Cu Ti
Đang ngồi nghe bản tin thì chợt giật mình vì lại có cái vụ mới nổi của ngành y tế đó là vụ tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở Hướng Hóa, Quảng Trị gây chết 3 trẻ em. Thật là một câu chuyện đau thương cho các gia đình không may có con mất sau sự cố này. Nhưng sự cố này lại một lần nữa cứa thêm vết đau thương triền miên cho cái nền y tế nước ta nói chung và sự ngiệp tiêm chủng của nước ta nói riêng. Và đã đánh thức nỗi sợ hãi của biết bao nhiêu bậc làm cha làm mẹ khi có nên đưa con mình đi tiêm chủng hay không?
Đất nước chúng ta có lẽ đang có quá nhiều vấn đề bất cập nhưng vấn đề y tế thì luôn được mọi người quan tâm nhất bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp và nói nặng hơn là có thể ảnh hưởng ngay tức khắc đến sức khỏe và tính mạng của tất cả chúng ta. Nền y tế nước ta đang quá mệt mỏi và đau đầu với các giá trị đạo đức cả của những thiên sứ áo trắng xuống cấp, quá tải bệnh viện, học đường của ngành y cũng đang bị vấy bẩn…Thì nay lại rộ lại chuyện vắc xin tiêm chủng không an toàn. Và mọi chuyện hình như đang diễn tiến xa hơn theo một chiều hướng khiến cho người dân ngày càng nghi ngờ, càng lo sợ. Thử hỏi xem có ai không sợ không khi chỉ với một mũi tiêm mà một đứa con mình rứt ruột sinh ra có thể ra đi mãi mãi chứ? Đây có lẽ là một sự khủng hoảng của nền y tế nước ta trong việc tiêm chủng phòng ngừa.
Chúng ta đã biết rằng cách đây không lâu nước chúng ta đã ngừng dùng một loại vắc xin nhập khẩu từ Hàn Quốc đó là vắc xin Quinvaxem với lý do có nghi ngờ có liên quan đến biến chứng của một số trẻ sau khi được tiêm chủng vắc xin này.Vì đã từng có 5 ca chết vì tiêm chủng vắc xin này. Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau thì lại có quyết định của Bộ y tế là cho phép sử dụng trở lại loại vắc xin này. Và có sự phát biểu hẳn hoi, dõng dạc của bà Bộ trưởng Bộ y tế rằng: “các trường hợp tử vong trên có thể là sự trùng hợp vì tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi tại Việt Nam là 15,8 %o, hoặc do các bệnh khác như viêm phổi, tim mạch”. Với từ “có thể” của bà Bộ trưởng chúng ta trong lần phát biểu trước và trường hợp 3 trẻ sơ sinh thiệt mạng lần này khiến cho các bậc cha mẹ có con nhỏ hoặc các bà mẹ ông bố có con sắp chào đời không khỏi hãi hùng. Mặc dù hai loại vắc xin lần trước tạm ngưng sử dụng và loại vắc xin lần này tiêm chủng cho 3 trẻ em xấu số kia không giống nhau cả về chủng loại và xuất xứ. (Một loại của nội địa và một loại là nhập khẩu của nước ngoài).
Có lẽ ít người quan biết quan tâm đến vụ việc cũng như vấn đề vắc xin này nếu như họ không phải là người trong cuộc. Chúng ta đã quên đi nhiều việc quan trọng, chúng ta đã làm rầm rộ cái chết của một ca sĩ V-pop nhưng chúng ta đã quên đi nỗi đau này đấy là một điều không chấp nhận được. ( Tôi xin lỗi khi phải nói thế này, nhưng tôi không có ý so sánh, tôi biết cái chết nào cũng là đau buồn. Tôi không có ý nói rằng việc ca sĩ Tuấn Anh chết là một việc không đáng quan tâm mà tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng chúng ta cũng cần quan tâm tới cả vấn đề có tính sống còn của thế hệ tương lai chúng ta nữa.) Chúng ta hãy thử xem ước muốn của những người đàn ông sắp được làm bố và của những người phụ nữ sắp được làm mẹ…tất cả họ đều ước muốn rằng con họ sẽ được ra đời suôn sẻ. Và chính cái trình tự tiêm vắc xin này cũng chính là ước muốn của những ông bố bà mẹ mong sao cho con mình được khỏe mạnh và có một tương lai tốt đẹp. Nhưng nhiều khi ước muốn của con người chúng ta lại bị dập tắt chỉ bởi những lý do khó giải thích. Nếu cứ nhìn nhận tình trạng tiêm chủng như mấy vụ vừa qua thì có lẽ các bậc cha mẹ khi quyết định tiêm chủng cho con mình có lẽ đang đặt cược mạng sống của con mình thì đúng hơn. Thế thì có khi đừng tiêm cho lành.
Trong vụ việc vắc xin đáng tiếc vừa qua thì Bộ y tế lại cử một đoàn chuyên gia về ngay Hướng Hóa để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Nhưng cái kết quả hiện nay thì vẫn là chưa xác định rõ nguyên nhân. Và các chuyên gia đầu ngành vắc xin của chúng ta chỉ trả lời rằng có thể do quy trình tiêm chưa làm tăng nhiệt độ của vắc xin, do lô vắc xin kém chất lượng hay thậm chí do quy trình bảo quản… Tóm lại là một ma trận các khả năng đang được dư luận đoán mò. Và các chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng Quốc gia cũng chỉ có được vài câu khuyến cáo kiểu như “tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu thì có thể giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sang con…” Thậm chí ông TS Hiển, “việc gia tăng các ca tai biến sau tiêm vắc xin trong những năm vừa qua có thể xuất phát từ việc số loại vắc xin tiêm phòng tăng lên, số trẻ được tiêm hằng năm cũng tăng, tỉ lệ thuận với việc nguy cơ tai biến tăng thêm”. Tôi không hiểu được tại sao tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngày càng tăng thì tỉ lệ thuận với nguy cơ tai biến. Thế thì thật sự là đáng sợ. Thế liệu 3 trẻ em này có được các lãnh đạo Bộ y tế của chúng ta phán rằng sẽ nằm trong diện % chịu rủi ro nữa hay không đây?
Vậy mà không lâu cách đây khoảng một tháng trên chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam còn đưa bản tin về tình hình sản xuất vắc xin ở nước ta. Và còn nói rõ cả mục tiêu của nước ta về sản xuất vắc xin để đáp ứng đủ như cầu tiêm chủng trong nước và tiến tới xuất khẩu. Đây là chương trình có vốn đầu tư của chính phủ hẳn hoi. Nhưng thử hỏi sau những vụ việc này thì liệu có nước nào dám mua vắc xin của chúng ta không? Chắc cho cũng chẳng ai dám lấy nữa là đưa đi bán.
Tóm lại là sự việc lại cứ “chờ hồi sau sẽ rõ”. Nhưng chưa bao giờ “lòng người bất an” như hiện nay. Khi mà những mầm non tương lai của đất nước đã bị chính những thứ tạo ra miễn dịch cho mình đe dọa đến sự sống. Bài viết của tôi không nhằm chỉ trích ai cả mà chỉ mong rằng trong tương lai không xa Bộ Y tế của chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân của những vụ việc đau thương này. Cũng như có những quyết định quy trách nhiệm cụ thể, đưa ra câu trả lời thích đáng cho vụ việc này. Và có những giải pháp thích hợp để người dân yên tâm hơn khi cho con mình tiêm chủng mở rộng. Còn nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì có lẽ Bộ y tế nên nghiên cứu và cho ra một loại vắc xin mới đó là vắc xin “ Chống sợ hãi cho các ông bố bà mẹ”. Có thể thì may ra cái chương trình tiêm chủng Quốc gia của chúng ta mới đi lên được.
No comments:
Post a Comment