Sunday, November 22, 2015

CẢNH BÁO VỀ XU HƯỚNG GIA TĂNG KHỦNG BỐ ĐƠN ĐỘC

Ngày nay, lợi dụng sự phát triển của mạng thông tin Internet, sự xuất hiện của những kẻ khủng bố thiên về hoạt động đơn độc đang có xu hướng trở nên phổ biến và trở thành mối lo ngại của nhiều nước trên thế giới. Kể từ sau vụ đánh bom khủng bố tại cuộc thi Marathon quốc tế tổ chức tại Boston, Mỹ, tháng 4/2013, Tổng thống My B. Obama đã thừa nhận, ngày nay nước Mỹ đang phải đối mặt với một loại kẻ thù mới, đó là những kẻ khủng bố đơn độc quá khích, không thuộc vào bất cứ một tổ chức hay mạng lưới khủng bố nào. 


Những kẻ khủng bố đơn độc quá khích đang có xu hướng gia tăng

Theo một số nhà phân tích, việc gia tăng sức ép đối với các tổ chức khủng bố của Mỹ thời gian qua cũng mới chỉ là một phần của câu chuyện. Kể từ giữa những năm 2001, trong các nhóm Hồi giáo quá khích đã bắt đấu xuất hiện xu hướng phân tán hoạt động, từ hoạt động quy mô tập trung trước đây sang hoạt động độc lập hoặc đơn độc. Ví dụ, trùm khủng bố Al Qaeda trên bán đảo Arabia là Anwar al-Awlaki cổ súy cho việc thực hiện các hoạt động đơn độc và Abu Musab al-Suri, trùm khủng bố Al Qaeda tại Syria cổ súy cho các cuộc tấn công khủng bố quy mô nhỏ, độc lập, rất khó theo dõi và phát hiện.

Một số nhà phân tích chiến lược quân sự đã cảnh báo về nguy cơ của cuộc 'chiến tranh thế hệ năm', theo đó, trong những thập kỷ tới, những tên khủng bố đơn độc "siêu đẳng" có thể sẽ khai thác công nghệ số để tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công không gian mạng vào cơ sở hạ tầng của các quốc gia hoặc sử dụng loại bom bẩn chứa chất phóng xạ để tấn công các thành phố. Từ năm 2007, Singapore đã phát hiện và ngăn chặn được 12 vụ tấn công của những kẻ khủng bố đơn độc, trong đó có 6 vụ mới có ý định thực hiện tấn công khủng bố.

Làm thế nào để đối phó với những kẻ khủng bố đơn độc luôn là câu hỏi gây đau đầu cho các cơ quan và nhà chức trách an ninh của nhiều nước. Thực tế cho thấy, việc theo dõi hoặc kiểm duyệt mạng Internet bằng các phương tiện kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc phổ biến tư tưởng cực đoan là không hiệu quả. Tito Karnavian, một chuyên gia chống khủng bố người Indonesia đã đề xuất biện pháp đấu tranh gồm 5 khía cạnh, có thể áp dụng cho các chiến lược mang tính hệ thống và tổng hợp về chống khủng bố đơn độc. Các khía cạnh này bao gồm: người phát tán, thông điệp, người tiếp nhận, cơ chế và bối cảnh.

Người phát tán, để đấu tranh chống những kẻ khủng bố cực đoan hiệu quả, trước hết cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá uy tín của những kẻ phát tán tư tưởng cực đoan, cũng như tiến hành phát hiện và khai thác những điềm yếu tiềm tàng của chúng. Trong quá trình chống lại những tư tưởng cực đoan, cần phải tìm ra những kẻ cầm đầu truyền bá những tư tưởng cực đoan trong dân chúng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu và tránh xa những tư tưởng cực đoan đó.

Thông điệp của những kẻ cực đoan bạo lực có thể kích động những người bình thường trở nên cực đoan rất đơn giản, có thể chỉ là những câu đại loại như: "phương Tây đang gây chiến tranh ở khu vực của chúng ta, chúng ta phải chống lại chúng". Do đó, việc đối phó với những kiểu thông điệp trên cẩn phải được điều chỉnh cho phù hợp, từ đấu tranh về lý luận sang đấu tranh thực tế với những chủ đề dễ hiểu, dễ nhớ, làm cho cộng đồng nhanh chóng thay đổi nhận thức, không bị lôi cuốn theo sự tuyên truyền của các tổ chức khủng bố.

Người tiếp nhận dễ bị kích động nhất thường là các nam thanh niên với tỉ lệ thời gian dành cho việc ngồi trước màn hình máy tính khá cao. Họ là đối tượng dễ bị kích động nhất do sự phát triển về tinh thần diễn ra nhanh hơn so với sự phát triển về thể chất.

Cơ chế những người theo trường phái tự do tranh luận rằng, sự tự do về tư tưởng có thể xóa bỏ những tư tưởng cực đoan. Trong khi đó, một số người khác lại cho rằng, việc tác động mạnh mẽ thông qua các công cụ pháp lý có thể giới hạn sự phát tán của các tư tưởng chống đối xã hội. Do đó, cần có sự tranh luận một cách ôn hòa giữa những người theo chủ nghĩa cực đoan không chủ trương bạo lực và những người theo trường phái ôn hòa thông qua mạng Internet hoặc qua các cuộc hội thảo để loại bỏ những điểm yếu và mâu thuẫn trong tư tưởng cực đoan.

Hiện nay, trong bối cảnh ở các quốc gia quản lý yếu kém, ở những nước nghèo, tình hình an ninh bất ổn hoặc pháp luật yếu kém, tình trạng các cá nhân hoặc tổ chức trở thành cực đoan ngày càng phổ biến. Đặc biệt, quan niệm của những cộng đồng địa phương về những hành động nặng tay của cảnh sát hoặc quân đội gây thương vong cho dân thường, như kiểu sử dụng các máy bay không người lái tấn công ở Afghanistan và Yemen là việc lạm dụng sức mạnh quân sự trong hoạt động chống khủng bố. Tóm lại, bối cảnh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho việc biến những tư tưởng cực đoan và quá khích của những kẻ khủng bố đơn độc trở nên bình thường.

Hoàng Trường

No comments:

Post a Comment