Nhân chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam từ ngày 4 - 5/11/2015 các cá nhân, tổ chức có tư tưởng chống đối lại thấy xuất hiện nhiều lời kêu gọi đi biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Phần lớn các ý kiến này đều cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam và chỉ có cách đi biểu tình mới có thể bảo vệ được chủ quyền biển đảo. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đó là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng sống trong một thế giới đa dạng và phức tạp như hiện nay, làm thế nào để bảo vệ chủ quyền một cách tỉnh táo và khôn khéo nhất mới là điều quan trọng. Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Làm thế nào để bảo vệ được chủ quyền trước hành động xâm hấn của Trung Quốc?
Đương nhiên đối phó với một nước lớn, “nham hiểm” như Trung Quốc chúng ta phải áp dụng những cách thức khôn khéo thì may ra mới có thể bảo vệ chủ quyền. Biểu tình cũng có thể là một cách để thể hiện lòng yêu nước. Nhưng liệu đi biểu tình, hô hào có làm cho Trung Quốc “chùn bước” trên biển Đông. Quả thật nếu như thế thì giải quyết tranh chấp biển Đông có lẽ là một việc quá dễ và có lẽ Việt Nam đã đòi lại được Hoàng Sa và một phần Trường Sa.
Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Với chủ trương “độc chiếm biển Đông” Trung Quốc đã có những tính toán hết sức kĩ lưỡng với những bước đi nham hiểm. Do đó đối phó với Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải có một cái “đầu lạnh” để tìm ra những chủ trương, giải pháp khôn khéo, đúng đắn nhất. Hiện nay chúng ta đang triển khai rất nhiều bước đi từ tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho đến ban hành Luật biển cũng như thông qua con đường đối thoại… để đòi lại chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Để những công việc đó được tiến hành thuận lợi cần lắm sự ổn định chính trị ở trong nước.
Chúng ta đi biểu tình phản đối Trung Quốc liệu chúng ta có nghĩ những việc làm đó của chúng ta lại vô hình trung đang cản trở công cuộc bảo vệ chủ quyền của chúng ta không. Giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông có quan hệ chặt chẽ với ổn định an ninh nội địa. Nếu an ninh nội địa không được giữ vững, “trong không yên ổn” thì chúng ta không thể đối phó với bên ngoài, không thể bảo vệ được chủ quyền. Đấy là chưa kể phần lớn các lời kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc này đều xuất phát từ các đối tượng chống đối, thù địch với Nhà nước Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Họ kích động nhân dân đi biểu tình phản đối Trung Quốc chẳng phài vì họ là người yêu nước chân chính gì mà chẳng qua họ muốn kích động nhân dân đi biểu tình ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để làm mất ổn định an ninh trật tự ở các thành phố lớn này đồng thời làm căng thẳng quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc buộc Đảng, Nhà nước ta phải giải quyết. Mặt khác nếu như có điều kiện và thời cơ thì họ sẽ kích động chuyển từ biểu tình phản đối Trung Quốc sang thành biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Bản chất thật sự của họ là lợi dụng danh nghĩa “chống Trung Quốc” để hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước Việt Nam chứ họ đâu phải vì yêu nước.
Thực tế đã chứng minh điều này khi trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc họ đã giương cả các khẩu hiệu chẳng ăn nhập gì như “Việt Nam cần đa nguyên, đa đảng”, “trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ”… Do đó thiết nghĩ là người dân Việt nam yêu nước nhưng chúng ta cũng phải đặt lòng yêu nước cho đúng chỗ, đừng để các phần tử xấu lợi dụng lòng yêu nước của chúng ta. Cứ tin theo những lời hô hào của họ rồi đi biểu tình “ầm ĩ” chẳng những chẳng bảo vệ được chủ quyền mà còn vô tình “gây khó” cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phong Linh
Phong Linh
No comments:
Post a Comment