Có lẽ hầu hết chị em phụ nữ trên toàn thế giới đều mong chờ đến ngày 8 tháng 3 để được nhận những bó hoa, lời chúc tốt đẹp và những món quà (chủ yếu là từ cánh mày râu) theo đủ mọi cách để cảm thấy mình được tôn trọng, như mọi công dân bình đẳng trong xã hội. Tôi được biết ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác còn có cả ngày của mẹ (Mother’s day) để tôn vinh các bà mẹ, ở nước ta thì chị em phụ nữ còn có cả ngày 20 tháng 10 là ngày Phụ nữ Việt Nam, đối với các cô giáo thì họ còn có cả thêm ngày 20 tháng 11 cùng với các thầy giáo. Ngẫm ra thì thấy hầu hết chị em phụ nữ ngày nay dường như đều đã được tôn vinh và coi trọng sau cả hàng ngàn năm đấu tranh vất vả vì quyền lợi như mọi công dân khác, để được bình đẳng như nam giới.
Nhưng tại sao ta lại chỉ tôn vinh họ vào mỗi những ngày như vậy? Một năm có đến 365 ngày, ở mỗi quốc gia và vùng miền thì trong từng đấy ngày có thể có hàng trăm, hàng nghìn ngày lễ, tôn vinh, kỷ niệm khác nhau, nhưng vai trò của người phụ nữ dường như vẫn ít khi được nhắc đến đầy đủ và trọn vẹn, chỉ khi có những cá nhân xuất chúng nổi bật xuất hiện trong lịch sử thì chúng ta mới nhắc đến. Lịch sử nước ta có những vị anh hùng như chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai vị anh hùng dân tộc xuất hiện sớm nhất. Sau đó đến nữ anh hùng Triệu Thị Trinh (Bà Triệu). Bên cạnh đó là những người phụ nữ khác không nổi danh nơi sa trường trận mạc, họ là hoàng hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, công chúa An Tư, công chúa Huyền Trân, Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân… họ cũng đáng được tôn vinh vì những đóng góp và sự hi sinh to lớn cho đất nước, nhưng dường như họ vẫn ít khi được nhắc đến.
Có người từng nói: “Thời chiến, phụ nữ còn khổ hơn cả đàn ông”, câu này chẳng sai tí nào. Lịch sử đất nước ta có 4000 năm dựng nước thì có tới 2000 năm chiến tranh để giữ nước, và cả những cuộc nội chiến phân chia nam bắc kéo dài cả trăm năm. Trong bất kỳ cuộc chiến nào, máu đều đổ, và luôn có những người vợ, người mẹ đằng đẵng chờ chồng hoặc con mình cả cuộc đời mà không bao giờ được nhìn thấy lại họ. Chúng ta có mẹ Nguyễn Thị Thứ, người đã chờ chồng, 9 người con trai, 1 người con rể và 2 cháu ngoại suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ và rồi sự chờ đợi của Mẹ đã kết thúc vào năm 2010 khi Người trút hơi thở cuối cùng và gặp lại họ. Và còn biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam anh hùng khác vẫn đang mòn mỏi chờ đợi, dẫu biết chẳng bao giờ gặp lại nhưng họ vẫn ngày ngày nhìn về phía bầu trời với hi vọng nhìn thấy người thân của mình ở đâu đó, dù là trong ký ức, trong suy nghĩ và cả trong những giấc mơ. Đất nước đã thống nhất và hòa bình, nhưng họ mãi mãi chẳng được sum họp với người thân của mình. Dường như chỉ một ngày 8 tháng 3 cũng không đủ để tôn vinh sự hi sinh của họ, cũng như nhiều người phụ nữ Việt Nam khác, những người đã vất vả một mình nuôi dạy cả gia đình khi xa chồng trong những năm máu lửa đầy hào hùng mà cũng không kém phần đau thương của đất nước, của cả dân tộc Việt Nam.
Mà tôn vinh người phụ nữ đâu chỉ là mỗi qua bó hoa, gói quà, thiệp chúc mừng hay những thứ tương tự. Một người chồng khi về nhà có thể giúp vợ một tay công việc gia đình thay vì đi ăn nhậu tối khuya và về thì nôn ra giữa sàn nhà và lăn ra ngoài đấy, hoặc về đánh vợ chửi con kể cả lúc tỉnh táo hay say xỉn, hãy đừng như nhà văn Hộ trong Đời thừa để đến lúc tỉnh dậy mới biết thương vợ con, mà hãy biết yêu thương và giúp đỡ họ từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống gia đình, chỉ điều đơn giản nhỏ nhoi thế thôi nhưng đó cũng đã là sự tôn vinh lớn dành cho họ rồi. Đối với các bà mẹ, họ chỉ cần nhìn thấy con mình, bên cạnh thành tích học tập ổn đinh, trưởng thành mà không vấp phải những thói hư tật xấu mà giới trẻ ngày nay vẫn hay đưa lên mạng thì thế cũng đã là mãn nguyện lắm rồi. Chỉ cần làm được như thế, thì đối với mọi người phụ nữ, 365 ngày trong một năm đều là ngày 8 tháng 3.
Những lúc này đây ở các nước trên thế giới, vẫn có những người phụ nữ phải chịu cảnh đói khổ, vất vả, sỉ nhục, bạo hành, bóc lột, hãm hiếp, đe dọa tính mạng và đủ mọi điều khốn khổ khác. Đối với họ, ngày 8 tháng 3 chẳng có ý nghĩa gì nếu cuộc sống của họ không thoát khỏi những ngày đen tối như mực giống chị Dậu ở nước ta thời bán con bán chó ngày xưa.
Hải Trang
No comments:
Post a Comment