Sunday, August 9, 2015

VỀ TỆ SÙNG BÁI CÁ NHÂN VÀ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA NÓ - N.S.Khrushốp

Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó

(Báo cáo của Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương (BCHTW) Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), N.S. Khrushov tại phiên họp kín đại hội ĐCSLX lần thứ XX ngày 25 tháng Hai năm 1956)

Thưa các đồng chí! Trong báo cáo của BCHTW tại đại hội lần thứ XX, trong hàng loạt tham luận của các đại biểu đại hội, cũng như trong các kì hội nghị toàn thể BCHTW ĐCSLX trước đây, đã đề cập nhiều về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó.

Sau khi Stalin mất, BCHTW đã nghiêm khắc và từng bước tiến hành kiểm điểm việc đề cao vai trò của một cá nhân, biến cá nhân đó thành kẻ siêu phàm với những phẩm chất siêu nhiên, tương tự như thần thánh, là điều không thể chấp nhận được và xa lạ với tinh thần học thuyết Marx-Lenin. Một con người dường như biết hết tất cả, nhìn thấy hết tất cả, suy nghĩ thay cho mọi người, có thể làm được tất cả và không hề sai lầm trong mọi hành động.

Nhiều năm nay, trong chúng ta vẫn tồn tại sự tôn sùng cho khái niệm về một con người như thế, nói một cách cụ thể, chính là về Stalin.

Bản báo cáo này không nhằm mục đích đánh giá toàn diện thân thế và sự nghiệp của Stalin. Công trạng của Stalin đã được trình bày đầy đủ trong nhiều sách vở, báo chí và các nghiên cứu, ngay từ sinh thời Stalin. Vai trò của Stalin trong việc chuẩn bị và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong nội chiến, trong giai đoạn đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã được toàn thể mọi người biết rất rõ. Giờ đây, chúng ta đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với hiện tại và tương lai của đảng ta - đó là sự sùng bái cá nhân Stalin đã được hình thành từng bước như thế nào, và trong một giai đoạn nhất định, đã trở thành nguồn gốc của hàng loạt vi phạm to lớn và đặc biệt nghiêm trọng những nguyên tắc đảng, nền dân chủ của đảng, nền pháp chế cách mạng.

Vì lẽ, không phải ai cũng thấy rõ những hậu quả của tệ sùng bái cá nhân trong thực tiễn, những thiệt hại nghiêm trọng do việc vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng và sự tập trung quyền lực lớn lao, không giới hạn trong tay một cá nhân, cho nên BCHTW nhận thấy cần thiết phải báo cáo trước đại hội ĐCSLX lần thứ XX những tư liệu về vấn đề này.

Trước hết, xin phép nhắc các đồng chí là các nhà kinh điển của học thuyết Marx-Lenin đã từng nghiêm khắc phê phán mọi biểu hiện của sự sùng bái cá nhân. Trong thư gửi nhà hoạt động chính trị người Đức Wilhelm Blos, Marx đã tuyên bố:

"... Trong thời kì hoạt động của Quốc tế cộng sản, ác cảm với mọi hiện tượng sùng bái cá nhân đã khiến tôi không bao giờ cho công bố rất nhiều thư từ đã làm tôi bực mình vì trong đó chỉ tán dương công trạng của tôi, được gửi đến từ nhiều nước; thậm chí tôi không bao giờ trả lời, chẳng lẽ đáp lại bằng những lời quở trách. Lần đầu tiên Engels và tôi gia nhập hội những người cộng sản bí mật với điều kiện phải xóa bỏ trong điều lệ hết thảy những gì tạo điều kiện cho sự sùng bái uy quyền một cách mê muội (sau này, Lassalle đã hành động hoàn toàn ngược lại)" (Marx & Engels toàn tập, tập XXVI, trang 487-488).

Ít lâu sau, Engels viết:

"Cả Marx và tôi đều luôn chống lại mọi sự biểu dương công khai liên quan đến những cá nhân riêng lẻ, ngoại trừ trường hợp có mục đích cao cả; và nhất là chúng tôi chống lại những biểu dương đối với cá nhân chúng tôi, ngay lúc sinh thời". (Marx & Engels toàn tập, tập XXVIII, trang 385).

Mọi người đều biết đức tính khiêm tốn vĩ đại của thiên tài cách mạng Vladimir Ilich Lenin. Lenin luôn nhấn mạnh và đề cao vai trò của nhân dân, như những người sáng tạo lịch sử, vai trò lãnh đạo và tổ chức của đảng như một cơ thể sống, độc lập, vai trò của BCHTW.

Chủ nghĩa Marx không phủ nhận vai trò của những lãnh tụ giai cấp công nhân trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng.

Đánh giá cao vai trò của những người lãnh đạo và tổ chức quần chúng, Lenin đồng thời đả phá thẳng tay mọi biểu hiện sùng bái cá nhân, đấu tranh không khoan nhượng với mọi quan điểm cách mạng xã hội xa lạ với học thuyết Mac-xit về "anh hùng" và "quần chúng", chống lại mọi ý đồ đưa "anh hùng" đối lập với quần chúng, với nhân dân.

Lenin dạy rằng sức mạnh của đảng nằm trong mối quan hệ không tách rời với quần chúng, rằng đằng sau đảng là nhân dân, bao gồm công nhân, nông dân, trí thức. Lenin nói: "Chỉ có kẻ nào tin tưởng ở nhân dân, chỉ có kẻ nào đắm mình trong nguồn sáng tạo sinh động của nhân dân, kẻ ấy mới có thể chiến thắng và giữ vững được chính quyền" (Lenin toàn tập, tập 26, trang 259).

Lenin tự hào nói về đảng cộng sản của những người bôn-sê-vich, như là người lãnh đạo và người thầy của nhân dân, Lenin kêu gọi đưa mọi vấn đề quan trọng ra bàn luận trước những công nhân giác ngộ và trước đảng của mình; người tuyên bố: "Chúng ta tin tưởng vào đảng, chúng ta thấy trong đó khối óc, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta" (Lenin toàn tập, tập 25, trang 239).

Lenin kiên quyết chống lại mọi mưu toan làm giảm hoặc làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng trong hệ thống nhà nước Sô-viết. Người thiết lập những nguyên tắc bôn-sê-vich cho sự lãnh đạo của đảng và những quy tắc sinh hoạt đảng, người nhấn mạnh lãnh đạo tập thể là nguyên tắc cao nhất trong sự lãnh đạo của đảng. Ngay trong những năm trước cách mạng, Lenin vẫn gọi BCHTW là tập thể của những lãnh đạo, người bảo vệ và diễn giải những nguyên tắc của đảng. Lênin đã chỉ ra: "Trong khoảng thời gian giữa hai kì đại hội, BCHTW diễn giải những nguyên tắc của đảng" (Lenin toàn tập, tập 13, trang 116).

Nhấn mạnh vai trò và quyền hạn của BCHTW, Vladimir Ilich nêu rõ: "BCHTW của chúng ta đã hình thành một nhóm vô cùng tập trung và có uy tín cao..." (Lenin toàn tập, tập 33, trang 443)

Hồi sinh thời Lenin, BCHTW là biểu hiện chân chính cho sự lãnh đạo tập thể của đảng và đất nước. Là một chiến sĩ cách mạng Mac-xit, không bao giờ khoan nhượng trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, song Lenin không bao giờ ép buộc các đồng chí phải phục tùng quan điểm của mình. Người thuyết phục, kiên nhẫn giải thích ý kiến của mình cho các đồng chí. Lenin luôn nghiêm khắc theo dõi việc thực hiện những quy tắc sinh hoạt đảng, tuân thủ điều lệ đảng, kịp thời triệu tập đại hội đảng và hội nghị toàn thể BCHTW.

Bên cạnh những cống hiến vĩ đại cho thắng lợi của giai cấp công nhân và nông dân lao động, cho thắng lợi của đảng ta và sự vận dụng tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học vào thực tiễn, sự sáng suốt của Lenin còn thể hiện trong việc người đã kịp thời phát hiện những phẩm chất tiêu cực của Stalin, mà sau này đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Lo ngại cho tương lai của đảng và nhà nước Sô-viết, V.I. Lenin đã nhận xét hoàn toàn đúng đắn tính cách của Stalin, đồng thời đề ra việc cần phải xem xét vấn đề chuyển Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư, bởi Stalin là người quá thô lỗ, không quan tâm đúng mức đến các đồng chí, tính nết thất thường và lạm dụng quyền lực.

Tháng 12-1922, trong thư gửi đại hội đảng thường kì Vladimir Ilich đã viết:

"Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng chí Stalin đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí sẽ đủ thận trọng để sử dụng quyền lực này".

Bức thư đó - một văn kiện chính trị đặc biệt quan trọng, được biết đến trong lịch sử đảng dưới cái tên "Di chúc" của Lênin - đã được gửi đến các đại biểu của đại hội lần thứ XX kì này. Các đồng chí đã đọc nó và nhiều khả năng sẽ còn đọc đi đọc lại nhiều lần. Các đồng chí hãy lưu ý đến những lời lẽ đơn giản của Lenin trong đó thể hiện mối quan tâm của người về đảng, về nhân dân, về nhà nước và đường lối chính trị của đảng trong giai đoạn tiếp theo.

Vladimir Ilich nói:

"Stalin là người quá thô lỗ và nhược điểm này hoàn toàn có thể chịu đựng được trong quan hệ giữa chúng ta, những người cộng sản, song không thể chấp nhận được trên cương vị tổng bí thư đảng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn, ít thất thường hơn v.v..."

Văn kiện đó của Lenin đã được công bố cho các đại biểu đại hội lần thứ XIII, và khi đó các đại biểu đã thảo luận về vấn đề chuyển Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư. Tuy nhiên, các đại biểu đã biểu quyết duy trì Stalin ở cương vị ấy, hi vọng Stalin sẽ chú ý đến những nhận xét mang tính phê bình của Vladimir Ilich và biết khắc phục những nhược điểm đã khiến Lenin đặc biệt lo ngại.

Thưa các đồng chí! Cần phải báo cáo đại hội về hai tài liệu mới bổ sung cho đánh giá của Lenin về tính cách của Stalin, mà người đã nêu rõ trong Di chúc của mình.

Những tài liệu đó là thư của Nadezhda Konstantinovna Krupskaya gửi cho Kamenev, khi đó đứng đầu Bộ Chính trị, và thư riêng của Vladimir Ilich Lenin gửi Stalin.

Tôi xin đọc các tài liệu nói trên:

1. Thư của Krupskaya: "Lev Borisych, chỉ vì một lá thư ngắn mà bác sĩ đã cho phép Vladimir Ilich đọc cho tôi viết, ngày hôm qua Stalin đã hành xử một cách thô bạo nhất đối với tôi. Tôi là thành viên của đảng không phải mới chỉ một ngày. Trong suốt 30 năm, tôi chưa hề nghe một đồng chí nào có một lời nào thô lỗ với tôi, mối quan tâm về đảng cũng như về Ilich của tôi hoàn toàn không kém hơn so với Stalin. Lúc này, tôi cần tự chủ cực độ. Điều gì có thể và điều gì không thể nói với Ilich, tôi là người hiểu rõ hơn mọi bác sĩ, bởi vì tôi biết điều gì làm người quan ngại, điều gì không, trong mọi trường hợp, còn rõ hơn Stalin. Tôi viết thư này đến đồng chí và đồng chí Grigory - là những đồng chí gần gũi nhất của Ilich - và tôi đề nghị bảo vệ tôi khỏi sự can thiệp thô bạo vào đời tư của tôi, những mắng chửi và đe dọa vô liêm sỉ. Tôi không mảy may nghi ngờ về cái quyết định thống nhất của ủy ban kiểm tra mà Stalin đem ra để dọa dẫm tôi, nhưng tôi chẳng còn sức lực và thời gian đâu mà dành cho cái trò cãi vã ngu xuẩn này. Tôi cũng là người và thần kinh của tôi đã căng thẳng đến mức tới hạn. N. Crupskaya".

Nadezhda Konstantinovna viết bức thư này vào ngày 23-12-1922. Hai tháng rưỡi sau, tháng 3-1923, Vladimir Ilich Lenin gửi đến Stalin bức thư sau:

2. Thư của Lenin. "Kính gửi đồng chí Stalin, sao gửi đồng chí Kamenev và Zinovyev. Đồng chí Stalin kính mến, Đồng chí đã hành xử thô lỗ khi gọi điện để mắng chửi vợ tôi. Mặc dù vợ tôi đã đồng ý với đồng chí sẽ bỏ qua chuyện này, tuy nhiên, sự việc là hai đồng chí Zinovyev và Kamenev đã biết chuyện này qua vợ tôi. Tôi không có ý định bỏ qua một cách dễ dàng những hành động chống lại tôi, và chẳng cần nói ra, thì những gì chống lại vợ tôi cũng coi như chống lại tôi. Vì thế, tôi yêu cầu đồng chí cân nhắc việc rút lại những lời đã nói và có lời xin lỗi, hoặc đoạn tuyệt mọi quan hệ giữa chúng ta (Xôn xao trong phòng họp). Kính thư. Lenin, 5-3-1923".

Thưa các đồng chí! Tôi xin miễn bình luận những tài liệu nói trên. Tự thân nó đã nói lên tất cả. Nếu như Stalin đã có thể hành xử như thế ngay từ sinh thời Lenin, đặc biệt là cư xử như thế với Nadezhda Konstantinovna Krupskaya, người mà đảng ta ai cũng biết rõ và đánh giá cao như người bạn trung thành của Lenin, một chiến sĩ tích cực đấu tranh vì sự nghiệp của đảng ta ngay từ thời mới khai sinh, thì có thể hình dung thái độ của Stalin đối với những người khác. Những phẩm chất tiêu cực ấy của Stalin ngày càng phát triển đến mức hoàn toàn không thể chịu đựng nổi trong những năm cuối đời của đồng chí ấy.

Những sự kiện xảy ra sau này đã chứng tỏ mối quan ngại của Lenin hoàn toàn có cơ sở: trong giai đoạn đầu sau khi Lenin qua đời, Stalin còn chú trọng đến những chỉ thị của Lenin, nhưng càng về sau Stalin càng không thèm đếm xỉa đến những khuyến cáo của Vladimir Ilich.

Nếu phân tích thực tiễn lãnh đạo đảng và đất nước của Stalin, suy gẫm về toàn bộ những gì Stalin đã vi phạm, chúng ta càng khẳng định những lo ngại của Lenin vô cùng đúng đắn. Các phẩm chất tiêu cực của Stalin, chỉ mới hình thành hồi sinh thời Lenin, vào những năm cuối cùng đã phát triển thành sự lạm dụng nghiêm trọng quyền lực tập trung trong tay Stalin, là nguyên nhân của những tổn thất không sao kể xiết cho đảng ta.

Chúng ta cần nghiêm túc xem xét và phân tích một cách đúng đắn vấn đề này, nhằm loại bỏ mọi khả năng tái diễn dưới bất kì hình thức nào những việc tương tự đã xảy ra dưới thời Stalin, một người đã thể hiện tinh thần hoàn toàn bất phục tùng tính tập thể trong lãnh đạo và trong công việc, đã sử dụng bạo lực trắng trợn để đàn áp không những đối với những quan điểm đối lập, mà còn đối với tất cả những gì bị coi là không phù hợp với quan điểm của mình, do tính khí thất thường và độc đoán. Stalin không dùng phương pháp thuyết phục, giải thích, hợp tác kiên nhẫn, mà dùng biện pháp áp đặt quan điểm của mình, đòi hỏi mọi người phải phục tùng vô điều kiện. Ai dám chống lại và tìm cách chứng tỏ quan điểm của mình, sự đúng đắn của minh, kẻ đó sẽ bị loại trừ khỏi tập thể lãnh đạo và sau đó sẽ bị hủy diệt về mặt tinh thần và thể xác. Điều này đặc biệt nghiêm trọng vào thời kì sau đại hội lần thứ XVII, khi rất nhiều nhà hoạt động xuất sắc trung thực của đảng, trung thành với sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, và hàng loạt các đảng viên nòng cốt đã là nạn nhân của sự bạo ngược của Stalin.

Phải nói rằng, đảng đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại phe Trotskist, hữu khuynh và tư sản quốc gia, đã đập tan về mặt tư tưởng mọi kẻ thù của chủ nghĩa Lenin. Cuộc đấu tranh tư tưởng này đã thành công, từ đó đảng ta ngày càng được củng cố và tôi luyện. Và trong đó Stalin đã đóng một vai trò tích cực.

Đảng đã tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị quyết liệt chống lại những kẻ trong hàng ngũ đảng tuyên truyền các tư tưởng phi Lenin, đi theo đường lối chính trị thù địch chống lại đảng và sự nghiệp chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc tranh đấu bền bỉ, khó khăn, song vô cùng cần thiết, bởi lập trường chính trị của bè lũ Trotskist-Zinovyev cũng như Bukharin, về bản chất dẫn đến tái lập chủ nghĩa tư bản và đầu hàng tư sản thế giới. Chúng ta thử tưởng tượng, nếu như vào thời kì 1928-1929, đường lối chính trị của bọn hữu khuynh, chủ trương thuyết "ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ ", hướng về bọn địa chủ, v.v... thắng thế thì kết quả sẽ ra sao? Ngày nay, chúng ta làm gì có được nền công nghiệp nặng lớn mạnh, làm gì có được các hợp tác xã, chúng ta bị yếu thế và bị giải giáp trước sự bao vây của chủ nghĩa tư bản.

Đó là lí do vì sao đảng đã tiến hành đấu tranh không khoan nhượng từ quan điểm ý thức hệ, giải thích cho tất cả đảng viên và quần chúng ngoài đảng hiểu rõ tác hại và mức độ nguy hiểm của những quan điểm phi Lenin của phe đối lập Trotskist và bọn hữu khuynh cơ hội. Và nhiệm vụ trọng đại trong việc diễn giải đường lối của đảng đã gặt hái được những thành quả: phe Trotskist, phe hữu khuynh cơ hội đã bị cô lập về chính trị, đại đa số đảng viên ủng hộ đường lối của Lenin, và đảng đã thành công trong việc thúc đẩy và tổ chức nhân dân lao động vận dụng vào thực tiễn đường lối của Lenin và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cần lưu ý tình huống, ngay trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh về ý thức hệ chống lại phe Trotskist, Zinovyev, Bukharin và các phái khác, đảng không áp dụng biện pháp đàn áp đối với chúng.

Cuộc đấu tranh diễn ra trên cơ sở ý thức hệ. Nhưng vài năm sau, khi chủ nghĩa xã hội cơ bản đã được xây dựng ở nước ta, khi các giai cấp bóc lột cơ bản đã bị xóa sạch, khi cơ cấu xã hội Sô-viết đã thay đổi tận gốc rễ, khi nền tảng xã hội cho sự ra đời những đảng phái, những khuynh hướng và các nhóm chính trị phản động giảm thiểu đến mức tối đa, khi những đối thù tư tưởng của đảng đã bị đập tan về mặt chính trị từ nhiều năm về trước - khi ấy, những cuộc đàn áp lại bắt đầu được khơi dậy.

Chính trong giai đoạn này (1936-1937-1938) đã xảy ra tình trạng đàn áp hàng loạt bằng công cụ bộ máy nhà nước, lúc đầu để chống lại kẻ thù của chủ nghĩa Lenin - bọn Trostskist, Zinovyev, Bukharin, những kẻ đã bị đảng đánh bại về mặt chính trị từ lâu; nhưng về sau là để đàn áp nhiều người cộng sản chân chính, những cán bộ đảng từng mang trên vai gánh nặng của cuộc nội chiến, của những năm đầu khó khăn nhất trong thời kỳ công nghiệp hóa, tập thể hóa, những người đã tích cực đấu tranh chống bọn Trostkist và hữu khuynh để bảo vệ đường lối Lê-nin-nit của đảng.

Stalin đề xướng khái niệm "kẻ thù của nhân dân". Thuật ngữ này lập tức loại trừ sự cần thiết phải chứng minh những sai lầm về tư tưởng của từng cá nhân hay đoàn thể bất đồng chính kiến. Nó tạo điều kiện cho việc phá vỡ mọi chuẩn mực của nền pháp chế cách mạng, áp dụng những biện pháp đàn áp tàn bạo nhất với bất kì ai không đồng tình với Stalin trong bất kì vấn đề nào, với những người bị nghi ngờ có ý đồ, cũng như với những người bị vu khống là có ý đồ chuẩn bị các hoạt động thù địch. Khái niệm "kẻ thù của nhân dân" về bản chất đã loại bỏ khả năng tiến hành bất kì một cuộc đấu tranh tư tưởng nào, hoặc ngăn cản người khác không được phát biểu ý kiến về một vấn đề nhất định, kể cả những vấn đề có giá trị thực tiễn. Trái ngược với mọi chuẩn mực của khoa học pháp lí hiện đại, bằng chứng chủ yếu và duy nhất để buộc tội, theo thực tế hồ sơ, chỉ dựa vào lời "thú tội" của bị cáo, trong khi đó kết quả thẩm tra sau này đã cho thấy, bằng biện pháp nhục hình tra tấn, người ta đã cưỡng bức bị cáo phải nói lời "thú tội".

Điều này dẫn đến sự vi phạm nghiêm trọng pháp chế cách mạng, và nhiều người hoàn toàn vô tội, trong quá khứ từng bảo vệ đường lối của đảng, đã trở thành nạn nhân.

Phải nói rằng ngay cả đối với những người trước kia đã từng chống lại đường lối của đảng, thường thì cũng không có đầy đủ cơ sở để tiêu diệt họ. Và cái công thức "kẻ thù của nhân dân" đã được áp dụng để làm luận cứ sát hại những người này.

Một thực tế là nhiều người bị thanh trừng như kẻ thù của đảng và nhân dân trước đây đã từng cộng tác với Lenin. Một số người trong đó, hồi sinh thời Lenin, đã từng phạm những sai lầm, nhưng Lenin, dẹp bỏ mọi định kiến, vẫn sử dụng họ, cố gắng uốn nắn, giúp họ sửa chữa sai lầm và tìm mọi cách giữ họ lại trong hàng ngũ đảng, thuyết phục họ đi theo lẽ phải của mình.

Liên quan đến vấn đề này, mời các đại biểu đại hội tham khảo nội dung một bức thư chưa được công bố, do V.I. Lenin gửi Bộ Chính trị BCHTW vào tháng 10-1920. Xác định nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra, Lenin nói ủy ban này phải thực sự là một "cơ quan biểu tượng cho lương tri của đảng và của giai cấp vô sản".

"Gánh vác nhiệm vụ hết sức đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra cần quan tâm đến từng cá nhân, thậm chí phải coi mình như một liều thuốc chữa bệnh đối với các đại diện phe đối lập, những người bị khủng hoảng tinh thần sau những thất bại của họ trong Sô-viết hay trong đảng. Cần phải cố gắng an ủi họ, giải thích cho họ hiểu vấn đề trên tình đồng chí, tìm cho họ (tránh hình thức ra lệnh) một công tác phù hợp với tính cách tâm lí của họ, phải tư vấn và chỉ thị về vấn đề này cho Ban Tổ chức Trung ương v.v..."

Mọi người chúng ta đều biết Lenin không có thái độ khoan nhượng với những đối thủ về ý thức hệ của chủ nghĩa Mac-xit, với những ai đi sai đường lối đúng đắn của đảng. Đồng thời, theo tài liệu được trích dẫn nói trên, trong thực tế lãnh đạo đảng, Lenin đòi hỏi đảng phải quan tâm sâu sắc với những ai còn do dự hoặc chưa đồng tình với đường lối của đảng, nhưng sau này có thể quay lại với đường lối của đảng. Lenin khuyên nhủ phải kiên nhẫn cải tạo những người này, tránh áp dụng những biện pháp cực đoan.

Sự sáng suốt của Lenin trong quan hệ với con người đã thể hiện rất rõ trong công tác với các cán bộ đảng.

Cách tiếp cận với con người hoàn toàn trái ngược chính là tính cách đặc trưng của Stalin. Cách thức của Lenin - kiên nhẫn cộng tác, kiên trì và nhẹ nhàng cải tạo, thuyết phục không áp dụng cưỡng chế mà tác động tư tưởng thông qua tập thể đảng - hoàn toàn xa lạ với Stalin. Stalin đã bác bỏ phương pháp thuyết phục và giáo dục của Lenin, chuyển từ hình thức đấu tranh tư tưởng và sang biện pháp cưỡng chế hành chính, đàn áp và khủng bố hàng loạt. Thông qua bộ máy cơ quan an ninh, Stalin ngày càng lộng hành trên diện rộng và liên tục kéo dài, thường xuyên chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo lí và luật pháp Sô-viết.

Sự chuyên quyền của một cá nhân đã lôi kéo và cho phép sự chuyên quyền của những kẻ khác. Những vụ bắt bớ và lưu đày hàng nhiều ngàn con người, hành quyết không cần xét xử tại tòa án và không qua điều tra thông thường đã tạo nên tâm trạng bất an, sợ hãi, thậm chí khiếp đảm cho mọi người.

Điều này, không những không củng cố sự đoàn kết trong hàng ngũ đảng và mọi tầng lớp nhân dân lao động; trái lại, còn dẫn đến việc thủ tiêu và khai trừ khỏi đảng nhiều cán bộ trung kiên, chỉ vì họ không được lòng Stalin.

Đảng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh để vận dụng vào thực tiễn những kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lenin. Đây là cuộc đấu tranh về ý thức hệ. Nếu như trong cuộc đấu tranh này, phương pháp tiếp cận của Lenin được thực hiện, sự phối hợp hài hòa của tính nguyên tắc và mối quan tâm chăm sóc con người, nguyện vọng không bị gạt bỏ, không loại bỏ con người mà tìm cách lôi kéo họ về phía ta, có lẽ chúng ta đã không gặp phải sự vi phạm thô bạo nền pháp chế cách mạng như thế, sự áp dụng các phương pháp khủng bố đối với hàng vạn con người như thế. Lẽ ra, những biện pháp cực đoan chỉ được áp dụng đối với những kẻ thực sự có tội ác chống phá chế độ Sô-viết.

Chúng ta hãy tham khảo một vài sự kiện lịch sử.

Trong những ngày trước cách mạng tháng Mười, hai ủy viên BCHTW đảng bôn-sê-vich, Kamenev và Zinovyev đã phản đối kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Lenin. Ngoài ra, ngày 18-10 họ lại đăng trên tờ "Cuộc sống mới" của phái men-sê-vich tuyên bố của họ về việc đảng bôn-sê-vich đang chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang mà họ coi là hành động phiêu lưu mạo hiểm. Kamenev và Zinovyev đã tiết lộ cho kẻ thù nghị quyết của BCHTW về cuộc khởi nghĩa, về việc tổ chức khởi nghĩa trong thời gian rất gần.

Đó là hành động phản bội lại sự nghiệp của đảng, sự nghiệp cách mạng. Về vấn đề này, Lenin đã viết: "Kamenev và Zinovyev đã trao cho Rodzianko và Kerensky nghị quyết của BCHTW về khởi nghĩa vũ trang..." (Lenin toàn tập, tập 26, trang 194). Người đã đề nghị BCHTW khai trừ Kamenev và Zinovyev ra khỏi đảng.

Nhưng sau thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, ta đều biết Kamenev và Zinovyev vẫn được giữ các chức vụ lãnh đạo. Lenin đã đưa họ vào những cương vị ấy để họ hoàn thành những nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà đảng giao phó, tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo các tổ chức đảng và Sô-viết. Zinovyev và Kamenev, hồi sinh thời Lenin, còn phạm hàng loạt sai lầm khác không kém phần nghiêm trọng. Trong Di chúc của mình, Lênin đã nhắc nhở "biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev tất nhiên không phải là tình cờ". Tuy vậy, Lenin không đặt vấn đề bắt giam họ và tất nhiên, lại càng không có chuyện xử bắn họ.

Hoặc ví dụ về phe Trotskist. Ngày nay, sau một giai đoạn lịch sử tương đối dài, chúng ta có thể hoàn toàn bình tĩnh nói về cuộc đấu tranh chống phe Trotskist và có thể phân tích vấn đề một cách khách quan. Không thể liệt những người xung quanh Trotsky vào thành phần tư sản. Một phần trong số họ là đảng viên trí thức và một số khác là đảng viên công nhân. Có thể nêu tên hàng loạt những người, đã từng trong phe Trotskist, nhưng trước và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, họ đã tham gia tích cực vào phong trào công nhân, và sau đó còn đấu tranh củng cố thành quả cách mạng vĩ đại này. Nhiều người trong số họ đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa Trotsky và quay lại lập trường Lenin. Thử hỏi có cần thiết phải tiêu diệt họ hay không? Chúng ta tin chắc nếu Lenin còn sống, tuyệt đối những biện pháp cực đoan không bao giờ được áp dụng.

Đấy chỉ là một vài sự kiện lịch sử. Phải chăng có thể nói Lenin đã không kiên quyết áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất đối với kẻ thù cách mạng, khi quả thực điều đó là cần thiết? Không, không ai có thể nói thế. Vladimir Ilich đòi hỏi không được thỏa hiệp với kẻ thù của cách mạng và của giai cấp công nhân, và khi cần thiết, sẽ thẳng tay áp dụng những biện pháp cứng rắn không khoan nhượng. Hãy nhớ lại Lenin đã chiến đấu như thế nào với bọn cách mạng xã hội khi chúng tổ chức nổi dậy chống chính quyền Sô-viết, hay với phong trào phản cách mạng năm 1918 của bọn địa chủ; khi đó, Lenin đã không ngần ngại áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất đối với kẻ thù. Nhưng Lenin chỉ dùng các biện pháp này để chống lại những kẻ thù giai cấp thực sự, không phải đối với những người lầm đường lạc lối, còn có thể cải tạo bằng giáo dục tư tưởng, thậm chí sau đó còn có thể đặt họ vào các cương vị lãnh đạo.

Lenin chỉ sử dụng những biện pháp nghiêm khắc trong những trường hợp cần thiết nhất, khi giai cấp bóc lột còn tồn tại và điên cuồng chống phá cách mạng, khi cuộc đấu tranh "một mất một còn" không thể nào tránh khỏi những hình thức gay gắt nhất, kể cả nội chiến. Ngược lại, Stalin đã áp dụng những biện pháp cực đoan, đàn áp hàng loạt khi cách mạng đã thắng lợi, khi nhà nước Sô-viết đã được củng cố, khi giai cấp bóc lột đã bị xóa sạch, khi quan hệ xã hội chủ nghĩa đã bén rễ ở mọi ngành của nền kinh tế quốc dân, khi đảng ta đã vững mạnh về phương diện chính trị, phát triển về số lượng và được tôi luyện về ý thức hệ. Rõ ràng, trong hàng loạt các trường hợp, Stalin đã bộc lộ tính cách thiếu kiên nhẫn, thô lỗ, lạm dụng quyền lực. Thay vì chứng tỏ đường lối chính trị đúng đắn của mình và động viên quần chúng, Stalin lại chọn phương cách đàn áp và thủ tiêu, không chỉ với kẻ thù thực sự mà còn đối với những người không hề có một tội ác nào chống lại đảng hay chính quyền Sô-viết. Không hề có một chút sáng suốt nào ngoài sự biểu hiện quyền lực thô bạo mà trước đây V.I. Lenin đã từng quan ngại.

Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi băng nhóm Beria bị vạch mặt, BCHTW đã xem xét lại hàng loạt hồ sơ mà bọn chúng đã ngụy tạo ra. Kết quả đã phát hiện một bức tranh kinh hoàng của thể chế chuyên quyền, liên quan mật thiết đến hành động sai trái của Stalin. Các sự kiện đã chứng tỏ, khi sử dụng quyền lực vô hạn của mình, Stalin đã nhân danh BCHTW mà không hỏi ý kiến các ủy viên BCHTW, thậm chí, không hỏi ý kiến các ủy viên Bộ Chính trị, thường xuyên không cho họ biết về những quyết định cá nhân về các vấn đề vô cùng hệ trọng của đảng và của nhà nước.

Xem xét vấn đề sùng bái cá nhân, trước hết chúng ta cần làm rõ nó gây tổn thất cho đảng ta đến mức nào.

Vladimir Ilich Lenin luôn nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của đảng trong việc lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa của công nhân và nông dân, coi đó là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nêu rõ trọng trách của đảng bôn-sê-vich, là đảng lãnh đạo nhà nước Sô-viết, Lenin kêu gọi triệt để tuân thủ quy tắc sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập thể trong lãnh đạo đảng và nhà nước.

Sự lãnh đạo tập thể xuất phát từ bản chất của đảng ta, được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Lenin nói: "Điều này có nghĩa là tất cả mọi vấn đề của đảng, trực tiếp hoặc thông qua những người đại diện, đều phải do mọi đảng viên thực hiện, không trừ một ai, trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi; trong đó, tất cả những cá nhân có chức vụ, những tập thể lãnh đạo, những cơ quan đảng đều được bầu chọn, được báo cáo thông qua, có thể thay thế". (Lenin toàn tập, tập 11, trang 396.)

Mọi người đều biết, bản thân Lenin luôn nêu tấm gương triệt để tuân thủ những nguyên tắc nói trên. Lenin không tự mình quyết định bất kỳ một vấn đề quan trọng nào mà không bàn bạc và không nhận được sự đồng tình của đa số các ủy viên BCHTW hay Bộ Chính trị.

Trong thời kỳ khó khăn nhất của đảng ta và của đất nước, Lenin cho rằng cần thiết phải triệu tập định kì đại hội, hội nghị của đảng, hội nghị toàn thể BCHTW để thảo luận những vấn đề quan trọng nhất và thông qua những nghị quyết được tập thể lãnh đạo soạn thảo và xem xét.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại năm 1918, khi đất nước bị hiểm họa tư bản nước ngoài can thiệp. Trong điều kiện ấy, đại hội lần thứ VII được triệu tập để thảo luận một vấn đề sống còn và cấp bách - vấn đề hòa bình. Năm 1919, vào thời điểm khốc liệt của cuộc nội chiến, đại hội lần thứ VIII được triệu tập để thông qua cương lĩnh mới của đảng, trong đó giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như vấn đề liên quan đến quần chúng nông dân, về xây dựng lực lượng Hồng quân, về vai trò lãnh đạo của đảng trong các Sô-viết, về cải thiện thành phần xã hội của đảng v.v... Năm 1920, đại hội lần thứ IX được triệu tập để xác định nhiệm vụ của đảng và đất nước trong xây dựng kinh tế. Năm 1921 tại đại hội lần thứ X đã thông qua chính sách kinh tế mới do Lenin khởi thảo và nghị quyết có tầm quan trọng lịch sử "Về sự thống nhất của đảng".

Hồi sinh thời Lenin, các đại hội của đảng đều được triệu tập định kì, tại mỗi thời điểm bước ngoặt của quá trình phát triển đảng và đất nước, Lenin nhận thấy tuyệt đối cần thiết phải thảo luận rộng rãi trong toàn đảng về các vấn đề gốc rễ của chính sách đối nội và đối ngoại, vấn đề xây dựng đảng và nhà nước.

Một điều rất đặc trưng là những bài báo, những thư từ và ghi chép cuối đời của Lenin đều hướng về đại hội đảng như cơ quan tối cao của đảng. Trong thời gian giữa hai kì đại hội, BCHTW là tập thể lãnh đạo lãnh đạo có uy tín nhất, triệt để tuân thủ những nguyên tắc của đảng và vận dụng chính sách của đảng vào hiện thực.

Đảng đã hoạt động như thế trong thời kì Lenin còn sống.

Phải chăng những nguyên tắc thiêng liêng của đảng vẫn còn được tuân thủ sau khi Lenin mất đi?

Nếu như trong những năm đầu sau khi Lenin mất, các kì đại hội và hội nghị toàn thể BCHTW vẫn còn được triệu tập tương đối đều đặn, thì sau này, khi Stalin bắt đầu ngày càng lạm dụng quyền lực, những nguyên tắc đó bị vi phạm trắng trợn. Điều này đặc biệt rõ rệt trong 15 năm cuối đời của Stalin. Chẳng lẽ có thể coi là sự kiện bình thường khi đại hội XVIII và đại hội XIX được triệu tập cách nhau 13 năm, trong khoảng thời gian ấy đảng và đất nước ta đã trải qua biết bao nhiêu biến cố? Những sự kiện đó đòi hỏi đảng phải thông qua những nghị quyết về vấn đề quốc phòng trong chiến tranh vệ quốc và vấn đề xây dựng đất nước thời bình trong những năm sau chiến tranh. Vậy mà, ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc, hơn bảy năm sau mới có một đại hội đảng được triệu tập.

Hội nghị toàn thể BCHTW thì hầu như không được tiến hành. Đủ cơ sở để nói rằng trong những năm xảy ra chiến tranh vệ quốc, thực tế không một hội nghị toàn thể BCHTW nào được triệu tập. Đúng hơn, đã có ý định triệu tập hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng 10-1941, khi các ủy viên BCHTW được mời về Moskva từ mọi miền đất nước. Trong hai ngày họ chờ đợi hội nghị khai mạc, nhưng chỉ hoài công. Stalin thậm chí không muốn gặp gỡ và trao đổi ý kiến với các ủy viên BCHTW. Thực tế này chứng tỏ trong những tháng đầu xảy ra chiến tranh, Stalin đã có tâm trạng nao núng và cũng chứng tỏ Stalin vô cùng trịch thượng và khinh thường các ủy viên BCHTW.

Thực tế này đã phản ảnh việc Stalin không thèm đếm xỉa đến quy tắc sinh hoạt đảng, chà đạp lên những nguyên tắc Lê-nin-nit trong lãnh đạo tập thể của đảng.

Sự chuyên quyền của Stalin đối với đảng, đối với BCHTW đã biểu lộ hoàn toàn rõ rệt sau đại hội lần thứ XVII của đảng vào năm 1934.

Thu thập được nhiều số liệu chứng tỏ sự chuyên quyền trắng trợn đối với các cán bộ đảng, BCHTW đã lập ra một ủy ban, hoạt động dưới sự kiểm soát của Đoàn chủ tịch BCHTW, nhằm nghiên cứu những nguyên nhân đã gây nên các vụ đàn áp hàng loạt đối với đa số thành viên chính thức và dự khuyết của BCHTW do đại hội nghị lần thứ XVII bầu ra.

Ủy ban này, trong quá trình tiếp cận một số lượng lớn tài liệu trong kho lưu trữ của Ủy ban nhân dân đặc trách nội vụ (NKVD) và các tư liệu khác, đã phát hiện nhiều sự kiện làm giả hồ sơ chống lại người cộng sản, những buộc tội dối trá, vi phạm trắng trợn pháp chế xã hội chủ nghĩa, hậu quả là nhiều người vô tội bị sát hại. Rõ ràng, nhiều cán bộ của đảng, của Sô-viết, của các ngành kinh tế, bị cáo buộc là "kẻ thù của nhân dân" trong những năm 1937-1938, thực ra chưa bao giờ là kẻ thù, là gián điệp, là kẻ phá hoại v.v... mà bản chất là những người cộng sản chân chính bị vu khống, và thường thì, do không chịu nổi những đòn tra tấn dã man thú vật, đã tự gán cho mình (theo lệnh của an ninh điều tra chuyên làm hồ sơ giả) những tội tày đình và vô lí nhất. Ủy ban đã đệ trình Đoàn chủ tịch BCHTW bộ tài liệu đồ sộ về các vụ đàn áp hàng loạt đối với các đại biểu đại hội lần thứ XVII và các ủy viên BCHTW do đại hội đó bầu ra. Đoàn chủ tịch BCHTW đã xem xét tư liệu trên.

Điều tra cho thấy 98 người trong số 139 ủy viên chính thức và dự khuyết BCHTW do đại hội lần thứ XVII bầu ra, nghĩa là tỉ lệ 70%, đã bị bắt giam và bị xử bắn (phần lớn vào những năm 1937-1938). (Xôn xao công phẫn trong phòng họp.)

Thử xem thành phần đại biểu đại hội lần thứ XVII gồm những ai? Được biết 80% đại biểu có quyền biểu quyết tại đại hội lần thứ XVII đã gia nhập đảng vào những năm hoạt động cách mạng bí mật và trong thời kì nội chiến, nghĩa là trước năm 1920. Về thành phần xã hội, số lượng cơ bản đại biểu đại hội (60% số đại biểu có quyền bỏ phiếu) là công nhân.

Vì thế hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi một đại hội với thành phần như thế lại có thể bầu ra BCHTW mà đa số ủy viên là kẻ thù của đảng! Chỉ có thể là do hậu quả của việc các chiến sĩ cộng sản trung kiên bị vu khống dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, khiến pháp chế cách mạng bị chà đạp một cách quái gở, 70% ủy viên chính thức và dự khuyết của BCHTW do đại hội lần thứ XVII bầu ra bị tố cáo là kẻ thù của đảng và của nhân dân!

Không chỉ những ủy viên BCHTW, mà đa số đại biểu đại hội lần thứ XVII cũng chịu chung số phận như thế. Trong số 1966 đại biểu chính thức có quyền biểu quyết, 1108 người - nghĩa là hơn một nửa số đại biểu - bị bắt và bị kết tội phản cách mạng. Chỉ cần một sự kiện cũng đủ nói lên tính chất phi lí, man rợ, mâu thuẫn với mọi suy nghĩ lành mạnh của những cáo buộc về tội "phản cách mạng", giờ đây mới được làm sáng tỏ, được gán cho đa số đại biểu đại hội lần thứ XVII. (Xôn xao phẫn nộ trong phòng họp.)

Cần ghi nhớ, đại hội lần thứ XVII đã đi vào lịch sử như một "đại hội của những người chiến thắng". Các đại biểu được bầu chọn đi dự đại hội là những thành viên tích cực của công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhiều người trong số họ đã đấu tranh quên mình cho sự nghiệp của đảng trong những năm trước cách mạng, trong hoạt động bí mật và ngoài mặt trận trong thời nội chiến, họ đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù và nhiều lần đối mặt với cái chết mà không hề nao núng. Làm sao có thể tin được những con người như thế lại là những "kẻ hai mặt", đứng vào hàng ngũ kẻ thù của phe chủ nghĩa xã hội, vào cái thời kì mà phe Zinovyev, Trotskist, hữu khuynh đã bị đập tan về mặt chính trị, vào cái thời kì sau thắng lợi vĩ đại của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa?

Đó là hậu quả của việc Stalin đã lạm dụng quyền lực, áp dụng biện pháp khủng bố hàng loạt đối với các cán bộ đảng.
Vì sao đàn áp hàng loạt đối với những đảng viên tích cực ngày càng mạnh mẽ hơn sau đại hội đảng lần thứ XVII? Bởi vì trong thời kì đó, Stalin đã tự đặt mình lên địa vị tối cao trước đảng và nhân dân, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến BCHTW hay đảng nữa. Thời kì trước đại hội lần thứ XVII, Stalin còn tôn trọng ý kiến tập thể, nhưng sau khi phe Trotskist, Zinovyev, Bukharin đã bị đập tan hoàn toàn về mặt chính trị, khi sự đoàn kết của đảng, đoàn kết của nhân dân đã được củng cố nhờ cuộc đấu tranh này đã đạt được thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, thì Stalin ngày càng không thèm đếm xỉa đến các ủy viên BCHTW, thậm chí các ủy viên Bộ Chính trị. Stalin cho rằng từ nay tự mình có thể định đoạt được tất cả mọi việc và những người còn lại chỉ cần đến như những "bù nhìn" mà thôi, và đối xử với mọi người như thể họ chỉ có mỗi một nhiệm vụ là tuân lệnh và tán dương mình.

Sau vụ ám sát dã man S.M. Kirov, những cuộc đàn áp hàng loạt và những vi phạm trắng trợn pháp chế xã hội chủ nghĩa bắt đầu diễn ra. Tối ngày 1-12-1934, theo sáng kiến của Stalin (không có quyết định của Bộ Chính trị - chỉ lấy ý kiến Bộ Chính trị một cách hình thức sau đó hai ngày), bí thư Đoàn chủ tịch BCHTW Enukidze đã ký một nghị quyết như sau:

"1) Các cơ quan điều tra phải xúc tiến hồ sơ đối với những kẻ bị kết tội chuẩn bị hoặc tiến hành các hành động khủng bố; 2) Các cơ quan tư pháp không được trì hoãn việc thi hành các án tử hình vì cớ muốn xét lại để ân xá đối với những bị cáo thuộc loại này, bởi Đoàn chủ tịch BCHTW Liên Xô sẽ không chấp nhận việc xem xét đơn ân xá như thế; 3) Các cơ quan của Ủy ban nhân dân đặc trách nội vụ phải thi hành tức khắc các bản án tử hình đối với can phạm thuộc loại nói trên".

Nghị quyết này là cơ sở của hàng loạt vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều hồ sơ điều tra ngụy tạo, các bị cáo bị buộc tội "chuẩn bị" những hành động khủng bố; nghị quyết nói trên đã loại bỏ mọi khả năng thẩm tra lại hồ sơ, cho dù trước tòa họ đã chối bỏ những lời "thú tội" do bị ép cung và đã phủ nhận một cách xác đáng mọi cáo buộc về tội danh của họ.

Phải nói rằng tới nay, trong tình huống liên quan đến vụ ám sát đồng chí Kirov ẩn chứa nhiều điều khó hiểu và bí mật, đòi hỏi phải điều tra thật kĩ càng. Có cơ sở để nghĩ là Nikolaev - kẻ ám sát Kirov - đã được một trong những người bảo vệ Kirov tiếp tay. Một tháng rưỡi trước ngày xảy ra vụ ám sát, Nikolaev bị bắt vì có hành động "khả nghi", nhưng sau đó được thả ra, thậm chí cũng không bị khám xét gì cả. Đặc biệt đáng nghi ngờ hơn nữa là chuyện một Chekist, thuộc đội bảo vệ Kirov, bị "tai nạn" xe chết trên đường đi lấy khẩu cung ngày 2-12-1934, trong khi những người áp giải cùng xe lại không hề hấn gì! Sau vụ ám sát Kirov, những cán bộ lãnh đạo NKVD thành phố Leningrad bị cách chức và bị xử rất nhẹ, nhưng đến năm 1937 họ đều bị xử bắn. Có thể giả thiết, người ta đã xử bắn họ sau đó hòng xóa sạch mọi dấu vế

Về tệ sùng bái nhân và những hậu quả của nó



No comments:

Post a Comment