Sunday, April 14, 2013

Y tế xã hội Mỹ

medical-symbol ***Nguyễn Khắc Lai***

Y Tế và Giáo Dục là 2 ngành rất quan trọng trong bất cứ quốc gia nào.  Không có sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật hiện đại (Giáo Dục) thì chỉ làm được những việc lèo đèo lẹt đẹt.  Nhưng nếu không có sức khoẻ [Dĩ nhiên cả thể xác lẫn tinh thần] thì chẳng làm được ngay cả những chuyện lẹt đẹt lèo đèo!  Vậy Y Tế là để bảo trì một sức khoẻ tốt, để làm việc cho …ngon!  Để đưa cuộc sống bà con ta đi lên ngon hơn.  Nói về Y Tế không thì quá rộng so với bài viết ngắn gọn này, vì Y Tế tức là bao gồm một hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho mọi người già trẻ, giầu nghèo, người có bảo hiểm tư nhân (Private Health Insurance) cũng như người phải tùy thuộc vào ông Nhà Nước. 

Vì thế chúng tôi xin giới hạn đề tài trong khuôn khổ “Y Tế Xã Hội” (YTXH).  Xã Hội tức là nghèo, hay nói theo kiểu Mỹ là lợi tức thấp (Low Income).  Với kinh nghiệm làm việc cho Bộ Xã Hội (Texas Department of Human Services) 5 năm và cho Texas Health STEPS (Thuộc Bộ Y Tế) 15 năm, chúng tôi xin chia sẻ một số điều với độc giả, đặc biệt tại Quê Nhà, với mong ước là có thể ứng dụng được trong ngành Y Tế tại Quê Nhà trong tương lai. Hoặc thực tế hơn, gần gũi hơn, làm hành trang bỏ túi cho những bà con sắp đến Mỹ định cư, các bạn trẻ sinh viên sắp đến Mỹ du học.  Ngày xưa cụ Nguyễn Trường Tộ được đi Tây và đã chia sẻ cái “đèn cháy ngược” với những người hữu trách thời ấy.  Mặc dù cụ bị cười chê nhưng rồi sau đó chúng ta cũng được xài…đèn cháy ngược, dù muộn màng. 

Dân nghèo thì ở đâu cũng nhiều hơn dân giầu.  Ở tiểu bang Texas Mỹ này với dân số khoảng 27 triệu thì có đến phân nửa tùy thuộc vào bảo hiểm Y Tế của Nhà Nước (Chúng tôi không có một thống kê chính xác, nên ước chừng).  Những loại bảo hiểm Y Tế (BHYT) này gồm nhiều thể loại khác nhau:  Medicare (Liên Bang), Medicaid (Tiểu Bang), Gold Card (Quận Hạt), và còn những loại khác mà riêng cá nhân chúng tôi cũng không biết hết được.  Bây giờ xin được đóng thêm một cái khung nữa:  MEDICAID mà thôi.  Rất nhiều người tại Mỹ đã không biết ứng xử quyền lợi Y Tế của mình để xin Medicaid, và đã phải trả những khoản bệnh viện phí (Hospital Services) lên đến cả chục nghìn dollars như chơi!

Trong bài viết, đôi khi chúng tôi dùng nguyên những chữ tiếng Anh của BXH để cho gọn và tiện cho ai muốn tìm hiểu về YTXH tại Mỹ.

I – Medicaid là gì?  Thể thức xin Medicaid.

Medicaid (Viết tắt của Medical:  Y Tế; Aid:  Trợ giúp) là loại bảo hiểm y tế thuộc cấp tiểu bang.  Với loại BHYT nặng ký này bệnh nhân không phải chi trả bất cứ lệ phí nào.  Tất cả là …chùa!  Từ bệnh viện phí, thăm bác sĩ, thuốc men…Những người có lợi tức thấp, hoặc không có việc làm, không thể mua bảo hiểm y tế tư nhân (Private Health Insurance) cho mình và cho gia đình đều có thể điền một đơn xin (Application) có sẵn tại các văn phòng Bộ Xã Hội (Health and Human Services Commission), hoặc online.  Các đơn xin gồm tên, địa chỉ, số phone, số an sinh xã hội (Social Security Number:  SSN), ngày tháng năm sinh.  Cái SSN là yếu tố quan trọng nhất, vì mỗi người Mỹ chỉ có duy nhất một  SSN cho suốt đời!  Nó còn quan trọng hơn số quân trong quân đội nữa!  Đơn xin sẽ được đóng dấu ngay hôm chúng ta nộp cho BXH tại chỗ.  Còn nếu nộp online thì ngày tháng tự động ghi trên đơn.  Sau đó đơn được phân phối cho những nhân viên gọi là Social Workers (SW) đồng đều cho mỗi ngày làm việc, với thời hạn 45 ngày để hoàn tất.

II – Case Workers làm việc thế nào?

Social Worker là gọi chung cho những nhân viên xã hội.  Người làm hồ sơ cho ta được gọi là case worker.  CW sẽ xem xét hồ sơ căn cứ trên những thông tin (Information) kê khai trong đơn.  Bằng cái SSN người CW sẽ đi vào từng cái ngõ (Access) để xem người đó làm việc ở đâu, lương bao nhiêu.  Đi vào cái ngõ tài sản (Resource), cũng bằng cái đũa thần SSN, nó lộ diện mọi thứ của cải vật chất quan trọng mà người xin có được như:  Nhà cửa mấy cái, tiền trong nhà băng có bao nhiêu, cất dấu ở mấy nhà bank.  Chưa hết, để dành trong các trương mục nào.  Chắc bạn sẽ ngạc nhiên phải không?  Nước Mỹ tôn trọng sự riêng tư (Confidentiality) lắm mà?  Tại sao phải khám xét dữ vậy?  Bạn có lý!  Nhưng thưa bạn, trước khi bạn nộp đơn xin trợ cấp xã hội, bạn đã phải đọc một số điều lệ của BXH như:  Khi ký tên vào đơn này, quí vị đã đồng ý cho người SW được “đi vào” cõi riêng tư có liên quan đến lợi tức, tài sản…Bạn đã KÝ TÊN vào để xin trợ cấp tức là bạn đồng ý cho người ta xem xét bạn kiểu đó!  Còn nếu đọc các điều lệ mà bạn không muốn cho họ xem, vì bạn dấu nhiều nơi, thì …tao đếch thèm ký, tao điếu xin nữa!  Thế là yên thân.

Khi đã đi tìm trong các ngõ ngách và biết chăc rằng người xin là …nghèo thật, người CW đi bước kế tiếp xem nhà có bao nhiêu người, hạn tuổi bao nhiêu, với lợi tức ấy, với tài sản có bấy nhiêu, với chi tiêu hàng tháng của họ về tiền nhà, điện, nước, gas, phone…và căn cứ trên Bảng Chiết Tính (Chart) để quyết định xem họ được những quyền lợi nào.

Thí dụ:  Gia đình Brown có hai vợ chồng, 2 đứa con 2t và 6t.  Họ chỉ kiếm được 2,300dollars/Tháng.  Trương mục bank chỉ có 1,999 dollars (Vì nếu có 2,000 trong bank sẽ không qualify), Hai đứa bé sẽ được Medicaid, hai vợ chồng trên 19t nên không được Medicaid.  Họ phải đi tìm một loai BHYT khác như mô tả sơ lược ở trên.

III- Những tiêu chuẩn để được Medicaid.

Thông thường người CW căn cứ trên những tiêu chuẩn căn bản sau đăy:

a- Phải là công dân Mỹ (US Citizen) hoặc là người tị nạn (Refugee).  Người tị nạn được định nghĩa là một di dân hợp pháp được bảo trợ bởi chính phủ Mỹ (Legal resident sponsored by US Government), khác với người di dân hợp pháp được gia đình, thân nhân bảo trợ (Legal resident sponsored by family members).  Trong chương trình làm việc, tôi gặp rất nhiều cô được chồng lãnh qua Mỹ.  Chưa kịp thành Mỹ (US Citizen) thì đã thành…Mẹ Mỹ!  Nên bản thân cô đó không qualify mà đứa bé trong bụng mới qualify.  Chúng tôi đã phải tốn rất nhiều thì giờ để hướng dẫn những cô Mẹ Mỹ này mới chân ướt chân ráo đến Mỹ.

b- Lợi tức hàng tháng thấp (Low Income) theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế Xã Hội.  BXH có những bản chiết tính (Charts) để qui định tiêu chuẩn mức lương, số người trong gia đình, hạn tuổi các cháu nhỏ... để định mức nghèo của họ.

c- Tài sản (Resource):  Tiêu chuẩn này phức tạp nhất, vì tài sản bao gồm tiền bạc trong bank, trong các trương mục tiết kiệm, một chiếc xe dư (Một người đứng tên 2 xe), một căn nhà thứ hai (Một người đứng tên 2 căn nhà), một miếng đất…đều bị coi là tài sản.  Bảo hiểm nhân thọ (Life Insurance) cũng có thể bị xem là resource nếu đương sự có thể lấy ra xài ngay lúc còn đang sống nhăn.

Như ở trên chúng tôi đã nói qua, người SW có những “con đường” (Access) để “đi guốc trong bụng” những ai đến thăm Bộ Xã Hội!  Khổ vậy đó!  Nên những bậc khí khái quân tử Bạc Liêu thì ghét ba cái vụ này lắm, thà nhịn đói còn hơn!  Với những con đường ấy người SW dùng mã số (Password) đặc biệt để đi vào các bí đạo nhà bank, trương mục của người xin, chỉ với mục đích tìm xem người đó có thật sự là người nghèo (Low income people) hay không.  Nếu anh chị SW nào dở chứng tò mò đi xem “chỗ kín”của người ta xong rồi đem tri hô ra ngoài thì sẽ không chỉ mất job như chơi, mà còn vô bóc lịch cũng dễ như đùa!  Vậy cho nên cứ 6 tháng chúng tôi phải đi học để ôn lại chứng chỉ HIPAA (Health Insurance Portability and Accountability Act:  Một đạo luật liên bang nhằm bảo mật thông tin Y Tế ) để luôn nhắc nhở mình hãy luôn thận trọng, đừng ngứa miệng nói về chỗ kín của những người mà mình…làm! (hồ sơ).  Trong những năm tháng đầu ở Bộ Xã Hội, một ông SW Việt Nam kể cho tôi nghe câu chuyện của người bạn anh như sau…

…Một gia đình VN gia giáo kia có đứa con gái 15t, gia dình đang xây bao nhiêu mộng đẹp về cháu, nào là sẽ vào đại học nổi tiếng, để tốt nghiệp làm ông này bà nọ.  Bỗng dưng một ngày cháu đi học và không trở về!  Gia đình nổi cơn bão tố!  Đi tìm khắp nơi vẫn không có tung tích.  Nhưng rồi 3 năm  qua đi, mọi chuyện cũng gần như sóng tạm yên, biển tạm lặng.  Cho đến một buổi chiều kia, khi hai ông bà đang đi trong một siêu thị, cách thành phố nhà khoảng trăm dặm, trước tầm mắt họ không xa:  Đứa con gái của họ đang tung tăng bên một chàng trai Mỹ, tay đẩy chiếc xe baby.  Bà nhà toan nhảy xổ ra với con gái phần vì xa con đã lâu nhớ nó, phần vì quá giận với cái thằng phải gió kia đã bắt cóc con bà!  May thay ông nhà đã kịp cản lại, và nói nhỏ vào tai bà “Bà phải nghe tôi, nếu không là…mất nó luôn đấy!”  Bà đành bóp bụng nghe theo ông, lặng lẽ ra xe về, không để cho hai đứa trẻ nhận ra.  Về đến nhà, bà không còn cầm được lòng quát tháo ầm ĩ “Bây giờ ông tính sao?  Ông không cản thì tôi đã bắt được con tôi về rồi.  Ông, ông thật là…!”  Ông có vẻ trầm ngâm “Tôi đã có cách.  Nhưng bà phải kín miệng, nếu không, là kẹt cả đám đấy!”.  Bà có vẻ yên tâm “Thật à, ông tính sao?” – “Ông Ph., bạn của tôi đang làm bên sở Xã Hội, thế nào cũng tìm ra địa chỉ của nó”.  Bà sáng mắt vì ý kiến hay.  Vài hôm sau, hai ông bà thu xếp quà cáp đến nhà ông Ph.  Vừa vào đề, ông Ph. đã phản kháng ngay.  Nhưng với sự năn nỉ của người bạn cố tri ngày xưa học chung trường, và sự khóc lóc của vợ bạn, ông đành xiêu lòng, với lời dặn hết sức cẩn trọng “Anh chị phải tuyệt đối giữ kín việc này.  Nếu không tôi chẳng những mất việc mà còn vào tù là khác!”  Ông bà ríu rít vâng dạ.  Với cái số SSN chỉ cần lục trong vòng 2 phút là tìm ra ngay (vì ông biết thừa sức tụi này phải xin trợ cấp xã hội!) địa chỉ, nghề nghiệp của người xin.  Có địa chỉ trong tay, ông bà thu xếp một ngày đẹp để đến thăm con, nhận diện cháu ngoại và nhất là “tính tội” cho cái thằng phải gió bây giờ thành con rể bất khả kháng.  Đến mục tiêu, đứa con gái gặp cha mẹ trong bối cảnh quá đột ngột, những vẫn là máu mủ, nên nó chạy đến khóc lóc với bố mẹ.  Duy chỉ có thằng phải gió kia thì khuôn mặt vừa sợ vừa giận nên nó không kịp có một phản ứng nào ngoài cái bản mặt trân trân ra, trông càng thấy ghét!  Ông nhà thì còn đang suy tính, trong khi bà nhà thì không kềm được nữa, bà tung ra hết cơn giận xỉ vả vào mặt nó, chửi mắng nó thậm tệ…Và trong cơn giận như thế, bà không còn làm chủ được mình, bà tung ra ngón đòn nguy hiểm nhất “Con phải biết rằng con có đi đến gầm trời góc biển thì ba má cũng tìm ra con.  Bạn của ba con làm bên sở xã hội mà!”  Câu nói ác ôn của bà, thằng rể không hiểu ngay lúc ấy.  Nhưng đêm về, vợ chồng nó tỉ tê bên nhau, nó đã hiểu!  Và trong thâm tâm, nó cũng chẳng muốn hại ông bà.  NHƯNG!  Nhưng khi nó đi tìm người bảo vệ luật pháp cho nó, thằng này mới là thằng “phải gió thật!”  Tên này đã cho nó biết rằng vợ nó giờ này đã đủ tuổi trưởng thành, nó không bị kẹt đâu!  Tên phải gió này cũng được biết lý do tụi nó bị phát hiện.  Câu chuyện bị xé ra to hơn!  Ông SW bị điệu ra tòa!  Cái tội này nếu nằm trong phạm vi gia đình thì nó chỉ là con tép!  Nhưng ở một xứ mà luật pháp là con dao hai lưỡi,  người ta có thể dùng nó để bảo vệ mình, và cũng có thể dùng nó để hạ đối thù vì thù hận hoặc vì tiền!  Nên một khi có kẻ ngoại bang dùng luật pháp để thổi cho nó to lên, thì nó sẽ bằng …con cá mập!  Và kết quả là ông Ph. đã mất việc và đi …bóc lịch.

IV-  Những Gian Lận (Frauds)

Có lẽ khi đọc những hàng trên về một qui cách làm việc khá chu đáo, bạn sẽ hỏi tôi rằng “Vậy có cách nào người xin ăn gian được không?”.  Có một lần tôi đi thăm một nhà có con Medicaid.  Đến nhà anh ta tôi sững sờ một lát vì đó là một biệt thự, chứ không phải một căn nhà!  Một biệt thự như vậy thì người nghèo (Xin Medicaid) không thể có được!  Nó ngược với những tiêu chuẩn nêu trên!  Tuy nhiên họ có thể “nhờ” một ai đó đứng tên căn nhà!  Xin nói thêm đây là một người Việt Nam.  Người SW làm những gì trong sự có thể của mình, và không phải chịu trách nhiệm về những gì ngoài khả năng ấy.  Tại Mỹ hầu hết người đi làm việc đều lãnh ngân phiếu (Checks), tức là có report về sở Lao Động (Employmnent).  Tuy nhiên không ít người làm việc và lãnh tiền mặt (Cash hay money under table), không khai báo với sở Employment.  Đây cũng là trường hợp ngoài tầm tay với của người SW.  Có vô số điều để nói về cái lợi và cái không lợi của sự “gian lận” kiểu đó.  Nói chung xét về ngắn hạn thì nó có lợi trước mắt.  Tuy nhiên ông biệt thự ở trên thì “lọt lưới” ngon lành!  Tôi nhớ ngày mới vào BXH năm 1994 với chức thư ký bậc 3 (Clerk 3), một thanh niênVN đến “Chú L. ơi, nhà cháu chưa có food stamp (Tiền mua đồ ăn cho gia đình nghèo) cho tháng này”.  Tôi lấy số SSN của anh ta và đi rà tìm trong máy, rõ ràng số tiền 320 dollars đã năm gọn trong tài khoản của gia đình cậu có 4 người bao gồm cả cậu này.  Tôi bảo cháu “Gia đình cháu đã nhận được tiền food stamp ngày 4 của tháng này rồi!”  Chàng ta biến sắc mặt và nói chống chế “Vậy chắc người nhà cháu nhận được mà…không cho cháu biết”.  Đấy cũng là một cách “ăn gian vặt”, nhưng quá ngây thơ của gần 20 năm trước.  Bây giờ người ta khôn khéo hơn nhiều, như ông lâu đài ở trên chẳng hạn.

Nhưng cái gian lận của người nghèo có thể chỉ là vài trăm, vài ngàn thôi.  Còn cái gian lận của những anh không nghèo mới là ghê gớm, có thể lên đến nhiều triệu dollars!  Cách nào?  Thí dụ một provider kia có 1.000 bệnh nhân dùng Medicaid.  P. đó khám một lần qua loa cho những người này (Nhất là những người mới đến chưa biết), và đem claim với Medicaid 10 lần!  Hoặc kê những toa thuốc rất đắt tiền, khách hàng đến pharmacy mua bằng Medicaid, và không lấy thuốc về mà chỉ cầm vài tấm giấy…xanh về xài!  Nói chung gian lận thì đâu cũng có, nhiều hay ít thôi.  Khi những gian lận phát sinh thì anh Nhà Nước lại đi tìm những cách ngăn chặn.  Vỏ quit dày móng tay phải đem…chuốt!

V - Những đối tượng được Medicaid.

Phụ nữ có thai là ưu tiên số một.  Tôi phụ trách chương trình này trong 15 năm qua, dân VN ở Houston gọi tôi là “Ông Lai làm việc cho chương trình của các bà các cô có bầu”.  Chúng tôi có 3 anh em:  Anh Năm làm bên Thẻ Vàng (Gold Card), anh Huy chương trình CHIP (Children Health Insurance Program).  Làm việc trong các chốn này người ta có thói quen “rút ngăn”.  …Thí dụ “làm hồ sơ của ông X” thì nói ngắn thành “Làm ông X”.  Có một lần tôi đang ngồi trong phòng chờ đợi, thấy hai chị Việt Nam tên M. và N.  Hai chị ngồi chờ khá lâu không thấy ai gọi vào làm hồ sơ.  Một lúc ông Chánh bước ra keu tên “Rosa Vasquez”.  Hai chị chạy đến nói “Anh Chánh ơi, tụi em chờ lâu quá mà chưa được gọi!”.  Ông Chánh niềm nở nói “Hai cô yên tâm, để tôi kêu con Mễ này dô phòng làm nó xong, tôi sẽ làm…hai cô heng”.  Nhưng chuyện này chưa ác bằng có lần tôi được mời đến nói chuyện về Medicaid.  Anh Năm, bạn tôi bên Gold Card, làm MC hôm đó.  Anh giới thiệu trước một cử toạ trên 100 người thế này “Thưa qui vị, đây là anh Huy phụ trách chương trình CHIP, còn đây là anh Lai chuyên viên làm các bà các cô có bầu!”  Cử tọa được trận cười rung rinh bàn ghế!  Ngôn ngữ nào mà chả có rút vắn.  Nhưng rút văn kiểu đó thì thật bỏ tổ người ta, phải không quí vị?  Anh ấy cắt bỏ 5 chữ xanh chúng tôi viết nghiêng ở trên.

Đối tượng tiếp theo là các trẻ em dưới 19t.  Tiếp đến là các vị cao niên trên 65t , hoặc những người mất khả năng làm việc (Disabled).

Những loại trọng tải liên bang (Medicare) và tiểu bang (Medicaid) thường đòi người xin phải là công dân Mỹ hoặc tị nạn.  Riêng trẻ em dưới 18t, phụ nữ có thai, dù được bảo trợ bởi thân nhân vẫn xin được CHIP (Children Health Insurance Program), là chương trình của tiểu bang, nhẹ ký hơn Medicaid.  Ngoài ra các bạn từ Việt Nam mới đến Mỹ theo diện gia đình bảo trợ, vẫn có thể xin được các loại nhẹ ký hơn của quận hạt (County) như Gold Card, cũng tốt chán.***

VI – Có mấy loại Medicaid?

Xin kể ra vài loại thông dụng xài cho những trường hợp phổ thông nhất:

a- Medicaid bầu  [Xin gọi nôm na như vậy cho ngắn gọn] được cấp cho người phụ nữ trong thời kỳ mang thai , và 2 tháng sau khi sinh.  Medicaid chi trả tất cả các chi phí bệnh viện, bác sĩ, thuốc men.  Nếu bệnh nhân được chẩn đoán có những triệu chứng tâm lý cũng được các chuyên viên tâm lý (Mental Specialists) chữa trị và Medicaid chi trả.

b- Medicaid trẻ em dưới 19t chi trả toàn bộ thuốc men, bác sĩ, bệnh viện cho các em.  Cái đặc biệt của chương trình này là “bắt” các cháu phải đi khám định kỳ (Regular check-ups) cho cả hai lĩnh vực Y và nha (Medical and dental check-ups).  Regular checkup có nghĩa là ngay lúc các cháu đang khoẻ mạnh bình thường.  Một phần công việc chúng tôi làm mỗi ngày là gọi để nhắc nhở những người trong chương trình phải đem con đi khám định kỳ, nhất là những trẻ mất hẹn với bác sĩ (Missed Appointments).  Nếu không liên lạc bằng phone, chúng tôi phải đi thăm họ (Home Visits).  HVs cũng là một cách tiêu khiển sau một ngày chúng ta làm việc băng laptop, bằng phone trong văn phòng, vì có khi chúng tôi phải lái xe đi thăm xa đến cả trăm kms. 

c- Medicaid cao niên, hoặc người mất khả năng làm việc, còn gọi là SSI (Supplemental Security Income): Những người trên 65t hoặc mất khả năng làm việc (Disabled).  Chúng tôi xin tạm dịch chữ disabled là “mất khả năng làm việc.”  Disability có hai dạng Long term disability (dài hạn) và ngắn hạn (Short term disability).  Bởi vì người cao niên trên 65t có thêm phần Medicare (Liên bang) nên Medicaid chỉ đóng góp 20% nhu cầu Y Tế.  Mỗi ngày chúng tôi thường có vài vị cao niên gọi đến tham vấn về Y Tế của họ, vì chúng tôi làm việc cho một chương trình của tiểu bang (State Program) nên họ không bị charge tiền lệ phí như các dịch vụ tư nhân.  Loại Medicaid này rất tiện dụng cho những người không tự chăm sóc được cho mình, và cần người đến giúp.  Người giúp được trả lương bởi Medicaid.  Dịch vụ này tránh cho quĩ Medicaid bớt phải đối phó với những trường hợp emergency vốn rất đắt tiền!

VII - Phải làm gì khi xin Medicaid.

a- Trước hết bạn phải điền một đơn với đầy đủ thông tin:  Tên họ, địa chỉ, phone, ngày tháng năm sinh…Và nhất là số An Sinh Xã Hội Social Security Number (SSN).  Nhớ ký tên và đề ngày tháng.  Thiếu 2 yếu tố này, này không có giá trị!

b- Bạn có thể phải qua cuộc phỏng vấn (Thường là bằng điện thoại).  Bạn nên trả lời thẳng thắn, đúng sự thật [Trừ khi bạn có khả năng bịa ra được một sự không thật…hợp lí! ((=:     .  Nhớ trả lời ngắn, gọn đủ nghĩa.  Thí dụ:  Người SW hỏi bạn “Bạn có đi làm không?”  Bạn chỉ cần trả lời YES hay NO.  Đừng dài dòng văn tự.  Vì người đó sẽ có những câu hỏi tiếp cho bạn rất mạch lạc theo thứ tự. 

c- Bổ túc hồ sơ (Provide information): Khai trong đơn làm 30 giờ/Tuần với số lương $10.00/hr thì phải có chứng từ hậu thuẫn.  Khai ở địa chỉ ABC thì phải có một chứng cớ (Proof) nào đó như bill điện, nước…chứng minh bạn ở đó.  Và tất nhiên phải có bản chụp copy của thẻ SS (Social Security Card), của căn cước ID có hình.  Nếu cần thêm information, người SW có quyền yêu cầu bạn cung cấp thêm như khai sinh chẳng hạn.

d- Nếu bạn không hội đủ bất cứ tiêu chuẩn nào trong mục số III nêu trên, người SW sẽ gởi thư báo cho bạn biết hồ sơ bị từ chối (Denied).  Hoặc bị denied vì không bổ túc đủ info theo thời hạn ấn định.  Bạn có quyền khiếu nại (Appeal), hoặc tái nộp đơn (Re-apply).  Theo kinh nghiệm chúng tôi, bạn nên re-apply sẽ tiện hơn.  Vì lợi tức cao quá chẳng hạn, tháng sau bạn lãnh ít tiền hơn, bạn có thể qualify.  Hoặc nếu không kịp bổ túc cho lần này, thì lần sau, tháng sau sẽ chuẩn bị chu đáo hơn.

Với bài viết thô sơ, ngắn ngủn này, người viết mong đem lại cho độc giả một cái nhìn rất khái quát về Y Tế Xã Hội Mỹ tại tiểu bang Texas, mà hầu như toàn quốc Mỹ cũng áp dụng.  Mong những ai sắp đến Mỹ định cư, hoặc du học, có được vài nét tổng quát về ngành YTXH coi như chút bùa hộ mạng cho những ngày đầu ngơ ngác trên đất Mỹ. 

Còn vô số kể những điều thú vị và không thú vị trong cái ngành xã hội này, kể ra mấy ngày cũng chưa hết!  Chúng tôi hân hoan giải đáp những thắc mắc trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, như đã từng giải đáp rất, rất nhiều cho những sinh viên du học từ Việt Nam hiện đang sống tại Mỹ.

Chúc quí vị một Mùa Phục Sinh thật vui.

Houston Mùa Phục Sinh 2013.

Nguyễn Khăc Lai

Tham vấn viên Y Tế Xã Hội

Bộ Y Tế. 

Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

832-248-7703

Laiknguyen@hotmail.com

Hoặc Email sở làm:  Lainguyen@maximus.com.

No comments:

Post a Comment