Tuesday, August 4, 2015

CẦN NHÌN NHẬN VỀ GIỚI HẠN CỦA TỰ DO BÁO CHÍ

Cách đây không lâu, Pháp và các nước phương Tây rung chuyển về việc các tay súng tự xưng là thành viên Al-Queada đã xông vào xả súng ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris (Pháp) khiến 12 người thiệt mạng và 10 người bị thương (ngày 7/1/2015). Sau đó nước Pháp để quốc tang, các quốc gia trong Liên minh châu Âu treo cờ rủ tưởng niệm. Hàng nghìn người Pháp, châu Âu xuống đường biểu thị sự đoàn kết, mọi người mang theo biểu ngữ “Tôi là Charlie”. Trước đó, năm 2011, tạp chí này cũng từng bị tấn công khi đăng bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Rõ ràng, hành động khủng bố cần được lên án và đấu tranh mạnh mẽ vì nó đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh trên thế giới. Tuy nhiên, khi vụ việc thảm khốc này xảy ra, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về giới hạn của “tự do ngôn luận”. Trong khi người dân ở các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp xuống đường biểu thị đoàn kết và ủng hộ tạp chí Charlie Hebdo thì các nước có đông người Hồi giáo như Philippin, Indonexia, Thổ Nhĩ Kỳ... lại nổi sóng mạnh mẽ phản đối tạp chí này. Họ đưa ra thông điệp rằng “Tự do ngôn luận không phải là việc xúc phạm đến chúa trời và nhà tiên tri vĩ đại của Alah. Thậm chí, Mỹ và phương Tây cũng bị chia rẽ chung quanh quan điểm về giới hạn của “tự do ngôn luận”.


Tờ New York Times đã đưa ra quan điểm của mình trong bài viết “Tôi không phải là Charlie Hebdo” (I Am Not Charlie Hebdo) với lập luận “Tự do ngôn luận nhưng cần tôn trọng niềm tin của người khác”. Tạp chí Financial Times (Anh) cũng đăng bài cho rằng “Charlie Hebdo từ lâu đã có thiên hướng chế giễu, gây hấn và khiêu khích người Hồi giáo qua những bức biếm họa của mình, Charlie Hebdo không xứng đáng với những lời tung hô bảo vệ quyền tự do ngôn luận dành cho họ”. Mỗi dân tộc, tôn giáo trên thế giới đều có quan niệm riêng về giá trị, điều đó cần được tôn trọng. Sự kiện này còn cho thấy, biểu đạt những gì chúng ta nghĩ hay mong muốn tuy là quyền cơ bản nhưng nó chỉ có thể mang lại tốt đẹp cho bản thân và xã hội khi diễn ra trong mối quan hệ hài hòa với các quyền khác, song song với tôn trọng nhân phẩm, đức tin và giá trị của các cá nhân và cộng đồng khác.

Ở Việt Nam, nhiều đối tượng, nhóm người tự nhận là “đấu tranh cho tự do, dân chủ” đã lợi dụng vấn đề " tự do ngôn luận ", " tự do báo chí " để tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhằm thực hiện những mưu đồ, lợi ích cá nhân hoặc tiếp tay cho các thế lực thù địch thực hiện các hoạt động chống phá Việt Nam, nổi lên là các trang mạng Danlambao, Boxit... Mặc dù vẫn luôn rao giảng về “tự do, dân chủ” nhưng chúng lại thường xuyên đăng bài bóp méo, xuyên tạc sự thật, làm tổn hại đến các lợi ích của quốc gia, dân tộc, đi ngược lại với quần chúng nhân dân yêu nước. Chúng cũng thường mượn các sự kiến trên quốc tế và trong nước được dư luận quan tâm để “té nước theo mưa”. Như thời điểm diển ra vụ Charlie Hebdo, ở Việt Nam, một nhóm người tự nhận là “đấu tranh cho tự do, dân chủ” cũng xuống đường giương biển "Tôi là Charlie" cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh và cố kèm theo khẩu hiệu "ăn theo" như "Tôi là Ba Sàm", "Tôi là Bọ Lập",... Hành động kệch cỡm này bị cộng đồng mạng vạch trần, vì đó là thủ đoạn không khác mấy so với việc họ từng ra đường thể hiện "lòng yêu nước" nhưng lại giơ khẩu hiệu ca ngợi, đòi trả tự do mấy kẻ phạm tội trốn thuế, gây rối trật tự công cộng đã bị cơ quan pháp luật xử lý như Lê Quốc Quân, Bùi Thị Minh Hằng,...

Gần đây nhất, nhân việc điếu cày Nguyễn Văn Hải được gặp mặt Obama trong ngày Tự do báo chí quốc tế (3/5), chúng lại “tung hô”, “ca tụng” nhau nhiều hơn. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, trong chiến tranh Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ cũng đã dùng luận điệu về “thế giới tự do” và biến báo chí trở thành công cụ để tuyên truyền và bưng bít về cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, vô nhân tính gây ra bao đau thương, mất mát cho nhân dân Việt Nam. Đã 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (1995) nhưng Mỹ vẫn luôn lấy vấn đề “tự do nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để can thiệp vào tình hình nội bộ Việt Nam. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế lại có đánh giá hết sức khách quan về tình hình tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam này mà biểu hiện rõ nhất là việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016). Phải chăng, “tự do ngôn luận” " tự do báo chí" chỉ là cái cớ cho âm mưu làm tổn hại đến lợi ích quốc gia Việt Nam?

Sen Hồng

No comments:

Post a Comment