để biến đường lưỡi bò thành hiện thực, Trung Quốc chỉ có 1 cách duy nhất là biến những vùng biển không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, đưa tàu chiến và các lực lượng công vụ khác tới vùng biển đó, khiêu khích, gây hấn rồi lại la làng đây là chủ quyền của mình và mình đến để bảo vệ chủ quyền đó với quốc tế nhằm gây hiểu lầm với quốc tế về bản chất của sự việc và bản chất của vùng biển. Nếu các quốc gia có vùng chồng lấn không có những phản ứng đích đáng thì Trung Quốc có thể mặc sức tung hoành và coi vùng biển chồng lấn đó là của mình và yêu cầu các quốc gia khác công nhận điều đó.
Để thực hiện mưu đồ này phía Trung Quốc liên tục cử các tàu công vụ của mình xâm nhập trái phép vào các vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn của các quốc gia ven biển khác và chưa từng có tranh chấp, trong đó có Việt Nam:
- Ngày 26/05/11 : Các tàu Hải Giám Trung Quốc phá hoại, đe dọa và cắt cáp tàu Bình Minh 02 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cách mũi Đại Lãnh( Phú Yên) 120 Hải lý. Và hoàn toàn nằm trong vùng biển không có tranh chấp.
- Ngày 23/06/12: Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế đối với 9 khu vực trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Điểm gần nhất cách đảo Phú Quý ( Bình Thuận ) chỉ khoảng 30 Hải Lý. Với diện tích xâm phạm khoảng 160 000 Km2 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. .vv
Những hành động liều lĩnh đó đều nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý và mở rộng vùng tranh chấp. Để từ đó âm mưu thực hiện ý đồ, gác tranh chấp, cùng khai thác ngay trên chính vùng biển Việt Nam mặc dù Trung Quốc không hề có chút chủ quyền nào, đúng là: “vừa ăn cướp, vừa là làng”.
Bước đi mới nhất: thành lập vùng nhận dạng phòng không
Sau khi từng bước xâm lấn các vùng đất, vùng biển trên biển Đông, sắp tới Trung Quốc dự định thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông để khẳng định một cách phi lý hoàn toàn chủ quyền “đường lưỡi bò” trên cả vùng đất, vùng trời, vùng biển.
Vùng nhận dạng phòng không (viết tắt tiếng Anh: ADIZ) là vùng bầu trời nằm ngoài không phận đương nhiên của một quốc gia, được một quốc gia đơn phương vạch ra và yêu cầu nhận dạng, vị trí, và kiểm soát các máy bay dân sự bay qua vùng đất hoặc vùng nước vì lợi ích an ninh quốc gia. Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải gửi kế hoạch bay trước; phải thiết lập liên lạc hai chiều trả lời trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; máy bay phải được nhận dạng, thông báo vị trí, thiết lập liên lạc hai chiều, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, khi bay qua các điểm báo cáo bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp chế tài khác.
Về vấn đề thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông:
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 23/11/1013, một tướng lĩnh quân đội Trung Quốc là Doãn Trác đã khẳng định: Trung Quốc sẽ lập AIDZ trên biển Đông.
Doãn Trác khẳng định Trung Quốc "chắc chắn" sẽ lập các vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, biển Hoàng Hải và các vùng biển có liên quan đến Trung Quốc.
Doãn nói rằng mục đích của Trung Quốc khi lập vùng phòng không là tuần tra, theo dõi, kiểm soát và sử dụng các biện pháp để thực thi pháp luật. Tuy nhiên, nếu các máy bay đối phương không phối hợp hoặc từ chối kiểm soát radar, "một khi đã đi vào vùng trời của Trung Quốc thì sẽ bị bắn hạ".
Việc Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ cho thấy đây có thể là một biện pháp để khẳng định chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông. Vì một khi, Trung Quốc đơn phương thành lập AIDZ trên biển Đông và bắt buộc các nước khác phải tuân theo thì:
Thứ nhất, các máy bay đi qua vùng nhận dạng phòng không này đều phải xin phép, thông báo nhà chức trách Trung Quốc thì mặc định các nước này phải công nhận vùng trời này là vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc dù thực tế không như vậy. Từ công nhận chủ quyền một bộ phận sẽ tiến tới công nhận chủ quyền hoàn toàn.
Thứ hai, vùng nhận dạng phòng không sẽ tạo cơ sớ pháp lý cho máy bay Trung Quốc có thể chặn đánh máy bay của các quốc gia khác bay vòng vùng này một cách “hợp pháp”. Tức là nếu vùng này có chồng lấn và tranh chấp chủ quyền thì lập tức máy bay Trung Quốc có thể bắn hạ tấn cả máy bay các nước khác bay tuần tra vùng lãnh thổ tranh chấp (Trong đó có Việt Nam). Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, không quân Trung Quốc đang có ưu thế cực lớn so với không quân các nước Đông Nam Á; ADIZ sẽ cụ thể hóa ưu thế này trên thực tế.
Thứ ba, AIDZ cho phép Trung Quốc tuần tra hợp pháp không chỉ vùng trời mà cả vùng biển và các đảo bên dưới, hỗ trợ các hoạt động dân sự và quân sự trái phép của chính Trung Quốc trên vùng biển này.
Nếu như Trung Quốc thiết lập thành công vùng AIDZ mới trên biển Đông thì việc biến “Đường lưỡi bò” thành hiện thực sẽ bước dần tới giai đoạn hoàn thành vì một khi Trung Quốc đã chiếm hữu được trên thực tế (bất cứ biện pháp nào) cả vùng đất, vùng biển và vùng trời và được cộng đồng quốc tế công nhận thì mặc nhiên “đường lưỡi bò” sẽ thuộc chủ quyền (chủ quyền toàn phần) Trung Quốc. Đến đây, có thể nói mưu lược “ Vô trung sinh hữu” của Trung Quốc sẽ hoàn thành.
Mít Mập
No comments:
Post a Comment