Wednesday, November 11, 2015

Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM!

Nhân dân ta thường có câu “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hay “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” để tôn vinh ca ngợi nghề dạy học và người dạy chữ.


Ngay từ thời cha ông ta đã luôn coi trọng việc học tập, thi cử. Và cho rằng nếu ai trong dòng tộc mà được đỗ đạt học vị cao thì vinh danh cả dòng họ, được treo bảng vàng.


Ngày nay khi văn minh tri thức đã và đang chiếm lĩnh xã hội thì việc học tập lại được đề cao hơn bao giờ hết. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đề cao trong lĩnh vực giáo dục và coi đây là “quốc sách hàng đầu”. Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra những quyết sách ngay từ khi đất nước giành độc lập năm 1945 Người đã đưa ra 3 vấn đề cần phải giải quyết ngay. Trong đó, vấn đề diệt giặc dốt là 1 trong 3 điều quan trọng. Người cho rằng “một dân tộc yếu là một dân tộc dốt”.

Thấm nhuần tư tưởng quan điểm của Người cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam luôn đề cao vấn đề dạy học: dạy chữ - dạy người. Vì muốn dạy học tốt thì yếu tố “người thầy” đóng một vai trò quan trọng, là người dẫn đường, là “cầu nối” để học sinh tiếp cận, lĩnh hội tri thức, chính bởi thế người thầy được ví như “người đưa đò thầm lặng”. Để tôn vinh và đề cao giá trị vai trò của người thầy mà ngày 20 tháng 11 hàng năm được coi là Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, là ngày hội của cả ngành giáo dục, ngày “tôn sư trọng đạo”. Tháng 11, tôi lại ngẫm về ngày này!

Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE). Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 khi đó Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Cũng vào ngày 20 tháng 11 năm 1958 lần đầu tiên tổ chức ngày tôn vinh các nhà giáo trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.

Khi đất nước thống nhất 2 miền, nền giáo dục được hoà làm một thì ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".

Ngày 20 tháng 11 năm 1982, là Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta, và từ đó dến nay, đây là ngày để học trò thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng với thầy giáo, cô giáo - những người đã dày công vun đắp cho chúng ta - những cây đời mãi mãi xanh tươi.

Hoàng Trung

No comments:

Post a Comment