Thiền tự Hương Hải - Canada - 2002
Hôm nay mới đến tuy còn nhọc, nhưng nghĩ tình Phật tử từ ở Ottawa lên đây chờ đợi nên tôi nói một đề tài nhỏ cho quí vị nghe hiểu, ứng dụng sống đúng với đạo lý. Đề tài tôi nói là Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn.
Ở đời ai cũng nghĩ mình khôn, nên nghe chê dại nổi tức liền. Trong xã hội này mọi người đua nhau giành khôn, đã giành thì có tranh, có chống chọi nhau. Có tranh, có chống chọi nhau thì thật khôn không? - Không. Như có người nói anh hay chị ngu quá, người nghe nổi tức lên, tức thì chửi lộn nhau, rốt cuộc hai người ngu hết. Bây giờ người ta nói mình ngu, quí vị nên trả lời thế nào? Nói: phải, tôi là người ngu. Người xưa bảo càng học càng thấy dốt, không ngu sao được? Trên thế gian này muôn ức việc phải biết, mà chúng ta chỉ biết một ngành nghề chuyên môn thôi, có khi ngay ngành chuyên môn còn biết chưa hết nữa, bao nhiêu việc khác ta đâu có biết. Như người chuyên ngành may mặc chỉ giỏi may mặc, còn bên văn phòng kế toán không biết. Người giỏi văn phòng kế toán không biết ngành khoa học. Người ở ngành khoa học không biết ngành xây dựng. Muôn ngàn việc ở thế gian, chúng ta chỉ biết nhỏ xíu thôi. Như vậy có phải ngu không? Tại sao nói ngu mình không chịu. Mình biết một ít trong phạm vi giới hạn mà giành khôn với người ta thì có phải là kẻ ngu chưa? Thế nên tôi nói người giành khôn trở lại thành ngu.
Nếu biết tu chúng ta nên hiểu trên cõi đời này, ai cũng có hiểu biết theo khả năng, trình độ, kiến thức mà mình huân tập, ngoài phạm vi ấy ra mình chưa biết hết các lãnh vực khác. Như vậy ai có nói ngu, ta nên chấp nhận. Người giành khôn thật ra chỉ là tưởng tượng thôi, không có chân lý, không có lẽ thật. Chân lý lẽ thật là tất cả chúng ta còn đang ngu. Mai mốt ai nói ngu mình không tức giận nữa, đó là mình vượt khá hơn phàm tình rồi.
Chúng ta muốn làm người tỉnh táo sáng suốt thì ai làm gì nói gì, mình phải tỉnh táo trả lời. Như nghe người ta nói nặng mình là con bò, khi chưa hiểu đạo Phật tử giận đỏ mặt, bây giờ hiểu đạo rồi, ta nói thế này: “Phải, vì tôi có uống sữa bò nên có tế bào bò trong người tôi.” Nói thế có sanh chuyện cãi vã không? Ngược lại, chúng ta không chịu ngu, lớn tiếng cãi lại với người kia, một lát thành điên hết cả đám.
Người tu là người tỉnh sáng, không phải ngu tối. Biết lẽ thật để mình không chống chọi một cách vô lý, sanh thù oán nhau, đó là tu. Giả sử có người thấy Phật tử làm gì trái ý họ, họ liền chửi “cha mầy”. Lúc đó quí vị nổi nóng liền, nói sao chửi cha tôi. Nổi nóng có lợi gì, chỉ cần đáp lại: “Cám ơn anh, anh nhắc tới ba tôi.” Cha mầy tức là ba mình, họ nhắc tới cha mình có tội lỗi gì đâu nên ta cám ơn họ.
Người khôn ngoan không phải nghe một câu trái tai liền phản ứng nóng giận, như vậy chỉ càng trở thành khờ dại. Người ta hiểu lầm nói bậy, mình phải sáng suốt nhắc họ. Một người sáng ở cạnh một người tối thì phải bình tĩnh để giúp người tối sửa sai, như vậy mới gọi là người sáng. Đằng này người ta nói bậy, mình cũng nói bậy theo, một hồi nổi nóng có thể đánh đập nhau nữa, hóa ra cả hai đều tối hết. Đó là những điều vô lý do mê lầm, cố chấp mà ra.
Đối với người mắng chửi mình thậm tệ, lúc đó ta nên nhịn hay nên chống cự lại? Lý lẽ thì nói nhịn nhưng thực tế khó nhịn được. Một ít người cho rằng người ta mắng chửi mà nhịn, đó là mình ngu. Nghĩ vậy nên họ không nhịn mà chửi lại cho hơn, người kia chửi nặng chừng nửa ký, mình đáp lại một ký. Như vậy mới vừa, chớ đáp lại nhẹ sợ thua người ta, sợ thiên hạ chê mình ngu. Vì thế người đời cứ đua nhau giành khôn, ai cũng muốn nói cho hơn, chửi cho nặng, để mình được khôn. Đức Phật thấy chúng sanh mê lầm tới như vậy thì thương xót không biết nói sao vừa. Người thế gian càng chửi, càng mắng, càng đánh nhau, thì càng điên đảo, càng đau khổ thù hận, không có ngày cùng. Vậy mà họ đâu có biết, đâu chịu tỉnh!
Như chúng ta vào bệnh viện tâm thần, thấy bệnh nhân đang chơi trước sân, mình đi ngang họ kêu chửi, lúc đó quí vị xử trí thế nào? Mình không chọc ghẹo mà họ chửi, có nên nổi tức không? - Dạ không. Sao vậy? - Vì biết họ là kẻ bệnh. Ta là người tỉnh, nếu cự lộn với kẻ bệnh thì người ta sẽ nói mình thế nào? Chắc cũng muốn vô ở trong đó rồi. Bị người điên chửi, chúng ta nhớ mình không phải người bệnh, nên nghe chửi ta càng thương, càng tội nghiệp họ bệnh hoạn, mới nói bậy, làm bậy. Đó là những người đáng thương.
Cũng vậy, nếu Phật tử biết tu thì phải tỉnh táo. Người không biết tu họ giành khôn, giành dại, nói bậy bạ, Phật tử nên thương hay nên giận? Thương nhẹ nhẹ chớ chưa thương mạnh phải không? Người không biết đạo là mê, người biết đạo là tỉnh, một người mê một người tỉnh chửi lộn với nhau thì khách bàng quan sẽ nói sao? Họ chửi mà mình vẫn thản nhiên không giận, mới là người biết đạo lý, là người tỉnh. Còn chửi lại người ta hóa ra mình cũng mê, làm sao nói tỉnh được.
Hồi xưa đức Phật đi giáo hóa, hôm nọ tới một khu vực đạo Bà-la-môn. Đức Phật khất thực xong, Ngài đến ngồi dưới gốc cây thọ trai. Thọ trai xong, những người trong xóm đến ngồi xung quanh nghe đức Phật thuyết pháp. Sau khi nghe pháp xong họ phát nguyện qui y Tam Bảo. Từ đó họ trở thành đệ tử Phật, không theo đạo Bà-la-môn nữa. Ông thầy Bà-la-môn ở địa phương đó tức quá, hôm sau Phật đi khất thực, vừa thấy Phật đi phía trước, ông theo sau kêu tên Phật chửi. Ông chửi từ đầu đường đến cuối đường, Phật vẫn ung dung tự tại đi không trả lời câu nào hết. Tới cuối đường, chịu hết nổi ông chận Phật lại hỏi:
- Cồ-đàm, ông thua tôi chưa?
Phật liền nói bài kệ:
Người hơn thì thêm oán,
Kẻ thua ngủ chẳng yên,
Hơn, thua hai đều xả,
Ấy được an ổn ngủ.
Người hơn thì thêm oán, nếu mình thắng người ta thua, người ta sẽ oán hờn mình. Kẻ thua ngủ chẳng yên, mình nói không lại người ta thì thấy thua, về trằn trọc ngủ không được. Hơn, thua hai đều xả, ấy được an ổn ngủ, chỉ bỏ hết hai cái hơn thua thì được an ổn ngủ.
Phật bị người ta chửi Ngài có nhục không? Chúng ta bây giờ sợ bị chửi nhục, nên phải làm dữ với người chửi, làm dữ nên ai cũng là kẻ dữ hết. Bên người dữ phải có người hiền, mới thấy ai tốt ai xấu, chớ người ta dữ mình cũng dữ thì còn ai hơn ai. Người biết tu với người không biết tu đều ngang nhau thì giá trị sẽ thế nào? Quí Phật tử nếu là người chân thật biết đạo thì phải nhường nhịn, bỏ qua những điều kẻ khác nói nặng, giành hơn, như vậy mới thật là biết đạo, biết tu hành.
Ta không giành hơn với ai hết mà có thua không? Nếu ngày xưa đức Phật bị người ta chửi, Ngài cũng nổi giận chửi lại thì bây giờ chúng ta có lạy Ngài không? Nhường nhịn là nhục hay nhường nhịn là cao cả? Quí vị đánh giá lại xem. Mai kia có ai nặng nhẹ mình, ta nhịn họ thì đừng nghĩ nhịn là nhục mà nhịn là cao cả. Còn kẻ giành hơn nói lời nặng nhẹ người khác là kẻ thấp hèn. Chúng ta phải hiểu cho thật kỹ, mai kia mới có thể vươn lên được.
Chúng ta tu là người tỉnh sáng, nhận chân được lẽ thật thì không bao giờ chống đối lại kẻ ngu khờ. Chống lại kẻ ngu khờ càng làm mất hết giá trị của mình. Nên nhớ càng giành khôn trở lại càng ngu, càng nhận ngu trái lại càng khôn. Phật tử nên hiểu thấu đáo ý nghĩa đó để tu, có thế chúng ta mới là người sáng suốt, người thức tỉnh. Ngược lại, nếu không tỉnh táo sáng suốt thì chúng ta cũng mê như ai. Thế mà ở trong chùa nhiều vị đi tu cũng còn cự cãi. Tôi không biết phải nói sao! Chúng ta tu rồi phải trên thuận dưới hòa, giữ không khí yên ổn để tu, cãi qua cãi lại làm gì. Phật không rước những người cãi lanh cãi giỏi đâu, Phật chỉ rước những người tu hành đàng hoàng chân chánh. Đó là điểm thứ nhất tôi muốn nói.
Đến điểm thứ hai, trên đời này có ai là người toàn vẹn hết không? Có chăng, mười phần tốt được năm sáu, còn ba bốn phần chưa được tốt. Vậy mà ai nói mình xấu liền không chịu. Chúng ta chưa toàn vẹn, mà ai nói xấu cự liền. Muốn tốt mà cự với người ta thành ra xấu mất rồi. Như vậy chúng ta phải làm sao? Khi nghe nói xấu, ta nên trả lời: Phải, trăm điều tốt tôi làm chưa tới năm sáu chục điều nên xấu là hợp lý thôi. Nếu ta nói như vậy, người kia cũng thấy họ chưa làm được điều tốt gì, họ nhận ra mình cũng nói bậy. Đừng thèm cãi cự khi nghe ai nói xấu mình, vì ta đâu có toàn vẹn mà cãi. Giả sử toàn vẹn thì càng không nên cãi, vì còn cãi là còn chưa toàn vẹn. Đó là một điều cần yếu chúng ta phải nhớ để tu trong lòng xã hội này.
Phật tử biết tu đối với tốt xấu không giành, đối với nghèo giàu cũng không giành. Ai cũng muốn mình giàu sang, khi nghe chê nghèo là không chịu, mà quên xét lại xem mình giàu chưa? Ta chưa thật giàu mà ai chê nghèo lại không muốn, như vậy có mâu thuẫn không? Nhiều người vì muốn được người ta nể nang mình giàu sang nên trau chuốt bề ngoài. Ở nhà thiếu thốn đủ thứ, nhưng ra đường ăn mặc cho sang. Để làm gì? Để đánh lừa thiên hạ, tôi không phải nghèo. Chẳng lẽ nghèo là cái xấu sao? Nghèo mà đủ ăn, đủ mặc, đủ sống là tốt rồi, đừng làm điều hư, điều xấu thương tổn đến xã hội thì đâu phải là người xấu. Còn người ăn mặc sang, nhìn thấy như giàu mà làm thương tổn cho gia đình xã hội, như vậy có tốt chưa, có thật giàu chưa?
Có một điều tôi xin lưu ý tất cả quí Phật tử, có người nghèo xơ xác mà lại giàu, có kẻ giàu kếch sù mà lại nghèo. Đó là ai? Dù người nghèo xơ xác nhưng gặp ai khổ, có cơm họ chia cơm, có áo chia áo, đó là nghèo mà giàu. Còn những người giàu sang cả, đi xe hơi lộng lẫy mà ai khổ, ai đói, họ không cần ngó tới, đó là giàu mà nghèo. Tóm lại, người biết sử dụng đồng tiền, sử dụng của cải, biết chia sớt cho kẻ nghèo, người đó có tâm rộng lớn nên tuy thiếu mà mình cảm thấy họ vẫn dư. Còn những người nhiều tiền nhiều của mà không biết chia sớt với ai, luôn luôn muốn bòn mót thêm thì tâm nghèo, vì chưa bao giờ họ thấy dư. Hiểu thế chúng ta mới thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Người tuy nghèo mà tình thương tràn đầy lai láng, họ giúp kẻ này người kia, do tâm rộng lớn nên tuy giúp một ít, mà giá trị đáng ngàn vàng. Còn những người giàu sang nhưng keo kiệt thì cũng chỉ là tôi tớ của tiền của mà thôi. Cho nên trong đạo Phật quí trọng những người có ít tiền của mà dám làm những điều tốt, hơn là kẻ có nhiều tiền của mà không có lòng tốt.
Có câu chuyện một cô gái nghèo thế này. Hồi xưa, cô sanh ra cha mẹ mất sớm, cô phải đi ăn mày. Cô lội khắp đầu đường xó chợ để kiếm cơm, tối trải chiếu nằm ngủ ở góc phố, đời cô rất bi đát. Một hôm nghe nói người biết cúng chùa với tâm rộng rãi, cúng cái gì chúng Tăng trong chùa đều hưởng được hết thì phước rất lớn. Cô kiểm lại thấy hôm nay mình đi xin được hai đồng xu, bây giờ làm sao cúng được hết chư Tăng. Cuối cùng cô nghĩ ra được một cách là mua hai xu muối.
Bấy giờ Hòa thượng Trụ trì báo với đại chúng trong chùa hãy đánh chuông trống rước vị đại thí chủ đến cúng dường. Chư tăng trong chùa nổi chuông trống theo lời dạy của Hòa thượng, nhưng không thấy vị đại thí chủ nào ngoài cô gái ăn mày đem cúng hai xu muối. Cô vô chùa, xuống nhà bếp nói với quí vị nấu bếp: “Cháu nghèo lắm, xin được có hai xu, cháu nhịn ăn bữa nay để mua hai xu muối, nhờ quí bà nêm nồi canh cho chư Tăng ăn, cháu có phước.” Nghe thế, mấy bà nhà bếp thương, vui vẻ làm giùm cô. Sau khi chư Tăng ăn xong nồi canh rồi, cô cũng đi ăn mày như mọi hôm.
Qua một thời gian cô lớn lên, được mười sáu tuổi. Bấy giờ trong triều có Thái tử mười tám hay mười chín tuổi gì đó, nhà vua đang tìm người con gái xinh đẹp đoan trang để cưới cho Thái tử. Vua ra lệnh cho các quan trong triều có con gái đem đến để Thái tử chọn vợ. Thế là các tiểu thư con quan nô nức sửa sang để được Thái tử chiếu cố. Nhìn tất cả các cô, Thái tử không vừa lòng ai hết. Cuối cùng nhà vua sai bá quan đi khắp thành thị cho tới thôn quê, tìm người vừa ý với Thái tử. Nếu ai tìm được người vừa ý Thái tử sẽ được ban thưởng.
Trong số các quan đi tìm kiếm, có một vị đi tới khu vực cô gái ăn mày, ông nhìn lên thấy có vầng mây đỏ quầng chỗ đó. Ông nghĩ đây chắc là người đại phước nên mây đỏ xoay vầng trên đỉnh đầu. Tới nơi thấy đứa bé trùm chiếu ngủ, ông giở chiếu ra, cô bé giật mình thức dậy. Ông hỏi cháu làm gì ở đây, nó thú thật vừa đi ăn mày về, mệt quá nằm đại ngoài vỉa hè ngủ. Ông nhìn thấy nó cũng dễ thương nên nói: “Bây giờ cháu nghe lời ông, theo ông về triều làm con nuôi của ông, chịu không?” Cô bé mừng quá theo ông ngay. Sau một thời gian nuôi nấng đàng hoàng, ông dẫn đến trình với nhà vua. Vua kêu Thái tử ra, vừa nhìn thấy cô bé Thái tử đồng ý liền.
Chúng ta thấy từ một cô gái ăn mày trở thành vợ của Thái tử. Sau này vua cha chết Thái tử lên ngôi, cô trở thành Hoàng hậu. Khi làm Hoàng hậu cô tự xét, mình có phước đức gì mà trở thành Hoàng hậu? Bấy giờ cô nhớ lại có lần cúng chùa hai xu muối, có lẽ nhờ thế mà được ngôi vị hôm nay. Để đền ơn Tam Bảo, cô cho xe chở lụa là tới chùa cúng nữa. Nhưng sao hôm nay cô không nghe tiếng chuông trống như ngày xưa, dù phẩm vật bây giờ đầy ắp những thứ trân quí. Sau khi lễ Phật rồi, Hoàng hậu trách Hòa thượng Trụ trì:
- Trước kia tôi là kẻ ăn mày chỉ cúng có hai xu muối mà nghe trong chùa đánh chuông đánh trống long trọng. Ngày nay tôi đã là Hoàng hậu đem cả xe đồ đạc tới cúng, sao trong chùa lạnh ngắt thế này?
Hòa thượng nói:
- Ngày xưa khi Hoàng hậu còn là kẻ ăn mày, nhịn ăn để mua muối cúng dường chư Tăng, lòng tốt lúc ấy rất rộng lớn. Hoàng hậu đã quên mình, chỉ nhớ đến chư Tăng nên tôi cho đánh chuông trống đón. Còn ngày nay Hoàng hậu chở cả xe lụa là tới cúng dường, nhưng của này là của dân, không phải của Hoàng hậu. Lấy của dân cúng dường thì có gì để đánh chuông đánh trống?
Nghe vậy, Hoàng hậu thức tỉnh mới biết phước của mình ngày xưa dù chỉ hai xu muối mà to lớn vì nhịn đói mà cúng, của ít lòng nhiều. Còn ngày nay mình đem cả xe đến cúng, của nhiều mà lòng ít vì đâu nhịn đói như ngày xưa. Hiểu thế rồi, Hoàng hậu rất hối hận.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy có ai không làm phước được đâu. Ăn mày còn làm được. Phật tử đừng nói khi nào tôi giàu mới cúng chùa, như vậy là hứa suông, không phải lòng tốt. Lòng tốt là nghèo khó mà biết làm chuyện phước đức, do tâm rộng lớn mới được như thế. Như vậy không phải người giàu dễ làm phước, người nghèo khó làm phước. Nghèo tới độ không có tiền mua hai xu muối sao? Ai có tâm rộng lớn đều có thể làm phước được, còn tâm hẹp hòi dù có của nhiều mấy cũng không làm phước được. Quí ở lòng mình, chớ không phải ở tài sản bên ngoài. Nhưng bây giờ Phật tử có bệnh đi chùa năm bảy chị em, trong đó một hai người giàu họ cúng nhiều, năm ba người nghèo cúng ít. Thế là người nghèo buồn, có khi còn đố kỵ nữa. Họ nghĩ mấy người giàu phách, cúng nhiều cho thầy khen. Đó là những ý nghĩ sai lầm, bỏ đi, đừng nuôi dưỡng trong tâm, không tốt.
Nhà Phật dạy chúng ta tu, làm việc đạo phải hiểu rõ, không phải của nhiều hay của ít mới được phước nhiều hay phước ít. Có khi chúng ta không có xu nào, nhưng thấy người khác cúng dường, mình vui vẻ tán thán, phước cũng nhiều bằng người cúng dường kia. Phước ở đâu lại? Từ tâm tùy hỉ lại. Nhà Phật nói công đức tùy hỉ rất lớn. Chúng ta không có tiền của, thấy ai làm được việc phước mình vui vẻ, tán thán, khích lệ, gọi là tùy hỉ.
Tại sao công đức tùy hỉ lớn? Vì thế gian luôn luôn có tâm ganh tị, không muốn ai hơn mình. Thấy ai hơn mình thì ghét, đó là tâm ganh tị. Người có của, có tâm rộng rãi, giúp chùa lo cho đạo, mình phát tâm tùy hỉ tán thán, khen ngợi. Làm được việc đó là mình phá tan tâm ganh tị. Bên cúng dường bố thí dẹp lòng tham, bên tùy hỉ dứt tâm ganh tị, cho nên phước hai bên đều như nhau.
Chúng ta thấy tán thán người làm việc phước có tốn hao gì đâu, mà nhiều vị không chịu, phải hơn người ta mới chịu. Mình ít hơn, thấy khó chịu nên cũng đua nhau giành phần hơn. Nhưng người nghèo làm sao giành hơn được. Do đó phải học tâm tùy hỉ. Vì vậy người Phật tử chân chánh không sợ mình nghèo làm việc phước đức không được. Ở đây có người nào không thể làm phước đức không? Nghèo giàu gì cũng làm được hết. Chị khá thì chị đi chùa, cúng dường chùa. Tôi nghèo quá không có tiền cúng chùa thì tôi tùy hỉ với chị. Khéo tu, biết tu, thì trường hợp nào chúng ta cũng có công đức, phước đức hết. Người tùy hỉ, người bố thí đều được phước như nhau, còn người thấy bạn cúng nhiều sanh tâm ganh tị được phước hay được tội? Càng ganh tị càng thêm tội. Mình không làm, người ta làm mà còn đố kỵ thì xấu quá. Chính tâm xấu ấy làm tăng tội.
Như vậy trên đường tu, có mấy điều Phật tử phải nhớ, phải hành: điều thứ nhất đừng giành khôn, điều thứ hai đừng giành hơn, thứ ba đừng sợ nghèo không làm việc phước được, chỉ sợ tâm xấu, đố kỵ, keo kiệt thôi. Nên nhớ trong đạo Phật không có ai không tu được, chỉ sợ không muốn tu thôi. Muốn tu, biết tu rồi hoàn cảnh nào tu cũng được hết. Phật tử nghe quí thầy dạy bao nhiêu đó, cố gắng thực hành để trở thành người Phật tử chân chánh.
Mong tất cả quí Phật tử có mặt hôm nay đều hoan hỉ tập những hạnh lành như chúng tôi đã nói, để được lợi ích cho mình và mọi người chung quanh. Làm sao mỗi ngày quí vị càng trở thành một Phật tử chân chánh, thuần thành, không bị ai phê phán là Phật tử mà còn dữ quá! Được vậy là đem tiếng tốt cho đạo, cũng đem tiếng tốt lại cho mình và mọi người.
(Phật Pháp tại Thế Gian Tập I)
No comments:
Post a Comment