Sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh là một mất mát to lớn đối với người dân Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung, không đâu thể hiện rõ tâm tư, dư luận của quần chúng bằng không gian mạng. Lướt qua facebook một lượt thì không khí bi thương bao trùm lên từng cái nick, đâu đây những tiếc khóc nức nở, tiếng thở dài chán nản thậm chí là chửi rủa những kẻ được cho là trót "đối nghịch" với tư tưởng của ông Thanh.
So sánh sự ra đi của ông Thanh và của cụ Võ Nguyên Giáp là khập khiễng, nhưng không thể phủ nhận sức lan tỏa của hình ảnh một vị lãnh đạo quyết liệt, không nói chỉ làm và hết mực tận tụy với công việc, có công lớn trong sự phát triển - dẫu còn nhiều tranh cãi, của thành phố Đà Nẵng. Xây nên một đô thị được cho là "đáng sống" ở giữa một mảnh đất cằn cỗi "khó sống" đủ để nói lên tầm vóc một con người, và như một lẽ tự nhiên, số đông nhất nhất suy tôn ông lên tầm Thánh.
Hãy tạm ghìm cảm xúc lại đôi phút và nhìn nhận lại về nhân vật chắc chắn sẽ đi vào lịch sử này một cách khách quan hơn, tôi không hề đang cố tỏ ra khác biệt trong suy nghĩ, chỉ là tôi luôn tách mình ra khỏi đám đông khi quan sát một sự vật, hiện tượng và mọi kết luận, đánh giá của tôi được xây dựng bằng lý trí, đương nhiên, nó sẽ luôn được viết ra bên tách cà phê.
Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh thì không thể không nhắc đến Đà Nẵng. Cách đây chưa lâu tôi có dịp về thăm Đà Nẵng, ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi về thành phố này là đường nhựa, đường đẹp tới mức tôi đã không kìm chế được mà hỏi mua ngay một đôi giày inlineskate (trượt băng) để trượt vài vòng cảm nhận cái cảm giác phiêu trên con đường vắng vẻ mịn như nhung, mặc cho người đi đường nhìn, chỉ trỏ hay thậm chí là cười, tôi chỉ tự nhủ người ta có biết mình là ai đâu mà phải sợ. Đường sá đẹp là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng một đô thị, nó nằm trong tứ trụ điện đường trường trạm, rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Về điều này thì Đà Nẵng đang làm tốt hơn Hà Nội rất nhiều.
Nhưng tôi phát hiện ra một điều đó là dân Đà Nẵng không hề giàu, có thể nói, là khá nghèo nếu so với mặt bằng chung ở Hà Nội đặc biệt là khu vực tôi sinh sống. Những người giàu mà cá nhân tôi gặp ở Đà Nẵng đều không phải người sinh ra ở thành phố này, hay đất nước này. Sự phát triển chủ yếu nhờ vào dòng vốn ngoại luôn có cái giá của nó.
Tôi nghĩ ông Thanh đã làm khá tốt trong việc biến Đà Nẵng thành một nơi đáng sống đối với người nghèo và trung lưu, chứ không phải những người muốn kiếm tiền. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn muốn có một căn nhà ở Đà Nẵng để nghỉ dưỡng khi mệt mỏi, nếu ven bờ biển thì càng tốt, nhưng bỏ tiền vào đây kinh doanh thì dứt khoát không. Và bạn sẽ ngạc nhiên khi lái xe một vòng Đà Nẵng tìm mua chiếc tuốc nơ vít cũng không hề dễ dàng, tôi thích Đà Nẵng nhưng không ủng hộ sự phát triển theo hướng này.
Vài năm trước, báo chí xôn xao về thông tin ông Thanh lên Trung Ương nhận trọng trách trưởng ban Nội Chính, dư luận như nghẹt thở ngóng trông một vị Bao Công hay Lưu Dung tái thế sẽ phất cao lá cờ triệt hạ tham nhũng, "hốt liền" trở thành câu khẩu hiệu thần thánh và cũng thành cái nickname đeo bám theo ông cả cuộc đời, và chính nó cũng đã dạy một bài học đau đớn cho vị tướng người miền Trung về sự khắc nghiệt của môi trường chính trị đất Kinh Kỳ, nơi chỉ những trí tuệ đỉnh cao mới có thể tồn tại và phát tiết tinh hoa, và thực tế đã cho thấy, khi mất điểm tựa là quyền lực tối cao của một vị vua địa phương, ông Thanh đã chẳng thể làm gì hơn, chẳng hốt được ai, và những điều ông hứa hẹn, trong phút chốc trở thành trò cười.
Ông là một người lãnh đạo gần gũi với quần chúng, nhưng thăm hỏi một vài người thuộc giai cấp cần lao, xây những căn chung cư tiện nghi giá chỉ 200 triệu cho dân nghèo không quan trọng bằng việc tạo điều kiện cho họ tự làm giàu vươn lên, hay chí ít đừng có mãi trông mong vào phúc lợi của chính quyền.
Ông giỏi, nhưng không phải là hoàn hảo. Ông có tâm, nhưng không có nghĩa ông đã ở tầm cao nhất.
Bất kể anh là ai, khi đã từ giã cõi trần ra đi, di sản duy nhất của anh để lại là một cái mả. Những thành tựu của anh, tư tưởng hay ước mơ đang dang dở của anh, sẽ mặc nhiên thuộc về những người còn sống, cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục nhịp chảy của nó, còn anh thì đã dừng lại ở một dòng nào đó trong sách giáo khoa lịch sử. Hãy để cụ Bá Thanh ra đi trong sự bình yên, đừng cố tô đen, bôi đậm, phết hồng, xin đừng tự ý thêm dấu sắc vào tên ông ấy!
Phương Lê
Phương Lê
No comments:
Post a Comment