Tuesday, April 9, 2013

Thực hư về những người khởi xướng: “Công lý cho Đoàn Văn Vươn” ở Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh


        Với bản lĩnh và phong cách sinh viên Luật, trước mỗi sự việc, chúng ta phải có sự tiếp nhận thông tin một cách đa chiều và biết thể hiện tiếng nói của mình đúng nơi, đúng lúc. Đặc biệt, là sinh viên Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết nói “KHÔNG” trước những hành động sai trái, đi ngược lại với đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước. 

       Gần đây, một số trang mạng và phương tiện thông tin đại chúng đang đề cập đến bản “Tuyên ngôn: "Công lý cho Đoàn Văn Vươn” được khởi xướng bởi nhóm ba sinh viên trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Đi kèm bản tuyên ngôn là lời kêu gọi cộng đồng mạng ký tên ủng hộ cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn nhằm tạo sức ép lên các cơ quan chức năng trong bối cảnh Tòa án nhân dân Tp. Hải Phòng đang tiến hành xét xử vụ án này. Dưới góc độ những sinh viên đang học tập tại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đề cập đến những khía cạnh thực chất đằng sau những sinh viên khởi xướng vấn đề này. 

Thứ nhất, phải khẳng định rằng những cá nhân này không phải là đại diện cho tiếng nói sinh viên Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nói chung trong việc khởi xướng nên “tuyên ngôn” này.Thực chất, đây chỉ là hành động nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi cá nhân hoặc bị ảnh hưởng bởi những luồng tư tưởng phiến diện. Bởi vì, đây chỉ là những sinh viên năm hai, năm ba, chưa có sự tiếp cận một cách đầy đủ nhất về những quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hệ thống pháp luật quốc tế. 

Bên cạnh đó, sự hạn chế về mặt tư duy pháp lý của những sinh viên này còn được thể hiện phần nào qua sự hạn chế về kết quả học tập. Điển hình như: sinh viên Phạm Lê Vương Các điểm tích lũy học tập chỉ đạt 5.23 (xếp loại Trung bình yếu theo điểm tín chỉ) và có nhiều môn thi chưa đạt, trong đó có môn Luật Hình sự phần chung; sinh viên Bùi Quang Viễn là học viên văn bằng hai với điểm tích lũy là 5.19 và cũng trong tình trạng còn nợ nhiều môn. Như vậy, phải chăng bản “tuyên ngôn” này là sản phẩm của những người có tư duy pháp lý chặt chẽ hay thực chất chỉ là hình thức đánh bóng tên tuổi cá nhân? Mượn "mác" sinh viên Luật để đánh bóng tên tuổi cá nhân? 

Thứ hai, đa phần những sinh viên này hầu như không tham gia vào các hoạt động của trường nên không nắm bắt được hết tư tưởng, quan điểm định hướng dành cho sinh viên Luật. Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, họ có thể đã bị tác động bởi những luồng tư tưởng không chính thống dẫn đến những hành động mang tính chất như vậy. Do đó, nội dung “tuyên ngôn” của nhóm sinh viên này trong những ngày qua không thể nào tạo nên sức ép đối với cơ quan xét xử được. 




Bởi lẽ, Hiến pháp nước ta quy định rất rõ: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”(Điều 130). Nếu theo dõi vụ án này một cách đầy đủ và cặn kẽ thì có thể thấy rằng hành vi sử dụng súng hoa cải và vật liệu nổ để chống lại lực lượng cưỡng chế của anh em ông Đoàn Văn Vươn là hành vi vi phạm pháp luật. Dẫu biết rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến sự việc này cũng xuất phát từ những hạn chế trong quản lý của chính quyền địa phương. Việc xác định trách nhiệm pháp lý của các bên thuộc về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Và hiển nhiên,mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cho nên, hành động khởi xướng “tuyên ngôn” như vậy không thể đem lại hiệu quả đòi công lý giống như trong nội dung của nó, ngược lại hành động này lại tạo nên ảnh hưởng xấu đến dư luận nói chung và cộng đồng Đoàn viên, sinh viên trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. 

     Từ sự việc nêu trên, với vai trò là Đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết cách lên tiếng thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề của xã hội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ cổ súy cho những hành động tiêu cực để vô tình trở thành mục tiêu cho dư luận và các thế lực thù địch chống phá. Với bản lĩnh và phong cách sinh viên Luật, trước mỗi sự việc, chúng ta phải có sự tiếp nhận thông tin một cách đa chiều và biết thể hiện tiếng nói của mình đúng nơi và đúng lúc. Đặc biệt, là sinh viên Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết nói “KHÔNG” trước những hành động sai trái, đi ngược lại với đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. 


No comments:

Post a Comment