Rồng và các Linh vật trong dân gian
Con Rồng có chín đặc điểm quan trọng: Thân của rắn, vẩy của cá chép, đầu của lạc đà, sừng của hươu, mắt của thỏ (hoặc của giống quỷ), bụng của con sò thần, gan bàn chân của hổ, móng vuốt của đại bàng, trên trán có gò nổi lên gọi là Xích Mộc.
Ngoài ra còn có nhiều đặc điểm để con Rồng thành tối linh toàn hảo: tai của bò, mũi và bờm sư tử, hai sợi râu dài hai bên mũi, chòm râu dưới cằm, có 81 vảy dương và 36 vảy âm, mỗi chân có 5 móng. Thiếu những điều ấy, rồng vẫn là rồng, nhưng không phải là loài rồng tối thượng. Và khi con rồng xuất hiện, sẽ cuộn mình chín khúc, trước miệng có hạt châu.
Rồng ở trên trời, dưới biển, trong lòng đất, dưới đáy sông hồ vực thẳm, trong giếng sâu, ngoài đồng rộng. Rồng hóa mây mù sương tuyết, phun mưa vẫy gió, quẫy sóng nổi lửa. Mưa trên trời do rồng phun nước, núi lửa dưới đất do rồng phun lửa, động đất cũng do rồng quẫy đạp.
Tối linh thần thú
Rồng đứng đầu trong tất cả các giống linh thú, thần thú, trên trời, dưới biển, mặt đất, sông hồ. Rồng đứng đầu Tứ linh : Long - Lân - Quy - Phượng. Ba giống sau là tượng trưng cho quyền năng của loài thú trên mặt đất (Lân), của loài thủy tộc (Quy), của loài chim trời (Phượng), còn Rồng bao gồm tất thảy.
Rồng đứng đầu trong tứ tượng của bốn phương vũ trụ: Thanh long - Bạch hổ - Chu tước - Huyền vũ, là Thần chủ phương Đông, gồm tám chòm sao: Giác - Cang - Đê - Phòng - Tâm - Vĩ - Cơ. Rồng là biểu tượng của vua, con rồng toàn hảo chỉ dành cho vua, cho bầu trời, cho Thượng đế. Ngay những vị thần cũng không được mang hình con rồng tối thượng đó.
Rồng cũng lắm loại
Con rồng tối thượng chỉ một tên gọi là Long, nhưng cũng có nhiều biến thể. Giống bốn móng là Mãng, giống không sừng không vẩy là Ly hay Ly long, giống một sừng vảy lớn là Giao, giống có cánh là Ưng long, giống không chân là Trực.
Rồng nơi đỉnh trời là cao quý là bậc Thiên long ( Đừng nhầm với Thiên long bát bộ của Kim Dung, vốn lấy từ Kinh Phật: Có tám bộ chúng sinh cao hơn con người: (1) Thiên, (2) Long, (3) Dạ-xoa, (4) Càn-thát-bà, (5) A-tu-la, (6) Ca-lâu-la, (7) Khẩn-Na-La, (8) Ma-hầu-la-gia), phun mây mù mưa gió là loài Thần long, ẩn mình sâu trong lòng đất canh giữ mà làm ra động đất núi lửa là Phục tàng long, ở nơi đồng ruộng sông ngòi là giống Địa long, cuộn mình nơi đáy vực, đầm hồ là loại Bàn long...
Các giống dị chủng
Rồng sinh ra con, nhưng đám con ấy đôi khi chẳng được như cha mẹ, mà là loài dị chủng. Chín loại dị chủng ấy là gì? Có người nói là Tù ngưu, Nhai xế, Trào phong, Bồ lao, Toan nghê, Bí hí, Bệ ngạn, Phụ hí, Si vẫn; lại có người cho là: Bí hí, Si vẫn, Bồ lao, Bệ ngạn, Thao thiết, Công phúc, Nhai xế, Toan nghê, Tiêu đồ.
Ngoài ra, các loài thần thú Kỳ lân, Tỳ hưu, Thiên hống, Long mã, Long quy, Thiên mã, Giải trãi dường như cũng đều có phần của rồng dính vào thì phải.
Con rồng đời Lý, với hình ảnh văn hóa Chămpa
BA LOẠI ĐẠI THẦN THÚ
Ngoài con Rồng là Tối thượng tối linh, còn nhiều giống Thần thú, mà trong đó cao nhất là tam Đại thần thú: Kỳ lân, Sư tử, Tỳ hưu.
Nhân thú Kỳ Lân
Chữ thông thường thì Kỳ là một giống ngựa quý chạy nhanh (ngựa Kỳ ngựa Ký), Lân cũng là giống ngựa quý có lông trông xa như có vẩy. Ghép lại, có Kỳ Lân lại là Thần thú, Vua của tất cả các loài thú bốn chân, một trong Tứ Linh, sánh với rồng phượng. Kỳ Lân có đầu của rồng, mình của ngựa, lại có vảy của loài rồng, có vây lửa cạnh chân. Kỳ Lân bay được lên trời, chạy được trên đất và trên mặt nước, mồm phun ra lửa, nhưng lại rất hiền hòa, không hại ai, sừng không dùng để húc ai bao giờ. Vì thế Kỳ Lân là loài Thần thú nhân nghĩa.
Nếu Kỳ Lân có hai sừng trên đầu thì cũng là Long Mã, con Thần thú đã hiện lên trên sông mang Hà Đồ đến cho Phục Hi thuở khai thiên lập địa. Kỳ Lân xuất hiện tượng trưng cho thời thái bình thịnh trị. Kỳ Lân chạy ngang bay dọc, tung hoành vũ trụ, lại tượng trưng cho người Quân tử. Vì thế tượng Kỳ Lân đặt ở cửa cung vua và nhà Vương thân hoàng thất.
Kỳ Lân cũng có biến thể. Nếu một đực một cái thì con đực là Kỳ, có một sừng, con cái là Lân, không có sừng. Chân của Kỳ Lân cũng có khi là chân như chân hổ lại có giáp, có vuốt như đại bàng, thêm phần kì lạ. Thời trước, áo quan võ được thêu Kỳ lân giữa ngực.
Uy thú Sư Tử
Trung Quốc vốn không hề có Sư Tử, đến thời Hán mới được người Ấn Độ tặng một đôi sư tử, từ đó trở thành giống Thần thú. Sư Tử tượng trưng cho Uy vũ, uy quyền, đại hùng đại lực bao trùm vũ trụ. Tòa Sư Tử là Tọa tòa thiêng liêng. Tiếng Sư Tử gầm lên, muôn thú đều khiếp sợ, cho nên "Sư Tử hống" thể hiện sức mạnh và uy vũ tột đỉnh của Phật pháp.
Vì thế tượng Sư Tử đặt ở cửa Công đường, cửa cung thể hiện uy quyền tối cao. Tượng Sư Tử đặc trưng bởi những bờm xoáy tròn trôn trốc quanh đầu, đầu tròn rất lớn, mắt nhìn xuống đầy ngạo nghễ. Nếu một đôi Sư Tử thì con đực dẫm chân lên quả cầu, con cái dẫm chân lên một Sư tử con; khi đó mẹ con Sư tử tượng trưng cho bình an hạnh phúc, Sư tử bố tượng trưng cho phát đạt tài lộc.
Lộc thú Tỳ Hưu
Tỳ Hưu đầu như Kỳ Lân, có một sừng, thân của gấu, lại như của hổ báo, có cánh trên lưng. Tỳ Hưu là giống cực kì hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu quái ma quỷ nên còn gọi là con Tịch Tà. Tỳ Hưu xa xưa vốn gốc là con gấu được thần kỳ hóa, các tướng võ oai dũng được gọi là tỳ hưu.
Tỳ Hưu không chỉ hút tinh huyết ma quái, mà còn chuyên hút vàng bạc, báu vật trong trời đất, bởi thế về sau Tỳ Hưu lại là con vật giữ Tài lộc. Khi đó Tỳ Hưu có các đặc điểm: miệng to, ngực to, mông to, nhưng không có hậu môn (để chỉ hút của cải vào mà không làm mất đi cái gì). Tỳ Hưu từ đời Đường ngực mông càng to nữa.
Tỳ Hưu nếu có hai sừng thì gọi là Thiên Lộc, thu giữ của cải cho gia chủ, nếu một sừng là giống Tịch Tà, chống lại ma quỷ bảo vệ gia chủ. Nếu có hai con thì con đực gọi là Tỳ, con cái là Hưu.
Ở Trung Quốc, nổi tiếng nhất là con Tỳ Hưu bằng ngọc trên Đức Thắng môn tại Bắc Kinh. Theo truyền thuyết, vì con Tỳ Hưu quay miệng ra Sơn Hải quan, nên người Mãn đánh mãi nhà Minh không được. Đến khi người Mãn lập mưu hiểm, xui vua Sùng Trinh quay đầu Tỳ Hưu về nam, thì Sơn Hải quan mới vỡ, nhà Minh mất nước. Nhà Thanh sùng kính con Tỳ Hưu đó, bắt dân gian không ai được giữ Tỳ Hưu.
Chín con của Rồng
Rồng sinh ra chín con, là chín loài thần thú nhưng không phải là rồng. Chín loài ấy, có 2 thuyết khác nhau, với thứ tự cũng khác nhau:
Thuyết thứ nhất : Tù ngưu - Nhai xế - Trào phong - Bồ lao - Toan nghê - Bí hí - Bệ ngạn - Phụ hí - Si vẫn
Thuyết thứ hai : Bí hí - Si vẫn - Bồ lao - Bệ ngạn - Thao thiết - Công phúc - Nhai xế - Toan nghê - Tiêu đồ
1/. Tù Ngưu: là loài có sừng vẩy giống rồng, đặc điểm là thích âm nhạc, có tài thẩm âm. Vì thế nên Tù Ngưu thường được khắc trên đầu cây đàn hồ cầm, nguyệt cầm, tì bà.
2/. Nhai Xế (Nhai tí) loài mình rồng, đầu chó sói, cương liệt hung dữ, khát máu hiếu sát, thích chém giết chiến trận. Vì thế Nhai Xế được khắc ở thân vũ khí: ngậm lưỡi phủ, lưỡi gươm đao, trên vỏ gươm, chuôi cầm khí giới để thêm phần sát khí.
3/. Trào Phong: có thân phượng, có thể hóa thành chim, đặc điểm thích sự nguy hiểm, nhìn ra vọng rộng. Do đó Trào Phong được tạc ngồi trên nóc nhà, đầu mái nhà nhìn về phía xa.
4/. Bồ Lao: thích tiếng động lớn, âm thanh vang dội. Vì thế quai chuông khắc hình Bồ lao hai đầu quay ra hai bên ôm chặt quả chuông.
5/. Toan Nghê: hình thù giống sư tử, thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương. Do đó Toan nghê được khắc trên các lư hương, đỉnh trầm, ngồi trầm mặc trên đỉnh hay bám hai bên.
6/. Bí Hí, còn gọi là Quy phu: giống con rùa, thích mang nặng, có thể cõng được tam sơn ngũ nhạc không bao giờ mỏi. Vì thế Bí hí cõng bia, trụ đá. Nhiều người nhầm với rùa.
7/. Bệ Ngạn (Bệ hãn), còn gọi là Hiến chương: như con hổ, thích nghe phán xử, phân định. Vì thế Bệ Ngạn được tạc ở công đường, nhà ngục, trên các tấm biển công đường.
8/. Phụ Hí: mình dài giống rồng, thích văn chương thanh nhã, lời văn hay chữ tốt. Vì thế Phụ hí tạc trên đỉnh hoặc hai bên thân bia đá.
9/. Si Vẫn (Li vẫn, Si vĩ): miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si vẫn được tạc trên nóc nhà để phòng hỏa hoạn, khác với Trào phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc.
10/. Thao Thiết: thích ăn uống, càng nhiều đồ ăn càng tốt. Vì thế được khắc trên các vạc lớn, lại tượng trưng cho việc thu lấy tài lộc giống Tì Hưu.
11/. Công Phúc (Bát phúc, Bát hạ): thích nước, nên được khắc tạc ở chân cầu, đê đập, cống nước để canh giữ.
12/. Tiêu Đồ (Thúc đồ, Phô thủ): đầu giống sư tử, thích sự kín đáo yên tĩnh. Vì thế được tạc ngoài cửa, ngụ ý giữ yên cho ngôi nhà. Đầu Phô thủ ngậm thêm cái vòng để khách đến dùng nó mà gõ.
No comments:
Post a Comment