"Có những cái chết làm nên sự sống… Chết đi mà gieo mầm cho sự sống mới dũng cảm và trung thực"
Tháng 8, tháng của cách mạng mùa thu, của 70 năm truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tháng 7, tháng tri ân mọi người đã nhắc nhiều đến máu xương của các chiến sỹ quân đội, TNXP,.. nhưng còn ít lắm những dòng về sự hy sinh của các chiến sỹ công an đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể để giành độc lập tự do cho dân tộc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo vệ Đảng, chính quyền.
Trong danh sách các anh hùng liệt sỹ, có tên hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ công an các thời kỳ. Ngay trong thời bình hôm nay, hàng ngày vẫn có những người đổ máu và ngã xuống vì sự điên cuồng của các loại tội phạm, thậm chí từ sự manh động của những người dân thiếu hiểu biết khi vi phạm pháp luật hoặc vì những tai nạn nghề nghiệp khi gác cho dân ngủ yên..
Hãy cùng nhớ lại một con người đã ngã xuống như thế, liệt sỹ CAND Nguyễn Thành Dũng.
Nguyễn Thành Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó ở xóm đình Tân Liễu, huyện Bình Chánh. Ba Dũng đi biền biệt từ khi Út Dũng còn nhỏ xíu, một tay mẹ của Dũng tảo tần nuôi chị em Dũng lớn khôn. Dũng lớn lên trong tình thương của mẹ, điều ấy thôi thúc Dũng gắng học để sớm đỡ đần cho mẹ.
Năm 1988, Dũng thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm nhưng cái nghèo đã ngăn bước Dũng trở thành thầy giáo như ước mơ thuở nhỏ. Tháng 9/1989, Nguyễn Thành Dũng thoát ly gia đình vào lực lượng Công an với chế độ nghĩa vụ quân sự. Dũng bảo, mình tự nguyện vào lực lượng Công an chỉ đơn giản vì hồi đó còn nhiều tội phạm quá…
Tháng 11/1992, Dũng thi đậu và học tại Trường Trung học Cảnh sát nhân dân tại Thủ Đức. Dũng chọn học chuyên ngành Cảnh sát hình sự để đấu tranh chống cướp, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, mại dâm, ma túy, lưu manh, côn đồ theo như tâm nguyện vào lực lượng Công an của mình.
Dũng biết, chuyên ngành mình theo là nguy hiểm! Trong hồi ký của mình, Dũng đã ghi lại rằng: "Tôi đã học được những cái hay, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân và mong mỏi sẽ phấn đấu để phục vụ suốt đời cho ngành, cho nhân dân".
Tháng 8/1994, đồng chí Nguyễn Thành Dũng nhận quyết định về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11. Trung úy Nguyễn Thành Dũng bắt đầu cuộc chiến đấu cam go khốc liệt với đủ loại tội phạm. Các đồng chí chỉ huy Công an quận khi ấy nhận xét về Dũng rằng: "Một chiến sĩ hình sự có vóc người nhỏ con nhưng sự dũng cảm thì ngược lại…".
Nhưng rồi, Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Dũng bị nhiễm HIV. Anh không biết bị lây nhiễm HIV trong vụ án nào, chỉ ân hận một điều rằng: "Mình không biết sớm để tránh lây nhiễm cho vợ".
Tháng 10/1998, khu vực bãi đất trống - bây giờ là Trường học Chu Văn An, quận 11, là một ổ buôn bán ma túy. Sau thời gian điều tra, Công an quận 11 quyết định tung một mẻ lưới. Khi các CSHS ập vào, bọn tội phạm cũng chống trả quyết liệt hòng tẩu thoát, Dũng được phân công "chăm sóc" một tên cao to và bặm trợn với những hình xăm vằn vện trên tay.
Dũng đã bị hắn đâm nhiều nhát dao vào người, máu anh và máu tên tội phạm cùng đổ rồi hai người vật lộn trên một đống xà bần, cuối cùng tên tội phạm cũng phải chịu thúc thủ tra tay vào còng trước sự dũng cảm của anh.
Tháng 4/2001, sau một đợt truy quét tội phạm tại Công viên Lãnh Binh Thăng, Dũng thấy nhiều kim tiêm còn dính đầy máu tươi của những con nghiện vương vãi nhiều nơi ở công viên, sợ người ta giẫm phải, khu vực này lại nhiều trẻ con thường xuyên chạy nhảy nô đùa, Dũng lặng lẽ nhặt từng chiếc đem bỏ vào bịch, sơ ý một ống kim rơi xuống làm chân anh chảy máu...
Tháng 2/2002, Dũng bị sốt cao kéo dài vào mỗi lúc hoàng hôn, nghĩ bị sốt rét, anh vào nằm Viện 30/4 và xét nghiệm máu. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, vợ anh bật khóc nức nở, còn anh thì chết lặng…
Sau 5 năm gắng gượng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ, ngày 13-6-2006 trung uý Nguyễn Thành Dũng đã trút hơi thở cuối cùng. Xót xa hơn khi vợ anh do bị lây nhiễm từ chồng đã ra đi từ tháng 12-2005, mộ chưa kịp xanh cỏ. Anh chị đã ra đi để lại người con trai là cháu Nguyễn Duy Minh. Những tháng ngày cuối cuộc đời, trên giường bệnh anh đã viết những trang hồi ký dành cho con với một tâm nguyện, để mai sau con đọc sẽ hiểu hơn về ba mẹ nó…
Những dòng "Hồi ức cho con" còn dang dở của Nguyễn Thành Dũng:
"Tại xóm Đình, Tân Liễu này, nơi ba đã sinh ra và lớn lên trong xóm nghèo lao động. Quanh năm chỉ là bưng biền và nước nổi, bà nội thì tảo tần sớm hôm còn ông nội thì đi biền biệt miền xa. Ba đã lớn dần lên theo tình yêu thương, đùm bọc của bà nội, các cô, các bác của con… Nhưng sự nghèo khó ấy chính là động lực thúc đẩy ba cố gắng học thật giỏi trong những năm học phổ thông. Điều ấy các bác, các cô của con rất hài lòng về con đường học vấn của ba. Năm 1989, rời bỏ mái trường cấp 3 Bình Chánh với bằng tốt nghiệp, ba tiếp tục thi vào trường Cao đẳng Sư phạm với số điểm 18. Nhưng do cuộc sống còn nghèo khó không thể vượt qua nên ba không thể học tiếp được. Ba đã quyết định đăng lính để quên đi nỗi buồn, ba cũng muốn đỡ đi chuyện ăn, chuyện mặc cho gia đình và hơn tất cả, ba muốn đóng góp phần nào cuộc đời mình cho đất nước…
Thế rồi, tháng 9-1989, ba thoát ly gia đình vào ngành công an với chế độ nghĩa vụ quân sự. Ba đã học được những cái hay, học được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân và nghĩ rằng mình sẽ phấn đấu, phục vụ suốt đời. Ba ra đi đã yên bản thân mình nhưng lúc nào cũng canh cánh trong lòng với nỗi lo về bà nội bị bệnh ở quê nhà một mình. Nhưng khổ nỗi từ khi ba ra đi, bà nội ngày càng bệnh hơn, căn bệnh về tâm thần của nội không bao giờ hết.
Tháng 4-1990, sau 6 tháng quân trường, ba về công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ, chốt gác của ba ở Văn phòng Thành ủy số 127 Trương Định, quận 3. Cuộc sống của người lính lúc này cũng còn khó khăn nhưng rất vui là được anh em, đồng đội sống chan hòa, chia bùi sẻ ngọt, đặc biệt là ba được Ban chỉ huy đội tin yêu. Vì thấu hiểu được hoàn cảnh của ba nên tháng 7-1991, Ban chỉ huy đội điều động ba về công tác tại Nhà máy xay lúa Satakê (xã Tân Trù, huyện Bình Chánh). Về đó được gần nhà, ba có điều kiện về thăm nội nhiều hơn, bà nội con mừng hơn khi biết ba về công tác gần nhà. Chính vì mừng vui như vậy nên bệnh của bà cũng giảm đi nhiều.
Cuộc sống trầm lặng của người lính cảnh sát bảo vệ cứ âm thầm trôi qua, từng ngày, từng giờ, từng tháng và ai cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ tươi đẹp hơn…
Thời gian ở Nhà máy xay lúa Satakê cứ lặng lẽ trôi theo từng ca gác... Cho đến tháng 7-1992 thì ba có giấy báo thi vào Đại học Cảnh sát. Ba đã cố gắng thi tốt nhưng sau 3 năm ra trường, kiến thức mai một nên ba đã không đủ điểm đỗ vào đại học. Tháng 11-1992, giã từ Nhà máy xay lúa Satakê, ba lên đường đi học Trung học Cảnh sát nhân dân tại xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức… Ba chọn học lớp chuyên ngành Cảnh sát hình sự. Cảnh sát hình sự là một người lính trinh sát được xã hội hóa để điều hành chống cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, mại dâm, ma túy… và các bọn lưu manh, côn đồ, xã hội đen…, nói chung là một nghề rất nguy hiểm.
Hai năm trung học, các thầy đã dạy ba các môn chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, võ thuật quân sự và kinh nghiệm của một người trinh sát hình sự. Ba học đạt tất cả các môn và chờ ngày ra trường về địa phương thực tập. Hai năm đối với người nhàn rỗi thì lâu nhưng đối với người sinh viên miệt mài học tập thì nhanh con ạ. Rồi cũng đến ngày 20-3-1994 ba lên đường về đội CSHS Công an quận 11 thực tập thời gian 4 tháng…
Ba gặp mẹ và có con
Thời gian thực tập tại quận 11 cũng là thời gian ba về thăm nội nhiều nhất. Ba thường phụ công việc nhà và gánh nước cho nội. Những lúc đi làm, ba thường gặp cô Tám hàng xóm. Cô Tám thường hay trêu chọc ba và không hiểu sao ba thích được như vậy. Những lần về nhà, ba và cô Tám đều nói chuyện rất vui vẻ, rồi thời gian trôi qua, 1 tháng, 2 tháng, ba thấy mình lúc nào cũng nhớ đến cô Tám và cũng vì thế mà ba hay về nhà hơn…
Ngày 17-8-1994, ba có quyết định về hẳn công tác tại quận 11 và thời gian về nhà, ba vẫn thường tìm gặp cô Tám để nói chuyện và tâm sự. Không hiểu sao ông nội con biết chuyện liền đánh tiếng với ông ngoại con, biết vậy ba mắc cỡ lắm, rồi ở lỳ cơ quan cả tháng trời ngại về nhà, ba chưa dám nghĩ đến chuyện cưới vợ. Rồi một chiều mưa tháng 9-1994, ba tình cờ gặp cô Tám khi cả 2 cùng chung chuyến xe buýt. Cô Tám hỏi ba: “ý bác trai như vậy còn anh thì sao mà trốn em hoài vậy?”. Ba bảo rằng ba rất yêu cô Tám nhưng đời lính cực khổ làm sao em chịu được. Cô Tám cười nói lại ba: “Miễn mình yêu nhau là được, cực khổ mấy em cũng chịu, bao lâu em cũng chờ!”. Cô Tám đó chính là Tám Luận, mẹ của con đó, Minh…
Rồi qua Tết Ất Hợi 1995, ba và mẹ sắm đồ cưới. Ngày 26-1-1995, đám cưới của ba và mẹ được tiến hành. Một đám cưới giản dị nhưng tràn đầy hạnh phúc. Rồi 17 ngày nghỉ phép cũng qua, ba trở lại đơn vị công tác còn mẹ con về ở với nội, chờ ba thi thoảng về nhà. Đầu tháng 4-1995, mẹ báo tin vui cho ba biết là mẹ đã có thai, ba mừng quá ôm mẹ nâng cao và hôn nhẹ vào bụng mẹ: “Cám ơn em, anh ước gì nó là con trai”.
Mẹ cười: “Em thì trai gái gì cũng được”. Lúc này, lương chiến sỹ cũng nghèo lắm, nhưng ba cố dành dụm để lo cho con. Rồi 9 tháng cũng qua, ngày 24-1-1996, ba mừng đến rơi nước mắt khi nghe tiếng khóc chào đời của con… Cuộc sống của gia đình ta thật hạnh phúc...
Con là hoàng tử của lòng ba
Con ngày càng lớn, càng lanh lẹ. Con tập nói rất nhiều khiến ba mẹ rất hạnh phúc. Lần nào ba đi làm, con cũng dặn ba mua cho con xúc xích. Ba cười và luôn cố gắng mua nhiều xúc xích cho con để con ăn mau chóng lớn.
Cuối năm 1999 thì con được 3 tuổi nhưng con nghịch lắm, gia đình ta cũng có thêm nhiều đồ đạc mới. Có lần ba đã đánh con và con bảo ba đánh con lần thứ nhất…
Con là hoàng tử của ba, con đi học về là lại hát cho ba nghe… Ba cầu mong sao cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sanh cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà...
Ba mẹ gặp nạn
Con lớn lên trong nỗi vất vả của cả ba và mẹ. Cuộc sống cũng dần ổn định, ngoài sự nguy hiểm của công việc, ba cũng được các cơ sở quần chúng giúp đỡ, đùm bọc, chia sẻ. Đã có đêm ba về thăm con mà trên mình đầy vết thương với bông băng trắng…
Công việc của ba ngày càng nguy hiểm hơn vì bọn tội phạm tinh vi và xảo quyệt. Vào tháng 10/1998, trong một lần kết hợp với Công an phường 8, quận 11 mai phục triệt phá một ổ buôn bán ma túy, ba bị tai nạn. Một tên tội phạm ma túy đã vật lộn và đâm ba, có lẽ nó đã bị bệnh HIV… Tháng 11/2000, trong khi trinh sát tại Công viên Lãnh Binh Thăng, ba bị một đối tượng dùng kim tiêm đâm lén từ phía sau rồi bỏ chạy, trời tối và đang làm nhiệm vụ, ba không đuổi theo. Về đơn vị, bác đội phó kêu ba đi chích ngừa, nhưng ba đã không đi...
Tháng 4/2001, đơn vị ba kết hợp với Công an phường 8, quận 11 chấn chỉnh an ninh trật tự tại công viên Lãnh Binh Thăng. Trong lúc truy quét các đối tượng, ba vấp phải cục đá và một mũi kim tiêm vô tình rơi xuống đâm vào chân ba...
Đến tháng 10 năm đó, ba vừa dành dụm vừa vay thêm mọi người một ít tiền để mua cho má con một chiếc máy giặt. Nhìn thấy má con mỗi lần giặt cả đống đồ quần áo, ba thấy má con vất vả quá...
Đến giữa tháng 12-2001 thì không hiểu sao ba hay bị sốt về chiều, uống thuốc bao nhiêu cũng không hết... Nhưng ba vẫn cố sức đi làm, tham gia nhiều chuyên án lớn. Ba đâu biết rằng sự cố gắng quá sức làm ba ngày càng suy kiệt...
...Sáng thứ hai (tức 13-1 năm Nhâm Ngọ), cô y tá gọi ba lên phòng gặp bác sĩ gấp. Bác sĩ bảo ba đã bị nhiễm HIV. Ôi trời đất dường như sụp đổ dưới chân ba. Tay chân ba rụng rời nghe như sét đánh bên tai... Đến 14g ngày hôm đó, mẹ con về nhà nội vào buồng một mình nằm khóc vật vã đau đớn. Ba nhìn thấy mẹ đau thắt ruột gan khuyên mẹ nên bình tĩnh và hi vọng để còn sống nuôi con.
Sáng hôm sau mẹ con dậy sớm lắm chở con đi xét nghiệm máu tại Trung tâm Truyền máu và huyết học Q.5. Ba thì nằm ở nhà rã rời chờ hi vọng kết quả xét nghiệm máu của mẹ và con...
Chiều hôm đó, các bác chỉ huy ở cơ quan đến an ủi và làm chứng cho ba. Các bác bảo với mẹ con rằng ba bị lây nhiễm qua việc bơm kim tiêm của các đối tượng nghiện ma túy chứ ba không làm điều gì xấu xa cả. Đúng như vậy, ba là Đảng viên Đảng Cộng sản, ba hy sinh vì an ninh Tổ quốc và ba không có làm điều gì hổ thẹn với mẹ con, với đồng đội. Nhưng ba đã vô tình lây sang cho mẹ con...
...Nhưng một mình ba chết đi đã đành, đằng này vô tình làm khổ mẹ con. Hai ngày sau, ban chỉ huy Công an quận 11 gọi ba và mẹ lên đi xét nghiệm lại lần nữa tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ba thật đau lòng khi biết mẹ cũng bị nhiễm HIV...
...Hai ngày sau thì kết quả xét nghiệm của con đã có. Ba và mẹ rất vui như nhẹ hẫng lên chín tầng mây khi thấy kết quả của con âm tính.
...Nhưng nỗi đau của mẹ con quá lớn. Có lúc mẹ lén lấy thuốc ngủ của nội con ra uống định chết cho xong nhưng không hiểu sao chính lúc ấy con thức giấc và khóc làm mẹ chợt tỉnh ngộ bỏ qua ý định ấy. Còn ba thì luôn bỏ ăn, bỏ uống cho đến lúc suy kiệt rồi bất tỉnh. Ngày 4-3-2002, khi tỉnh dậy thì thấy ba đang nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lại có mẹ bên cạnh nuôi ba... Mẹ an ủi ba đừng bi quan “rồi anh sẽ khỏe về với em, hai đứa mình nương tựa nhau mà sống để nuôi cọn...
Đảng không bỏ ba, đồng đội không quên ba..
... Ngày 4/3/2002, khi ba tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong Bệnh viện Nhiệt đới. Ba hỏi mẹ tại sao ba ở đây, mẹ con bảo ba sốt cao nên được các đồng đội đưa đến đây. Ba sốt và không ăn được gì nhiều, bác sĩ Lê Mạnh Hùng điều trị cho ba. Ba đã căn dặn mẹ con nhiều điều, rằng nếu ba có mệnh hệ nào thì mẹ con gắng nuôi con. Mẹ con an ủi ba, vỗ về ba, bảo ba mau khỏi bệnh để về bên mẹ. Giai đoạn đó, ba mẹ đã nương tựa vào nhau và lấy niềm tin từ con để sống..
Bác sĩ Hùng, sau một tuần chăm sóc cho ba, đã kết luận ba bị lao phổi, lao lực. Lúc này, đơn vị Công an quận 11, Đội Cảnh sát hình sự và Báo Công an TP.Hồ Chí Minh xuống thăm ba, tặng ba mẹ tiền để chữa bệnh. Cô Tám, cô Chín cũng thường xuyên vào thăm ba mẹ, các cô mua đồ ăn, trái cây và động viên ba. Cứ thế, suốt 1 tháng trời, mẹ quấn quýt bên ba, còn con được gửi bên ngoại để còn đi học.
Ngày 1/4/2002, ba được xuất viện về nhà, bác sĩ Hùng hẹn ba tuần sau đến khám lại...
...Ngày 3/4/2005, phái đoàn của UBND quận 11 do bà Võ Thị Mỹ dẫn đầu xuống thăm ba và còn hứa giúp đỡ cho 1 căn nhà ở quận 11 để ba có điều kiện tiện đi chữa bệnh. Lòng ba được an ủi, Đảng không bỏ ba, Nhà nước không bỏ ba, đồng đội không quên ba…
Ba chỉ tội cho mẹ của con…
Hồi ký của đồng chí Nguyễn Thành Dũng kết thúc ở đây, những ngày cuối tháng 4, Dũng yếu lắm rồi, dù muốn viết thêm nhiều nữa nhưng cầm bút không nổi. Người thân của Dũng kể lại rằng: Những ngày sắp mất, nằm trong bệnh viện, Dũng muốn gặp bé Minh lắm nhưng Dũng sợ, ngày nào Dũng cũng gọi điện về nhà ngoại, chỉ để hỏi bé Bi ăn cơm chưa? Thèm nghe lắm một tiếng "Ba ơi"! Nhưng gần 6 tháng ròng rã, Dũng nén lòng và không một lần cho bé Minh lên bệnh viện thăm mình...
Đồng đội không quên anh, xã hội không quên anh, con trai đã không phụ lòng anh... Được sự quan tâm giúp đỡ và động viên của mọi người, cháu Nguyễn Duy Minh con trai của anh chị đã thi đỗ 2 trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện cháu đang là sinh viên ĐHBK năm thứ hai.. Và như vậy, Anh đã được yên nghỉ..
Mọi người có thể tìm đọc nội dung này trong cuốn "Chết cho sự sống", NXB Công an nhân dân.
Riêng tôi, xin được mượn những dòng hồi ức dang dở của Liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng cho chương trình tuyên truyền trong Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống CAND tới đây.
Hùng Mạnh
Hùng Mạnh
No comments:
Post a Comment