Cu Ti
Chạy công chức, đấy là những ngôn từ không mới nhưng nay lại luôn được người khác chú ý mỗi khi nhắc đến nó. Vừa qua lại có một vụ việc xảy ra ở tỉnh Lạng Sơn đó là về một đường dây chạy công chức đã bị cơ quan Công an triệt phá và khởi tố một số đối tượng. Tuy nhiên đây không chỉ đơn thuần là những vấn đề tội phạm như những vụ án bình thường mà đây có hay không sự phản ánh cho một thực tại đau xót của xã hội mà chúng ta không ai nói và có nói lên cũng không để làm gì cả vì cơ chế vẫn chỉ là cơ chế.
Nếu như một vụ án bình thường như ma túy trộm cắp,, hiếp giết thì đấy là cái chuyện xưa và nay. Tuy nhiên bây giờ nếu nói về độ nóng bỏng mà nó gây cho dư luận xã hội chú ý đổ dồn vào đó thì phải kém xa cái việc một vụ án nhận tiền chạy công chức bị vỡ lờ. Có thể nói mỗi Nhà nước, mỗi chế độ muốn vận hành tốt thì phải có đội ngũ công chức có đủ trình độ(xét mặt điều kiện cần) để đảm đương những nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho đảm đương. Phải chăng chính cái lý do nguồn và chất lượng công chức khiến cho dư luận chú ý cao độ đến cái vụ vỡ lờ đường dây chạy công chức ở Lạng Sơn. Theo tác giả nghĩ đấy chỉ là một phần nhỏ mà thôi, nó còn đan xen và cộng hưởng nhiều lý do khác nữa khiến cho sự chú ý của dư luận như vậy. Có chăng nó quá liên quan mật thiết với những uẩn khúc của vấn đề tuyển công chức của nước ta.
Chúng ta hãy xét lại cái vụ chạy công chức ở Lạng Sơn. Những người là nạn nhân của đường dây lừa đảo này là ai? Xin thưa rằng đây hầu hết là những người dân nghèo, những nông dân chân lấm tay bùn muốn đưa con cái mình thoát khỏi cái nghèo khổ của nghề nông. Tuy nhiên họ đã ăn phải trái đắng khi tiền thì mất vào tay những kẻ lừa đảo còn công việc của con cái họ thì chẳng đi đâu, về đâu. Nếu xét dưới ý kiến của bản thân tôi thì những nạn nhân này không có lỗi, nếu có chăng thì họ chỉ vì cả tin những kẻ lừa đảo mà thôi. Nhưng biết làm sao được khi họ không muốn con cái họ phải khổ khi về với ruộng vườn. Và càng buồn hơn nữa khi những sinh viên nghèo nếu vay tiền để học đại học cao đẳng rồi lại ngồi đấy, đưa cái “bằng của mình về mà tế”. Như vậy không nên chỉ nhìn vụ án này dưới một góc nhỏ đơn thuần. Trong đây nó còn bao hàm cả rất nhiều vấn đề khác mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt.
Tại sao trong cái vụ án này người bị lừa lại là những người dân nghèo mà không phải là những người giàu, gia đình có địa vị? Có lẽ đây là một câu hỏi khó trả lời đây. Hay người giàu, có địa vị họ không cần con họ có nghề nghiệp ổn định? Chắc là không phải vậy. Đây là một câu hỏi mà tác giả muốn để những bạn đọc suy ngẫm và phản hồi. Có lẽ người nghèo nhiều khi muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tương lai con cái của họ mà đã phải trả giá rất lớn, nhưng đáng buồn hơn là họ thất bại với những suy nghĩ của họ.
Nhưng chúng ta hãy nhớ lại xem đã từng có một vụ việc ở Hà Nội và chính quyền ở Hà Nội đã quyết tâm điều tra để xác minh xem có hay không đường dây chạy công chức 100 triệu. Nhưng những cái vụ việc này nó đã đi đến đâu, kết luận là lại không có chuyện như vậy. Bây giờ từ vụ án này chúng ta đã thấy được rằng tuy là lừa đảo nhưng những vị trí công chức đã được đưa ra mua bán có giá cả hẳn hoi. Thử hỏi xem liệu có hay không những đường dây thật chứ không phải ảo. Có cái kiểu “công chức 100 triệu” ở Hà Nội hay không? Và nếu có thì sẽ những ai có liên quan và có tóm được họ không đây bởi vì chạy công chức thì sẽ có mối quan hệ mật thiết với những người trong bộ máy công quyền. Ông bà chúng ta thường nói rằng “không có lửa thì làm sao có khói”. Nếu thật sự trong xã hội không có hiện tượng này thì làm sao có kẻ lợi dụng những điều này để lừa đảo, lợi dụng những việc này để đạp đổ sự công bằng của xã hội. Hay đây là những kẻ cực kỳ thông minh đã phát minh ra trò này để lừa đảo dân nghèo.
Thiết nghĩ những người nghèo là nạn nhân trong vụ án vừa rồi họ chẳng bao giờ muốn bỏ nhưng đồng tiền vay mượn hay những đồng tiền mồ hôi xương máu từ nghề nông của họ để lo cho con cái trong khi họ thấy không chắc chắn đâu. Chắc chắn rằng họ chỉ muốn rằng sẽ có những cuộc thi công chức công bằng để con cái họ được tiến thân. Vì họ thì có cái gì để mà dựa dẫm chứ. Có thể nói họ là hệ quả, hệ lụy từ việc tuyển công chức hiện nay và là hệ lụy gián tiếp của hơn 30 % công chức đang “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” đã được phản ánh trong thời gian vừa qua. Chính những công chức cắp ô kia đã làm mất đi sự công bằng xã hội. Và chúng ta hãy chờ, hãy hy vọng. Chờ và hy vọng rằng kinh tế đất nước sẽ vươn dậy để giải quyết được việc làm cho những sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Và hy vọng Nhà nước sẽ có những cải cách trong vấn đề tuyển công chức để tránh việc chạy chọt công chức và tránh xảy ra những vụ lừa đảo chạy công chức.
No comments:
Post a Comment