Nhất trí 100 %
Một hôm, sau ngày làm việc cực nhọc ngoài đồng, Trâu ta vừa nằm nhai cỏ, vừa ngẫm nghĩ sự đời. Trâu thấy mình làm lụng chăm chỉ quanh năm suốt tháng, lại không hề kêu ca, đòi hỏi lấy nửa lời, rất xứng đáng với danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Nghe nói Đảng đang cần kết nạp những người “Lao động tiên tiến” để tăng cường đội ngũ công nông, Trâu ta bèn quyết định nộp đơn xin vào Đảng.
Đơn của Trâu liền được đưa ra Chi bộ xem xét. Chi bộ nhận thấy đồng chí Trâu tuy làm việc rất đáng được trao danh hiệu “Lao động tiên tiến”, nhưng lại kém thông minh, nên đơn bị bác.
Ngựa thấy Trâu làm đơn xin vào Đảng, liền bắt chước. Trong đơn, Ngựa viết: “So với đồng chí Trâu, tôi chẳng những lao động không thua kém, mà lại thông minh hơn nhiều. Ngoài ra, tôi còn có thể làm vật cưỡi cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao dạo chơi...”
Chi bộ cũng xem xét ngay đơn xin vào Đảng của Ngựa. Mấy ưu điểm mà đồng chí Ngựa nêu trong đơn đều được Chi bộ ghi nhận. Nhưng cuối cùng, đơn của Ngựa cũng bị bác với lý do chắc nịch: đồng chí Ngựa có cú đá hậu rất độc, ảnh hưởng nặng nề đến đoàn kết nội bộ.
Thấy đơn của Trâu và Ngựa đều bị Chi bộ bác, Rệp và Muỗi liền làm đơn xin vào Đảng. Đơn của hai đồng chí chuyên hút máu này viết hệt như nhau: “Tôi tuy chẳng phải là Lao động tiên tiến như đồng chí Trâu và đồng chí Ngựa, nhưng bù lại, tôi có cái cơ bản mà hai đồng chí đó không thể có: trong huyết quản của tôi từ bao đời nay đều códòng máu công nông. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn xứng đáng được đứng trong hàng ngũ Đảng của giai cấp công nông...”
Đơn của đồng chí Rệp và đồng chí Muỗi được Chi bộ chấp nhận với sự nhất trí 100%.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10782&rb=08
--------------------------------------------------------------------------------------
Bà con Lênin ở Việt Nam
Chuyện này cũng xảy ra vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin vĩ đại, nhưng lại ở một xí nghiệp nội thành Hà Nội.
Đồng chí Bí thư Đảng uỷ sau khi đọc trơn tru mấy văn bản soạn sẵn của Ban Tuyên huấn, bèn tỏ vẻ hiểu biết, lên giọng hỏi những người dự mít tinh:
"Các đồng chí có biết Việt Nam ta có ai là bà con của lãnh tụ Lênin không?"
Một công nhân từng đi học nghề ở Liên Xô, mạnh dạn đứng lên đáp:
"Báo cáo Bí thư, theo tôi nghĩ, toàn thể đảng viên cộng sản Việt Nam đi theo đường lối Lênin đều là bà con của Lênin!"
Cử toạ vỗ tay tán thưởng câu trả lời hóm hỉnh. Nhưng Bí thư Đảng uỷ bĩu môi, lắc đầu:
"Đồng chí vừa rồi mới nói chung chung thôi. Tôi biết trong Đảng ta còn có một người bà con Lênin thật sự kia! Cho các đồng chí tiếp tục suy nghĩ năm phút nữa..."
Mọi người trố mắt nhìn nhau, ồn ào bàn tán. Năm phút trôi qua mà không thấy ai đứng dậy trả lời, Bí thư Đảng uỷ mới đắc chí nói:
"Có thế mà cũng không nghĩ ra! Người bà con Lênin thực sự, đó chính là đồng chí Lê Duẩn kính mến của chúng ta! Sao các đồng chí lại ‘ồ’ lên như vậy? Lênin họ Lê, đồng chí Lê Duẩn cũng họ Lê, vậy chẳng bà con là gì?"
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10789&rb=08
---------------------------------------------------------------------------------------
Đồng chí Sáu La Mã
Năm 1970, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin, nhiều cuộc mít tinh lớn nhỏ được tổ chức chẳng những ở Hà Nội, mà còn ở tất cả các tỉnh, thành, huyện, xã... Ngoài ra, còn có các cuộc mít tinh cỡ “bỏ túi” ở khắp các cơ quan, trường học, xí nghiệp, hợp tác xã... Cả núi tài liệu về thân thế, sự nghiệp Lênin vĩ đại đã được Ban Tuyên huấn Trung ương và tuyên huấn các cấp phổ biến rộng rãi xuống tận cơ sở.
Cũng như mọi nơi khác, đúng ngày 22.4, một hợp tác xã nông nghiệp - được coi là “ngọn cờ đầu” của ngoại thành Hà Nội - tổ chức cuộc mít tinh có cả ngàn xã viên tham dự. Hàng ngũ quan khách cũng khá đông đảo: quan khách cấp xã, quan khách cấp huyện, quan khách cấp thành phố... Hợp tác xã này lại “kết nghĩa” với một nông trang tập thể ở ngoại ô Moskva nên Đại sứ quán Liên Xô còn cử người đến dự cho thêm phần long trọng. Và dĩ nhiên, còn có mặt cả đám phóng viên báo, đài...
Mở đầu cuộc mít tinh, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã trịnh trọng đọc diễn văn khai mạc. Sau chừng 5 phút ề à “kính thưa” đủ mặt quan khách, đồng chí Bí thư hắng giọng, rồi ê a đọc bài diễn văn đánh máy sẵn từ trên huyện gửi xuống:
"Hôm nay, cùng với toàn thể loài người tiến bộ, chúng ta họp mặt ở đây để kỷ niệm trọng thể lần thứ một trăm ngày sinh đồng chí Sáu La Mã Lê Nin..."
Bà con xã viên ù ù cạc cạc, chỉ biết im lặng ngồi nghe. Còn trong hàng ghế quan khách, đặc biệt là quan khách cấp thành phố và đám phóng viên, thì xôn xao, sửng sốt vì cái tên “Sáu La Mã” lạ hoắc nọ.
Đợi mãi tới lúc Bí thư xã ngắc ngứ đọc xong bài khai mạc và tạm nghỉ giải lao, chàng phóng viên báo Hà Nội mới nhanh tay chớp lấy bản đánh máy diễn văn mà ông ta vừa đọc. Mấy người tinh ý trong đám quan khách thấy phóng viên nọ bỗng bịt chặt miệng, mặt đỏ rần, chạy vội vào hậu trường. Có người tò mò chạy theo, bắt gặp anh chàng vừa cố nhịn cười, vừa chỉ tay vào bản đánh máy. Thì ra, trong bản ấy, tên (Vladimir) và tên bố (Ilych - tức con ông Ilya) của Lênin được viết tắt là “V.I.”, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã nhà ta chẳng biết mô tê gì, cứ thế “phang” bừa là... “Sáu La Mã Lê Nin”!
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10789&rb=08
No comments:
Post a Comment