Mỗi con người ai cũng có lý tưởng, khát khao cống hiến cho Tổ quốc và nhân loại cho đồng bào và dân tộc của mình. Một gia đình, một tổ chức là một tế bào của xã hội, mỗi cá nhân là một tế bào trong mỗi tổ chức phải cống hiến trí tuệ, công sức và tài chính (nếu có) để xây dựng và phát triển hoạt động của luật sư và nghề luật sư. Vậy, sự đóng góp ấy như thế nào? Những người hành nghề luật sư nếu chỉ nêu lên thực trạng, những bất cập, những khó khăn trong khi hành nghề luật sư nói chung và sự khó khăn của mỗi luật sư nói riêng là không đủ và chưa đúng. Những vấn đề ta nêu lên chỉ là những hiện tượng đã và đang xảy ra. Cái chúng ta cần phải xác định đó là:
1. Chúng ta gặp vấn đề gì?
2. Vấn đề đó tác động đến ai?
3. Khi nào thì ta gặp vấn đề?
4. Ta gặp vấn đề đó ở đâu?
5. Tại sao ta lại gặp vấn đề?
6. Và, chúng ta giải quyết vấn đề đó ra sao?
Khi làm rõ được 6 điểm quan trọng trên thì việc đề xuất kiến nghị xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nghề luật sư mới có hiệu quả thực tế.
Mấy ngày nay, Báo chí truyền thông, cư dân mạng xoay quanh phát biểu quan điểm của luật sư Võ An Đôn "luật sư giàu phải chạy án" (xem báo tuổi trẻ ngày 05.10.2015 của nhà báo Hoàng Linh). Từ quan điểm của một "tế bào thực thể" trong tổ chức nghề luật sư sẽ đưa đến hậu quả như thế nào? Dù thực tế việc chạy có đi chăng nữa. Nhưng, nếu quan điểm ấy không mang tính chất xây dựng mà chỉ là sự thể hiện cái tôi hay nhằm chỉ trích một bộ phận liên quan trong hoạt động nghề luật sư nó sẽ để lại hậu quả không lường, thậm chí nếu nâng quan điểm lên sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Quan điểm của Luật sư Võ An Đôn |
Khoan hãy nói quan điểm của luật sư Võ An Đôn đúng hay sai mà chúng ta hãy suy nghĩ đến cái chung cuộc. Sau khi luật sư Võ An Đôn phát biểu "tại sao tôi không nhận tiền chạy án để làm giàu". Nguyên văn của luật sư Đôn viết "có luật sư nhận 20-30 triệu để chạy án, mua nhà lầu xe hơi...tôi thì chỉ nhận 1-2 triệu để chi phí xăng xe... ". Các CQTHTT đã phản ứng gay gắt sau khi thông tin đăng tải công khai rộng rãi. Vấn đề họ đặt ra ở đây là : Có luật sư chạy án thì phải có người nhận tiền chạy án, luật sư "chạy" ở đâu, "chạy" với ai? Người dân Việt Nam chúng ta tuy không phải ai ai cũng hiểu rõ các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng nhìn chung nói đến "chạy án" là đa số nghĩ ngay đến các Cơ quan Tố tụng cơ bản là Công An, Toà Án, Viện Kiểm Sát. Vô hình chung, luật sư Võ An Đôn và những người đồng quan điểm với luật sư Võ An Đôn tạo ra một hiệu ứng dây chuyền trong xã hội rằng: Các Cơ quan tiến hành tố tụng trong hệ thống pháp luật nước ta tha hoá biến chất chắc rồi, không cần nghi ngờ nữa vì "đây là lời của Luật sư Võ An Đôn người mà đang được nhiều người ủng hộ vì dám đấu lại Cơ quan Công quyền vì dân oan cơ mà".
Từ một quan điểm cá nhân đơn giản lại gây hiệu ứng ngược. Các CQTHTT cho rằng như vậy là luật sư cố ý xúc phạm đến họ và mối quan hệ (giữa) các CQTHTT với LS vốn đã không mặn mà tốt đẹp nay vô tình lại đẩy cho CQTHTT cái nhìn thiếu thiện cảm và thậm chí là méo mó lệch lạc về luật sư. Do đó là luật sư, trước hết phải có cách ứng xử chuẩn mực và có được "biện pháp cụ thể" để giải quyết vấn đề đang vướng mắc tồn đọng, nếu chỉ nêu lên tình trạng thì không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây hậu quả nặng nề, làm xấu đi mối liên kết giữa các CQTHTT với Tổ chức nghề nghiệp xã hội luật sư vốn đã rất nhạy cảm.
Vậy làm thế nào để quản lý về tổ chức hoạt động luật sư được tốt? Luật luật sư, Bộ quy tắc nghề nghiệp luật sư đã có quy định. Tuy nhiên các quy định về chế tài trong việc các tổ chức luật sư và luật sư còn chưa áp dụng một cách đúng đắn và tuân thủ nghiêm túc. Chúng ta phần lớn là đổ lỗi cho các CQTHTT làm khó dễ, ngăn chặn sự tiếp cận của luật sư với người cần luật sư bảo vệ. Theo tôi, vấn đề này cũng cần phải đánh giá, nhận định một cách khách quan hơn.
Vậy, nguyên nhân do đâu? Hãy tìm tiếng nói chung ở trong việc thực hiện Quyền và nghĩa vụ của luật sư. Luật sư là người bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình phải có kỹ năng để phối hợp với các CQTHTT để xây dựng phát triển nghề luật sư là góp phần xây dựng phát triển hệ thống pháp luật nước ta theo đúng định hướng "nhà nước pháp quyền". Hãy vì lợi ích chung, đừng để cái tôi, cái chủ nghĩa cá nhân quá lớn, vội vàng phán xét các CQTHTT đối lập một cách thiếu khách quan. Như vậy, chính luật sư đã tự làm khó cho mình, làm mất cơ hội khắc phục những khó khăn vướng mắc...
Về kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật để phát triển và hội nhập, là luật sư có nghĩa đã qua đào tạo nên có tích luỹ, áp dụng, xây dựng và phát triển được hay không là do chính mỗi luật sư đó. Nhà nước chỉ tạo điều về các chính sách, những quy định, định hướng. Hiện nay Liên Đoàn luật sư Việt Nam đã và đang trình đề án xây dựng Trường đào tạo kỹ năng về kiến thức và nghiệp vụ của Liên Đoàn. Sẽ có thêm những lớp đào tạo về Luật Quốc tế trong thời kỳ hội nhập, lớp Anh ngữ chuyên ngành luật. Những lớp này phải đạt chất lượng đúng chuẩn Quốc tế. Có như vậy mới xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư ngày càng lớn mạnh nâng tầm luật sư Việt Nam trên Thế giới.
Hoàng Trường
No comments:
Post a Comment