Thật dễ dàng để nói “có” khi được hỏi “bạn có yêu nước không?”, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để trả lời câu hỏi “Khi Tổ quốc cần, bạn có sẵn sàng cầm súng?”
Xoay quanh câu chuyện một số thanh niên Việt dạy nhau các “độc chiêu” trốn nghĩa vụ quân sự. Thiếu tướng Lê Mã Lương – anh hùng LLVTND nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” nói: “Tại sao họ lại hèn đến vậy? Chưa có giặc mà đã hèn nhát như thế thì khi có giặc sẽ hèn như thế nào nữa…?”.
Khi Tổ quốc cần, tôi sẵn sàng cầm súng!
Việc những “nam thanh” vì lí do này hay lí do khác đã tìm đủ mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nhanh chóng lọt đến tai ca sĩ Mỹ Linh, khiến diva được triệu người Việt mến mộ này quan tâm. Là người thường xuyên theo dõi những bước chuyển mình của thế hệ trẻ Mỹ Linh phát biểu “Không phải cứ đi bộ đội, cầm súng mới là yêu nước”. Ở đây xét về mặt ngữ nghĩa thì câu nói của ca sĩ Mỹ Linh hoàn toàn đúng. Xã hội thời bình hay thời chiến, hễ có những người cầm súng thì phải có người tăng gia sản xuất. Hai công việc ấy liên hệ mật thiết và không thể thiếu. Trong xã hội hiện đại, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã làm cho nhân loại có quyền lựa chọn cho mình nhiều ngành nghề mà theo lý thuyết thì những ngành nghề nào tạo ra của cải, đóng góp cho xã hội, đất nước thì đều đáng quý và phần nào thể hiện lòng yêu nước của bản thân. Không nhất thiết phải cầm súng đi chiến đấu mới là người yêu nước. Những con người cụ thể trong thời chiến bên cạnh những nghĩa vụ quân sự, trực tiếp cầm súng chiến đấu thì còn biết bao công việc cần bàn tay, khối óc của những con người như vậy.
Nhưng nếu Mỹ Linh nói khi cô chưa nổi tiếng thì mọi chuyện không có gì đáng bàn cãi, đằng này cô lại là một diva có sự ảnh hưởng sâu đậm trong lòng khán giả cả nước. Một bộ phận thanh thiếu niên yêu những ca khúc trữ tình Mỹ Linh hát, họ có thể đang ở độ tuổi chuẩn bị được động viên vào quân ngũ, họ yêu tiếng hát của Mỹ Linh và họ cũng không phân biệt nổi đâu là câu chuyện đời thường và ca hát. Cũng không ngoại trừ họ hiểu nhầm là Mỹ Linh đang cổ súy, ủng hộ cho những hành động đáng trách vừa qua. Và như vậy, có phải Mỹ Linh đang tiếp tay cho hành động phá hoại chủ trương động viên thanh niên vào quân ngũ để bảo vệ tổ quốc không? Lại nói, về vụ “thuế đường bộ”, cách đây không lâu Mỹ Linh cũng đã phán một câu xanh rờn “đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”. Lập tức, bị báo chí phản pháo kịch liệt với những phân tích cặn kẽ gửi “quý cô cái gì cũng muốn”. Tác giả bài viết cược rằng: “Mỹ Linh với son phấn, váy vóc xúng xính, quần áo thời trang chắc hẳn sẽ hiếm khi dám rời xế hộp của mình để leo lên xe buýt, chung tay góp phần giảm ách tắc giao thông như Bộ trưởng Thăng?”
Ca sĩ Mỹ Linh phát biểu “Không phải cứ đi bộ đội, cầm súng mới là yêu nước”.
Chuyện Mỹ Linh “đăng đàn” khen chê cũng nhắc chúng ta nhớ lại một cái bệnh rất xấu mà truyền thông đang mắc phải: Khi nhà nước cần lấy ý kiến về một vấn đề gì đó thì không ít người nhảy vào chê bai một cách thiếu khách quan, không mang tính xây dựng: Lấy ý kiến về công trình xây dựng thì hỏi ý kiến… nhà thơ; Lấy ý kiến về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hỏi… nhà văn hóa. Thiết nghĩ, hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sĩ Mỹ Linh có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế. Cái cần bàn của chúng ta ở đây là thái độ xây dựng, cách phát ngôn của những “con người công chúng” với công việc chung, với lợi ích chung của cả xã hội.
Đừng tưởng rằng chúng ta đang thực sự sống trong thời bình, khi mà ngày ngày ngư dân Việt đánh bắt trong ngư trường truyền thống vẫn bị tàu Trung Quốc cướp bóc, bắn cháy thậm chí nã đạn về phía họ. Trong bài viết “Ra Trường Sa mới hiểu Việt Nam chưa có một ngày hòa bình” ông Nguyễn Văn Mỹ – chủ tịch HĐQT công ty dã ngoại Lửa Việt nghẹn ngào nói: Ra Trường Sa thì mình hiểu một điều là, đất nước Việt Nam vẫn chưa hề có hòa bình! Tức là một phần vẫn trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu, và ở đó có thể là cái chết vẫn rình rập.
Anh hùng Lê Mã Lương trên trận tuyến
Câu thơ “Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa, Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”!. Gợi nhắc tôi nhớ đến câu nói của Bố “Nếu có chiến tranh, Tổ quốc cần, cả bố và mày cùng đi”. Nói thật, sinh ra và lớn lên trong thời bình đâu có ai dại mà mong chiến tranh, đừng nói gì đến chuyện “không sợ chiến tranh, không sợ chết”. Ai nói không sợ họa có là người điên hoặc là anh hùng rơm…?
Vậy theo các bạn, “nếu chiến tranh nổ ra, Tổ quốc cần, tôi và các bạn sẵn sàng cùng đi?. Bao nhiêu người nghe xong câu đó sẽ ngay lập tức gõ 2 chữ “sẵn sàng”? bao nhiêu người suy nghĩ rồi mới quyết định? Bao nhiêu người từ chối?… Mẹ Việt Nam đâu chỉ riêng Mẹ Thứ, Mẹ Tơm. Bảo vệ lãnh thổ đâu phải nhiệm vụ riêng của bộ đội, hải quân, không quân… Vậy thì thay vì hô hào, biểu tình đả đảo Trung Quốc, đừng ngần ngại buông bàn phím, rời giảng đường để vác súng khi Tổ quốc cần! Tôi đã sẵn sàng! Bạn sẽ là người tiếp theo?
Phan Vinh / nguyentandung.org
No comments:
Post a Comment