Friday, November 20, 2015

CẦN TỈNH TÁO KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

Ngày nay công nghệ thông tin đã giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, nhất là khi mạng xã hội phát triển rầm rộ. Sự tương tác ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với tốc độ lan truyền thông tin nhanh đến chóng mặt khiến người tiếp cận không thể kịp kiểm chứng nguồn gốc thông tin. Bên cạnh đó vì nhiều lí do, các trang tin điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và hiện tượng copy, trích dẫn hay thậm chí là "xào nấu" tin tức cũng rầm rộ không kém với nhiều mục đích khác nhau. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, suy nghĩ của đại bộ phận người dân, trong đó có không ít cán bộ đảng viên, thậm chí là cán bộ đảng viên đang phục vụ trong lực lượng vũ trang. Chính như vậy, các thế lực thù địch đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để "đánh phá" niềm tin của người dân. Bằng nhiều hình thức chúng cố ý bóp méo, xuyên tạc các hành vi, lời nói của cán bộ lãnh đạo, chính quyền địa phương, cứ như vậy "mưa dầm thấm lâu" khiến cho lòng tin bị lung lay, bản thân người tiếp cận thông tin sẽ dần dần "chuyển biến", "chuyển hóa" . Bên cạnh đó nhiều người cho rằng mạng xã hội là thế giới ảo, chỉ là nơi để chia sẻ không nên quan trọng hóa vấn đề, đó là suy nghĩ nguy hiểm nhất bởi vì chúng ta sẽ không ngờ tới được tác động tâm lý của nó lên chính bản thân người dùng như thế nào. 


Tràn ngập tài khoản Facebook giả mạo là phiến quân khủng bố IS của người Việt
Đối với facebook, một mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, nhiều người khi được hỏi ý nghĩa của nút thích (like) là gì thì họ chỉ hồn nhiên trả lời :" Đó là người trong danh sách bạn bè trên mạng nên em like ủng hộ thôi" . Họ không biết rằng khi nhấn nút thích (like) đó có nghĩa là họ đã thể hiện sự đồng quan điểm với tin tức trong bài đó và phải chịu trách nhiệm với quan điểm của mình. Đồng thời ít người biết được khi nhấn nút thích (like) hoặc bình luận thì vô tình họ đã phát tán tin tức đó tới bạn bè và người thân của mình. Nếu theo dõi một số trang cá nhân luôn có những quan điểm, lời nói chống phá Đảng và Nhà nước ta, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo cấp cao, thậm chí xuyên tạc và bôi nhọ hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chúng ta thấy có rất nhiều người thể hiện quan điểm "đồng tình" với suy nghĩ trên. Lại nghĩ đến việc rải truyền đơn ngày xưa, đó là một công việc đầy khó khăn nguy hiểm, nhiệm vụ đó đòi hỏi tính mưu trí, dũng cảm và sáng tạo. Thế nhưng ngày nay chỉ cần ngồi một chỗ để viết rồi tung lên mạng xã hội, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người tiếp tay "rải hộ" cho "truyền đơn" được bay xa. Vô hình dung người sử dụng mạng xã hội không nhận thức ra rằng mình vừa vi phạm pháp luật chỉ bằng một hành động chia sẻ hay là thích. Điểm qua một số trang cá nhân thường có những quan điểm đi ngược với truyền thống đạo đức dân tộc, xuyên tạc chống phá quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng ta nhận thấy rằng thông tin chúng đưa ra thường rất mập mờ, được cắt xén và chỉnh sửa một cách tinh vi, thậm chí là ngụy tạo chứng cứ giả và đó là cách mà chúng thường xuyên áp dụng để kích động lòng tin. Một số trang tin điện tử mạo danh nguyên thủ quốc gia cũng có tần suất xuất hiện khá dày đặc trên mạng xã hội. Điều đó khiến cho tỉ lệ giữa nguồn tin chính thống và nguồn tin trôi nổi chênh lệch quá lớn. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ kiểm soát và quản lý mạng xã hội như thế nào ? 

Trước hết cần phải xây dựng một chế tài chặt chẽ và nghiêm khắc. Tài khoản mạng xã hội là tài sản cá nhân, người sử dụng phải chứng minh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về những vấn đề có liên quan đến nó theo quy định của pháp luật. Tất cả những gì xuất hiện trong tài khoản đó đều thể hiện suy nghĩ, quan điểm, ý chí cũng như tinh thần của bản thân người sử dụng. Đối với cán bộ đảng viên cần có biện pháp quản lý các tài khoản mạng xã hội một cách chặt chẽ thông qua đăng ký danh sách. Nhà nước ta không có quy định cấm sử dụng mạng xã hội như một vài nước trên thế giới nhưng quản lý việc sử dụng một cách phù hợp, bảo đảm với văn hóa truyền thống là điều đáng suy nghĩ. Đặc biệt là những người hoạt động trong các ngành nghề có liên quan đến an ninh quốc gia, lực lượng vũ trang thì cần phải có quy định riêng biệt và chặt chẽ. Ngoài các quy định về bảo mật thông tin quân sự thì việc khai báo tài khoản mạng xã hội phải được tiến hành ở tất cả các cơ quan đơn vị một cách trung thực, chính xác, mọi trường hợp cố tình giấu diếm, che đậy đều phải kiên quyết xử lý. Song song với việc đó cần phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong phòng chống "DBHB" của các thế lực thù địch. Người lãnh đạo, chỉ huy phải nhận thấy rõ rằng mạng xã hội cũng là một kênh thông tin để bám nắm tư tưởng của cán bộ đảng viên từ đó coa những định hướng giáo dục tư tưởng kịp thời, tránh xảy ra những điều đáng tiếc. 

Thế giới thông tin mở và đa chiều giúp cho con người có thể gần nhau hơn, đa dạng hóa các mối quan hệ xã hội hơn nên nó cũng rất dễ đưa con người lạc vào "ma trận" thông tin mà nó tạo ra. Bởi vậy phải luôn tỉnh táo trước mọi thông tin mà nó đem đến, biết chọn lọc kênh thông tin, biết xác định và kiểm chứng nguồn tin tức đó mới là người của thế giới thông tin đa chiều. 

Hiền Ngọc

No comments:

Post a Comment