Wednesday, March 25, 2015

SINH THÁI VÀ SINH LỜI

Tôi cần phải nhắc lại nhiều nhiều lần nữa, mọi tiến bộ đều đòi hỏi hy sinh, một dân tộc giỏi, hùng mạnh là một dân tộc dám phá núi, san rừng, lấp bể, thiên nhiên phải phục vụ con người chứ không thể có chuyện ngược lại, lợi ích kinh tế và môi trường, xã hội phải được đặt ngang hàng nhau, vì lẽ đơn giản, khi đói, người dân sẽ phá hoại môi trường nhanh và khủng khiếp hơn bất kỳ một doanh nghiệp bất lương nào.


Mời các bạn đến thăm quan thành phố Brisbane nước Úc nơi có con sông quê vĩ đại cùng tên, mới năm ngoái thôi, thành phố này đã khánh thành một công trình thế kỷ là cầu đi bộ giữa sông thay thế cho cây cầu cũ bị lũ phá huỷ tan tành vào năm 2011. Công trình này tiêu tốn tới 72 triệu đô la, dài 870 mét và rộng 6 mét (rộng hơn cầu cũ 1 mét) và là niềm tự hào của cả thành phố.

Brisbane Riverwalk trong quá trình thi công

Trong quá trình lập dự án thi công, công trình đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của tầng lớp cần lao và một số nhà môi trường học do lo ngại ảnh hưởng tới dòng chảy, địa chất và hệ sinh thái, mà lý do được đưa ra nhiều nhất là sự đe doạ biến mất của loài cá tuyết sông đặc hữu. Để thi công công trình này, người ta đã đổ xuống dòng sông hàng triệu khối đất đá để giữ vững những trụ cầu bê tông khổng lồ, mỗi trụ cầu này cắm sâu 18 mét và cần một quả núi đá hộc nho nhỏ bọc dưới chân để giữ cho nó không đổ. Nói không ngoa, nó không chỉ là một cây cầu, nó còn là một con đập ngầm khổng lồ.

Trụ cầu bê tông của Brisbane Riverwalk, to bằng 2, 3 căn nhà Phố Cổ

Và giờ đây, công trình đã hoàn thành, rực rỡ, huy hoàng, là biểu tượng cho sự văn minh, hiện đại, hoà hợp giữa con người và thiên nhiên của nước Úc. Cá tuyết vẫn sống khoẻ, còn thành phố mỗi năm có 5,5 triệu lượt khách tới tham quan du lịch, và con số vẫn tăng đều hàng năm, tạo ra nguồn thu quan trọng cho kinh tế địa phương. Du khách đến Brisbane không thể bỏ qua cơ hội được trải nghiệm cảm giác đạp xe trên cây cầu zigzag giữa lòng sông hùng vĩ thưởng thức từng luồng gió biển cận nhiệt sảng khoái.

Brisbane Riverwalk sau khi hoàn thiện

Nếu không có sự quyết liệt, dám nghĩ dám làm và đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân Australia, thì liệu kỳ quan nhân tạo kia có được hoàn thành không? Chắc chắn là không.


Brisbane Riverwalk chụp từ vệ tinh

Nhìn sang nước ta mà buồn, phong trào phản đối dự án lấn sông Đồng Nai xây khu đô thị, khách sạn, văn phòng hiện đại đang dâng cuồn cuộn hơn cả nước về mùa lũ, lý do đưa ra rất mập mờ là nó sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy tự nhiên và cuộc sống của cư dân quanh khu vực đó (lý do ảnh hưởng tới việc cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM là vớ vẩn không đáng bàn, vì dù có lấp bao nhiêu đi chăng nữa, có chăng chỉ thay đổi vận tốc dòng chảy của sông đoạn bị lấp, chứ lượng nước chảy qua sông mỗi ngày không hề thay đổi).

Dự án cải tạo cảnh quan đô thị đã triển khai được một phần chụp từ vệ tinh, diện tích lấn chiếm sông sau khi hoàn thành là rất nhỏ và không ảnh hưởng gì tới hệ sinh thái.

Một khu đô thị mới xây lên trên mặt sông có thực sự đập nồi cơm của cần lao? Điều dễ thấy nhất là giá nhà đất của dân cư xung quanh sẽ tăng vọt và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra trong và sau dự án, nếu được ở ngay bên cạnh núi vàng mà bị đói, thì đó không phải lỗi của doanh nghiệp hay dự án, mà là lỗi của chính bản thân họ.

Công trường đang dang dở, ước mơ hiện đại hóa lại một lần nữa có nguy cơ bị bỏ dở

Hãy cứ kiên định mà làm, nếu mất, ta chỉ mất sự nghèo đói, nếu được, đó là tiền đề để đi tới văn minh. Vì nếu như không có dự án, bờ sông đằng nào cũng là chỗ cho cần lao đổ rác thôi, có phỏng?

Phối cảnh dự án đẹp như tranh sau khi hoàn thành, dân ta dường như chỉ thích những thứ nhỏ nhỏ như nhà ống vài chục mét vuông, những thứ to đẹp đều mặc định phải là xấu xa

Kẻ thù của sự tiến bộ là ngu dốt, nhưng nguy hiểm nhất là khi sự ngu dốt được hà hơi, tiếp sức bởi những kẻ đạo đức giả cầy.

Chung Nguyễn

No comments:

Post a Comment